Là một trong 5 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo Giải thưởng Văn học Đoàn Thị Điểm, Theo Đuổi của cây bút trẻ Phạm Thanh Thúy sẽ khiến bạn đọc day dứt mãi cùng nỗi trăn trở khôn nguôi:
– Bạn sẽ đến tương lai hay trở về quá khứ, nếu có thể xoay chiều thời gian?
– Nhân duyên và những nợ nần tiền kiếp là gì?
– Và nếu kiếp trước bạn nợ một ai đó, kiếp này bạn sẽ phải trả họ bằng những nỗi buồn, vì họ…
Theo Đuổi viết về cô gái trẻ Hàm Yên. Suốt thời thanh xuân, Hàm Yên ôm ấp mối tình từ thuở thơ bé với người bạn thiếu thời tên Phố. Duyên phận đưa Hàm Yên và Phố đến những cuộc gặp gỡ tình cờ. Hết lần này đến lần khác, họ để lỡ nhau. Hàm Yên luôn muốn gợi cho Phố nhớ về những ký ức thời thơ bé, trong đó có cả ký ức đau buồn về cái chết của bố mẹ anh. Ngược lại, Phố tìm cách quên đi. Họ cứ thế đi tìm bóng hình nhau. Khi đã ở bên nhau, họ lại làm tổn thương nhau bằng ký ức.
***
Tôi đến Cẩm Xuyên vào giữa mùa mưa.
Mưa suốt ngày suốt đêm, mưa gối ngày này sang ngày khác. Bầu trời gần như lúc nào cũng sũng nước.
Vào những khi mưa ngớt, từ trên cung đường quanh co uốn lượn theo dáng núi, thấy phía xa xa những thác nước huyền ảo như những áng tóc buông dài của nữ chúa thượng ngàn. Rồi thình lình, hàng trăm con thác ấy đột ngột băng qua đường, tuyệt đẹp và hung hãn, dường như muốn ngốn ngấu lấy tất cả những vật thể bé nhỏ đang trườn trên lằn chỉ vắt ngang núi kia.
Con đường nhỏ chìm lút trong làn mưa trắng xóa. Vượt qua hàng trăm con thác trữ tình ấy thì đến Cẩm Xuyên.
Cẩm Xuyên nằm trên độ cao 1500 mét so với mực nước biển. Cảm nhận đầu tiên chính là lạnh. Cái lạnh của gió, của hơi nước khi những đám mây trườn trên những ngọn núi, luồn sâu vào từng kẽ lá, băng qua những cây cầu treo chênh chao bắc ngang lòng những con suối mùa mưa sục sôi gầm gào bất tận. Ở xứ này, lúc nào người ta cũng có thể nghe thấy tiếng thác nước tuôn ở đâu đó.
Khu nhà cũ, tường vôi trắng loang lổ tróc từng mảng thảm hại, rêu xanh phủ dày trên mái ngói. Và căn phòng, vì lâu không có người ở, toát lên một mùi đặc trưng ẩm mốc, sự cô đơn, lạnh lẽo và nỗi buồn. Nỗi buồn dường như trú ngụ ở đó từ rất lâu, thấm vào từng mi-li-mét không khí. Có hai cửa sổ, tất cả đều sơn xanh, có sẵn một số đồ đạc thiết yếu, hẳn nhiều người đã từng sống ở đó.
Phía sau là một đồi thông.
Tôi nhận lời viết tự truyện cho một cựu quan chức. Một người đàn bà quyền lực, nay đã nghỉ hưu và hưởng thụ cuộc sống nhàn nhã sau cả một đời lăn lộn với chính trường. Tài liệu đã thu thập đầy đủ từ một năm trước, giờ tôi chỉ cần tìm một nơi gợi cảm xúc để viết thành một cuốn sách. Một thời gian dài chìm trong nỗi buồn sâu thẳm, tôi muốn đến Cẩm Xuyên. Và tôi đã đến, giữa mùa mưa, sẽ ở lại một thời gian nào đó, tùy thuộc vào tôi quyết định.
Trái ngược với vẻ u buồn của khu nhà là những bông hồng trước khoảng sân hẹp láng xi măng đã nhiều vết thủng lỗ chỗ. Những bông hoa màu hồng phấn, nở đều và dày, toát lên một mùi thơm ngọt ngào ngay cả khi những cơn mưa không ngừng gột rửa chúng.
“Tất cả chỗ hoa này đều do Hạc trồng đấy”.
Đó là câu Hải Đường giới thiệu với tôi về hoa.
“Hạc là ai?”.
Mời các bạn đón đọc Theo Đuổi của tác giả Phạm Thanh Thúy.
Leave a Reply