Ở Việt Nam, sách văn học tầm cao, có ảnh hưởng lớn đến tâm tư tình cảm người Nhật qua nhiều thế hệ chưa xuất hiện nhiều. Đúng như nhận định của ông Mitsuyoshi Numano, giáo sư văn học của Đại học Tokyo trong Hội thảo văn học Nhật Bản tháng 9-2009 tại Hà Nội: “Hình như phần lớn các tiểu thuyết (của Nhật) được dịch đều thuộc về các nhà văn ăn khách hiện đại trong khi các nhà văn quan trọng trước đó với những tác phẩm có ý nghĩa vượt thời gian thì hầu như chưa được dịch sang tiếng Việt Nam.”
Trong số lượng rất lớn các tác giả văn học Nhật trong hơn 100 năm từ thời Minh Trị đến nay vị giáo sư này đã lựa chọn ra 10 tác giả văn học mà ông cho là quan trọng nhất ở Nhật gồm có: Mori Ogai (1862-1922), Akutagawa Soeki (1867-1916), Tanizaki Junnichiro (1886-1965), Akutagawa Ryunosuke (1892-1927), Dazai Osamu (1909-1948), Kawabata Yasunari (1899-1972 – giải Nobel văn học), Mishima Yukio (1925-1970), Abe Kobo (1924-1993), Oe Kenzaburo (1935 – giải Nobel văn học), Murakami Haruki (1949).
Để người Việt Nam hiểu và thấy được cái hay của văn học Nhật, cần thiết phải dịch văn học Nhật sang tiếng Việt nhiều hơn nữa để người Việt Nam có cơ hội tìm hiểu và tiếp xúc nhiều hơn với các tác phẩm và tác giả quan trọng của văn học Nhật. Chính các dịch giả sẽ là cầu nối để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc. Tôi vui mừng ghi nhận sự xuất hiện của những dịch giả mới người Việt, có nghiên cứu cẩn thận và hiểu sâu về con người, văn hóa Nhật Bản, với niềm say mê văn học Nhật, đã đem đến cho bạn đọc Việt Nam những kiệt tác được dịch trực tiếp từ nguyên bản. Đây là một điểm rất cần khuyến khích và nhiệt tình cổ vũ.
Tiểu thuyết Tôi là con mèo của văn hào Natsume Soeki, do bà Bùi Thị Loan dịch từ bản tiếng Nhật, là một trong chưa nhiều trường hợp tôi vừa nói ở trên.
Vị trí và vai trò của các tác phẩm của Natsume Soeki trong nền văn học Nhật bản là rất quan trọng, nó ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ người Nhật Bản, bất cứ người Nhật Bản cũng biết đến các tác phẩm Botchan,Wagahai wa neko dearu, Kokoro… của ông. Ông được coi là nhà văn dân tộc lớn nhất trong nền văn học cận đại ở Nhật Bản kể từ thời Minh Trị. Các nhà phê bình văn học đánh giá ông là một trong ba trụ cột của văn học hiện đại Nhật Bản cùng Mori Ogai và Akutagawa Ryunosuke.
Năm 2006 bạn đọc Việt Nam đã được đọc cuốn Cậu ấm ngây thơ (Botchan) và bây giờ lại được cầm trên tay bản dịch kiệt tác Tôi là con mèo (Wagahai wa neko dearu) của đại văn hào Natsume Soeki, cả hai đều do dịch giả Bùi Thị Loan chuyển ngữ sang tiếng Việt và do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Việc Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation) tài trợ cho bản dịch tiểu thuyết Tôi là con mèo lần này của bà Loan là một trong những hoạt động rất tích cực trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc Nhật Bản và Việt Nam. Tác phẩm dịch này ra đời là món quà ý nghĩa để tiến tới kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Nhật Bản (2013).
