Tin tức về một nam sinh lớp 9B bị mưu sát lan truyền khắp trường Ishinomori. Cậu là ai? Kẻ nào đã giết cậu và với mục đích gì? Tất cả vẫn phủ tấm màn bí ẩn. Nhưng vụ án mạng dường như chỉ là khởi đầu của mọi chuyện. Linh hồn của cậu trở về từ Ma giới, buông lời nguyền độc địa tới các học sinh lớp 9B.

Lời nguyền vô tình gắn kết hai cô bé Arisugawa – học sinh mới chuyển đến trường Ishinomori, và Hana – người đã trốn trong nhà một năm bởi vết thương lòng trong quá khứ. Nhằm điều tra sự thật về lời nguyền của Judas, hai cô bé cùng dấn thân vào một chuyến phiêu lưu kỳ lạ và bất ngờ thay, trên hành trình đó họ đã tìm ra lời giải cho những hoài nghi về bản thân mình.

***




Review Hana, Alice Và Lời Nguyện Của Linh Hồn Judas by Iwai Shunji:

Cuốn sách này được mình mua bởi tên tác giả: Otsuichi. Mình từng rất ấn tượng các truyện của Otsuichi bởi cốt truyện độc đáo, mặc dù cách dẫn truyện khá đơn giản và chỉ sử dụng thủ pháp giấu nhân vật chính dưới góc nhìn thứ nhất và tráo đổi góc nhìn giữa các câu chuyện nhỏ. Từ Goth đến Zoo và ấn tượng bởi “7 căn phòng”, mình tìm đến Alice, Hana và lời nguyền của linh hồn Judas cùng tâm trạng háo hức mong chờ xem thử lần này, Otsuichi sẽ đưa câu chuyện nào ra cho độc giả. Nhưng có lẽ vì mong chờ quá nhiều nên mình có cảm giác câu chuyện này chưa thật sự đáp ứng được mình. Hoặc có thể do giọng văn dịch, hoặc do khung truyện là của người khác được Otsuichi viết lại…nhưng dù với bất kì lý do nào, thì mình cũng không đánh giá cao Alice, Hana và lời nguyền của linh hồn Judas cho lắm. Nó quá nông.

Nông về nội dung và cũng nông về cảm xúc khi đọc truyện. Về nội dung, thì câu chuyện quá đơn giản. Truyện kể về Arisugawa – một cô bé 14 tuổi vừa đổi từ họ cha sang họ mẹ mới chuyển đến một khu phố xa lạ, sống bên cạnh căn nhà có đầy hoa cùng người chủ là cô Arai trông có vẻ kì quặc. Cuộc sống của Arisugawa càng bị đảo lộn hơn khi chỗ ngồi của cô bé là vị trí cũ của một người tên Judas – kẻ được cho là thuộc về “Ma giới”. Chịu sự kì thị xa lánh của bạn cùng lớp, Arisugawa không thể chấp nhận được việc đó và cô bé quyết định đi tìm chân tướng sự việc, từ đây, mọi việc dẫn đến nhiều tình huống ngẫu nhiên bất ngờ hơn nữa.




Nhìn chung, câu chuyện của Arisugawa – hay Alice (chơi chữ của từ “Arisu” đồng âm với Alice trong bảng chữ cứng Katakana) khá đơn giản. Động cơ của cô bé chỉ là muốn kết nối với phần còn lại của lớp học và thay đổi cuộc sống của mình, mặc dù tác giả có đưa thêm vào chi tiết bố của Alice làm cảnh sát hình sự, nhưng sự xuất hiện của ông trở nên dư thừa và mờ nhạt đến độ khiến mình cảm thấy bực bội. Mình đã hy vọng rằng câu chuyện sẽ có diễn tiến kịch tính hơn khi người bố làm hình sự nói đến các vụ án, nhưng cuối cùng câu chuyện lại trở về với những lấn cấn rất đời thường và nhỏ bé của những cô bé cấp 2.

