Quyển sách này là phiên bản mới của quyển Tài ba của luật sư xuất bản năm 2010 và tái bản hai lần sau đó. Đó là kết quả của những góp ý từ độc giả, của kinh nghiệm tác giả thu thập được qua các lớp học được tổ chức tại Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cũng như sự tìm tòi và học hỏi của bản thân trong suốt 5 năm qua. Cũng như sách trước, quyển sách này được viết cho các luật sư mới bước chân vào nghề. 
Tựa quyển sách nêu bật một điều kiện tri thức của luật sư, điều mà họ phải có khi hành nghề. Đó là công cụ của họ, giống như người nông dân phải có cuốc. Tư duy pháp lý của luật sư bắt nguồn từ khả năng phân tích của họ và kết quả của nó là các lập luận trình bày cho người khác. Luật sư phải giỏi phân tích vì trong nghề nghiệp của mình, họ phải đương đầu với các sự kiện hay các thực tại nhất định của cuộc sống. Khách hàng không đem một văn bản luật đến cho luật sư mà là một vụ tranh chấp, một vấn đề pháp lý cần có câu trả lời. Đáp ứng cho khách hàng, luật sư phải phân tích vụ việc và đề ra giải pháp phù hợp luật lệ. Vậy trước hết, luật sư biết cách tư duy pháp lý là để phục vụ mình! 
Trong một vụ tranh chấp được xét xử ở tòa thì luôn luôn có hai bên. Luật sư của nguyên đơn nộp lý lẽ lên tòa để khởi kiện thay cho thân chủ. Họ khởi đầu một vụ kiện. Ở đó chống đỡ cho thân chủ – bị đơn – là một luật sư khác. Họ giúp kết thúc vụ án. Biết tư duy pháp lý, cả hai nghiên cứu vụ việc một cách “toàn diện, đầy đủ và khách quan”. Do vậy họ sẽ đóng góp nhiều lý lẽ để tòa án xem xét trong quá trình tố tụng. Chính luật sư của nguyên đơn sẽ làm cho công việc ban đầu của thẩm phán thành dễ dàng hay rắc rối. Như thế, tư duy pháp lý của luật sư đóng góp đáng kể cho tòa án. 
Trong một vụ tư vấn, luật sư chỉ có đối tác, hiển hiện đâu đó. Tư duy pháp lý giúp họ phân tích vụ việc để thấy trọng tâm, bản chất của nó, hầu đề nghị cách thực hiện đúng và nhanh. Được như vậy là vì sự phân tích trong tư duy pháp lý đòi hỏi luật sư phải có kiến thức. 

Tư duy pháp lý trình bày ở đây là một phương pháp, một “cái cuốc”. Nó sẽ giúp các luật sư mới vào nghề, khi chịu học và được chỉ bảo thêm, thì không bao lâu có thể một mình đảm nhận công việc. Ở đây, tác giả cố gắng trình bày phương pháp một cách rõ ràng và tỉ mỉ. Điều đó làm cho quyển sách này khác với các quyển trước có cùng nội dung. Và để cho quyển sách không dày quá, chỉ có một số vụ án mới được thêm vào. 
So với quyển sách đầu tiên xuất bản năm 2003, đến quyển năm 2015 này, thời gian đã đủ dài để độc giả quen thuộc với phương pháp trong sách, vốn được du nhập từ nước ngoài và đã được “địa phương hóa”. Tất nhiên cố gắng đó đã không thể là một thành quả nếu không có Nhà xuất bản Trẻ làm … “bà đỡ” trong thời gian đã nêu cũng như sự giúp đỡ của các bạn bè thân thiết. Dẫu sao, quyển sách này vẫn còn những khiếm khuyết. Lời nói đầu xin được ngưng ở đây với câu: Xin quý độc giả tha thứ và chỉ giáo về những khiếm khuyết, vốn không thể tránh được do sự bất toàn của con người. 

