Ba câu chuyện về trực diện đương đầu với cuộc đời này được viết ra không để tạo tâm trạng dễ chịu cho độc giả, vì cứ qua mỗi trang kế tiếp, sự cay nghiệt và tàn độc của cõi đời lại tăng thêm một mức nữa. Các hình dung ban đầu của độc giả còn kém xa những gì diễn tiến của hư cấu bày ra.

Cuộc đời những người phụ nữ châu Phi có chút dính dáng với phương Tây, không bao giờ mang màu hồng, nhưng phải có cái nhìn thấu suốt, “từ bên trong”. Như tác giả ba câu chuyện trong cuốn sách này thì toàn bộ sự thảm khốc mới được lột tả đầy đủ và cùng lúc là sức sống mãnh liệt của con người bị đẩy tới đường cùng.

Cái nhìn ấy và sức mạnh ngôn từ đặc biệt ấy, Marie Ndiaye sở hữu với một dung lượng lớn đến kinh ngạc.




***

Phải chăng, bằng một ngòi bút thấm đẫm nhân văn, Marie NDiaye – một phụ nữ da màu, muốn khắc sâu vào tâm tưởng của độc giả khắp thế giới hai tiếng ấy.

Dù đã được “cảnh báo” trước về một cuốn tiểu thuyết không hề dễ đọc, một cuốn tiểu thuyết “lạ hóa”, nhưng “Ba phụ nữ can đảm” của Marie NDiaye vẫn khiến tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, suốt từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng.

Bất ngờ không phải vì tình huống truyện, không phải bởi những cách thắt nút hay mở nút thông thường, mà bất ngờ bởi cách mà tác giả sử dụng để viết nên cuốn sách ấy.




Cuốn sách tái hiện lại ba mảnh đời, tôi thích dùng từ “mảnh đời” hơn là “cuộc đời” bởi số phận của ba người phụ nữ được tái hiện trong trang sách đều không toàn vẹn. Nó chỉ như một lát cắt, một góc nhỏ, nhưng là cái góc cay nghiệt nhất, ai oán nhất, bi thương nhất.

Ở đó, người ta thấy cái góc của Norah, nữ luật sư 38 tuổi gốc Phi, đang định cư tại Paris thì bỗng dưng được người bố ở Sénégal gọi về nhà vì tin cậu em trai đang phải ngồi tù vì tội giết người. Chỉ trong một tình huống ngắn ngủi ấy, nhưng gần như cả cuộc đời Norah đã được tái hiện lại: bố mẹ ly dị từ khi còn nhỏ; xây dựng gia đình với một cuộc hôn nhân chắp vá; mẹ tái hôn với người đàn ông khác, người bố chìm đắm trong mối quan hệ hoan lạc với những người phụ nữ đáng tuổi con mình, bỏ quên trách nhiệm của một người cha, thậm chí bắt con cái phải gánh chịu những tội lỗi do chính mình gây ra…

Người ta cũng thấy cái góc của Fanta, một người phụ nữ gốc Phi khác theo chồng sang Pháp sinh sống với lời hứa hẹn về một tương lai tốt đẹp. Nhưng trái với ước mong về cuộc sống màu hồng, cuộc hôn nhân của Fanta rơi vào trạng thái căng thẳng và nặng nề, chẳng khác nào địa ngục. Điều đặc biệt là câu chuyện của Fanta được kể lại dưới góc nhìn, góc tự sự của chồng cô – Rudy Descas.




Và cái góc cuối cùng, cũng là chìa khóa làm rõ hơn cho chủ đề câu chuyện, là cái góc bi kịch của Khady Demba, một người phụ nữ góa chồng, bị gia đình nhà chồng hắt hủi, lưu lạc sang Châu Âu trong một hành trình đầy bất hạnh: bị bắt làm gái, bị bạo hành, bị ném ra đường làm kẻ ăn mày… và kết lại bằng cái chết đầy bi thảm.

Ba mảnh đời chỉ liên kết với nhau bằng một sợi dây vô cùng mỏng mảnh, mà nếu không để ý thì độc giả cũng khó lòng nhận ra. Đó là chi tiết Khady trong câu chuyện cuối là người nấu ăn cho bố của Norah, lên đường đến Pháp để gặp cô chị họ Fanta. Ngoại trừ mối liên hệ mong manh ấy, thì dường như họ không có điểm nào chung.

Thế nhưng ba cái “góc” của họ lại được xếp lại gần nhau, theo cấp độ tăng dần của tính bi kịch, và hoàn chỉnh trong một cuốn tiểu thuyết chứ không phải là một tập truyện ngắn như nhiều người nghĩ rằng nên như thế. Phải chăng, ngoài dụng ý tạo nên một cấu trúc khác lạ cho tác phẩm của mình, Marie NDiaye còn muốn nói, còn muốn khắc họa một điều gì hơn thế?