Về tuyến nhân vật, câu chuyện bị dư thừa khá nhiều nhân vật. Trong khi tình tiết toàn truyện chỉ xoay quanh hai nhân vật chính là Alice và Hana – cô bạn đã nghỉ học 1 năm trời vì lỡ làm người con trai mình thích bị phản ứng với nọc ong đang không biết sống chết. Nhưng một loạt các nhân vật phụ được nêu ra và “làm quá” lên với vẻ bí ẩn khiến câu chuyện bị loãng hẳn đi, khiến độc giả như mình cảm thấy chán nản khi phải theo dõi tiếp. Người mẹ làm nhà văn của Alice được nhắc đến vài lần nhưng rồi cũng trôi tuột đi mà không để lại ấn tượng gì, tương tự với vấn đề múa ballet của nhân vật chính được nhắc tới trong vài chương cũng không nêu ra được vấn đề nào, hoặc cô bạn kì lạ vẽ pháp trận kêu gọi Ma giới được dành hẳn 2 chương dài để kể về…mẹ của cô bé cũng gây khó hiểu cho người đọc. Quá nhiều nhân vật thừa thãi, chiếm dụng hết phần lớn mạch truyện chỉ khiến người đọc cảm thấy mong chờ một cái kết xứng tầm hơn thế.

Tâm lý nhân vật được nhắc đến nhưng không thực sự sâu. Mình rất mong chờ tác giả đào sâu hơn về tâm lý của Hana hoặc nhân vật Mutsumi nhưng đáng tiếc, người đọc chỉ có thể nhìn thấy các tình tiết ngớ ngẩn của hai cô bé cấp hai cố gắng liên hệ lại với một người chưa rõ sống chết theo cách phức tạp hoá. Hana và Mutsumi thực sự là hai nhân vật ấn tượng nhất trong truyện nếu được khai thác tâm lý tốt. Một là hikikomori (tương tự như NEET – người không học vấn, không việc làm, không có mối quan hệ xã hội) bởi chấn thương tâm lý về việc lỡ tay khiến người mình thích bị sốc phản ứng với nọc ong. Một là người bị bắt nạt khi vô tình ngồi trúng vị trí xui xẻo trong lớp, phải chịu sự ghẻ lạnh của một xã hội thu nhỏ tại trường học. Nếu nhấn sâu được vào điểm này thì mình cho rằng câu chuyện sẽ cuốn hút hơn nhiều.




Cả câu chuyện khiến mình đọng lại một chút về việc bắt nạt học đường tại Nhật Bản (được nhắc qua rất mơ hồ trong vài đoạn), và tâm lý dễ hoảng hốt của lứa thanh thiếu niên tự nhốt mình trong nhà bởi những lý do nhỏ nhặt. Hướng giải quyết của câu chuyện cũng khá lằng nhằng, trong khi nhân vật trong truyện có thể lựa chọn một phương pháp nhanh chóng dễ dàng hơn nhiều. Vì thế, cả câu chuyện bị thổi phồng lên ở đoạn đầu và kết thúc quá nhẹ nhàng về sau cuối. Nó khiến mình không thực sự thoả mãn hoặc thích thú như khi đọc Zoo hoặc Goth trước đó.

Dĩ nhiên, cuối truyện kết thúc khá thoả đáng. Cách Hana quay lại trường học cũng khiến mình cảm nhận được tính chất “bầy đàn” của một xã hội thu nhỏ, khi có được một lý do để đặt niềm tin, thì dù điều đó có lố lăng đến mấy họ đều lắng nghe và gật đầu lia lịa, chẳng khác gì một bầy cừu non nghe gõ chuông là chạy ngay đến bất kể ở phía xa kia là sói hay người chăn cừu.

Tóm lại, Alice, Hana và lời nguyền của linh hồn Judas có lẽ sẽ thích hợp với các bạn thích anime ở lứa tuổi từ 13-17 hơn. Vì nó khá đơn giản, dễ đoán và nhẹ nhàng. Nếu cần một cuốn sách đọc để giải trí cho lứa tuổi thiếu niên, thì có lẽ nó rất thích hợp. Nhưng với mình thì Alice, Hana và lời nguyền của linh hồn Judas chưa thực sự đạt tới mức tiêu chuẩn để mình gọi nó là một cuốn sách có nội dung tốt.

Đánh giá: 5/10.

***

Sau cùng thì, tôi quyết định sẽ không oán trách Otsuichi là người đã chuyển thể anime này thành tiểu thuyết, hay Shunji Iwai là tác giả của cốt truyện gốc, mà sẽ là NHÃ NAM vì đã lừa tình tôi và khiến cho tôi có một kì vọng sai lệch vào cuốn truyện này ????
 