Nguyễn Ngọc Bích Tháng 3 năm 2015

***

Đối tượng của quyển sách này là luật sư đang tập sự trong một đoàn luật sư. Nó giúp bạn “kiếm tiền từ thân chủ”. Bởi thế bạn nào còn đang là sinh viên hay học viên, tức đang phải “kiếm điểm từ thầy dạy” thì nên hỏi ý kiến các thầy của mình trước khi dùng. 

Bạn có thể hỏi tôi là: Khi học ở Học viện Tư pháp, tôi đã được dạy và đọc nhiều về các kỹ năng của luật sư, vậy TDPL dạy thêm kỹ năng gì? Tôi xin trả lời là đi tìm các câu hỏi pháp lý (legal issue) nằm trong một vụ tranh chấp. Nó đi xa hơn và sâu hơn quá trình nghiên cứu một vụ án mà bạn đã học ở Học viện Tư pháp, vốn được khái quát như sau1: 
i. Nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án; ii. Đọc lướt qua toàn bộ hồ sơ; iii. Ghi chép các sự kiện chính theo ngày tháng, theo nội dung sự việc, theo sự kiện; 
1 “Giáo trình kỹ năng giải quyết vụ kiện dân sự”; (Hà Nội: Học viện Tư pháp; NXB Công 
an Nhân dân, 2007); t.289. 
iv. Sắp xếp và nghiên cứu các chứng cứ; v. Suy nghĩ về phương hướng để tìm ra giải pháp giải quyết vụ án có lợi 
cho khách hàng của mình. 
Để thực hiện công việc ấy, tôi chia quyển sách này ra làm bốn phần: 
• Phần một: Giới thiệu với bạn về TDPL và đưa ra các điều kiện bạn phải có, hay phải thay đổi so với trước kia để có thể có TDPL. Tốt nghiệp trường luật xong bạn chưa có khả năng TDPL để làm luật sư; vì trường luật đào tạo bạn làm cán bộ pháp chế (tức là soạn luật để cho người khác áp dụng, và giám sát việc thực hiện luật). Bạn sẽ biết về điều này rõ hơn khi đọc Chương 2 của Phần này. 
• Phần hai: Trình bày cách TDPL; gồm phương pháp thực hiện; các vụ án để bạn… luyện chưởng và biết tính chất của các CHPL. 
• Phần ba: Đưa ra một số vụ án để các bạn tập làm một mình hầu kiểm tra mức độ sử dụng TDPL. 
• Phần bốn: Một số bài đọc thêm để bạn mở rộng kiến thức. 
Điều tôi chú trọng trong quyển sách là thu thập các sự kiện, vụ việc để phân tích. Chúng xuất phát từ thực tế, do tôi thu thập từ các bài của báo chí và các bản án của các tòa án khác nhau. Tuy nhiên, tôi không ghi lại các nguồn, số bản án, số báo… vì tôi muốn các bạn chỉ quan tâm đến các sự kiện hay vụ việc có thật để bạn có dữ kiện phân tích; và xin nhấn mạnh, không có một mục đích nào khác. Như đã nói ở Lời nói đầu, số vụ án trong sách này không tăng nhiều so với sách cũ; vì tôi sợ quyển sách sẽ dày như… từ điển, khó cầm. Vấn đề là đi vào chất lượng. 
Đây là sách “dạy nghề”, không phải sách nghiên cứu. Ngoài ra vì “cái cuốc” mà bạn muốn trang bị cho mình vốn trừu tượng, nên nhiều khi tôi phải nhấn mạnh, làm cho nó rõ ra bằng hình minh họa, và lặp đi lặp lại ở nhiều chỗ. Việc này giống như cầm tay chỉ việc. Mong bạn không khó chịu vì cứ phải nghe đi nghe lại mãi. 
Để đền cho bạn, tôi có nhờ một đồng nghiệp vẽ minh họa ở vài chỗ. Tự nhận họa sĩ tay ngang, người vẽ tên là Huỳnh Thị Kim Hồng. 
 

 

Mời các bạn đón đọc Tư Duy Pháp Lý Của Luật Sư của tác giả Nguyễn Ngọc Bích.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *