Mùa mưa ở Singapore xoay quanh mối tình của cô họa sĩ đường phố mang hai dòng máu Việt – Singapore gốc Trung tên Minh Tuyên và một du học sinh người Việt tên Kỳ Phong. Qua ngôi kể của hai nhân vật, cuộc sống hằng ngày của những người dân nhập cư trong khu Chinatown, khu Tiểu Ấn… hiện lên khá phong phú và rõ nét.
Minh Tuyên với nguồn gốc xuất thân khá phức tạp: Mẹ cô là người Việt vượt biên, bị lừa bán vào một nhà chứa và gặp cha cô tại đây. Minh Tuyên đã từng yêu rất chân thành, nhưng vì hoàn cảnh, số phận và những câu chuyện kể rất đỗi thực, mà Di – người yêu đầu của cô cảm thấy quá khó để tiếp nhận và cứ thể quay bước ra đi. Ngược lại với Di, Kỳ Phong – anh chàng Việt Nam, dù chưa ở bên Minh Tuyên bao lâu, nhưng lại có ước muốn mãnh liệt được chở che cho Minh Tuyên và muốn lấy cô làm vợ. Nhưng tình yêu của họ gặp phải sự ngáng trở từ An Nhiên – một cô bạn “thanh mai trúc mã” với Kỳ Phong từ thuở nhỏ, người cứ đinh ninh sau này sẽ chỉ mình trở thành vợ của anh. Cộng thêm sự hậu thuẫn từ gia đình Kỳ Phong, An Nhiên đã “ngầm lôi kéo” được Kỳ Phong trở về Việt Nam. Buổi chia tay Kỳ Phong không hẹn ngày gặp lại, anh cũng không biết rằng có một mầm sống đã tượng hình trong cơ thể Minh Tuyên sau lần ân ái ban đầu.
***
Nội dung của truyện xoay quanh mối tình của cô họa sĩ đường phố mang trong mình hai dòng máu Việt – Sing gốc Trung tên là Minh Tuyên và một du học sinh người Việt tên Kỳ Phong. Qua ngôi kể của Minh Tuyên và Kỳ Phong, cuộc sống hằng ngày của những người dân nhập cư trong khu Chinatown, khu Tiểu Ấn… hiện lên khá phong phú và được khắc họa rõ nét.
Minh Tuyên với nguồn gốc xuất thân khá phức tạp: Mẹ cô là người Việt vượt biên, bị lừa bán vào một nhà chứa và gặp cha cô tại đây, ông đem lòng yêu bà và quyết tâm mang bà ra khỏi chốn này. Cuộc sống bao nhiêu năm không được như ý muốn khiến một lần nữa, mẹ Minh Tuyên lại sa vào chốn cũ. Bà cùng người tình lên kế hoạch vượt biển về Việt Nam nhưng bị bại lộ. Mẹ Minh Tuyên đã tự kết liếu đời mình bằng cách cắt tóc mình, bện lại, quấn vải xung quanh để thắt cổ. Nỗi khổ đau lớn nhất trong cuộc đời Minh Tuyên là cha cô bắt cô vẽ lại gương mặt của mẹ mình khi đó làm di ảnh thờ. Cũng khởi nguồn từ bi kịch này, Di – người đàn ông của Minh Tuyên đã rời bỏ cô trong sự im lặng sau khi tìm hiểu được mọi chuyện.
Ngược lại với Di, sau khi có được tình yêu từ Minh Tuyên và được cô kể cho nghe mọi chuyện, Kỳ Phong có ước muốn mãnh liệt là được ở bên cạnh, chở che cho Minh Tuyên và muốn lấy cô làm vợ. Nhưng tình yêu của họ gặp phải sự ngáng trở từ An Nhiên – một cô bạn “thanh mai trúc mã” với Kỳ Phong từ thuở nhỏ, người cứ đinh ninh sau này sẽ chỉ mình trở thành vợ của anh. Cộng thêm sự hậu thuẫn từ gia đình Kỳ Phong, An Nhiên đã “ngầm lôi kéo” được Kỳ Phong trở về Việt Nam. Buổi chia tay Kỳ Phong không hẹn ngày gặp lại, anh cũng không biết rằng có một mầm sống đã tượng hình trong cơ thể Minh Tuyên sau lần ân ái ban đầu.
Một tai nạn không may đến với Minh Tuyên, cô mất đi đứa bé khi cái thai mới được vừa ba tháng. Trong sự bơ vơ, cô đơn đến tận cùng, cô chấp nhận đi Bắc Kinh cùng Caleb – một người mà cô không yêu, chỉ tồn tại một tình bạn. Ngày Kỳ Phong trở lại Singapore, góc phố Pagoda không còn Tuyên nữa, chỉ còn những câu nói như nhắn nhủ: “Hãy tâm niệm rằng hạnh phúc chính là được tìm về lại nơi yêu dấu cũ, để nhớ về người xưa cũ của những ngày tháng đã qua. Hạnh phúc ấy chỉ có được, khi ta nhận ra rằng mình chẳng thể nào ngừng lại những hồi tưởng ấy.”
