Barabbas (1950) là một tiểu thuyết của văn hào Pär Lagerkvist, người đoạt Giải Nobel Văn chương năm 1951. Tác phẩm thuật lại câu chuyện về cuộc đời của Barabbas, người mà Thánh Kinh cho biết đã được tha thay vì Chúa Giê-xu. Barabbas đã dùng suốt cuộc đời còn lại của mình để tìm hiểu lý do vì sao mình được chọn để sống.

Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên đồi Golgotha. Bên lề đám đông, Barabbas đứng đó. Vốn là một người bạo lực, sống ngoài vòng luật pháp và nổi loạn, Barabbas không thể nào có chút kính trọng với một người không biết phản kháng, dầu người đó đã chết thay chỗ của mình. Barabbas cũng hoài nghi về thần tánh của Chúa Giê-xu. Dầu vậy, ông cũng bị lôi cuốn về sự hy sinh của Chúa. Ông tìm gặp nhiều môn đệ khác nhau của Chúa để tìm hiểu. Tuy nhiên, những quan điểm tôn cao Chúa của họ không phù hợp với sự quan sát cụ thể của ông về Chúa. Quan trọng hơn nữa, vì Barabbas chưa bao giờ kinh nghiệm được tình yêu – vốn là nền tảng của niềm tin Cơ-đốc – nên Barabbas thấy rằng ông không thể nào hiểu được tình yêu, và do đó không thể nào hiểu được đức tin Cơ-đốc. Barabbas nói rằng ông “muốn tin,” nhưng đối với Barabbas, hiểu biết là điều kiện tiên quyết để tin, do đó ông không thể tin.

Sau nhiều thử thách gian truân, cuối cùng Barabbas đến Rome, nơi ông hiểu lầm cuộc hỏa hoạn tại Rome là khởi đầu của Thiên Đàng mới, do đó ông hăng hái giúp đám cháy lan rộng. Kết quả, ông bị bắt và bị đóng đinh cùng với những Cơ-đốc nhân khác như là những người tử đạo về một đức tin mà ông vẫn chưa hiểu.

***

Pär Lagerkvist được trao giải vì những tác phẩm mang sức mạnh nghệ thuật và sự tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi muôn đời vẫn đặt ra trước loài người. Tiểu thuyết Barabbas là tuyệt tác của P. Lagerkvist về nỗ lực của con người tìm kiếm đức tin, đề cập đến những vấn đề cấp thiết nhất của tồn tại con người một cách hết sức xác thực và dũng cảm.

 

PÄR LAGERKVIST (23/5/1891 – 11/7/1974)

Giải Nobel Văn chương 1951

* Nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch Thụy Điển

* Nơi sinh: Vaxjo (Thụy Điển)

* Nơi mất: Stockholm (Thụy Điển)

Pär Lagerkvist là con một công nhân đường sắt. Ông học ngữ văn và lịch sử nghệ thuật, yêu thích văn chương và có định hướng trở thành nhà văn ngay từ thời niên thiếu. Năm 1912 P. Lagerkvist bắt đầu in thơ và truyện dài Những con người, viết báo và phê bình sân khấu. Năm 1913 ông đến Paris và chịu ảnh hưởng rất nhiều của trường phái ấn tượng, đặc biệt trong hội họa.

Do ảnh hưởng của Thế chiến I nên các sáng tác thời kì đầu của P. Lagerkvist phản ánh tâm trạng lo âu, hoang mang, cô đơn và bất lực của con người trong thời kì đế quốc chủ nghĩa (Nỗi buồn, 1916).

Những năm sau đó ông viết thơ, kịch, truyện, phê bình sân khấu. Năm 1925, ông cho ra đời cuốn tự truyện Vị khách của thực tại mang quan điểm nhân đạo, có tính chiến đấu, được viết bằng ngôn ngữ giản dị nhưng mang tính nghệ thuật rất cao. Cho tới năm 1930 P. Lagerkvist định cư chủ yếu tại Pháp và Ý, và sau khi trở về Thụy Điển, ông vẫn thường xuyên trở lại vùng Địa Trung Hải này.