___ Hana, Alice, và lời nguyền của linh hồn Judas
(Thôi không rating nữa vì cảm xúc khi đọc đã bị ảnh hưởng quá nhiều)
(Nhưng chắc chắn là sẽ không đạt 7/10 đâu)
 

 
Hana, Alice, và lời nguyền của linh hồn Judas được Nhã Nam giới thiệu là một cuốn truyện trinh thám kinh dị, kể về một vụ án mạng kì dị được miêu tả là “4 Judas đã giết 1 Judas, và giờ đây linh hồn của Judas đang quay về báo thù”.
 
Nhưng BÙM!! Méo phải ????
 
Bình thường mình sẽ không spoil, nhưng lần này xin được nói ngay trọng tâm vấn đề ở đầu bài, và rồi chi tiết phân tích sẽ để xuống dưới. Mong rằng có ai muốn đọc nó thì sẽ không rơi vào tình trạng như mình, lỡ đặt kì vọng vào nó với cái tag “trinh thám, kinh dị” mà Nhã Nam in ngoài bìa sách để rồi khi kết thúc đến dòng cuối cùng là phẫn uất tràn trề. Đọc xong từ sáng mà giờ mới viết để xả được, ngứa ngáy hết cả người.
 
CUỐN SÁCH NÀY NÓ ĐÁCH PHẢI TRINH THÁM KINH DỊ ĐÂU
 

 
Phải nói là cuốn sách này là một sự lừa tình vô cùng hoàn hảo.
 
Thứ nhất là bìa và tựa sách, nghe đã thấy bí ẩn, và khi kết hợp “lời nguyền” với hình ảnh hai nữ sinh dễ tạo cảm giác cho độc giả đây thuộc thể loại vụ án ẩn nấp dưới truyện ma học đường, hay mấy cái như bảy điều bí ẩn ở trường mà học sinh Nhật vẫn kháo nhau đó. Bìa mang tông đen đỏ chủ đạo, cái tông màu mà nhìn vào là nghĩ ngay đến những chủ đề không lành mạnh, thiết kế bìa để che khuất mặt nhân vật lại càng khiến cho những hoài nghi tăng dần lên về những bí ẩn của nó.
 
Thứ hai là thể loại sách, bìa sau NN in chình ình 2 chữ “trinh thám, kinh dị”.
 
Và thứ ba là nhà văn đã chắp bút cho tác phẩm này, OTSUICHI, một nhà văn đã vốn nổi tiếng với lối hành văn đặc trưng và những cốt truyện độc nhất vô nhị, kì dị đến quái đản mà độc giả vẫn nói vui là chắc ổng phải hít quá nhiều cần, nhai quá nhiều thuốc mới có thể nghĩ ra những ý tưởng quái dị như vậy.
 
Và bùm, bạn Hồ đã bị lừa một cách ngoạn mục ????
 
Đoạn đầu khá ổn và đúng kiểu “trinh thám, kinh dị”, nhưng dần đến khúc giữa thì bắt đầu có vấn đề, cảm giác nó hơi bị lệch mạch đi và không khí truyện bắt đầu khác hẳn. Mình cũng không hẳn là kì vọng quá cao vì mình biết cốt truyện không phải là của Otsuichi nên chắc chắn sẽ không thể khớp với cách thể hiện của ổng được, nhưng trong đầu mình lúc đó đã nghĩ, rằng dẫu sao ổng cũng là người viết, và plot của nó cũng phải tầm dạng không tệ và gần với phong cách của ổng thì mới phù hợp được chứ. Thế nên, mình đã vẫn còn hi vọng và đọc tới cuối, dẫu sao sách cũng khá mỏng, mình đọc trong có 1 ngày đã hết.
Và rồi khi gập sách lại, cảm xúc của mình đã hòa quyện trong phẫn nộ và thất vọng ???? Ban đầu là thất vọng, nhưng sau khi suy ngẫm lại thì nó liền chuyển sang phẫn nộ.
 