Tôi là con mèo (Wagahai wa neko dearu) là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Natsume Soeki. Mượn lời kể của một con mèo sống trnog nhà một thầy giáo dạy trung học, tác giả đã vẽ nên bức tranh trào phúng về diện mạo điển hình của tầng lớp trí thức Nhật thời Minh Trị. Con mèo lắng nghe và quan sát các nhà khoa học tranh cãi trong căn phòng của “ông giáo” Kushami, thực chất đó là những cuộc thảo luận về triết học và nghệ thuật cũng như thói đời trong thế giới mà mãnh lực đồng tiền đang xâm chiếm tình cảm con người trong buổi giao thời và xung đột giữa văn hóa Đông – Tây ở Nhật Bản. Độc giả sẽ dễ dàng nhận ra sự tẻ nhạt và kệch cỡm trong lối sống, sự nửa vời và lười nhác trong học thuật của những nhân vật chính như ông giáo Kushami, nhà mỹ học Meitei, cử nhân khoa hoạc tự nhiên Kangetsu, rồi một vài nhà thơ, nhà phê bình… từ các cuộc tranh luận như bất tận của họ, xoay quanh nhiều vấn đề nghệ thuật kinh điển và hiện đại, của Nhật cũng như của thế giới. Ở khía cạnh khác, bạn đọc có thể tìm thấy trong cuốn sách này những chi tiết văn hóa đặc trưng của Nhật, được miêu tả tinh tế, tròn trặn và trầm tĩnh. Điểm nổi bật trong kiệt tác này, chính là bạn đọc được làm quen và thưởng thức giọng văn châm biếm hóm hỉnh mang nhiều nét tự trào của một bút pháp bậc thầy. Nhưng lưu ý rằng cái hóm hỉnh lại “rất Nhật” nên người đọc Việt Nam đôi khi cần có chút hiểu biết về văn hóa Nhật mới thấy hết cái hay cái hóm của nó.
Dịch giả Bùi Thị Loan là một người Việt Nam am hiểu văn hóa văn học Nhật, hiện tại bà vẫn đang sinh sống và làm việc tại xứ sở hoa anh đào. Bà là một người dịch mới, trong thế hệ các dịch giả văn học thời hiện đại, được tiếp xúc và chuyển ngữ trực tiếp từ nguyên bản. Bản dịch của bà Bùi Thị Loan, mà theo tâm nguyện bà muốn cố gắn chuyển tải một cách trung thực văn phong của một đại văn hào Nhật Bản, có thể, đôi chỗ còn làm cho bạn đọc Việt Nam, nhất là lớp trẻ, cảm thấy hơi có gì đó khác lạ, hơi khó dung nạp. Nhưng dụng ý của người dịch quyết tâm giúp bạn đọc Việt Nam dần khám phá đỉnh núi Natsume Soeki một cách thuần chất và nguyên vẹn, dù không dễ. Như đã nói, vốn dĩ tác phẩm Tôi là con mèo – một tác phẩm được viết ra ở Nhật Bản cách đây hơn một thế kỷ, dù rằng là kiệt tác của nhân loại, sống mãi với thời gian, đã đi vào tâm hồn bao thế hệ người Nhật, nhưng chính người Nhật hiện đại cũng cảm thấy nhiều chỗ khó đọc, vì vậy chuyển ngữ sang tiếng Việt là một công việc đầy gai góc. Đối với độc giả nước ngoài, trong đó có Việt Nam, để thấy hết cái hay, cái đẹp của tác phẩm này thiết nghĩ cũng cần có thời gian. Mọi phán xét xin dành lại cho độc giả.
Thúy Toàn
“Tôi là con mèo” là tác phẩm đầu tay của nhà văn Natsume Soseki (1867-1916). Trong tác phẩm Cậu ấm ngây thơ (NXB. Hội Nhà văn phát hành năm 2006), tôi đã có dịp giới thiệu qua về ông.
Có thể nói, đây là tác phẩm rất quan trọng không chỉ đối với cuộc đời và sự nghiệp của Natsume Soseki mà còn đối với cả đời sống văn học Nhật Bản và quốc tế. Bởi vì nó là tác phẩm đã giúp phát hiện ra một đại văn hào, sau đó ảnh hưởng của nó và nhà văn lớn này đã góp phần gieo mầm, tạo ra nhiều nhà văn, nhà văn hóa, học giả có giá trị cho Nhật Bản. Trong số đó có người rất nổi tiếng, như văn hào Akutagawa Ryunosuke, một đệ tử của Natsume Soseki. Trên thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc và Trung Quốc, cũng có nhiều nhà Soseki học khá nổi tiếng.