Năm 1940 ông được bầu vào Viện Hàn lâm Thụy Điển. Tiểu thuyết Barabbas (1950) là đỉnh cao sáng tác của P. Lagerkvist, kể lại cốt truyện của kinh Phúc Âm một cách chân thực và đầy sức thuyết phục, ngay lập tức được dịch sang 9 thứ tiếng và dựng thành phim. Năm sau, nhà văn nhận giải Nobel. Cho đến cuối đời ông tiếp tục viết thơ, sáng tác 5 cuốn tiểu thuyết. P. Lagerkvist có hai đời vợ. Ông mất năm 1974, thọ 83 tuổi.

* Tác phẩm:

– Những con người (Manniskor, 1912), truyện dài.

– Nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật họa hình (Ordkonst och bildkonst, 1913), tùy bút [Verbal art and pictorial art].

– Sắt và người (Jam och manniskor, 1915), tập truyện.

– Nỗi buồn (Angest, 1916), thơ [Anguish].

– Người cuối cùng (Den sista manniskan, 1917), kịch.

– Sân khấu (Teater, 1918), tiểu luận.

– Hỗn loạn (Kaos, 1919), tập thơ.

– Thời khắc khó khăn I, II, III (Den svara stunden, 1918), kịch [The difficult hour I,II,III].

– Bí mật thiên đường (Himlens hemlighet, 1919), kịch [The secret of heaven].

– Những motiv (Motivs, 1919), thơ và văn xuôi.

– Nụ cười vĩnh cửu (Det eviga bendet, 1920), truyện dài.

– Con đường của người hạnh phúc (Den lyckliges vag, 1921), thơ.

– Người vô hình (Den osynlige, 1923), kịch.

– Những truyền thuyết anh hùng đáng sợ (Onda sagor, 1924), tập truyện ngắn.

– Vị khách của thực tại (Gaest hos verkligheten, 1925), tự truyện [Guest of reality].

– Bài ca trái tim (Hjartats sanger, 1926), thơ [Songs from the heart].

– Cuộc sống bị chinh phục (Det besegrade livet, 1927), tự truyện [The conquered life].

– Người đã sống hết cuộc đời (Han som fick leva om sitt liv, 1928), kịch [He who lived his life over again].

– Huyền thoại loài người (Myten on manniskorna, khoảng 1930, chơa in).

– Bên đống lửa (Vid legeraldem, 1932), tập thơ.

– Vua (Konungen, 1932), kịch.

– Tên đao phủ (Bödeln, 1933), kịch [The hangman].

– Người không có tâm hồn (Mannen utan sjal, 1936), kịch [The man without a soul].

– Chiến thắng trong bóng tối (Seger i mörker, 1939), kịch [The victory in the darkness].

– Thơ và cuộc chiến (Song och strid, 1940), tập thơ.

– Thằng lùn (Dvọrgen, 1944), tiểu thuyết.

– Hãy để mọi người được sống (Lat manniskam leva, 1949), kịch.

– Barabbas (1950), tiểu thuyết.

– Đất hoàng hôn (Aftonland, 1953), tập thơ.

– Sibyllan (1956), tiểu thuyết.

– Cái chết của Ahasverus (Ahasverus dod, 1960), tiểu thuyết.

– Người hành hương trên biển (Pilgrim pa havet, 1962), tiểu thuyết.

– Mariamne (1967), tiểu thuyết. 

* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

– Người khuyết tật, gồm 2 tiểu thuyết Người khuyết tật (Dvọrgen), Nguyễn Thái Hà dịch và Barabbas, Dương Cầm dịch, NXB Hội Nhà Văn, 2002.

– Bố và tôiChiếc thang máy xuống địa ngục, Nhật Chiêu dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1997.

– Cha và tôi, Hàn Thủy Giang dịch, in trong Tập truyện ngắn nước ngoài chọn lọc, NXB Quân Đội Nhân Dân, 1998.

– Chiếc thang máy xuống địa ngục, Ngô Bích Thu dịch, in trong Đôi mắt lụa, NXB Văn Học, 1998; Truyện ngắn tình yêu hiện đại thế giới, NXB Văn hóa – Thông tin, 2003.

– Cuộc phiêu lưuCốt thiêngTình yêu và cái chếtChợ đồ cũ, Hà Việt Anh dịch, in trong tập Tọa độ tình yêu, NXB Hội Nhà Văn, 2004.

© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.