Nữ tác giả Banana Yoshimoto tên thật là Mahoko Yoshimoto sinh ngày 24.7.1964, là con gái của triết gia Nhật nổi tiếng Takaaki Yoshimoto. Banana Yoshimoto tốt nghiệp ngành Văn tại trường Nihon University, tại đây cô đã lấy bút danh là “Banana”, cái tên mà theo cô là rất “chúa” và “lưỡng tính”. Trong khi làm bồi bàn tại một hàng ăn vào năm 1987, Banana Yoshimoto bắt đầu sự nghiệp viết văn của mình. Kitchen, cuốn tiểu thuyết đầu tay của cô ngay lập tức trở thành một hiện tượng với hơn 2,5 triệu bản sách được tiêu thụ, và đã tái bản trên sáu mươi lần tại Nhật Bản. Báo chí gọi đó là “Bananamania” (Hội chứng Banana). Sau Kitchen, Banana đã bán trên sáu triệu bản sách tại Nhật Bản và đã trở thành một tác giả nổi tiếng trên toàn thế giới với hàng loạt các tác phẩm như N•P, Lisard, Asleep, Goodbye Tsugumi, Amrita, Sly, Argentina Hag, Hardboiled and Hard luck… trong đó Goodbye Tsugumi (tạm dịch: Vĩnh biệt Tsugumi) đã được dựng phim và đoạt Yamamoto Shugoro Literary Prize năm 1989, tiểu thuyết Amrita cũng được trao Murasakishikibu Prize năm 1994. Đến nay tác phẩm của Banana Yoshimoto bao gồm mười hai tiểu thuyết và bảy tập truyện ngắn. Hiện tại, Banana Yoshimoto đã lập gia đình và sống ở Tokyo. Khá khiêu khích, nữ tác giả còn phát biểu rằng tham vọng lớn nhất của mình là đoạt giải thưởng Nobel Văn học.
Đã không còn là Banana Yoshimoto tự nhiên và bột phát với văn chương như trong Kitchen, N•P đưa người đọc đối diện với những đề tài nhạy cảm và gai góc. Như một khúc biến tấu của tác phẩm N•P bí ẩn trong truyện, N•P của Banana Yoshimoto nói đến tình yêu đồng tính và đồng huyết, xen lẫn vào đó là những suy tưởng về ý nghĩa và tác động của văn chương lên cuộc đời thực. Những mối tình trong N•P thêm một lần nữa, dẫn dụ chúng ta vào một không gian đầy màu sắc Banana Yoshimoto, với một lối văn nhẹ nhhưng không thoáng qua gọn ghẽ nhưng không thiếu cá tính. Thế giới tiểu thuyết của nhà văn nữ Nhật Bản nổi tiếng nhất hiện nay chưa bao giờ ngừng gây bất ngờ bởi sự mới lạ và độc đáo qua từng cuốn sách.
Banana Yoshimoto, một trong những gương mặt nổi bật nhất của văn học Nhật Bản đương đại, thường được so sánh cùng Haruki Murakami và Ryu Murakami. Năm 1987, Kitchen ra đời, bắt đầu đưa cái tên Banana lên thành một cao trào trong giới thanh niên Nhật và độc giả quốc tế, được gọi là Hội chứng Banana (Bananamania). N•P là một trong những tác phẩm thành công nhất sau đó của nhà văn, cùng với các tiểu thuyết Vĩnh biệt Tugumi và Amrita.
“Một cuốn sách phi thường, với sức mạnh có được từ không khí trang nghiêm, từ sự chân thành đã không bị cái nhìn hoài nghi làm hỏng.” – Toronto Globe
“Banana Yoshimoto là một bậc thầy kể chuyện… Những nỗi đam mê đã được mô tả một cách tinh tế, kín đáo, đầy sức mạnh qua một ngôn ngữ tưởng chừng giản dị.” – Chicago Tribune
“Một lần nữa, Yoshimoto đã khẳng định nghệ thuật chính vị sứ giả tốt nhất giữa các dân tộc.” – Library Journal
Tôi, một đứa học sinh cấp ba, đã yêu anh, mê say, chỉ biết yêu như hút tất cả mọi thứ vào mình. Gần như ngày nào tôi cũng ở cùng anh, tới nhà anh, giúp anh một tay dịch nháp. Quả thực, anh đã rất vui khi có tôi ở cùng. Điều đó là sự thật.
Nhưng dẫu sao, sự đời còn có bao nhiêu là rối rắm, và tôi, đã không thể nào ngăn chặn được sự mệt mỏi đang ngày một tiến triển trong con người anh, từ trước khi chúng tôi gặp nhau. Tôi đã không thể thật sự thấu hiểu những gì chiếm một phần rất lờn trong nhân cách của anh, những thứ u buồn đã có ảnh hưởng đầy ma lực đối với tôi. Khi gặp anh, tôi là cánh bướm bổ nhào vào căn phòng nơi chiếc bóng đèm đang bắt đầu nứt vỡ mất rồi, trong trái tim anh. Cứ cho rằng tôi đã là niềm an ủi của anh đi chăng nữa, thì rốt cục cũng chỉ là việc mang tới một chút lưu ảnh lấp lòa của ban ngày vào trong bóng tối, rồi làm cho mọi thứ hỗn loạn thêm mà thôi.
