Lời chẩn đoán cuối cùng (The Final Dianosis), Phi Trường (Airport), Khách Sạn (Hotel), là những tác phẩm nổi tiếng của Arthur Hailey bên cạnh nhiều vở kịch nổi tiếng được trình diễn khắp nơi trên thế giới và nhiều kịch bản phim rất thành công.
Lời chẩn đoán cuối cùng là một tiểu thuyết về đề tài Y khoa. Bối cảnh là một bệnh viện lớn – nơi sự sống khởi đầu và kết thúc – trong đó trung tâm điểm là phòng xét nghiệm. Từng ngày các phòng mổ chờ đợi trong khi các bác sĩ bệnh lý học cặm cụi với ống nghiệm, kính hiển vi và những mảnh mô người để đưa ra lời chẩn đoán cuối cùng có tính cách quyết định đối với tính mạng và sức khỏe của bệnh nhân.
Đây là cuốn tiểu thuyết về một con người – bác sĩ Joseph Pearson – già nua, hách dịch và tự mãn với khả năng không thể sai lầm của mình. Thói tự mãn tri thức trong công tác y khoa, thái độ coi thường sự hội ý đa dạng và những phát kiến khoa học mới mẻ…đã gây ra những bi kịch cho con người.
Như tất cả những tác phẩm khác của Arthur Hailey, “Lời chẩn đoán cuối cùng” đề cập đến sự làm việc và thái độ của con người trong việc làm. Bệnh viện Three Counties là một môi trường lao động có sự trì trệ bên cạnh những nỗ lực cải tổ ; có tâm hồn rung cảm trước những đau khổ của con người bên cạnh bộ óc chỉ biết nghĩ đến bệnh nhân như bài toán bí hiểm thách đố sự thỏa mãn tri thức ; có miệng lưỡi phê phán khắt khe bên cạnh lòng thông cảm bao dung.
Bằng tư liệu y học chính xác, các chương sách đưa người đọc vào phòng mổ, vào phòng xét nghiệm với những tim, gan, phổi, thận phơi bày dưới bàn tay của nhà phẫu thuật. Các vấn đề chuyên môn y học – mà phần nhiều là bệnh học ung thư và xét nghiệm – được trình bày một cách dễ hiểu khiến người đọc có cảm tưởng như được sống và làm việc trong một bệnh viện thực sự.
Xin giới thiệu “Lời chẩn đoán cuối cùng” như một tia X quang giúp bạn đọc nhìn rõ hơn thế giới phức tạp và cao quý của những người áo trắng.
Hailey được coi là người trường vốn trong sự nghiệp sáng tác. Những cuốn truyện ông viết đã vượt khỏi quê hương, được xuất bản trên 40 nước với hơn 170 triệu bản. Điểm nổi bật trong tác phẩm của ông là những nhân vật có xuất xứ rất tầm thường nhưng khi bị đẩy vào hoàn cảnh bi hùng đã vượt lên thành một số phận khác.
Sinh ngày 5/4/1920, Hailey sớm phải bỏ học ở tuổi mười bốn, bởi cha mẹ không đủ tiền chu cấp ăn học cho con trai. Sau đó, chàng trai Arthur trở thành phi công trong quân chủng Hoàng gia Anh trong đại chiến 2. Năm 1947, nhà văn tương lai rời bỏ xứ sở sương mù đến Canada và nhập quốc tịch tại đây. Thời gian đầu nơi đất khách, Hailey phải kiếm sống như một nhân viên tiếp thị cho nhà máy sản xuất máy kéo. Được một thời gian thì việc viết lách đã cám dỗ Hailey. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông là The Final Diagnosis, xuất bản năm 1959, kể về một bác sĩ chẳng may gây ra cái chết với một bé sơ sinh.
Mải mê với những con chữ trong một thập kỷ, rồi ông trở về công việc kinh doanh, chỉ ngồi vào bàn viết như một thú vui.
Bà vợ của Hailey cho biết, nhà văn rất khiêm tốn và giản dị, nhưng ông có một niềm hân hoan đặc biệt khi đọc những bức thư của độc giả tán dương tác phẩm mình. Hậu duệ của ông dự định sẽ tổ chức một bữa tiệc tưởng nhớ ông vào tháng giêng theo đúng nguyện ước của người quá cố.
Mười bốn tuổi đã nghỉ học vì cha mẹ không đủ tiền cho ông đi học tiếp, Arthur Hailey tham gia thế chiến thứ 2 với tư cách là phi công trong không lực hoàng gia Anh và trở thành nhà văn khi xuất bản tác phẩm đầu tay The final diagnoisis vào năm 1959.
