Không có căn bệnh nào đáng sợ của nhân loại xuất hiện trong câu chuyện, cũng không có người nào mắc phải căn bệnh đó, Con Hủi là cái tên mà trong giới quý tộc gọi nàng, người con gái xinh đẹp, trong trắng như đóa huệ mang tên Stefcia.
Nàng có một chuyện tình thơ mộng, đắm say, trong sáng và vô cùng mãnh liệt nhưng lại bi thương đế nao lòng. Bởi người nàng yêu không ai khác chính là đại công tử của dòng họ quyền quý nhất cả nước – Waldemar Michorowski. Họ chống lại những ràng buộc của đẳng cấp quý tộc để đến được với nhau và bảo vệ hạnh phúc đã lựa chọn. Nhưng liệu họ có vượt qua những ra cản khó khăn và hà khắc của giới quý tộc?
***
Helena Mniszek tên thật là Ravich Rađô Miska thuộc dòng họ Mniszek Tơkhugiơnhixki, sinh năm 1878 tại điền trang Kurơtrưxe tỉnh Vôlưnhe.
Năm 1899 bà lấy ông V. Khugiưnxki, chuyển đến sống ở Platerôvô (Litva), được bốn năm thì chồng qua đời. Năm 1910 bà tái giá, lấy ông A. Rađômiski, theo chồng về điền trang Rôgale, sau đó chuyển đến trang Kukharư ở tỉnh Puôxk (Ba Lan). Năm 1931, bà lại góa chồng, ở với gia đình tại đó.
Mùa thu năm 1939, đại chiến thứ hai bùng nổ, bà bị quân Đức đuổi khỏi nhà, phải chuyển đến Xabnhi cùng Pôđlasie rồi mất tại đó năm 1943.
Trong 20 năm hoạt động văn học (1909 – 1930) bà để lại nhiều tác phẩm, đáng kể nhất là các tiểu thuyết: Con Hủi (1909), Đại Công tử Mikhôrôvxki (1910), Những ngù lông xào xạc (1911), Cậu chủ (1912), Các quận công của rừng (1912), Gahenna (1914), Những kẻ thờ phụng quỷ sa tăng (1918), Ẩn sĩ ( 1919), Chàng Vecte (1921), Quyển của người (1922), Nhân sự (1922), Hoàng hậu Giezlla (1925), Ông bà chủ (1927), Từ mảnh đất của nước mắt và máu (1927), Hoa Mộc Lan (1928), Những người hậu chiến (1929), Nam châm của những con tim (1930)… và một số tập truyện ngắn khác nữa. Bà còn nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động xã hội.
Con Hủi là tác phẩm tiêu biểu và nổi tiếng nhất cùa H. Mniszek.
***
Review by Âu Dung Hoa:
Nắng chiều vụt tắt, ngày dài cứ thế trôi đi. Tôi ngẩng đầu nhìn phố phường qua làn kính mờ, trong tay là tách trà còn nghi ngút khói. Vị trà khi đắng khi ngọt, đến cuối cùng chỉ vương lại chút dư âm trên đầu lưỡi, luyến tiếc rồi dần tan biến như chưa từng xuất hiện.
Bất giác, trong không gian có chút đìu hiu ấy, tôi nhớ lại một cuốn sách mình đã đọc trước đó không lâu.
Một chuyện tình buồn…
Câu chuyện của chàng Đại công tử Waldemar Michorowski và nàng Xtefchia Rudecka – người con gái không cùng giai cấp.
…
Nàng Xtefchia là một cô gái xinh đẹp, sinh ra trong một gia đình quý tộc nhỏ ở Vương Quốc. Sau khi tình đầu tan vỡ, quá thất vọng và đau đớn Xtefchia đã quyết định từ biệt cha mẹ đến làm gia sư cho Lucia Elzanowska, em họ của Đại công tước quyền quý nhất nước lúc bấy giờ – Waldemar Michorowski.
Trải qua nhiều lần gặp gỡ, vượt qua những hiểu lầm ban đầu, tình cảm của Xtefchia dành cho Waldemar cũng dần thay đổi. Thế nhưng, trước một người “quá tầm với của nàng”, Xtefchia lo sợ ánh mắt của giới quý tộc, nàng đành chôn sâu tình cảm của mình và dùng một trái tim đau đớn để yêu Waldemar.
“Xtefchia đã biến thành pho tượng chờ đợi như thế… Nàng đứng nơi đây bởi linh cảm rằng chàng sắp về, và nàng cứ đứng mãi kiên tâm chờ đợi… Hôm nay chàng sẽ tới đây!”
Những tưởng tình yêu này chỉ xuất phát từ một phía nhưng đến khi Waldemar đột ngột bày tỏ tình yêu của chàng với Xtefchia, nàng hoảng hốt trốn chạy khỏi vòng tay chàng.
Trong một lần về thăm gia đình, nàng được mẹ trao cho một quyển nhật ký của người bà quá cố. Thì ra năm xưa, bà ngoại của nàng và ông nội của Waldemar cũng từng trải qua một tình yêu sâu sắc nhưng đến cuối cùng vẫn không thể chiến thắng được những định kiến giai cấp của xã hội và phải chia tay. Sự thật kia khiến nàng kinh hoàng.
Quá khứ lặp lại. Sự giễu cợt kinh khủng của số phận!
Tình yêu này không thể che dấu – Xtefchia đã quyết định phải rời đi.
“Nhất định ta phải cắt đứt, nhất định ta sẽ chấm dứt, dù tim ta có vỡ tung thành trăm mảnh cũng cam.”
…
Waldemar Michorowski – Chàng Đại công tử quý tộc giàu có, học thức cao luôn là một “mối” đáng giá với bất cứ cô gái nào gia huy có 5 gậy. So với những người quý tộc truyền thống, tư tưởng của chàng mới mẻ hơn, khách quan hơn và bước ra khỏi những xiềng xích vô hình của định kiến xã hội.
Trước khi gặp gỡ Xtefchia, trong quan hệ với phụ nữ chàng vẫn tránh né mọi bổn phận ràng buộc. Thế nhưng từ khi Xtefchia xuất hiện, với học thức uyên thâm cùng phẩm hạnh cao quý như một đóa hoa, nàng đã từng bước cướp đi ánh nhìn và trái tim của Waldemar. Đã có lúc, chàng căm thù Xtefchia, nàng khiến chàng nổi điên vì “chàng không nhận ra bản thân mình nữa.”. Chàng nghiêm túc mổ xẻ lòng mình và đi đến kết luận – Xtefchia là người đã gây cho chàng những tình cảm khác, chàng yêu nàng bằng tình yêu thật sự và hết sức mạnh mẽ.
Khác với Xtefchia, khi phát hiện tình yêu của mình dành cho nàng, Waldemar đã kiên quyết buộc nàng thừa nhận tình cảm của bản thân, dùng lý lẽ để bảo vệ tình yêu của họ trước những công kích từ những người thuộc “giới” của chàng với lời thề son sắt.
– “Nàng phải là của ta, dù có phải làm đổ sập thế gian đi nữa!”
– “Anh sẽ gạt phăng tất cả những gì cản đường chúng mình, anh sẽ đạp đỏ hết thảy mọi chướng ngại. Anh nhất định phải có em!”
– “Chẳng lẽ tiểu thư nghĩ rằng tôi cho phép tiểu thư ra đi hay sao?” – “Tiểu thư chỉ có thể rời khỏi nơi đây với tư cách… vợ chưa cưới của tôi mà thôi.”
– “Xtefchia
Hoặc là em sẽ trở về làm vợ ta… hoặc ta sẽ chết.”