Hãy Đọc Quyển Sách Này, Như Thấm Một Cơn Mưa!
Những trang đầu của quyển sách này đã đánh lừa tôi, và chắc sẽ đánh lừa cả bạn. Bạn sẽ tưởng như đang đọc một câu chuyện quá nhẹ, quá lỏng lẻo, nhân vật mờ mờ, lẫn vào nhau đến nỗi dù chúng không nhiều lắm, nhưng ta thấy khó phân biệt. Thậm chí khó xác định ngay giới tính của nhân vật.
Sau ít trang, có vẻ mọi thứ hơi khác. Tôi đã nghĩ có thể đây là câu chuyện về nỗi buồn của những người du học. Ở lứa tuổi đầy rung cảm đầu đời, họ bị rơi vào một môi trường không có sự ấm áp quen thuộc của quê hương, nơi họ lớn lên. Cho dẫu nơi họ đi học là một nơi rất đẹp đẽ, yên bình hay một nơi đầy ắp những âm thanh ào ạt của một nhịp sống đầy cuốn hút, lộn xộn và lạ lẫm của nền văn hóa khác… thì cái mà người trẻ đi học xa quê không tránh được – là nỗi cô đơn. Tôi nghĩ giờ đây, nỗi cô đơn ấy còn sâu sắc hơn. Nếu người du học trước kia có một nỗi cô đơn giản dị của kẻ xa nhà, thì giờ đây, những người trẻ đi học ở nước ngoài mang theo nỗi cô đơn ngay từ quê hương, nơi cuộc sống có quá nhiều nguyên do khiến tâm hồn trẻ hoang mang và lạc hướng (có lẽ, đó là khó khăn, cũng là ân sủng của cuộc đời cho họ – thế hệ trước như tôi không có ân sủng ấy). Họ khám phá ra rằng phía sau những khác biệt rất lớn, tưởng chừng như thể giữa hai thế giới khác nhau, của quê nhà và xứ người, là sự giống nhau đến lạ lùng của nỗi niềm, thân phận. Lời thốt lên “Singapore này thật quá nhỏ bé” như thể chứa một hàm ý sâu xa về sự giống nhau trong nỗi u uất, niềm cô đơn, sự thèm khát cảm thông, kiếm tìm và chờ mong tình yêu cứu rỗi – những trạng thái của tâm can ta có thể gặp ở bất kỳ đâu trên Trái đất này. Phải chăng sự giống nhau trong hiện đại hóa của nếp sống đem lại sự giống nhau trong tâm trạng mất phương hướng, cô đơn, chật hẹp?
Nhưng rồi những chục trang viết tiếp theo cho ta thấy có vẻ đó cũng chẳng phải là chủ đề của tác phẩm không dài, cũng không ngắn bạn đang cầm trên tay. Các tình tiết, vẫn đơn giản, như quyện đặc lại dần, và bạn đã có cảm giác rằng đây không phải câu chuyện về những nỗi buồn vô cớ, mà là câu chuyện về những số phận khắc nghiệt, những cảnh đời không giản đơn. Mọi thứ ngột ngạt dần lên, gay gắt dần lên. Phải chăng đây là câu chuyện về những vết thương, về những người trẻ tuổi phải bước vào đời và phải sống với những vết thương khó lành trong tâm hồn? Phải có lý do để họ, vào tuổi yêu, trong một môi trường không bị đói nghèo thiếu thốn đe dọa, lại có cảm giác về sự nhỏ bé (có thật theo kích cỡ địa lý, không thật theo chiều kích nhân gian) của đất nước này: “Singapore bé nhỏ nhưng sao chẳng thể nào đi hết những mệt mỏi ở nơi này”… Hay đây là câu chuyện về một thế hệ, theo ngôn ngữ triết học hiện sinh, đang “bị ném vào” thế giới hiện hữu – cái thế giới là di sản của những năm tháng trước đó, cái thế giới vẫn bị sức ép và sự độc đoán của những năm tháng trước chi phối?
Mỗi thế hệ tích lũy năng lực sống của mình theo một kiểu khác nhau – Không theo ý muốn của thế hệ đó, mà do bối cảnh quy định. Trong một thời buổi nhiều ngả rẽ này, không phải là lỗi của họ, nếu những người trẻ tuổi giờ đây không thể tích lũy năng lực sống theo cách giản dị, hào sảng, hồn nhiên, mà phải theo cách vật lộn với sự ngột ngạt, chật vật tìm tia sáng trong veo (liệu có còn?) của sự giao cảm giữa những trái tim. So với các thế hệ trước, họ sống trong một thế giới đỡ thiếu thốn hơn về vật chất và tự do cá nhân. Nhưng họ cũng chạm vào các dằn vặt, bế tắc, trống vắng… sớm hơn. Đó là lý do khiến có nhiều cơ sở để tin rằng, năng lực sống của họ sẽ bền vững hơn người ta có thể nghĩ.
