Mười vạn câu hỏi vì sao” là bộ sách phổ cập khoa học dành cho lứa tuổi thanh, thiếu niên, dùng hình thức trả lời hàng loạt câu hỏi “Thế nào?”, “Tại sao?” để trình bày một cách đơn giản, dễ hiểu một khối lượng lớn các khái niệm, các phạm trù khoa học, các sự vật, hiện tượng, quá trình trong tự nhiên, xã hội và con người, giúp cho người đọc hiểu được các lý lẽ khoa học tiềm ẩn trong các hiện tượng, quá trình quen thuộc trong đời sống thường nhật, tưởng như ai cũng đã biết nhưng không phải người nào cũng giải thích được.

Bộ sách gồm 12 tập, trong đó có 11 tập trình bày các khái niệm và các hiện tượng thuộc 11 lĩnh vực hay bộ môn tương ứng:

  • Mười Vạn Câu Hỏi Vì Sao – Toán học,
  • Mười Vạn Câu Hỏi Vì Sao – Vật lý,
  • Mười Vạn Câu Hỏi Vì Sao – Hóa học,
  • Mười Vạn Câu Hỏi Vì Sao – Tin học,
  • Mười Vạn Câu Hỏi Vì Sao – Khoa học môi trường,
  • Mười Vạn Câu Hỏi Vì Sao – Công nghệ,
  • Mười Vạn Câu Hỏi Vì Sao – Trái đất,
  • Mười Vạn Câu Hỏi Vì Sao – Cơ thể người,
  • Mười Vạn Câu Hỏi Vì Sao – Khoa học vũ trụ,
  • Mười Vạn Câu Hỏi Vì Sao – Động vật,
  • Mười Vạn Câu Hỏi Vì Sao – Thực vật,
  • Hướng dẫn tra cứu.

Ở mỗi lĩnh vực, các tác giả vừa chú ý cung cấp các tri thức khoa học cơ bản, vừa chú trọng phản ánh những thành quả và những ứng dụng mới nhất của lĩnh vực khoa học kỹ thuật đó. Các tập sách đều được viết với lời văn dễ hiểu, sinh động, hấp dẫn, hình vẽ minh họa chuẩn xác, tinh tế, rất phù hợp với độc giả trẻ tuổi và mục đích phổ cập khoa học của bộ sách.




Trong xã hội ngày nay, con người sống không thể thiếu những tri thức tối thiểu về văn hóa, khoa học. Sự hiểu biết về văn hóa, khoa học của con người càng rộng, càng sâu thì mức sống, mức hưởng thụ văn hóa của con người càng cao và khả năng hợp tác, chung sống, sự bình đẳng giữa con người càng lớn, càng đa dạng, càng có hiệu quả thiết thực. Mặt khác khoa học hiện đại đang phát triển cực nhanh, tri thức khoa học mà con người cần nắm ngày càng nhiều, do đó, việc xuất bản Tủ sách phổ biến khoa học dành cho tuổi trẻ học đường Việt Nam và cho toàn xã hội là điều hết sức cần thiết, cấp bách và có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa nhân văn rộng lớn. Nhận thức được điều này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho xuất bản bộ sách Mười vạn câu hỏi vì sao và tin tưởng sâu sắc rằng, bộ sách này sẽ là người thầy tốt, người bạn chân chính của đông đảo thanh, thiếu niên Việt Nam đặc biệt là HS, SV trên con đường học tập, xác lập nhân cách, bản lĩnh để trở thành công dân hiện đại, mang tố chất công dân toàn cầu.

***

1. Vì sao nói mọi vật trên thế giới đều do các nguyên tố tạo nên?
Nói cho cùng thì mọi vật trên thế giới do cái gì tạo nên? Từ hơn 2000 năm trước đã có người đặt ra câu hỏi này. Mãi cho đến khi khoa học Hoá học phát triển, người ta đã tiến hành phân tích vô số các mẫu vật mới phát hiện được: Các vật trên thế giới đều do một số không nhiều lắm các chất đơn giản như: cacbon, hyđro, oxy, nitơ, sắt…tạo nên. Hơn thế nữa, người ta có thể dùng các chất đơn giản này tổng hợp nên nhiều chất phức tạp đa dạng khác. Người ta gọi các chất đơn giản cơ bản này là các nguyên tố. Ví dụ oxy và sắt là những nguyên tố, còn oxit sắt lại không phải là nguyên tố, vì oxit sắt là do các nguyên tố sắt và oxy tạo nên.

Đến nay người ta đã phát hiện ra tất cả 109 nguyên tố. Từ nguyên tố có số thứ tự 93 đến 109 đều là các nguyên tố nhân tạo, trong đó nguyên tố 109 mới được phát hiện vào năm 1982.




Đến đây chắc các bạn sẽ nửa tin nửa ngờ đặt ra câu hỏi: chỉ với 109 nguyên tố, một con số không lấy gì làm lớn cho lắm mà lại tạo ra được hàng ngàn, hàng vạn các vật khác nhau trên thế giới sao?

Quả tình thì điều này chả có gì lạ cả. Chẳng lẽ các bạn không thấy là từ các nét chữ, con chữ đơn giản người ta đã viết nên những pho sách thiên kinh, vạn quyển đó sao?

Đối với các nguyên tố cũng vậy. Từ các nguyên tố khác nhau, số lượng khác nhau cho “kết hợp” với nhau có thể tạo nên nhiều chất phức tạp, các nhà hoá học gọi đó là các hợp chất. Ngày nay người ta đã tổng hợp ước đến 3 triệu loại hợp chất khác nhau. Các vật mà chúng ta trông thấy hằng ngày, tuyệt đại đa số không phải là các nguyên tố mà là các hợp chất, do nhiều loại nguyên tố kết hợp với nhau mà thành.

Ví dụ như nước là do hai nguyên tố oxy và hyđro tạo nên. Monooxit cacbon và đioxit cacbon đều do hai nguyên tố oxy và cacbon tạo nên. Khí đầm lầy (metan), khí đốt thiên nhiên, than đá, vazơlin đều do hai nguyên tố cacbon và hyđro kết hợp với nhau mà thành. Rượu, đường, chất béo, tinh bột là do 3 nguyên tố cacbon, hyđro, oxy tạo nên.

Không chỉ các chất trên Trái Đất mới do các nguyên tố tạo nên mà các chất trên các hành tinh khác cũng do các nguyên tố tạo nên. Điều làm người ta hết sức lạ lùng là nếu đối chiếu các nguyên tố có trên Trái Đất và các nguyên tố ở trên các thiên thể khác thì chúng “không hẹn mà nên” đều hoàn toàn giống nhau. Nếu đưa các “vị khách đến từ bên ngoài” như các thiên thạch đi phân tích bằng các phương pháp trực tiếp hoặc bằng phân tích quang phổ, người ta tìm thấy rằng không có nguyên tố nào có mặt trên các thiên thể khác lại không có mặt trên Trái Đất của chúng ta.

Mời các bạn đón đọc 10 Vạn Câu Hỏi Vì Sao – Hoá học của tác giả Nguyễn Văn Mậu.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.