Bằng tình yêu và sự kiên quyết của mình, Waldemar đã thực hiện đúng những gì chàng hứa. Bên cạnh chàng, sẽ không có thứ gì đe dọa được Xtefchia nữa. Nàng sẽ là Đại công nương xinh đẹp được mọi người tôn kính.
Vốn tưởng rằng, tình cảm chân thành của Waldemar và Xtefchia đã giành chiến thắng nhưng đến cuối cùng Xtefchia đã gục ngã trước ngón đòn đê hèn của giới quý tộc danh giá. Trước đám cưới một ngày, trong bộ áo cưới xinh đẹp, Xtefchia yên ngủ giấc ngàn thu. Nàng ra đi đem theo ánh sáng của Waldemar.
Trên ngọn đồi nghĩa địa rợp bóng thùy dương, Waldemar áp chặt mình vào miếng pha lê gắn ảnh nàng, trò chuyện với nàng, trách nàng đã vội đi xa. Chàng ghì chặt nàng vào tim, kéo níu nàng từ dưới những lớp hoa tươi thắm. Chàng muốn xuyên thủng cái đập chắn chia cắt chàng với nàng. Cả cuộc đời chàng như đã theo nàng nằm yên dưới lớp hoa này…
…
Lần đầu tiên đọc “Con hủi”, tôi thật sự bị những câu văn giàu chất thơ của tác phẩm này lay động và cuốn theo câu chuyện của họ lúc nào không hay. Những mẩu đối thoại ngắn giữa các nhân vật cũng khiến người đọc choáng ngợp và thăng trầm theo cung bậc cảm xúc của chính những nhân vật trong truyện.
Mối tình của Waldemar – Xtefchia được ví như một “Romeo và Juliette” thứ hai trên văn đàn văn học thế giới. Thế nhưng, tôi lại thấy câu chuyện của họ có phần bi thảm hơn, họ chiến đấu với cả một giai cấp và nhận được kết quả là âm dương cách biệt.
Rồi đến một lúc nào đó, có lẽ Waldemar sẽ vẫn tìm được đường đi cho mình, chàng sẽ gặp lại vị hôn thê Xtefchia ở một nơi khác. Chỉ mong khi ấy, cả hai người sẽ không phải trong tầng lớp hay giai cấp kia nữa, sẽ được sống với tình yêu say đắm của mình.
Có thể nói, “Con hủi” là bộ tiểu thuyết phương Tây để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất, để khi nhớ lại, chút dư âm như hương thơm của một ly trà chiều vẫn vấn vương trong tâm trí.
Nếu các bạn yêu thích văn học phương Tây, muốn tìm những bộ truyện giàu tính nhân văn, hãy thêm “Con hủi” và list truyện của mình nhé!
***
Review Hằng Nga:
Đây là cuốn tiểu thuyết tình yêu phương Tây đầu tiên mình đọc. Lần đầu cầm cuốn sách là vào năm lớp 8, do đi mượn nên mới đọc được một nửa đã phải trả. Sau này lúc nên cấp ba tìm mua mãi. Và cái gì đầu tiên cũng đẹp nên đến giờ đây vẫn là một trong những cuốn sách mình trân trọng nhất. Một câu chuyện tình yêu rất đẹp được ngta ví như một “Romeo và Juliet mới”. Cái này mình không chắc lắm vì mình thấy hai khía cạnh mà câu chuyện khai thác có chút khác nhau. Xtefchia và Valdermar, hai con người xuất thân từ những tầng lớp khác biệt nhưng họ đã gặp và yêu nhau. Ban đầu giữa họ là rất nhiều những hiểu nhầm, mỗi khi gặp nhau không phải chàng trêu chọc nàng thì là nàng khinh thường chàng. Khá là đáng yêu. Về sau, khi hai người gỡ bỏ những định kiến và hiểu về đối phương thì họ đã bị nhau thu hút, đã fall in love lúc nào không biết. Nàng xuất