LÀ BỞI VÌ CUỐN NÀY NÓ MÉO PHẢI TRINH THÁM KINH DỊ
 
Lúc đọc đến giữa quyển, mình có đi search thông tin về bản gốc, là anime của Shunji Iwai. Cái poster của nó trông trong sáng và bình thường một cách kì lạ, khác hẳn với cái bìa của NN, hoàn toàn chẳng gợi một chút không khí bí ẩn nào cả. Lúc đó mình cũng nghi nghi rồi, nhưng khi đọc thêm một đoạn nữa thì mình đã có thể hoàn toàn khẳng định, và đến cái kết thì thôi phải ráng kìm nén.
 
CUỐN NÀY NÓ MÉO PHẢI TRINH THÁM KINH DỊ
MÀ CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG XEN CHÚT BÍ ẨN THÔI
 
Mình thề mình thề mình thề mình thề.
 
Nếu đứng dưới góc nhìn nhận rằng cuốn truyện này thuộc thể loại Slice of Life, Slight Mystery thì nó hoàn toàn không tệ. Một câu chuyện về học đường, có nhiều điều khó hiểu xảy ra, khó khăn của nhân vật chính, sự móc nối đến một nhân vật thứ hai có liên quan cũng như tìm hiểu những bí ẩn xoay quanh một nhân vật trọng tâm trong quá khứ, và rồi là con đường tiến đến sự giải đáp cho tất cả những điều đó. Có mở, có kết, có nút thắt, có tháo nút, có li kỳ nhưng không quá phức tạp, và một cái kết dễ vừa lòng phần đông độc giả. Một câu chuyện nhẹ nhàng, đọc để giải trí, cho vui hoặc thư thái thì rất thích hợp, giống như là cầm lên một quyển sách nhẹ đọc vào những phút giây giải lao để thư giãn đầu óc vậy.
 
Nhưng không, mình đã không thể làm được điều đó ????
 
Bởi vì tất cả những điểm lừa tình ở trên đã hợp tác với nhau đánh vào tâm trí của mình và hình thành nên kì vọng rằng đây là một cuốn truyện trinh-thám-kinh-dị, khiến mình đọc nó dưới góc nhìn nhận của thể loại trinh-thám-kinh-dị. Và mọi người biết gì không? NẾU CUỐN SÁCH NÀY MÀ LÀ THỂ LOẠI TRINH THÁM KINH DỊ THÌ NÓ SẼ DỞ TỆ MỘT CÁCH THẢM HỌA LUÔN
 
Slice of Life chú trọng vào những tình tiết đời thường, nhẹ nhàng, dù có những khúc mắc hay bí ẩn xảy ra thì nó cũng sẽ không quá nặng nề, chỉ vừa đủ để khiến độc giả tò mò và quan trọng nhất là đem đến sự thư thái, thoải mái và thỏa mãn. Trong khi đã là trinh thám, kinh dị thì vụ án phải ra trò, phải khiến độc giả hồi hộp và rùng mình, phải khiến độc giả bị cuốn theo với khao khát tìm ra sự thật, phải khiến độc giả sốt sắng khi lật sang trang sách tiếp theo và phải khiến độc giả ồ lên hốt hoảng trước một sự thật được tiết lộ.
 
Đọc Hana Alice, mình thấy các tình tiết của nó trôi qua một cách bình lặng đến đáng sợ luôn, không phải là không có thăng trầm, nhưng nó quá nhạt để có thể coi là một “vụ án kinh dị”. Cũng có khá nhiều khúc mắc, hiểu lầm và những bí ẩn khó hiểu, nhưng khi được giải đáp ra thì thành ra nó lại quá ư là… nhạt, và thậm chí là có một chi tiết lúc giải ra được mình còn thấy nó cực kì nhảm nhí. Nó quá-đơn-giản, giống như là cố tình bày vẽ ra một vỏ bọc hào nhoáng nhưng bên trong chất lượng lại chỉ dừng ở mức trung bình thôi vậy. Có những tình tiết dường như là cao trào của bộ truyện, mang tính nắm trùm và là trọng tâm chủ yếu xoay quanh hành trình của hai nhân vật chính, thì lại có một cái kết thiếu muối đến mức dốc ngược cả lọ đổ vào cũng được. Chúng được thêu dệt nên bằng một vẻ bề ngoài bí ẩn, ma mị, nhưng kết cục kết cấu bên trong lại chẳng có gì phức tạp và xoắn vặn, cảm giác như nâng mình lên chưa đủ cao đã lại thả tõm xuống dưới vực thẳm vậy, thất vọng tràn trề. Nhân vật A có hành động khó hiểu, gây náo loạn những người xung quanh, mình đã cứ đinh ninh chắc mẩm hẳn là đầu óc của người đó có vấn đề, tâm lí không được bình thường và biết đâu sẽ còn ẩn chứa cả những nguyên do tâm thần nào đó. Nhưng không, chẳng có cái quái gì cả, chẳng có nguyên do sâu xa gì đằng sau nó, tất cả chỉ được giải thích bằng những lí do đến nước ốc cũng không mặn bằng, thực nản đến không thể tả.
 
