Tên sách: Phi trường
Nguyên tác: Airport
Tác giả: Arthur Hailey
NXB: Doubleday & Company, IncGarden City, New York 1968
Người dịch: DgHien
Có tham khảo quyển Phi Trường của Thái Hà (Dịch từ Tiếng Nga) NXB Lao Động 1986.
Từ những thông tin rời rạc, những người có trách nhiệm tại Phi trường quốc tế Lincoln đã khám phá ra một âm mưu đánh bom máy bay để trục lợi tiền bảo hiểm, và tìm cách ngăn chặn nó.
Bên cạnh đó, quyển sách cũng trình bày nhiều hoạt động của những bộ phận khác nhau trong một phi trường, những hoạt động mà những hành khách bình thường không bao giờ thấy được.
Và những suy nghĩ, hành động của những con người có liên quan trong một bộ phận xã hội.
Arthur Hailey đã có nhiều sách xuất bản tại Việt Nam, mỗi quyển đều có liên quan đến một ngành nghề trong xã hội, một số đã có ebook. Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, Phi Trường là quyển hay nhất, hấp dẫn nhất, đến nay vẫn chưa có ebook, ngoài quyển Phi trường (PDF) do bạn Nga Hoang đưa lên mới đây.
Quyển Phi Trường của Thái Hà (dịch từ Tiếng Nga) NXB Lao Động 1986 có một số thiếu sót: (1) phiên âm tên riêng, không còn nhận ra được tên nguyên gốc, không còn phù hợp thời đại; (2) bản Tiếng Nga dịch phóng túng, tùy tiện thêm vào những cái tên không có trong nguyên bản; và quan trọng (3) dịch sai một số chi tiết kỹ thuật, hoặc không hiểu rõ bộ phận kỹ thuật nên để nguyên tên Tiếng Anh không dịch.
Do đó tôi đã mạnh dạn dịch mới từ nguyên tác Tiếng Anh, quyển Phi Trường của Arthur Hailey.
***
Thông qua câu chuyện hồi hộp về quá trình nghi ngờ, điều tra phát hiện, và tìm cách ngăn chặn một vụ âm mưu cho nổ một chuyến máy bay hành khách quốc tế đông người ngay trên không. Arthur Hailey muốn cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết tương đối tường tận và lý thú về hoạt động của một sân bay dân dụng vào loại lớn và hiện đại nhất nước Mỹ, sân bay quốc tế Lincoln, với lưu lượng máy bay lên xuống trung bình 30 giây một chiếc.
Qua đó, tác giả muốn nói đến những vấn đề xã hội đang đặt ra hiện nay cho nước Mỹ: đó là những mâu thuẫn và bất công không thể tránh khỏi trong cuộc chạy đua theo tiến bộ khoa học kỹ thuật không phải vì hạnh phúc con người, mà trước hết vì lợi nhuận, đẩy con người đi đến chỗ có những hành động mù quáng điên rồ, tìm lối thoát trước cảnh ngộ bế tắc bằng cách tự giết mình và giết oan nhiều người vô tội khác.
Arthur Hailey (người Anh có quốc tịch Canada) (1920 – 2004) là tác giả của mười một cuốn best-sellers, trong đó có “Bản tin chiều” đã được dựng thành phim. Ông có 11 tiểu thuyết bán rất chạy được in ở 40 quốc gia với 170 triệu bản.
Hailey được coi là người trường vốn trong sự nghiệp sáng tác. Những cuốn truyện ông viết đã vượt khỏi quê hương, được xuất bản trên 40 nước với hơn 170 triệu bản. Điểm nổi bật trong tác phẩm của ông là những nhân vật có xuất xứ rất tầm thường nhưng khi bị đẩy vào hoàn cảnh bi hùng đã vượt lên thành một số phận khác.