thân từ một gia đình trung lưu nhưng được giáo dục vô cùng tốt. Nàng xinh đẹp, dịu dàng, lịch sự và hiểu biết. Sống giữa giới quý tộc Ba Lan vàng thau lẫn lộn, đầy những con người trưởng giả, nàng tỏa sáng đẹp đẽ, cao quý và thu hút ánh nhìn của chàng đại công tử Valderma Valderma, chàng là thừa kế của một đại gia tộc cao quý nhất Ba Lan, nhưng khác với những người họ hàng hay những người cùng giới, chàng không để ý quá nhiều đến những khác biệt về giai cấp và tầng lớp. Chàng trân trọng giá trị đến từ bên trong mỗi con người. Chàng bảo vệ Xtefchia trước tên người yêu cũ sở khanh. Chàng trân trọng nàng, yêu sự hiểu biết và tâm hồn cao quý của nàng. Valderma, chàng dũng cảm và chủ động với tình cảm và cuộc đời của chính mình, chàng vượt lên mọi rào cản về giai cấp, về định kiến xã hội để hỏi cưới Xtefchia. Chàng bảo vệ nàng trước cả giai cấp của chàng. Hạnh phúc tưởng chừng đã nằm trong tay hai người nhưng cuối cùng Xtefchia đã ra đi để mình Valderma ngồi lại trong căn phòng chống ngắm nhìn hình ảnh nàng, cô độc. Chuyện tình của họ thật đẹp. Có một điều mình thực sự rất thích ở câu chuyện này đó là hình ảnh những tòa lâu đài phương Tây cổ kính, rực rỡ và uy nghiêm. Từ hồi lớp tám mình đã bị ấn tượng, điều mình nhớ nhất trong chuyện chắc là mấy tòa lâu đài với khu rừng nơi Xtefchia hái nấm mất. Cái kết chuyện hơi buồn và u ám, nhưng không quá ấn tượng và ám ảnh. Cảm thấy cái chết của Xtefchia hơi gượng ép. Còn tổng thể đây là một câu chuyện ổn.
***
Review Hana Hanhhan:
Con Hủi là một tuyệt phẩm của văn sĩ Ba Lan Helena Mniszek. Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng đánh giá cuốn sách là một “thiên Romeo và Juliet mới”. Theo tôi, Con Hủi hoàn toàn xứng với những ca ngợi ấy. Mặc dù tựa sách mang tên một loại bệnh nhưng cả tác phẩm không ai mang bệnh này, có chăng chỉ có những kẻ hẹp hòi dùng định kiến của mình nhìn người mà họ coi là không xứng đáng như một “con hủi” một thứ bệnh dịch đáng ghê tởm. Xtefchia Rudexka là một “con hủi” đúng nghĩa trong mắt giới quý tộc Ba Lan. Cô xinh đẹp gia giáo, thông minh hiền hòa nhưng cô mang tội nặng nhất là thứ tội vì không được sinh ra trong một gia đình quyền quý. Cha cô ông Rudexka và bà Rudexka mẹ cô chỉ là những quý tộc nhỏ của Ba Lan, họ sở hữu một điền trang bé đến mức đám thượng lưu chỉ liếc qua đã cười khinh miệt. Xtefchia là một thiếu nữ đáng mến. Cô sinh ra và sống đúng với địa vị của mình, chưa từng có mơ ước cao sang gì. Nhưng tình yêu định mệnh với đại công tử Waldema Michorowski lại đưa cô lên bục của kẻ có tội, tội nghiệt vì đã với quá tầm tay mình. Walderma là điểm đẹp nhất của câu chuyện này dù nó được viết bởi một nữ sĩ và trung tâm câu chuyện cũng về một cô gái đáng thương. Nhưng Walderma bằng những phẩm giá cao quý và sự kiên định trong tình yêu lại khiến tôi có ấn tượng sâu đậm nhất. Chàng đẹp đẽ tài hoa. Chàng ngông nghênh cao