Cuốn truyện “Những tháng năm rực rỡ” kể về Ah Reum, cậu bé 17 tuổi mang vẻ già nua của ông lão 80 do mắc hội chứng lão hóa sớm.
Ae Ran Kim, tốt nghiệp khoa Biên kịch Đại học Nghệ thuật quốc gia Seoul, chủ nhân của nhiều giải thưởng văn học Hàn Quốc danh giá như giải Lee Hyo-seok, giải Shin Dong-yeop, giải Lee Sang…
Đặc biệt, năm 2005, tập truyện ngắn Bố ơi, chạy đi đã giúp Ae Ran Kim trở thành nhà văn trẻ nhất từng nhận giải thưởng văn học Hankook Ilbo uy tín đầy thuyết phục khi mới 25 tuổi và được đánh giá là cây viết trẻ tài năng của làng văn học Hàn Quốc.
Các tác phẩm của Ae Ran Kim tập trung vào hình ảnh con người trong cuộc sống hiện đại, đưa ra cái nhìn mới mẻ về xu hướng thay đổi của xã hội, nhưng đủ khéo léo, thuyết phục và nhận được cảm tình của độc giả.
Những tháng năm rực rỡ kể về một câu chuyện cảm động xoay quanh tình cảm, sự yêu thương giữa các thành viên trong gia đình kỳ lạ có bố mẹ trẻ nhất và đứa con già nhất hẳn cũng đã quen thuộc với các khán giả Việt Nam qua bộ phim cùng tên do Song Hye Kyo và Kang Dong Won thủ vai.
Câu chuyện được dẫn dắt bởi giọng kể của Ah Reum, một cậu bé tuy mới 17 nhưng đã có hình hài của cụ ông 80. Những nỗi đau mà em và gia đình phải gánh chịu đôi khi được bộc lộ qua giọng văn ngây ngô và góc nhìn trong sáng, có lúc thốt lên những câu hỏi khiến người ta khó thốt nên lời.
“Bố mẹ có tôi khi mới mười bảy tuổi.
Năm nay tôi vừa tròn mười bảy.
Cũng chẳng có cách nào để biết chắc tôi có thể lớn lên
thành mười tám hay mười chín tuổi hay không.
Điều đó không do chúng tôi định đoạt.
Điều duy nhất chúng tôi biết, là thời gian không còn nhiều.”
Ah Reum mang trong mình căn bệnh quái ác, em không biết liệu còn có thể đón sinh nhật tiếp theo. Nhưng trái tim yếu ớt chưa lúc nào thôi háo hức rộn ràng trước vẻ đẹp của cuộc sống, ngôn từ, tình cảm gia đình, cùng chút rung động đầu đời với “cô bạn” qua thư… Và cuộc sống, dẫu ngắn, dẫu dài, vẫn là những tháng năm rực rỡ trong quãng thời gian cậu “tồn tại”.
Nhìn những đứa trẻ bằng tuổi, cậu bé Ah Reum không khỏi chạnh lòng.
“Những đứa trẻ cứ lớn nhanh như thổi.
Còn tôi thì già đi trông thấy.
Khoảng thời gian một tiếng với ai đó, đối với tôi như một ngày
và một tháng đối với người khác lại là một năm với tôi.
Bây giờ tôi còn già hơn cả bố tôi.
Bố nhìn vào tôi để thấy được khuôn mặt lúc ông tám mươi tuổi. Còn tôi nhìn vào bố để bắt gặp hình ảnh khi tôi ba mươi tư. Có một sự đối lập, phản chiếu giữa một tương lai chưa đến và một quá khứ chưa qua.
Tôi và bố tôi thường hỏi nhau rằng:
Làm bố mẹ ở tuổi mười bảy có phù hợp hay không?
Mất đứa con ở tuổi ba tư có phù hợp hay không?”
Cha mẹ cậu dường như đâu đó trong tiềm thức vẫn mắc kẹt ở tuổi 17 lúc sinh ra cậu, nhưng chắc chắn họ biết cách yêu thương cậu hơn ai hết.
Bố hỏi tôi rằng:
“Nếu được sinh ra lần nữa thì con muốn trở thành gì?”
Tôi đã dõng dạc trả lời:
“Thưa bố, con muốn trở thành bố ạ.”
Bố tôi hỏi tiếp:
“Còn rất nhiều điều khác tốt hơn, tại sao con lại muốn là bố?”
Tôi thoáng bối rối nhưng vẫn nói rằng:
“Bởi vì con muốn biết tấm lòng của bố sau khi sinh con ra đời.”
Bố tôi khóc.
Tác phẩm Những tháng năm rực rỡ từng lấy đi nước mắt của hàng triệu độc giả. Khi gấp lại cuốn sách, qua những lời tâm sự của nhân vật chính, bạn đọc sẽ quý trọng, thêm yêu cuộc sống của chính bản thân mình.
***
Bố mẹ có tôi khi mới mười bảy tuổi.
Năm nay tôi vừa tròn mười bảy.
Cũng chẳng có cách nào biết chắc tôi có thể lớn lên thành mười tám hay mười chín tuổi hay không.
Điều đó không do chúng tôi định đoạt.
Điều duy nhất chúng tôi biết, là thời gian không còn nhiều.
Những đứa trẻ cứ lớn nhanh như thổi.
Còn tôi thì già đi trông thấy.
Khoảng thời gian một tiếng với ai đó, đối với tôi như một ngày.
Và một tháng đối với người khác lại là một năm với tôi.
Bây giờ tôi còn già hơn cả bố tôi.