Phải chăng chính vì vậy mà trong những giấc mơ có anh xuất hiện, tôi luôn sắp sẵn tình huống, rằng tôi của bây giờ đã gặp anh của ngày xưa. Có lẽ bởi tôi thường nghĩ, nếu là tôi của bây giờ, thì ít ra tôi cũng có thể cùng anh trải qua những khoảng thời gian lặng lẽ nhưng vui vẻ, với những thứ không ồn ã. Hoặc giả, trên thực tế, có thể điều đó là vô phương đi nữa, thì tôi vẫn không chịu cam lòng. Giá như tôi được gặp anh bằng cái tôi của bây giờ. Tôi thường nghĩ vậy, ở đâu đó trong tim mình. Có thể tôi đã nâng giá trị của mình lên quá cao chăng.
Thế nhưng, vào một lúc nào đó, khi nghe thấy những câu chuyện đầy rẫy kiểu như “linh hồn của người tự sát sẽ không được lên thiên đàng. Khoảnh khắc của sự đau khổ sẽ dừng lại mãi mãi”, tôi lại muốn phát cuồng. Tự trong trái tim mình, nhanh hơn từ bất kỳ nơi nào khác, nơi tôi muốn tin rằng đó chỉ là lời nói dối, khuôn mặt yếu ớt đang cười của anh lại hiện lên. Nụ cười mà không ai có thể vào được trong nó.
Buổi sáng ngày Shoji chết, tôi đã ở trong phòng của anh.
Một giấc mơ được đem đến bởi thứ ánh nắng mùa hạ lấp loáng xuyên qua lớp rèm cửa. Một buổi sáng đầy nắng ngay trước mùa hạ giống hệt lúc này đây.
Buổi sáng, bao giờ Shoji cũng dậy sớm hơn tôi. Khoảng tám giờ sáng, tôi miễn cưỡng mở mắt ra để còn đi đến trường thì Shoji đã ngồi trước chiếc máy chữ tự bao giờ. Thứ âm thanh đơn điệu ấy, tấm lưng đang tập trung vào công việc thật điềm tĩnh ấy, làm tôi nhớ tới tấm lưng của mẹ thời thơ ấu. Tôi yêu chúng biết bao. Sự trầm lặng ở anh, một người lớn hơn tôi những mười bảy tuổi, đã trung hòa khối năng lượng thừ thải đang lúc xuân thì của tôi thành một thứ gì đó ôn hòa. Khi có anh thật tĩnh lặng. Cười đấy, đùa đấy, nhưng vẫn tĩnh lặng. Cho dù tôi có muộn giờ học, anh cũng chẳng bao giờ phá vỡ giấc ngủ của tôi. Và dù tôi nghỉ học hôm ấy, anh cũng chẳng đuổi tôi ra khỏi nhà. Một con người như thế đấy.
Thế nhưng, buổi sáng đó thì khác.
Tôi tắt chiếc đồng hồ báo thức và nhìn sang bên cạnh, Shoji đang ngủ với khuôn mặt xanh lét, không có sinh khí. Bên dưới mắt là vết thâm quầng, hơi thở cũng rất nhỏ.
Tôi, đứa học sinh mười tám tuổi, khi nhìn thấy quang cảnh đó, chỉ thấy đau lòng chút ít, một thứ tâm trạng thật giản đơn, hời hợt. Tôi khẽ khàng đắp lại chiếc chăn chiên cho anh rồi tụt xuống giường. Tôi mặc bộ đồng phục vào, uống một cốc sữa.
Buổi sáng yên tĩnh.
Tôi cảm thấy trong căn phòng như có một thứ không khí khác lạ đang lẩn vào.
Tôi tìm mãi chiếc đồng hồ đã vứt lung tung hay để quên đâu đó mà không thấy nên quyết định mượn chiếc đồng hồ của Shoji đang đặt trên bàn. Tôi đeo nó vào tay. Một cảm giác nặng như chì. Miếng kính phủ trên mặt chữ đen phát ra thứ ánh sáng sắc lạnh. Có cái gì đó vô cùng chán chường. Việc ở trong phòng của người khác khiến tôi thấy bồn chồn tựa như mắc phải chứng bệnh nhớ nhà.