Cho đến cuối cuốn sách, bạn đọc, cũng như tôi, sẽ nhận ra rằng các phỏng đoán về chủ đề của tác phẩm này hóa ra đều không đúng, hoặc chỉ đúng một phần. Đọc hết trang cuối, bạn mới biết rằng đây không phải một câu chuyện chỉ bao hàm những điều mà bạn đoán. Đây đơn giản là một bài thơ. Một bài thơ rất buồn. Người ta không tìm nghĩa trong thơ. Người ta chỉ lặng yên để thơ thấm vào mình.
Chính xác là cuốn truyện này thấm vào ta theo cách ấy. Lúc đầu nó khó đọc, không phải vì có trúc trắc gì trong chất liệu, mà chính bởi sự nhẹ bẫng của chất liệu. Nhưng đúng như tên gọi, nó là một cơn mưa. Không vội vã, không phải lúc nào cũng ào ạt, cơn mưa từ trang này sang trang khác cứ làm nặng dần, nặng dần không gian của câu chuyện, như nước mưa dần ngập bờ bãi. Tôi thú nhận là đã đọc phần đầu cuốn sách này trong một trạng thái khá hờ hững, vì đã tưởng đây chỉ là một thứ nhật ký biến hình của tuổi mới lớn. Nhưng khi hết cơn mưa, cũng là hết trang cuối, tôi ngạc nhiên khi nhận ra mình đã bị lừa một cách ngoạn mục. Tác giả đã viết như thể một người lơ đãng dúi xuống đất một cái cây con, rồi lơ đãng vun vén cho nó, đến lúc cái cây tự lớn lên, thành một thực thể khác hẳn, mà ta không kịp nhìn ra nó được chăm sóc thế nào. Dường như các trang viết tự trải ra, đúng thật như một cơn mưa, hạt mưa rơi trước kéo hạt mưa sau. Và mưa dứt cũng tự nhiên như khi nó bắt đầu.
Chúng ta bất chợt thấy mình ướt đẫm bởi những giọt da diết, thương cảm, xót xa, ấm áp… mà những nhân vật của truyện đã trải qua. Còn có thể nói gì khác – chỉ có thể là một bút pháp quá chuyên nghiệp!
7/2011
Nhà báo Trần Đăng Tuấn
Nguyên Phó tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.
Người ta bắt đầu treo đèn lên rồi. Cả khu Chinatown ửng hồng lên như một thiếu nữ Trung Hoa vừa vận xiêm y, tô son điểm phấn lại, uyển chuyển khoe khuôn mặt tươi như hoa, lấp lánh dưới những ánh đèn vàng. Nếu Chinatown là một thiếu nữ bằng xương bằng thịt, tôi đoán sẽ chẳng mấy chàng trai dám chạm đến bởi sự lung linh và huyền bí của nó. Nhưng đã thực sự chạm đến rồi, tôi e là người ta sẽ ngại ngần hơn rất nhiều.
Tôi bày đồ nghề ra, ngồi chơ vơ trên chiếc ghế, thấp bé như một viên gạch xây nhà. Góc tôi ngồi, bên cạnh hàng bác Cheng, bác bán những bức tranh cổ về một Singapore từ những ngày xa xưa, từ cái thời đất nước này chỉ mới là một làng chài của người Mã Lai vào thế kỉ XIX. Bác Cheng, người đàn ông xấp xỉ năm mươi tuổi, ấy vậy mà râu tóc bạc trắng, bộ râu dài đến ngang cổ, bác tự hào về nó lắm. Bác Cheng là người có tâm hồn nghệ sĩ và lãng mạn nhất mà tôi từng được biết từ trước đến giờ. Những người như thế, chẳng bao giờ giàu được, bác Cheng rất nghèo. Nhưng những người như thế lại thấy hài lòng và sung sướng trong hoàn cảnh của chính họ. Tôi cũng là một họa sĩ nghiệp dư, ở đây hay gọi là “họa sĩ đường phố”. Tôi cũng nghèo, cái nghèo bắt nguồn từ gia phả, từ đời ông bà truyền sang cha mẹ, đến đời tôi, lại thêm đam mê cái nghiệp này, học hành chẳng được cao, bản thân cũng lãng mạn, mong manh, dồn ứ lại bên trong là cả một sự bất lực và bế tắc, nhưng lúc nào cũng tỏ ra quá ư cao ngạo. Thực tế, tôi chẳng có gì, ngoài những bức tranh. Thực tế, tôi biết mình chẳng khá lên được.
