Tuổi thơ dữ dội là tác phẩm dài bảy phần của Nhà văn Phùng Quán. Cuốn truyện xoay quanh cuộc sống và chiến đấu của các em thiếu niên tuổi 13, 14 trong trung đoàn Trần Cao Vân tại Huế.

Từ khi đọc cuốn truyện này, nhắc đến Huế, nói đến Huế là tôi nhớ đến chợ Đông Ba, nhớ đến cây cầu nơi Tư dát mải bắn chim để Lượm bị bắt vô ngục, nơi Quỳnh sơn ca được cõng trên lưng với lời nựng “nặng như con gà con” rồi vẻ mặt đanh lại của em khi quyết không nhận quà từ gia đình gửi lên, nhà ngục nơi có Lượm lanh lẹ, nhân hậu cảm hóa Lép-sẹo rồi cánh đồng lúa rập rờn lẩn khuất bóng hình trốn chạy nhà ngục tụi Tây của Lượm, của Thúi, của Lép-sẹo…

Câu chuyện xoay quanh cuộc đấu tranh tư tưởng, cách ứng xử của Mừng, Quỳnh sơn ca, Lượm, Bồng da rắn, Kim điệu, Vịnh sưa…

Bao nhiêu năm rồi tôi vẫn khắc ghi câu nói trước khi chết của Mừng “Anh ơi, đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí!” Một lời khẩn cầu của em được gửi đến Trung đội trưởng, không biết người mẹ vừa nằm xuống của em có nghe thấy câu nói đó không! Em gia nhập Vê-cu-đê, Vệ quốc đoàn là vì trong sân của khu này có cây tầm gửi có thể chữa được bệnh hen suyễn cho mẹ em. Em không dám hỏi xin, chưa dám trèo lên cây để hái lá cho mẹ! Em thật thà, ngô nghê, thương mẹ hết mực, nghe lời cấp trên hết mực nhưng tội cho em, em không biết em bị một đồng ngũ của em đã phản bội lý tưởng các em đi theo – Kim điệu – đã cài bẫy để đồng đội nghĩ em là Việt gian và đối xử với em theo cách đối xử với Việt gian. Không bị khuất phục bởi người cha tệ bạc là Việt gian dùng mơ tưởng về giàu sang, em chạy trốn. Nhưng hoàn cảnh không chiều người. Nơi kia, Kim điệu đã trở về, Kim điệu và kẻ địch đã lập mưu và trung đoàn mắc bẫy địch. Mẹ Mừng đi tìm Mừng, nghe tin con đi theo Việt gian, người mẹ đau xót quyết tâm theo kháng chiến để chuộc tội cho con mình. Em trở về. Tất cả bằng chứng chống lại em. Mẹ em giận em, không tin em. Em vẫn không khuất phục, vẫn cố hết sức để hoàn thành nhiệm vụ của một Vệ quốc đoàn. Mất mát lớn nhất trong cuộc chiến có lẽ là mẹ con em Mừng! Hai mẹ con em Mừng ra đi để lại trăn trối thiết tha “Anh ơi, đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí!” và đỉnh đồi 96 ngày ấy được mang tên mới là núi mẹ con em Mừng.

Quỳnh “sơn ca” là con trai cưng duy nhất của Phó tổng trấn Trung Kỳ, giỏi đàn piano, nhẹ nhàng như con gái. Yêu những bài hát của Vệ quốc đoàn và con người trong đó, em bỏ nhà đi theo Vệ quốc đoàn. Giẫm phải mảnh chai, bị nhiễm trùng, phải nằm Viện quân y em vẫn mang tiếng đàn của mình đi phục vụ bệnh nhân khác, vẫn sáng tác bài ca “Sông Ô Lâu kháng chiến”, vẫn viết bản nhạc kịch Đi tìm thuốc cho mẹ,… em đã sống như con chim kia trong rừng – trước khi chết nó bay vụt lên hát một bài ca tuyệt hay rồi rơi xuống. “Mà em thì thích sông Ô Lâu, thích xê-ca, thích bạn em hơn. Còn ba thứ đồ ni – em ngẩng lên, khoát tay chỉ đống đồ lề bày ngổn ngang trên sạp nứa – vú với chị dẹp hết vô bị mang về, một viên thuốc em cũng không uống, một cái bánh em cũng không ăn mô!”. Tinh thần em kiên quyết, thư em gửi về cho ba mạ em cho Phó tổng chấn Trung kỳ là tinh thần của em, là quyết tâm của em ngày đó, là “sông Ô Lâu kháng chiến”. Có người nói rằng em đã uất ức vì những hành động của cha, đã vỡ tim mà chết ở tuổi 13.

Còn đó Lượm, Châu – sém, Bồng da rắn… xin để các bạn đọc cùng tôi viết tiếp cảm xúc về thế hệ thiếu niên bất tử của ngày ấy!

Mời các bạn đón đọc Tuổi Thơ Dữ Dội của tác giả Phùng Quán.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.