Phải rồi, buổi sáng ấy, căn phòng và mọi vật bên ngoài đều lặng như tờ, khiến tôi có cảm giác nghe thấy được cả tiếng thở khi ngủ của Shoji trên chiếc giường bên bậy cửa sổ. Từng cử động của tôi tự nhiên cứng đờ ra mà tôi không biết. Tôi khó thở. Trên chiếc bàn có đặt máy chữ, bản dịch câu chuyện số 98 đang đánh dở dang. Tôi cầm lên xem. Công việc vẫn chưa tiến triển được một nửa. Không thể có chuyện đó. Hôm trước anh vừa bảo sắp xong rồi cơ mà. A, nhưng một lần anh có nói, dịch mãi, dịch mãi mà vẫn thấy cái gì đó chưa ổn. Thế là anh dịch lại từ đầu rồi. Tôi nghĩ vậy. Vào lúc đó, tôi đã biết chuyện về hai dịch giả tự sát trước đó.
Tôi lạnh người.
Tôi viết một bức thư vào trang vở.
“Anh sớm hoàn tất công việc rồi chúng mình cùng ra biển chơi nhé. Giống như lần trước ấy, buổi sáng chúng mình tới sớm nhất, thay bộ đồ bơi và nằm dài trên bãi cát rồi nói thật nhiều chuyện. Em chờ anh. Em mượn tạm chiếc đồng hồ của anh. Rồi em sẽ quay lại trả anh ngay.”
Tôi thầm nghĩ, ước gì khi đọc thư, mùi hương và tiếng sóng biển nơi hai người đã tới sẽ vụt sống lại trong anh. Tận đáy lòng, tôi mong sao anh sẽ vì thế mà chợt muốn đi ra biển và hoàn thành công việc. Trên cả lòng ghen tị là nỗi sợ. Tôi thấy mình đang viết thư như để chống lại một thứ gì đó đen tối không thể nhìn thấy, mà tôi đã coi là kẻ thù.
Tôi muốn làm anh nhớ lại biết bao kỉ niệm trong tình yêu của hai đứa, cảm xúc trong một đêm ấm áp; vẻ đẹp của dãy phố nhuộm màu vàng cam nhìn từ trong taxi với cái đầu còn ngái ngủ trên con đường anh đưa tôi về vào rạng sáng; và nước mắt, bàn tay anh nóng hổi. Tôi muốn anh nhớ lại mùi hương nồng nàn của tất cả những kỉ niệm ấy. Tôi mải miết suy tưởng như người con gái sắp bị bỏ rơi trong đoạn kết của một cuộc tình.
Vì sốt ruột nên ban ngày tôi đã gọi điện từ một bốt điện thoại bên sân trường.
– Alô. – Shoji nghe máy với sắc giọng rất vui vẻ. Tôi thấy yên tâm.
– Em gọi từ trường học. – Tôi nói.
Sau lưng tôi, tiếng ồn ào nghe như những tiếng hoảng loạn trong trường giờ nghỉ trưa vọng đến. Thêm vào đó, bây giờ là thời gian vệ sinh bể bơi, tiếng lũ học sinh trực nhật cùng với tiếng nước dội ào ào thật náo động. Tôi cười và nói:
– Ồn ào không?
– Đến chói cả tai. – Shoji nói. – Em ăn cơm hộp à?
– Em không ngủ ở nhà thì ai làm cơm hộp cho em chứ. Em ăn cơm căng-tin. – Tôi cười.
– Em đúng là một cô bé cấp ba. – Giọng anh nghe đầy vẻ ghen tị. – Cảm ơn bức thư của em nhé.
– Hai ba hôm nữa em lại tới.
– Ừ.
Tiếng huyên náo chạy khắp ngôi trường như lấp kín cả không gian. Lũ học trò thả sức vui đùa cứ như sự tự do của cả một ngày đều dồn vào ba mươi phút nghỉ trưa đó vậy. Những tiếng cười giòn tan, năng lượng được giải thoát. Tôi ngẩng mặt nhìn lên, bầu trời mùa hạ xanh biếc. Ánh nắng và bóng râm cứ lần lượt lướt qua con phố. Một buổi chiều chói chang.
– Thế thôi em nhé.
– Vâng, thế nhé. – Tôi dập máy. Đó là lần cuối cùng.
Vào lúc đó, khoảng cách giữa đầu dây bên kia với bên này, giữa Shoji và tôi, xa và phức tạp hơn nhiều lần từ địa ngục tới thiên đàng. Cho dù tôi yêu anh nhiều lắm, nhưng sao tôi không thể làm cho anh hiểu được. Một thứ gì đó như không muốn truyền đi, không thể không truyền đi, hay không có khả năng nhận tín hiệu, và chẳng thể nào hiểu nổi.
Tôi vẫn nghe người ta đồn đại rằng, những kẻ yêu nhau thường hay như vậy. Vào lúc ấy, tôi đâu biết rằng sự hư hoặc ấy là có thật trong hiện thực này. Tôi cứ nghĩ rằng nó chỉ xảy ra ở một thế giới sầu muộn xửa xưa, như trong những chuyện cổ tích của xứ sa mạc thẳm xa nào đó, nó tuyệt chỉ là một câu chuyện đau khổ không có thật. Chỉ riêng tôi ngỡ mình đang sống giữa khu vườn địa đàng ấy mà thôi.
Mời các bạn đón đọc N.P của tác giả Banana Yoshimoto.
Leave a Reply