Sinh ngày 5/4/1920, Hailey sớm phải bỏ học ở tuổi mười bốn, bởi cha mẹ không đủ tiền chu cấp ăn học cho con trai. Sau đó, chàng trai Arthur trở thành phi công trong quân chủng Hoàng gia Anh trong đại chiến 2. Năm 1947, nhà văn tương lai rời bỏ xứ sở sương mù đến Canada và nhập quốc tịch tại đây. Thời gian đầu nơi đất khách, Hailey phải kiếm sống như một nhân viên tiếp thị cho nhà máy sản xuất máy kéo. Được một thời gian thì việc viết lách đã cám dỗ Hailey. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông là The Final Diagnosis, xuất bản năm 1959, kể về một bác sĩ chẳng may gây ra cái chết với một bé sơ sinh.
Mải mê với những con chữ trong một thập kỷ, rồi ông trở về công việc kinh doanh, chỉ ngồi vào bàn viết như một thú vui.
Bà vợ của Hailey cho biết, nhà văn rất khiêm tốn và giản dị, nhưng ông có một niềm hân hoan đặc biệt khi đọc những bức thư của độc giả tán dương tác phẩm mình. Hậu duệ của ông dự định sẽ tổ chức một bữa tiệc tưởng nhớ ông vào tháng giêng theo đúng nguyện ước của người quá cố.
Mười bốn tuổi đã nghỉ học vì cha mẹ không đủ tiền cho ông đi học tiếp, Arthur Hailey tham gia thế chiến thứ 2 với tư cách là phi công trong không lực hoàng gia Anh và trở thành nhà văn khi xuất bản tác phẩm đầu tay The final diagnoisis vào năm 1959.
Arthur Hailey có cách viết tiểu thuyết rất hấp dẫn, mô tả những người bình thường trong hoàn cảnh bất thường. Năm 2001 ông nói với hãng tin AP: “Tôi không thật sự tạo ra ai cả. Tôi chỉ lấy từ đời thật”. Một số tác phẩm của ông đã được ra tiếng Việt như Phi trường, Bản tin chiều, Trong khách sạn…
Tháng giêng, lúc sáu giờ ba mươi chiều một ngày thứ sáu, Phi trường quốc tế Lincoln, tiểu bang Illinois, vẫn đang hoạt động, dù rất khó khăn.
Cũng như toàn bộ miền trung nước Mỹ, phi trường đang rối tung bởi một cơn bão tuyết lớn chưa từng thấy trong vòng sáu năm nay. Cơn bão đã kéo dài ba ngày. Bây giờ, như những mụn mủ trên một thân thể xiêu vẹo, yếu ớt, những chỗ yếu nhất đang vỡ ra đều đều.
Một xe tiếp phẩm của hãng United Airlines mang theo hai trăm phần ăn, bị mất tích và bị kẹt tuyết đâu đó trong phạm vi sân bay. Việc tìm kiếm chiếc xe tải hoặc người tài xế của nó đã thất bại trong bão tuyết và bóng tối.
Chuyến bay 111 của hãng United, chuyến bay thẳng đến Los Angeles mà chiếc xe tiếp phẩm phải phục vụ, đã chậm lịch bay nhiều giờ. Sự hỗn loạn do chiếc xe tiếp phẩm bị mất tích sẽ làm cho nó chậm hơn nữa. Những trường hợp chậm tương tự vì những lý do khác nhau đã làm ảnh hưởng đến ít nhất một trăm chuyến bay của hai mươi hãng hàng không khác nhau đang sử dụng Phi trường quốc tế Lincoln.
Trong phạm vi sân bay, đường băng 3-0 không sử dụng được, do bị chặn bởi chiếc máy bay Boeing 707 của hãng Aéreo-Mexican, những bánh xe của nó kẹt sâu trong lớp bùn tuyết, gần mép đường băng. Hai giờ tận lực để kéo chiếc máy bay khổng lồ đi đều thất bại. Bây giờ, sau khi sử dụng hết khả năng của mình, hãng Aéreo-Mexican phải cầu cứu hãng TWA.