Nếu đọc Hana Alice với tư thế của việc đọc một tác phẩm đời thường, tâm trí mình cũng sẽ bình lặng mà dừng lại ở chỗ đây chỉ là một câu chuyện đời thường, không có gì phức tạp cả đâu, không có ai bị điên hay tâm thần phân liệt đâu, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi và kiểu gì cũng sẽ êm đẹp mà. Mặc dù mình cũng chẳng thích đọc những tác phẩm nhẹ nhàng mang tính giải trí bởi với mình đã đọc là phải đọc những cuốn khó hiểu, phức tạp hay có nhiều vấn đề về mảng tâm lí để còn mổ xẻ nghiên cứu, nhưng nếu đã biết trước là nó thuộc thể loại đấy thì ít nhất khi đọc mình còn có tâm lí đi đúng hướng và không suy nghĩ quá nhiều. Nhưng NN và sự lừa tình của cuốn sách đã hướng mình sang tư thế của việc đọc trinh thám kinh dị, khiến mình kì vọng vào độ phức tạp của vụ án, khiến mình kì vọng vào sự khắc họa tâm lí nhân vật, khiến mình kì vọng vào những bí ẩn và khiến mình kì vọng vào việc sẽ có plot twist tát thẳng vào mặt mình như cách Otsuichi đã từng làm trong những cuốn sách trước của ổng. Nhưng không, chẳng có gì cả. Nếu không kì vọng thì cùng lắm mình chỉ thở dài vì đọc không đúng thể loại yêu thích, thấy cũng không tệ nhưng không có ấn tượng gì, và rồi dần dần sẽ quên luôn. Nhưng nó đã cho mình kì vọng, nên về cuối khi không được đáp ứng mình liền rơi tõm xuống hố thất vọng, thất vọng vì đã kì vọng, và rồi phẫn nộ vì nó đã gieo rắc kì vọng vào đầu mình để rồi thành ra thế này.
 
Đấy là còn chưa kể đến việc, có quá nhiều tình tiết, chi tiết thừa, chỉ nên để làm tình tiết phụ, nói ít thôi và lướt nhanh qua đi, và thậm chí là bỏ quách đi luôn cũng được vì nó chẳng ảnh hưởng gì đến cái xương chính cả. Nhưng không, chúng lại được nói kĩ, không đến mức quá sa đà nhưng nó cũng kiểu ngang ngửa với một tình tiết chính vậy, dù cho nó chẳng ăn nhập gì với “vụ án” và chẳng có gì móc nối với những chi tiết khác cả. Và nó khiến cho câu chuyện dù ngắn nhưng vẫn rườm rà, thi thoảng lại lạc đề mà chẳng hiểu trọng tâm nó bay đi đâu, khi đọc mình đã thử suy luận xem ở đây có gài cái gì không, có gì đáng để lưu tâm mà sau này có thể nhắc lại và trở thành một mấu chốt quan trọng nào đó không. Nhưng không, chẳng có cái gì cả, ngoài một đống tình tiết bên lề thừa thãi.
 