Khu Chinatown bắt đầu nhộn nhịp, những gương mặt hòa lẫn vào nhau. Tôi ngồi chống cằm, đưa đẩy những bức tranh chân dung mẫu cho người đi lại dễ thấy. Tôi vẽ chân dung, tôi vẽ những gương mặt. Bức chân dung đầu tiên tôi vẽ là mẹ, khi ấy tôi mới lên sáu tuổi. Lúc ấy mẹ đã hôn lên trán tôi, và bảo rằng nhất định tôi sẽ trở thành một nữ họa sĩ nổi tiếng. Sau đấy, mẹ đã âm thầm tìm hiểu để mang về cho tôi những cuốn sách về hội họa đắt tiền, mẹ như thấy trước tài năng của tôi và động viên tôi cố gắng từng chút một. Và bức chân dung đó, mẹ luôn giữ bên mình, giờ tôi chẳng biết nó đang ở đâu nữa… Cứ nhớ đến thế, từng đoạn phim ký ức cứ tua lại chầm chậm, mí mắt tôi bắt đầu nặng dần. Tôi cúi mặt cho từng dòng ký ức trôi qua. Tôi làm việc này ngày qua ngày một cách đều đặn. Đêm đến, tôi thở dài trong sự chán nản trước khi nhắm nghiền đôi mắt.
Một cô gái đứng trước mặt tôi, nghiêng nghiêng đầu, mái tóc ngắn được vén gọn gàng hai bên tai, đôi mắt to và sáng. Cô ấy cười với tôi, nụ cười như một bông hoa sen đang nở:
– Bạn vẽ mất bao lâu?
– Mười lăm phút. – Tôi trả lời.
Cô ấy gật đầu, tôi chỉ vào chiếc ghế nhựa nhỏ, có lưng dựa. Cô gái ngồi xuống đấy, khẽ vén váy sang một bên. Tôi ngắm nhìn cô ấy một phút, chỉ hướng cho cô gái nhìn và bắt đầu những phân đoạn nhỏ cho tổng thể gương mặt. Một vài người qua lại tò mò và thích thú đứng lại xem, những lúc như vậy, tôi sẽ bắt đầu đông khách hơn. Họ lại giơ tay chỉ trỏ, bảo tôi vẽ thật tài tình. Tôi khẽ cười, vung những nét bút, ánh mắt nhìn lên, rồi lại nhìn xuống bản vẽ… Những gương mặt cứ đến, đi vào trong đôi mắt tôi mười lăm phút, rồi lại trôi đi, dễ dàng như ăn bữa cơm hằng ngày vậy.
Cô gái cầm bức tranh, cười rất mãn nguyện:
– Bạn vẽ đẹp quá!
– Nghề của tôi mà.
– Bao nhiều vậy?
– Hai mươi lăm đô2.
2Đồng đô la Singapore.
Cô gái cầm tranh, quay người đi, một người khác lại ngồi vào chiếc ghế đó. Tôi lại vung vẩy cây bút vẽ, không suy nghĩ gì mấy. Bác Cheng đứng ở gian hàng bên cạnh, nhìn sang cười hóm hỉnh. Rất nhiều lần như vậy, bác Cheng và tôi thường trao đổi với nhau về những kỹ thuật vẽ chân dung. Bác Cheng là người mê tranh cổ và am hiểu hội họa sâu sắc, mặc dù bác không phải là một họa sĩ.
Cả khu phố dài nhộn nhịp, tiếng người qua lại, người mua kẻ bán, những đèn lồng đỏ hồng treo cao, tôi ngồi chống cằm nhìn, vẫn luôn thấy mình thật biệt lập. Những người khách đến không làm tôi thấy vui hơn, từ bao năm nay vốn đã như vậy, dường như tôi cũng chẳng có thói quen đếm tiền thường xuyên, tôi nhét tiền vào một hộp sắt nhỏ, hằng ngày lấy ra từ đấy, và vẫn thấy mình sống đủ qua ngày.
Cuộc sống như một đoàn tàu, chạy chậm, đều mãi, không dừng lại bao giờ.
Tôi hoàn thành bức vẽ cuối cùng vào lúc mười giờ, cất dọn đồ nghề xong, lững thững bước về, gió bắt đầu thổi nhè nhẹ, tôi cảm nhận rõ sự chuyển động của những sợi tóc mai nhỏ trên đầu mình. Các ông lão, bà lão của tôi bắt đầu dọn dẹp hết những bàn ăn còn sót lại. Tôi cười chào họ trong bóng đêm của một ngày tàn. Bàn chân bước chậm dần, phía sau lưng tôi, đèn lồng đã tắt.
Mời các bạn đón đọc Mùa Mưa Ở Singapore của tác giả Linh Lê.
Chia sẻ ý kiến của bạn