Vì đường băng 3-0 bị chặn nên đài kiểm soát không lưu (KSKL) phải áp dụng chế độ kiểm soát trên không hết sức chặt chẽ và hạn chế việc tiếp nhận máy bay từ những trung tâm lân cận như Minneapolis, Cleveland, Kansas City, Indianapolis và Denver. Mặc dù vậy, vẫn có hai mươi máy bay đang lượn tròn trên trời xin hạ cánh, một số gần cạn nhiên liệu. Còn trên mặt đất thì có gấp đôi số máy bay như thế sẵn sàng cất cánh. Nhưng chừng nào tình hình trên không chưa bớt căng thẳng, đài KSKL chưa cho phép bất cứ máy bay nào cất cánh. Kết quả là các cửa ra máy bay, đường lăn, khu sân đỗ nhồi đầy máy bay đang nằm chờ, nhiều chiếc đang nổ máy sẵn.
Trong kho của tất cả các hãng hàng không đều đầy ứ hàng hóa, những hàng hóa cần vận chuyển gấp nhưng giờ bị cơn bão ngăn trở. Các nhân viên giám sát hàng hóa lo lắng nhìn những đống hàng mau hỏng – những hoa hồng trồng trong nhà kính từ Wyoming đi New England; một tấn phó mát Pennsylvania chở đi Anchorage, Alaska; đậu ướp lạnh chở đi Iceland; những con tôm hùm sống từ miền đông chở đi châu Âu trên chuyến bay qua bắc cực. Những con tôm hùm này phải xuất hiện trong thực đơn ngày mai của các khách sạn, nhà hàng ở Edinburgh và Paris, nơi chúng được gọi là “hải sản tươi sống của địa phương” và đám khách du lịch Mỹ cả tin sẽ tranh nhau ăn chúng. Dù có bão hay không, các hợp đồng đã ghi rằng những thứ hàng mau hỏng này phải được vận chuyển đến nơi vẫn còn tươi và phải nhanh chóng.
Điều làm các nhân viên hàng hóa của hãng American Airlines đặc biệt lo ngại là lô hàng mấy nghìn con gà tây mới ra khỏi lồng ấp cách đây vài giờ. Lịch chuyên chở món hàng này đã được sắp xếp chính xác từ nhiều tuần lễ trước đây – giống như mệnh lệnh khai hỏa một trận chiến – trước khi những quả trứng gà tây được đưa vào lồng ấp. Chậm nhất những con gà sống này phải được chở tới bờ biển phía tây trong vòng bốn mươi tám giờ đồng hồ sau khi nở, là thời hạn để những sinh vật tí hon này có thể sống sót mà không cần ăn uống. Thông thường, việc vận chuyển như vậy có tỉ lệ sống sót gần một trăm phần trăm. Còn nếu cho chúng ăn uống trong khi vận chuyển thì chúng và cả chiếc máy bay sẽ bốc mùi nặng đến nhiều ngày sau chưa hết. Bây giờ lịch vận chuyển chúng đã bị chậm mất nhiều giờ. Vì thế một chuyến bay chở hàng được điều động thay cho một chuyến bay hành khách, xem ra những chú gà tây mềm yếu này được ưu tiên hơn mọi thứ, kể cả những hành khách VIP.
Trong nhà ga hàng không chính, sự hỗn loạn đã tăng cao. Các phòng chờ chật kín hàng nghìn hành khách của các chuyến bay bị hoãn hay bị hủy. Hàng đống hành lý khắp nơi. Cả căn phòng khổng lồ trông giống như sự lộn xộn kết hợp giữa một trận đấu bóng đá kiểu Mỹ với cửa hàng Macy’s trước lễ Giáng sinh.
Cao trên mái nhà ga, câu slogan thiếu khiêm tốn PHI TRƯỜNG QUỐC TẾ LINCOLN – NGÃ TƯ HÀNG KHÔNG THẾ GIỚI, hoàn toàn bị tuyết che lấp.
Thật đáng kinh ngạc là mọi thứ vẫn tiếp tục hoạt động, Mel Bakersfeld nghĩ.
Mel, Tổng giám đốc phi trường – dáng gầy, khắc kỷ – đang đứng cạnh phòng chỉ huy chống tuyết, cao trên tháp KSKL, nhìn chăm chú vào màn đêm. Bình thường từ văn phòng kính này, toàn bộ khu liên hợp phi trường – các đường băng, đường lăn, nhà ga, giao thông dưới đất và trên không – trông giống như những mô hình bé xíu, ngay cả vào ban đêm hình dạng và chuyển động của chúng có thể nhìn thấy rõ ràng dưới ánh đèn. Chỉ có một nơi nhìn được như vậy cao hơn – Đài KSKL chiếm hai tầng trên cùng.