quý. Chàng tự do tự tại. Chàng là tất cả những gì đẹp nhất ở một người đàn ông đáng kính mà tôi có thể tưởng tượng ra. Mỗi khi chàng dịu dàng gọi Xtefchia thân yêu bằng những tiếng “em yêu quý của anh” “em vàng ngọc của anh” rồi “em duy nhất của anh” trái tim tôi như cũng muốn tan chảy ra thành nước. Sống với một người như thế, được yêu bởi một người như thế thử hỏi còn gì hạnh phúc hơn? Thế nhưng tình yêu không chỉ là chuyện của hai người mà còn là mối bận tâm của dòng tộc, thậm chí của toàn bộ giới quý tộc Ba Lan. Định kiến giai cấp truyền từ đời này sang đời khác không cho phép đại công tử Walderma cao quý, người của gia tộc từng có nhiều vị nắm các chức sắc quan trọng được yêu một cô Xtefchia nhỏ bé vô danh, một cô thôn nữ tầm thường. Hệt như khi xưa thứ giai cấp ác nghiệt ấy đã dùng lý do đó để chia lìa ông của Walderma và bà của Xtefchia. Tôi nhớ mãi giây phút Walderma cất tiếng đòi quyền lợi cho tình yêu của mình rằng “ngoài tên họ, vọng tộc, gia huy và toàn bộ cái khung trang trọng này, cháu còn có trái tim và tâm hồn, những thứ mang ít nhiều khát vọng cá nhân chứ không phải khát vọng của gia tộc. Nó khao khát đôi điều gì đó, chỉ để cho riêng mình mà thôi. Không bao giờ cháu muốn hy sinh những tình cảm của mình để giữ lấy cái khung. Chỉ người phụ nữ cháu yêu thương mới có thể trở thành vợ cháu.” Và chàng đã làm đúng như điều chàng nói. Không ai có thể ngăn được chàng cưới Xtefchia về làm vợ. Chàng yêu mãnh liệt như lửa, chàng dùng chính ngọn lửa ấy thiêu trụi mọi khó khăn luôn muốn trói buộc chàng. Thế nhưng Xtefchia của chàng rốt cuộc cũng chỉ là một cô gái yếu đuối bình thường. Ngay trước ngày cưới cô gục ngã chỉ vì những thêu dệt đê tiện của bọn quý tộc giấu mặt vẫn muốn chia rẽ mối duyên giữa cô và đại công tử Walderma. Cô tin vào chúng. Cô bị chúng ám ảnh. Cô được yêu nhưng cô không dám yêu. Trong khi vị hôn phu của cô làm tất cả để hai người được ở bên nhau thì cô khuất phục, chấp nhận lui bước trước khó khăn và để lại phía sau lưng một đám cưới mãi mãi không thể tiến hành. Xtefchia là một cô gái đáng thương nhưng tôi dẫu có thế nào cũng không thể tha thứ cho cô vì đã bỏ cuộc hèn nhát như thế. Bởi tôi đã hân hoan bao nhiêu cho đám cưới của cô. Bởi tôi đã vui mừng bao nhiêu khi biết cô và Walderma sẽ có được hạnh phúc trọn đời. Đại công tử Walderma chắc chắn còn hân hoan hơn tôi gấp ngàn lần. Vì chàng yêu cô, yêu “em duy nhất” của chàng xiết bao. Vậy mà dũng khí để đấu tranh cô cũng không có. Cô được giải thoát khỏi mọi áp lực trần gian, để lại đại công tử Walderma – người yêu cô và cô cũng yêu nhất mực sống trọn đời với nỗi tiếc nuối vì đã không bảo vệ được người mình yêu thương nhất. Những tháng ngày về sau của chàng có lẽ chỉ còn sự im lặng câm đặc, bởi hạnh phúc cuối cùng đã chết theo Xtefchia bé nhỏ mất rồi.
Mời các bạn đón đọc Con Hủi của tác giả Helena Mniszek.
Chia sẻ ý kiến của bạn