Phải chăng, những Norah, Fanta hay Khady, rốt cuộc cũng chỉ là một cái tên để gọi, một biểu hiện nhạt nhòa của tính cá thể, ẩn sau đó là cả một thế giới tăm tối những bi kịch giống nhau của “Phụ – Nữ”. Phải chăng, bằng một ngòi bút thấm đẫm nhân văn, Marie NDiaye – một phụ nữ da màu, muốn khắc sâu vào tâm tưởng của độc giả khắp thế giới hai tiếng ấy.

“Phụ – Nữ”, nguồn cảm hứng của nghệ thuật, nét đẹp của cuộc sống, cứu tinh của gia đình, thế nhưng cũng là nơi để người ta trút lên đủ mọi cơn thịnh nộ. Norah, Fanta hay Khady chỉ là ba trong rất nhiều, rất nhiều những cuộc đời khác, số phận khác, thậm chí còn bi kịch hơn, đang hàng ngày hàng giờ lặp đi lặp lại vai diễn tủi nhục của mình trong sân khấu cuộc đời. Đâu đó giữa biển người rộng lớn này, có những người phụ nữ vẫn hàng ngày lo toan cho cuộc sống gia đình để đêm đêm lui vào cái góc nhỏ của mình và khóc; có những người phụ nữ cả đời vì chồng vì con mà vẫn bị coi khinh; có những người phụ nữ bị bạo hành, bị chà đạp, bị biến thành công cụ để phục vụ cho lạc thú của đàn ông…

“Ba phụ nữ can đảm” không phải là tuyên ngôn bảo vệ bình đẳng giới, bởi họ, những người phụ nữ Châu Phi ấy không hề đứng lên đòi quyền sống, cũng chẳng hề mở miệng rao giảng bất kỳ thứ triết lý nào. Họ chỉ như thế, nhẫn nhịn chịu đựng, nhưng không để bị dập vùi. Họ can đảm không phải bằng nắm tay giương cao, mà bằng tinh thần, như một viên ngọc vẫn tỏa sáng lấp lánh cho dù cuộc đời tăm tối.




“Ba phụ nữ can đảm” là một cuốn sách về hiện thực, cay đắng và khắc nghiệt. Nhưng nó làm tôi thỏa mãn. Và tận sâu trong cái vực tăm rối và rữa nát những bi kịch ấy, tôi vẫn nhìn thấy một lối thoát nhỏ bé, đấy là khi Khady, cô cái của câu chuyện cuối, ra đi vào cõi vĩnh hằng. Hình ảnh cuối cùng mà cô nhìn thấy, không phải là những kẻ ăn xin rách rưới, không phải là đám lính tráng được trang bị súng ống, cũng không phải là hồi ức về cái nhà thổ bẩn thỉu, nơi đã vắt kiệt thể xác của cô, mà là nó – một con chim cánh dài màu xám. Cái con chim bay liệng trên bầu trời tự do ấy, cô tự nhủ, cũng chính là “mình – Khady Demba đây mà”. Và cô đã ra đi, hạnh phúc với cái phát hiện ấy, hạnh phúc với sự bay bổng của tự do vĩnh viễn, dù phải đánh đổi bằng cái chết.

Cuộc đời đắng cay là thế, số phận ác nghiệt là thế, thể xác dù có thể bị dập vùi, bị chà đạp, nhưng tinh thần con người, chẳng ai có thể ngăn được, vẫn như cánh chim kia, bay lên trên mọi khổ đau tủi cực để hướng về phía có ánh nắng và khí trời.

***




Và người đón chị hoặc tuồng như vô tình xuất hiện trên bậu cửa căn nhà lớn xây bằng bê tông, tắm mình trong một cường độ ánh sáng đột nhiên mạnh mẽ đến độ tựa hồ chính cơ thể vận đồ nhạt màu của ông ta phát tỏa luồng sáng ấy, người đàn ông đứng đó, thấp lùn, phục phịch, khuếch tán một quầng sáng trắng hệt một bóng đèn nê ông, người đàn ông ló ra trên bậc thềm căn nhà ngoại cỡ chẳng còn gì sót lại, Norah thốt lên trong lòng ngay khi ấy, của vẻ cao ngạo, của dáng bề thế, của sự tươi trẻ nơi ông ta vốn thường hằng một cách bí ẩn đến nỗi ngỡ như không thể lụi tàn.

Ông ta đan hai tay vào nhau để trên bụng và đầu ngoẹo sang một bên, mái đầu lốm đốm bạc còn bụng thì trương lên và chảy sệ dưới lớp sơ mi trắng, bên trên cạp cái quần màu kem.

Ông ta đứng đó, lút trong sự chói lọi lạnh lẽo, có lẽ từ cành một cây phượng vĩ trồng đâu đó trong vườn rớt xuống ngưỡng cửa căn nhà ngạo nghễ của mình bởi, Norah tự nhủ, trong lúc tiến lại gần căn nhà từ phía ngoài hàng rào chị vẫn chằm chằm nhìn cửa ra vào mà không thấy nó bật mở để hé lối ra cho bố chị – thế nhưng ông ta hiện ra trước chị trong ánh chiều tà, người đàn ông sáng lựng và bệ rạc dường như đã bị một nhát búa tạ hung hãn giáng xuống đầu, tán những tỉ lệ cân xứng hài hòa mà Norah vẫn nhớ thành ra một người cục mịch, cổ rụt, bắp chân to bè, lũn chũn.