Arthur Hailey có cách viết tiểu thuyết rất hấp dẫn, mô tả những người bình thường trong hoàn cảnh bất thường. Năm 2001 ông nói với hãng tin AP: “Tôi không thật sự tạo ra ai cả. Tôi chỉ lấy từ đời thật”. Một số tác phẩm của ông đã được ra tiếng Việt như Phi trường, Bản tin chiều, Trong khách sạn…
Không một biến cố nào trong những ngày vừa qua làm thay đổi được lầm lỗi của bác sĩ Pearson trước cái chết của em bé Alexander. Tuy ông đã tỏ ra có tinh thần trách nhiệm rất cao vào tuần trước, sai lầm của ông vẫn tồn tại. Coleman cũng không thay đổi suy nghĩ cho rằng khoa Xét nghiệm của bệnh viện Three Countie về mặt quản trị, là một mớ hỗn độn, bị sa lầy vì những quan niệm cổ hủ, bị què quặt vì những phương pháp lỗi thời mà lẽ ra cần phải được vứt bỏ từ lâu rồi.
Thế nhưng, qua bốn ngày đổ mồ hôi sôi nước mắt vừa rồi, David Coleman thấy lòng mình đối với Pearson có thay đổi và hòa dịu. Tại sao nhỉ ? Mới tuần trước đây thôi, anh còn xem Pearson là kẻ bất tài gần đất xa trời mà còn tham quyền cố vị. Từ đó, không có gì cụ thể xảy ra đủ làm thay đổi sự đánh giá chắc nịch của anh. Thế thì lý do nào khiến anh áy náy về điều ấy trong lúc này ?
Đã đành không thể chối cãi được rằng ông cụ đã chỉ đạo chiến dịch thương hàn một cách quyết liệt và tài tình mà Coleman nếu có đứng ra đảm đương chắc cũng thua xa. Nhưng chuyện đó có đáng ngạc nhiên cho lắm hay không ? Xét cho cùng, chẳng qua là nhờ vào kinh nghiệm. Pearson lại đang vướng vào tình cảnh khó khăn nên phải gắng sức đạt thành công, âu đó cũng là điều dễ hiểu.
Lúc này, cái nhìn khái quát của anh về Pearson không còn gay gắt và chắc nịch như trước nữa. Một tuần trước đây anh còn xếp nhà bệnh lý học cao niên này vào hàng trí thức “rỗng tuếch” tuy đã có những thành tích này thành tích nọ trong quá khứ. Nhưng nay anh không dám chắc về điều ấy nữa. Anh ngờ rằng giờ đây mình sẽ không dám chắc về nhiều điều khác.
Không ngủ được, anh đến bệnh viện rất sớm. Lúc hơn 8 giờ anh bước vào văn phòng xét nghiệm và thấy bác sĩ tập sự Roger Mc Neil đang ngồi tại bàn làm việc của Pearson.
– Xin chào – Mc Neil nói – ông là người trước tiên đấy. Những người khác có lẽ còn đương ngủ cả.
David Coleman hỏi :
– Công việc còn đọng lại nhiều chứ hả ?
– Không đến nỗi nào – Mc Neil đáp – Những việc quan trọng tôi đuổi kịp cả rồi. Chỉ còn lại một mớ thuộc loại không cần gấp. Seddons đã giúp cho rất nhiều. Tôi đã bảo hắn bám theo bệnh lý học luôn thay vì trở về với phẫu thuật.
Một ý nghĩ khác nữa đang làm cho Coleman băn khoăn. Anh hỏi bác sĩ tập sự :
– Còn cô y sinh, cái cô bị cưa chân ấy mà. Cái chân đã được khảo sát lại chưa – Anh nhớ lai cuộc chẩn đoán mà Pearson và anh đã bất đồng ý kiến.
– Chưa – Mc Neil tìm trong chồng hồ sơ bệnh án nằm trên bàn rồi lớn tiếng đọc : Vivian Loburton, tên cô gái đó ! Việc này chưa cần nên tôi vẫn để dành đó. Cái chân vẫn nằm trong tủ lạnh. Ông muốn tự tay làm việc này chăng ?
– Phải – Coleman đáp. Có lẽ tôi sẽ làm.
…
Mời các bạn đón đọc Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng của tác giả Arthur Hailey.
Leave a Reply