Nhưng đêm nay chỉ nhìn thấy thấp thoáng vài ánh đèn gần nhất sau tấm màn tuyết dày đặc đang bị gió cuốn. Mel nghĩ rằng mùa đông này sẽ còn được thảo luận tại Hội nghị các nhà khí tượng trong nhiều năm tới.
Trận bão tuyết này xuất hiện cách đây năm ngày tại vùng núi khuất gió ở Colorado. Lúc mới xuất hiện nó chỉ là một vùng áp thấp không to hơn một quả đồi, và đa số các nhà dự báo thời tiết, để lập bản đồ khí tượng cho các chuyến bay, không ghi nhận ra nó, hay bỏ qua nó. Và như bất mãn, cơn áp thấp đó gia tăng sức mạnh giống như một căn bệnh ác tính khổng lồ, vẫn đang phát triển, lúc đầu hướng về phía đông nam, sau đó phía bắc.
Nó vượt qua Kansas và Oklahoma, sau đó tạm dừng tại Arkansas, thu thập thêm sức mạnh. Ngày hôm sau, mạnh lên và hung hãn, nó ào ào đổ vào thung lũng Mississippi. Cuối cùng, cơn bão trút xuống Illinois, gần như làm tê liệt cả tiểu bang với gió mạnh, nhiệt độ đóng băng, và một lượng tuyết dày mười inch trong 24 giờ.
Tại sân bay, lớp tuyết dày mười inch lúc đầu rơi nhẹ, liên tục. Nhưng bây giờ lớp tuyết cũ được tiếp nối bởi nhiều tuyết hơn, gió cuốn chúng thành từng đống, cùng một lúc các đống tuyết mới lại chồng lên các đống tuyết cũ. đội dọn tuyết đã gần như kiệt sức. Trong vòng vài giờ qua một số người đã được lệnh về nhà, mặc dù trong trường hợp khẩn cấp như thế này sân bay có cung cấp cho họ nơi tạm nghỉ.
Tại phòng chỉ huy chống tuyết ở gần Mel, Danny Farrow – lúc bình thường là trợ lý của Tổng giám đốc phi trường, nay phụ trách phòng chỉ huy chống tuyết – đang gọi Trung tâm chống tuyết qua radio.
“Chúng tôi đang mất cả các bãi đậu xe rồi. Tôi cần thêm sáu xe dọn tuyết nữa và một đội banjo tại ngã ba bảy bốn”.
Danny đang ngồi tại phòng chỉ huy chống tuyết, thực sự không phải là một căn phòng đúng nghĩa, nhưng là một chỗ rộng cỡ ba gian nhà. Trước mặt Danny và hai người giúp việc của ông ở hai bên là một loạt điện thoại, máy telex và máy radio. Xung quanh họ là các bản đồ, sơ đồ, và các tờ phiếu ghi lại tình trạng và vị trí của tất cả các xe dọn tuyết, cũng như các nhân viên và các giám sát. Có một phiếu riêng biệt cho các đội banjo – đội lưu động với dụng cụ dọn tuyết cá nhân. Phòng chỉ huy chống tuyết chỉ hoạt động đúng mục đích của mình trong một mùa này. Tại các thời điểm khác trong năm, căn phòng này chỉ còn sự vắng vẻ và yên tĩnh.
Cái đầu hói của Danny bóng nhẫy những giọt mồ hôi khi ông ghi chú những ký hiệu trên bản đồ khổ lớn của sân bay. Ông lặp đi lặp lại thông điệp của mình cho Trung tâm chống tuyết, nghe giọng ông giống như một lời van xin cho cá nhân, mà có lẽ đúng như thế thật. Ở trên cao này là phòng chỉ huy. Và người chỉ huy phòng này phải hiểu rõ toàn bộ sân bay, biết rõ từng yêu cầu và triển khai các thiết bị đến bất cứ nơi nào cần thiết nhất. Một vấn để – và chắc chắn là nguyên nhân làm cho Danny toát mồ hôi – là những người dưới kia, những người đang chiến đấu để sân bay tiếp tục hoạt động, ít khi chia sẻ quan điểm giống nhau về những nơi nào ưu tiên hơn.