Tác phẩm này có bản manga với nét vẽ khá xinh, mình có lướt qua thì thấy đoạn kết có hơi khác trong light novel. Tuy nhiên mình không còn có một chút kiên nhẫn hay mong muốn nào đi xem cả bản anime với manga để đối chiếu với light novel như đã từng làm với Confession nữa, cho dù mình đã từng tính làm như vậy khi dang đọc đến nửa quyển, cho dù anime chỉ là một movie ngắn và manga cũng chỉ có đâu 12 chap. Là bởi vì mình đã nản lắm rồi, mình quá chán vì bị lừa, mình cảm thấy quá mất thời gian với cuốn sách thiếu muối này rồi và chẳng muốn dây dưa gì đến nó nữa. Nhẽ ra với những đầu sách khác là mình tính kế tống luôn đi đấy, nhưng vì lần này nó lại được viết bởi Otsuichi, idul của mình, nên thôi thì cất tủ giữ lại làm kỉ niệm.
 
Nhắc về Otsuichi, hành văn của cuốn này vẫn đúng cái chất giọng của ổng, không phải quá đặc biệt nhưng đọc là nhận ra ngay. Ở cuốn trước của ổng mà mình đọc, GOTH, ổng miêu tả tâm lí và xây dựng hình tượng nhân vật quá tuyệt vời, đọc mà bị cuốn luôn vào dòng cảm xúc của nhân vật, vậy nên sang cuốn này, mình có khá thất vọng khi tâm lí nhân vật được miêu tả rất sơ sài, không có điểm nhấn, nông choèn choẹt và chả đọng lại trong đầu mình cái gì cả. Mình có hai giả thuyết, một là cuốn này Otsuichi viết khi bút lực chưa được tốt bằng GOTH, và hai là chính bản gốc của nó cũng sơ sài như thế, truyện lại không có tag psychological nên ổng cũng không thể quá đi vào miêu tả tâm lí và khiến cho nó trở nên nặng nề. Nhưng dù sao thì mình cũng chẳng muốn kiểm chứng làm gì cả, vì nó cũng chẳng thay đổi được gì cách nhìn nhận của mình dành cho cuốn sách. Mà nói thật là, nếu plot kiểu này là phong cách của Shunji Iwai thì nó chẳng hợp với Otsuichi chút nào đâu, và nó cũng chẳng hợp với mình luôn. Vì Otsuichi cũng có từng viết truyện tình cảm nhẹ nhàng rồi, là Calling You đó, và đọc vẫn hay hơn cuốn này nhiều.
 
Nói chung là sách lừa tình, nội dung truyện nhẹ nhàng nói về tình bạn, không tệ nhưng cũng chẳng có gì đặc sắc, và cái kết thì như light novel dành cho thiếu nhi.
 

 
Chắc đây là bài review ngắn nhất của mình từ hồi bắt đầu nghiêm túc viết review dài :))))))
 
Phải nói là cuốn này có hơi gợi mình liên tưởng tới quãng thời gian mình đọc cuốn Ánh trăng (Gekkou) của Sakura LN, cũng kiểu đoạn đầu trinh thám bí ẩn đoạn sau bay quách sang chuyện đời thường tình cảm lãng mạn. Cơ mà để nói thì cái kết của Gekkou vẫn nhảm nhí hơn Hana Alice nhiều, và so với cái độ ức chế đến tột cùng của mình khi đọc xong Gekkou thì cảm xúc khi đọc xong Hana Alice vẫn còn thư thái chán lắm.
 
Và mọi người biết điều gì vui nhất không, đó là vừa rồi mình cũng có dạo xem review ngắn của một số bạn khác trên mấy trang rating thì cũng có rất nhiều người nghĩ giống mình về khoản lừa tình của cuốn sách này. Mong là thông qua bài review này mình sẽ cứu rỗi được những bạn nào đang lưỡng lự cân nhắc mua và đọc Hana Alice để các bạn đỡ mất thời gian rồi lại bị kết cục như mình ????
 
Thông tin ngoài lề thay cho lời kết là cái series này có tận 2 phần. Phần 1 là The Case of Hana and Alice (và được dịch ra tiếng Việt bằng một cái tên vô cùng mỹ miều là “Hana, Alice, và lời nguyền của linh hồn Judas”), và phần 2 là Hana and Alice, là live action dành cho teengirl và lần này thay vì cuốn vào một vụ án (dù cho nó cũng chẳng giống vụ án lắm) thì Hana và Alice lại bị cuốn vào một cuộc tình tay ba đúng kiểu tình cảm học đường lãng mạn.

Mời các bạn đón đọc Hana, Alice Và Lời Nguyện Của Linh Hồn Judas của tác giả Otsuichi.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.