Bố nhìn vào tôi để thấy khuôn mặt mình khi tám mươi tuổi. Còn tôi nhìn vào bố để tìm hình ảnh khi tôi ba mươi tư. Có một sự đối lập, phản chiếu giữa một tương lai chưa đến và một quá khứ chưa qua.
Tôi và bố tôi thường hỏi nhau rằng:
Làm bố mẹ ở tuổi mười bảy có phù hợp hay không?
Mất đứa con ở tuổi ba mươi tư có phù hợp hay không?
§
Bố hỏi tôi rằng:
“Nếu được sinh ra lần nữa thì con muốn trở thành gì?”
Tôi đã dõng dạc trả lời:
“Thưa bố, con muốn trở thành bố ạ.”
Bố tôi hỏi tiếp:
“Còn rất nhiều điều khác tốt hơn, tại sao con lại muốn là bố?”
Tôi thoáng bối rối nhưng vẫn nói rằng:
“Bởi vì con muốn biết tấm lòng của bố sau khi sinh con ra đời.”
Bố tôi khóc.
Và đây là câu chuyện về một cặp cha mẹ trẻ nhất và một đứa con già nhất.
“Mỗi khi một ngọn gió thổi qua, vốn từ vựng ít ỏi trong tôi lại xáo trộn dữ dội. Giống như những chú cá bị hong khô trong chính làn gió biển mặn mòi, những từ ngữ đó khiến tôi thấy thể tích cơ thể mình như đang bị thu nhỏ lại giữa một không gian cứ rộng ra mãi. Hồi nhỏ, tôi hay tập viết lại tên các sự vật mà tôi học phát âm lần đầu. Đây là “tuyết”, kia là “đêm”, đằng xa là “cái cây”, dưới chân có “đất”, “tang sin”* nghĩa là “bạn”… Tôi tập làm quen với cuộc sống bằng âm thanh, rồi sau đó mới dần dần tập viết lại từng âm tiết một. Cho đến bây giờ, đôi khi tôi vẫn thấy ngạc nhiên rằng mình đã biết đến tên các sự vật theo cái cách như thế.”
Thuở nhỏ, tôi nói ríu ran suốt cả ngày. “Mẹ ơi, cái này là cái gì thế ạ? Cái kia là cái gì hả mẹ?” Tôi cứ nói luôn miệng như vậy khiến mọi người xung quanh phải chóng mặt với tôi. Mọi cái tên đều trong sáng và nhẹ nhàng đến mức chẳng thể dính được vào sự vật. Và tôi thì cứ hỏi đi hỏi lại những điều hôm qua tôi đã nghe, hôm kia tôi đã học, như thể mới lần đầu tiên. Chỉ cần tôi đưa ngón tay lên chỉ, là những từ ngữ, những âm thanh lạ lùng đó lại đua nhau rớt ra khỏi miệng mọi người trong nhà tôi. Dường như khi tôi cất tiếng hỏi thì thứ gì đó sẽ chuyển động giống như là cảnh vật đung đưa trong gió vậy. Vì thế, tôi khá là thích thú câu hỏi: “Cái này là cái gì?” Thậm chí tôi còn thích câu hỏi này hơn cả câu trả lời của mọi người.
“Bi” thì là mưa, “nat” thì là ban ngày, “yeo-rưm” thì là mùa hè… Mỗi ngày trôi qua tôi lại học được kha khá từ vựng. Có những từ tôi hay nhắc đến và cũng có những từ tôi chẳng sử dụng bao giờ. Người ta bảo rằng cứ gieo thứ gì xuống mặt đất thì ắt sẽ có cái gì đó khẽ cựa mình nhô lên như mầm cây. Khi tôi gọi “yeo-rưm” là mùa hè, dường như tôi có thể sở hữu nó. Tôi tin như vậy và còn hỏi nhiều hơn. Cái này gọi là “đất”, cái này gọi là “cây”, còn đây nữa là “bạn”… Cái này, cái kia, cái đó, mọi thứ cứ lặp đi lặp lại và chuyển động theo nhịp hơi thở của tôi. Nếu tôi phát âm từ “kư-keot” (cái đó), tôi cảm thấy một vòng tròn đồng tâm bắt đầu mở rộng ra từ âm thanh “cái đó”. Thỉnh thoảng tôi còn cảm thấy nó to lớn như thế giới của tôi vậy.
Bây giờ tôi đã biết gần hết những từ cần thiết cho cuộc sống của tôi. Điều quan trọng nhất có lẽ là những từ đó đo đếm được độ rộng lớn của cái thế giới bên ngoài cứ ngày một thu nhỏ cơ thể của tôi. Khi nói từ “gió”, tôi mường tượng ra hàng nghìn phương hướng thay vì chỉ là bốn phương. Khi nói từ “phản bội”, tôi thấy mình như đang đuổi theo bóng cây thánh giá cứ đổ lúc một dài hơn dưới ánh hoàng hôn. Khi gọi tiếng “bạn”, tôi như đang thăm dò một vùng đất bằng phẳng, ẩn giấu chiều sâu thăm thẳm, tựa như có lớp tuyết phủ che lấp một khe hở sâu bên dưới. Dường như đó cũng là việc khó khăn nhất trên đời này. Gió vẫn cứ thổi như thế, và tôi, từ khi sinh ra chưa từng một lần được trẻ. Vậy nên, đương nhiên là những lời tôi nói cũng vậy thôi.
Mời các bạn đón đọc Những Năm Tháng Rực Rỡ của tác giả Ae-ran Kim.
Leave a Reply