“Chắc chắn, chắc chắn rồi. Thêm sáu xe dọn tuyết nữa”. Một giọng nói từ Trung tâm chống tuyết, từ đầu bên kia sân bay, gắt gỏng trong loa. “Để chúng tôi hỏi Ông già Noel đã. Hình như ông ta đang ở quanh đây thôi”. Im lặng một chút, rồi sôi nổi hơn, “Còn có chỉ dẫn ngu ngốc nào nữa không?”
Liếc nhìn Danny, Mel lắc đầu. Ông nhận ra giọng nói trong loa là của một đội trưởng có lẽ đã làm việc liên tục kể từ khi bắt đầu có bão tuyết. Tâm trạng giận dữ trong hoàn cảnh như thế này cũng dễ hiểu. Thông thường, sau một mùa đông khó khăn chiến đấu với tuyết, Trung tâm chống tuyết và Ban giám đốc sân bay sẽ tổ chức một buổi tối vui vẻ với nhau mà họ gọi là “đêm-hóa-dữ-làm-lành”. năm nay chắc chắn sẽ cần một buổi tối như thế.
Danny nói có lý, “Chúng tôi đã yêu cầu bốn xe dọn tuyết đi tìm chiếc xe tiếp phẩm của hãng United. Họ có lẽ đã xong việc rồi chứ”.
“Họ có thể đã xong việc rồi – nếu chúng ta tìm được chiếc xe chết tiệt đó”.
“Anh chưa tìm ra nó sao? Mấy người của anh đang làm gì vậy – Ăn tối với các quý bà chắc?” Danny vươn tay vặn nhỏ âm thanh như một cử chỉ đáp trả bực bội.
“nghe này, những con chim trong cái chuồng nhếch nhác đó làm sao có ý tưởng nào về những gì xảy ra ngoài sân bay? Có lẽ anh nên nhìn ra ngoài cửa sổ một lát chứ. Bất kỳ ai có thể ở Bắc cực chết tiệt đêm nay mới biết khác biệt như thế nào”.
“Cố thổi vào tay đấy, Ernie”, Danny nói. “Nó có thể làm tay anh ấm áp và im miệng”.
Mel Bakersfeld hiểu hầu hết các trao đổi này, ông biết rằng những gì đã nói về tình hình bên ngoài nhà ga là sự thật. Một giờ trước đây, Mel đã lái qua sân bay. Ông đã sử dụng đường công vụ, mặc dù ông biết rõ sân bay như lòng bàn tay, nhưng tối nay ông đã rất khó khăn khi tìm đường và nhiều lần gần như bị lạc đường.
Mel đã đến kiểm tra Trung tâm chống tuyết nơi đang hoạt động khẩn trương. Nếu tòa tháp nơi đặt phòng chỉ huy chống tuyết là sở chỉ huy, thì Trung tâm chống tuyết là một doanh trại ở chiến tuyến. Từ đây, các đội công nhân mệt mỏi và các đội trưởng đến và đi, những người đẫm mồ hôi và lạnh cóng thay phiên nhau, các công nhân thường xuyên được bổ sung thêm những công nhân tạm thời – thợ mộc, thợ điện, thợ ống nước, nhân viên, cảnh sát. Các công nhân tạm thời được lấy từ công nhân và nhân viên làm nhiệm vụ thường xuyên trong sân bay và được trả lương gấp rưỡi cho đến khi kết thúc tình hình khẩn cấp vì tuyết. Nhưng họ biết công việc phải làm, vì trong mùa hè và mùa thu họ đã diễn tập dọn tuyết nhiều lần vào những ngày cuối tuần, như những người lính, trên đường băng và các đường lăn. Những người đứng bên ngoài đôi khi tức cười khi xem các nhóm công nhân cào tuyết, máy ủi, máy thổi tuyết gầm rú, vào một ngày nắng nóng. Nhưng nếu có ai ngạc nhiên trước mức độ chuẩn bị công phu như thế, Mel Bakersfeld sẽ nhắc nhở họ rằng việc dọn tuyết khỏi khu vực hoạt động của sân bay tương đương bằng bảy trăm dặm đường cao tốc.