Bối cảnh và nội dung của Tôi là con mèo là đời sống hiện thực xảy ra xung quanh nhà văn Soseki. Những nhân vật chính trong truyện cũng lấy nguyên mẫu từ bạn bè, học trò, những người xung quanh ông. Một số được đưa nguyên tên thật vào trong tác phẩm như nhà thơ Masaoka Shiki, nhà thơ Takahama Kyoshi. Nhưng tất cả đều được miêu tả qua lăng kính trào lộng, đùa vui, mang đậm tính chất Rakugo (một loại tấu hề), đại diện tiêu biểu của nền văn hóa Edo. Con mèo và thầy giáo Kushami cũng là nhân vật dựa vào nguyên mẫu là tác giả và con mèo nhà ông. Chính con mèo này đã gợi hứng cho ông viết tác phẩm. Lúc đầu chỉ là ý định viết thử cho vui, ông bắt đầu bằng câu “Tôi là con mèo,…” rồi đưa bản thảo cho tạp chí, nhờ góp ý và đặt tên. Ông Takahama Kyoshi, người phụ trách của tạp chí, đã góp ý lấy câu mở đầu này làm tên của tác phẩm. Kiệt tác “Wagahaiwa neko dearu” (Tôi là con mèo) đã được ra đời như vậy và trở thành một cái tên rất thân quen với bất kỳ người Nhật nào cũng như bất kỳ ai hiểu biết về Nhật Bản.
Natsume Soseki lúc nhỏ đã học chữ Hán, sau đó học tiếng Anh và văn học Anh. Ông là người thuộc thế hệ Hán học cuối cùng và thế hệ Tây học đầu tiên của Nhật Bản. Vì vậy trong ông có một khối lượng đồ sộ kiến thức đông tây kim cổ mà ông đã tích lũy được qua nhiều năm bằng trí tuệ của một thiên tài. Trong tác phẩm đầu tay này, những kiến thức ấy được dịp xuất hiện trong mọi cơ hội, khi thì nghiêm túc, khi thì hài hước, đùa bỡn nhưng tất cả đều giúp độc giả khám phá ra những tư tưởng, kiến thức, những trăn trở uyên thâm, cao đẹp, đầy nhân văn của một thiên tài rất nặng lòng với thời thế.
Tác phẩm bắt đầu được viết năm 1905, khi cuộc chiến tranh Nhật-Nga (1904-1905) đang ở đỉnh điểm. Truyện in dần trên tạp chí Hototogisu cho đến cuối năm 1905 thì ông định kết thúc truyện ở chương 5. Nhưng do độc giả tha thiết yêu cầu nên ông lại viết tiếp và hoàn thành vào năm 1907 với 11 chương hầu như độc lập với nhau…
Đây là tác phẩm văn học quá lớn đối với khả năng của một dịch giả văn học không chuyên như tôi nên bản dịch chưa thể gọi là hoàn hảo trong việc chuyển tải đầy đủ tất cả cái hay, cái đẹp, cái quý của tác phẩm, hòng làm xiêu lòng độc giả Việt Nam như nó đã chinh phục độc giả Nhật Bản. Vả lại, cũng cần phải có thêm điều kiện hiểu biết lịch sử, văn hóa, tính cách tâm lý của người Nhật thì mới tiếp nhận được hết những giá trị của tác phẩm. Bởi vì đối với người Nhật, cái hay của văn học Natsume Soseki cũng giống như cái hay của Truyện Kiều đối với người Việt Nam, người ta thích thú không chỉ vì nội dung mà còn do ngôn ngữ và nhạc điệu của tác phẩm.
Người Nhật Bản mỗi tầng lớp mỗi thế hệ, từ các em học sinh tiểu học năm thứ 5 trở đi cho đến các vị cao niên, từ những người lao động bình thường đến bậc học rộng, uyên bác, ai cũng có thể tìm thấy trong tác phẩm này những điều lý thú, cần thiết, bổ ích hay tâm đắc với mình.