Đứng ngay đơ, ông ta ngó chị tiến lại gần, và tịnh không điều gì trong cái nhìn lần chần, hơi lờ vờ của ông ta để lộ rằng ông ta đang ngóng chị đến hay chính ông ta đã yêu cầu chị, có lúc còn nài xin chị (trong chừng mực, chị nghĩ, một người như ông ta vẫn còn khả năng khẩn cầu bất kỳ sự trợ giúp nào) đến thăm mình.

Ông ta chỉ đơn giản là ở đó, có lẽ bằng một nhịp đập cánh đã rời cành chính của cây phượng vĩ tròa ánh vàng lên căn nhà nặng nề đậu xuống bậc thềm bê tông nứt nẻ, và cứ như chỉ vì run rủi mà lúc này bước chân Norah được dẫn về phía cổng.

Và người đàn ông có khả năng biến mọi lời mình vật nài thành sự van vỉ hướng về phía mình ngó chị đẩy cánh cổng tiến vào vườn trong dáng điệu một ông chủ nhà bị rầy rà đang gắng gượng che lấp điều đó, tay khum lại trên mắt dẫu rằng nhập nhoạng đã phủ bóng rợp cái ngưỡng cửa được con người kỳ quặc, rực rỡ và phản quang của ông ta rọi sáng.




– À, ra là con. Ông ta thốt lên giọng âm u, yếu ớt, thiếu tự tin bằng tiếng Pháp bất chấp khả năng làm chủ ngôn ngữ tuyệt vời, như thể sự e sợ trịch thượng ông ta hằng cảm thấy trước một vài lỗi khó tránh rốt cuộc đã khiến cho đến cả giọng ông ta cũng run rẩy.

Norah không đáp.

Chị ôm phớt ông ta, không ghì sát, chợt nhớ ra ông ta thậm ghét sự động chạm thân thể khi phần thịt nhèo nhẹo của cánh tay ông ta mơ hồ giật giật dưới các ngón tay chị.




Chị như thoáng ngửi thấy một mùi ẩm mốc.

Thứ mùi tỏa ra từ sự nở hoa ào ạt, hết mình của cây phượng vĩ vàng to sụ xòe cành bên trên ngôi nhà mái bằng và có lẽ người đàn ông âm thầm và tự phụ kia làm tổ trong các tán lá của nó, rình chờ, Norah e ngại nghĩ thầm, từng tiếng bước chân khẽ khàng nhất lại gần cánh cổng để lao vút lên rồi lóng ngóng đáp xuống bậc thềm ngôi nhà bề thế tường bê tông thô, hoặc bốc ra, cái mùi ấy, từ chính thân người hoặc áo quần bố chị, từ làn da lão hóa, nhăn nhúm, màu gio, chị không biết được, chị không thể gọi tên nó được.

Cùng lắm chị cũng chỉ có thể khẳng định rằng hôm đó ông ta mặc, giờ này ông ta vẫn mặc chưa biết chừng, chị nghĩ, một chiếc sơ mi nhàu nhĩ, loang lổ vệt mồ hôi, rằng quần ông ta xanh lè, đầu gối nhẵn thín, phùng lên đầy dị hợm, hoặc là vì, như một con chim lặc lè, cứ chạm đất là ông ta khuỵu ngã, hoặc vì, Norah nghĩ trong nỗi chạnh lòng pha lẫn chán chường, cả ông ta nữa, sau rốt, cũng trở thành một lão già trễ nải, dửng dưng hoặc đui mù trước sự dơ dáy cho dù vẫn giữ các thông lệ lịch lãm quy ước, vẫn mặc màu trắng và bơ tươi thường trực khi xưa và không bao giờ xuất hiện dù là trước hiên ngôi nhà đang xây dở mà không chỉnh lại nút cà vạt, kể cả có chui ra từ phòng khách bụi bặm nào hay sà xuống từ cây phượng vĩ kiệt cùng vì nở hoa nào đi chăng nữa.

Norah, từ sân bay đến, đã bắt taxi rồi đi bộ rất lâu dưới trời nắng nóng vì quên địa chỉ chính xác nhà bố chị và chỉ định vị được khi nhận ra ngôi nhà, cảm thấy mình nhớp nháp, bẩn thỉu, rã rời.

Chị mặc một chiếc váy xanh lục không tay, điểm xuyết những bông hoa vàng li ti từa tựa những cánh phượng la liệt khắp hiên nhà, và đi một đôi xăng đan bệt màu lục nhạt.

Mời các bạn đón đọc Ba Phụ Nữ Can Đảm của tác giả Marie NDiaye & Hồ Thanh Vân (dịch).


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.