Cũng giống như phòng chỉ huy chống tuyết trên tháp KSKL, Trung tâm chống tuyết chỉ hoạt động theo chức năng của nó vào mùa đông. Đó là một gian phòng lớn, tối tăm ở bên trên một nhà để xe tải của sân bay, khi sử dụng, được lãnh đạo bởi một người điều vận phụ trách công tác vận chuyển trong sân bay. Căn cứ từ giọng nói trong radio hiện nay, Mel đoán rằng người ta đã thay người điều vận khác, có lẽ người kia đã về ngủ trong “Phòng Xanh”, như mọi người trong sân bay gọi đùa phòng nghỉ của công nhân.
Tiếng người đội trưởng của Trung tâm chống tuyết vang lên lần nữa trong radio: “Chúng tôi cũng đang lo về chiếc xe đó, Danny. Thằng con hoang khốn khổ đó chắc chết cóng ngoài đó rồi. Mặc dù nếu hắn ta có tháo vát chút nào đi nữa, hắn ta không phải chết đói”.
Chiếc xe tiếp phẩm của UAL đã rời nhà bếp của hãng hàng không để đến nhà ga chính cách đây gần hai giờ. Hành trình của nó chạy theo đường vành đai, thông thường chỉ mất mười lăm phút. Nhưng chiếc xe tiếp phẩm đã không đến nơi, và rõ ràng lái xe đã lạc đường và bị kẹt tuyết trong khu hoang vu nào đó của sân bay. Hãng United đã gửi đi một đội tìm kiếm, mà chưa có kết quả. Bây giờ những người quản lý sân bay phải đích thân lo việc này.
Mel hỏi: “Rốt cuộc chuyến bay United cất cánh rồi sao? Bay mà không có thực phẩm à?”
Danny Farrow trả lời mà không cần nhìn lên. ”Tôi nghe thấy cơ trưởng nhường cho hành khách quyết định. Ông ta nói với họ rằng phải mất thêm một giờ nữa mới có một chiếc xe tiếp phẩm khác, rằng họ đã có phim và rượu trên máy bay, và mặt trời vẫn chiếu sáng tại California. Mọi người đã biểu quyết để rời khỏi địa ngục này. Nếu là tôi, tôi cũng sẽ làm như vậy”.
Mel gật đầu, chống lại sự cám dỗ để tiếp nhận và đích thân tìm kiếm chiếc xe tải mất tích và người lái xe. Hành động là một liệu pháp. Cái lạnh và sự ẩm ướt nhiều ngày, đã làm nhói đau vết thương cũ thời chiến tranh của Mel một lần nữa – ký ức chiến tranh Triều Tiên không bao giờ rời ông – và ông có thể cảm thấy nó ngay bây giờ. Ông chuyển, nghiêng, tì trọng lượng của mình sang chân lành. Nhưng chỉ được một lát. Hầu như cùng một lúc, ở vị trí mới, cơn đau trở lại.
Ông vui mừng, một lúc sau đó, rằng ông đã không can thiệp. Danny hầu như đã làm đúng – tăng cường tìm kiếm chiếc xe, kéo các xe dọn tuyết và công nhân từ khu vực nhà ga, chuyển ra các đường vành đai. Trong thời gian này, các bãi đỗ xe sẽ phải để lại, và sau đó sẽ có rất nhiều lời phàn nàn về điều đó. Nhưng người lái xe mất tích phải được cứu giúp ưu tiên.
Giữa các cuộc gọi, Danny cảnh báo Mel, “Ông phải tự chống chọi với nhiều khiếu nại hơn nữa đấy. Việc tìm kiếm này phải chặn đường vành đai. Chúng tôi phải giữ lại tất cả xe tiếp phẩm khác cho đến khi chúng ta tìm thấy anh chàng kia”.
Mời các bạn đón đọc Phi Trường của tác giả Arthur Hailey.
Leave a Reply