Mặc dù việc tiếp thu qua bản dịch gặp phải những hạn chế chủ quan từ dịch giả và khách quan từ độc giả, nhưng tôi mong rằng Tôi là con mèo cũng phần nào làm được như vậy với bạn đọc Việt Nam. Hơn nữa, ngoài chức năng là một tác phẩm văn học để giải trí, tôi hy vọng cuốn sách này còn là một nguồn tài liệu tham khảo bổ ích cho những người có nguyện vọng tìm hiểu về Nhật Bản.
Để có được thành quả nhỏ này là nhờ công lao rất lớn của nhiều người đã giúp đỡ tôi.
Trước hết là chị Lê Thị Bình, bạn tôi, người đã phát hiện bản dịch thảo của tôi và quyết tâm giới thiệu nó với bạn đọc. Chị Bình đã dành nhiều thời gian, công sức và khắc phục nhiều trở ngại để tổ chức thực hiện việc này. Chị là người rất quan tâm đến văn hóa và văn học Nhật Bản, luôn hoạt động tích cực trong Ban văn hóa Hội Hữu nghị Việt – Nhật và trong Câu lạc bộ thơ Haiku Việt Nam.
Nhờ công lao và nhiệt tình của chị Bình, với sự giúp đỡ của NXB. Hội Nhà văn, bản dịch Tôi là con mèo đã nhận được tài trợ của Quỹ giao lưu Quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation) để cho ra mắt kiệt tác này. Nhân đây tôi cũng xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của quý Quỹ và Nhà xuất bản.
Trong quá trình dịch, tôi may mắn được một người bạn đồng nghiệp người Nhật đã tận tình giúp đỡ tôi. Không những chỉ đọc duyệt, anh còn dạy cho tôi biết thêm nhiều về tiếng Nhật và kiến thức về nhiều lĩnh vực của Nhật Bản, khiến bản dịch nhuần nhuyễn hơn.
Cũng nhân dịp này, chúng tôi còn nhận được sự giúp đỡ của nhà thơ Nguyễn Bao và nhà văn, dịch giả nổi tiếng Thúy Toàn. Những lời nhận xét và chỉ dẫn rất quý báu của hai ông về kiến thức dịch văn học, giúp cho người ngoại đạo như tôi khắc phục được nhiều yếu kém trong công việc. Và biên tập viên Nhà xuất bản đã luôn nhiệt tình và trách nhiệm khi làm việc, trao đổi với tôi từ xa.
Xin trân trọng giới thiệu Tôi là con mèo với độc giả.
Xin kính dâng bản dịch này lên hương hồn Đại văn hào Natsume Soseki, nhà văn Nhật Bản tôi rất kính phục, nhân ngày giỗ lần thứ 95 của ông (9-12-1916/ 19-12-2011).
7-12-2011
Bùi Thị Loan
Natsume Soseki (1867 – 1916) là nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận văn học và chuyên gia văn học Anh. Ông sinh ngày 9-2-1867 trong một gia đình Danh chú (“Nanushi”- một loại cường hào địa phương thời phong kiến) tại Tokyo. Tên chính thức của ông là Natsume Kinnosuke (Na-chư-mê Kin-nô-su-ke). Bút danh Soseki chữ Hán là “sấu thạch” có nghĩa là súc miệng bằng đá, lấy từ điền tích “sấu thạch trầm lim” của Trung Quốc, mang ý nghĩa là kiên cường, cứng rắn. Bút danh này có từ sau năm 1889, khi ông gặp Masaoka Shiki, người bạn thân thiết nhất, có ảnh hưởng quyết định đến con người và văn học của Soseki. (Masaoka Shiki (1867 – 1902) là nhà thơ nổi tiếng của Nhật Bản).
Ngay sau khi ra đời, Soseki đã bị cho đi làm con nuôi một gia đình thương gia nghèo nên không được nuôi nấng, chăm sóc đầy đủ. Thấy thế, gia đình cha mẹ đẻ đưa ông về, rồi lại cho làm con nuôi một gia đình khác. Cho đến năm 21 tuổi, Soseki mới trở lại nhập tịch gia đình Natsume.
Thời kỳ học tiểu học, ông phải chuyển hết trường nọ đến trường kia. Năm 12 tuổi Soseki vào học trường trung học công lập tỉnh Tokyo. Ông bỏ dở năm thứ 2 trung kọc để theo học Hán học trường tư thục. Ở đây, ông đã học được nhiều văn thơ Đường, Tống, Hán thư, sử thư và văn hóa cổ điển Trung Quốc, có ảnh hưởng lớn đến văn học của ông sau này về văn phong, về tư tưởng, giá trị thẩm mỹ v.v… Năm 1883, Soseki lại bỏ Hán học, theo học trường tiếng Anh tư thục để chuẩn bị vào trường dự bị đại học.
Năm 1884, Soseki vào trường dự bị đại học. Trong thời gian học dự bị, ông đã từng bị bệnh, không thể đi dự thi, đã từng đi dạy cho các trường tư thục để trang trải học phí. Năm 1890, Soseki vào học trường Đại học đế quốc Tokyo (tiền thân của Đại học Tokyo ngày nay), là trường quốc lập mới mở trước đó không lâu. Ổng bắt đầu sáng tác thơ từ thời sinh viên.
Năm 1893, Soseki tốt nghiệp khoa văn trường đại học Tokyo. Ông được bổ nhiệm làm giáo viên tiếng Anh trường cao đẳng sư phạm Tokyo. Ngay sau đó ông bị bệnh lao phổi và bệnh suy nhược thần kinh nặng.
Để chạy trốn khỏi Tokyo nhằm dưỡng bệnh, năm 1895, ông thôi dạy ở trường cao đẳng, chuyển đến trường trung học Matsuyama, tỉnh Ehime, quê hương của Shiki. Chính trường trung học này là bối cảnh và đề tài để mười năm sau ông viết tác phẩm “Cậu ấm ngây thơ” (Bốt chang) vào năm 1906. Từ 1896, Soseki được bổ nhiệm làm giáo viên tiếng Anh trường cao đẳng số 5 ở tỉnh Kumamoto.
Năm 1900, Soseki được Bộ Giáo dục Nhật Bản cứ đi nghiên cứu văn học Anh 2 năm ở Luân Đôn. Năm 1903, về nước ông được bổ nhiệm dạy tại trường cao đẳng số I, đồng thời dạy văn học Anh tại trường đại học Tokyo. Việc dạy lý luận văn học Anh ở Đại học Tokyo gặp trục trặc làm cho bệnh suy nhược thần kinh và tình trạng tinh thần của Soseki trở nên trầm trọng. Theo lời khuyên của Takahama Kyosi, chú bút tạp chí “Chim Tứ Quý”, Soseki sáng tác tiểu thuyết để thư giãn tinh thần. Truyện “Tôi là cơn mèo” ra đời, lập tức được hoan nghênh nồng nhiệt và bệnh tình của ông cũng thuyên giảm. Từ đó, Soseki có ý định đi theo nghề viết văn. Ổng viết tiếp “Tháp Luân Đôn” rồi “Cậu ấm ngây thơ”, tất cả đều là những kiệt tác, xác lập chỗ đứng chắc chắn của ông trên văn đàn.
Tháng 2-1907, được báo Asihi mời, ông bỏ hẳn nghề giáo viên, vào làm ờ báo Asihi, chuyên viết tiểu thuyết và sáng tác văn học cho đến khi qua đời vào ngày 9-12-1916.
Cuộc đời 49 năm với 10 năm viết văn chuyên nghiệp, Natsume Soseki đã để lại nhiều kiệt tác, trong đó có các tác phẩm tiêu biểu là:
- Cuộc nổi loạn ngoạn mục
- Ngày 210
- Nỗi Lòng
- “Tôi là con mèo”, 1907
- “Tháp Luân Đôn”, 1904
- “Cậu ấm ngây thơ”, 1906
- ‘Hoa thuốc phiện’’, 1907
- “Gối Đầu Lên Cỏ”, 1907
- “Chàng trai Sanshiro”, 1908
- ‘Tù đó”, 1909
- “Cái cổng”, 1910
- “Người đi đường”, 1912 -1913
- “Cỏ ven đường”, 1915
- “Sáng tối”, 1916
- …
Mời các bạn đón đọc Cậu Ấm Ngây Thơ của tác giả Natsume Soseki.
Leave a Reply