NHỮNG CÔ VỢ BÉ CỦA LAO ÁI

Khi Liên Xô tan rã, nhiều người trên thế giới vui mừng vì nhân loại bớt đi được một chế độ độc tài toàn trị. Việt Nam là một trong những nước có nhiều người vui mừng nhất. Đó là giới trí thức và những người cùng khổ..

Lúc ấy không mấy ai ngờ rằng biến cố chính trị ấy là một thảm họa cho dân tộc Việt Nam. Nó như cơn sóng thần khủng khiếp ập xuống đầu giới cầm quyền Việt Nam, đuổi họ chạy trối chết về phương Bắc và ngã quỵ dưới chân Giang Trạch Dân, Lý Bằng… những kẻ đã từng xua quân qua biên giới giết hàng vạn người Việt Nam năm 1979, nhưng vào thời điểm đó lại là người đồng chí lớn, là chỗ dựa vững chắc duy nhất cho sự tồn tại của đảng CSVN.

Và việc Liên Xô tan rã cũng mở đầu cho một thời kỳ Bắc thuộc mới vô cùng nguy hiểm, đó là hội nghị Thành Đô năm 1990.




Trong hội nghị ấy, đồng chí Nguyễn Văn Linh kính mến của chúng ta đã nói một câu bất hủ: “Đi với Tàu thì mất nước, nhưng còn Đảng”.

Nhưng đối với nhân dân Việt Nam, từ trí thức cho tới kẻ thất phu, ai ai cũng biết rằng mất nước mới là quan trọng.

Còn Đảng “còn” hay mất đó là chuyện riêng của Đảng.




Từ đó đến nay, công việc của các vị lãnh đạo Việt Nam chỉ là từng bước “thực hiện một cách mưu trí và sáng tạo” những gì đã ký kết trong hội nghị Thành Đô theo kịch bản của Trung cộng.

Không một vị lãnh đạo nào của Việt Nam có thể đứng ngoài kịch bản ấy.

Từng vị lãnh đạo một, tùy theo cương vị của mình, đã đưa Trung cộng vào Việt Nam qua các ngả Tây Nguyên (bauxite), Vũng Áng (Formosa), Bản Giốc, Bình Thuận (với nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân trị giá 1,75 tỷ đô-la mà Trung Quốc đầu tư 95% vốn và được quyền khai thác 25 năm). Và quan trọng nhất là Biển Đông. Khi Trung cộng chiếm đảo Gạc Ma, thì lãnh đạo Việt Nam đã ra lệnh bộ đội Việt Nam không được chống cự. Kết quả là 64 chiến sĩ tan xác và mất đảo trong vòng vài mươi phút.




Từng vị lãnh đạo một, đã đưa Trung cộng vào các ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam như may mặc, lâm sản, dầu mỏ, bauxite… và các ngành công nghiệp hàng đầu như xây dựng, cầu đường, điện lực…

Chính quyền Việt Nam luôn hô hào Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam nhưng thực tế họ luôn làm ngơ cho Trung cộng chiếm đảo và xây dựng các căn cứ quân sự, các sân bay trên đảo.

Đó là bi kịch có tên là BẮC THUỘC.

Mà đã gọi là Bắc thuộc thì không còn chủ quyền nữa. Chính quyền Việt Nam chỉ là cái vỏ. Ruột là Tàu. Vì thế tất cả những ai chống Tàu đều bị chính quyền Việt Nam đàn áp và bỏ tù.

Mà RUỘT đã là TÀU thì chỉ có thân Tàu, không được phép thân Mỹ. Ai thân Mỹ sẽ bị loại ra khỏi guồng máy lãnh đạo lập tức.

Và do đó không thể có phe thân Mỹ tại Việt Nam được.

Đó là là nền tảng cơ bản để chúng ta lý luận, đánh giá về mọi vấn đề có liên quan đến chính trị và thời sự ở Việt Nam, giúp chúng ta tránh được những nhận định hời hợt, ngây thơ trước những sự kiện phức tạp.

°

Trước sự lệ thuộc quá sâu đậm của Việt Nam vào Tàu, nhiều người tiếc rẻ: “Phải chi ngày 30/4/1975, thống nhất đất nước xong lại chơi với Mỹ, mời Mỹ sang cùng ta xây dựng đất nước chắc giờ đây cũng văn minh như Hàn Quốc.

Ý kiến đó có khả thi không?

Vào thời điểm 30/4/1975 sau 10 năm tham chiến với nhiều thương vong, nhiều thiệt hại tiền của, uy tín, nhiều xáo trộn trong xã hội, Mỹ đã rút được chân ra khỏi Việt Nam, họ bỏ của chạy lấy người, họ mừng gần chết.

Lúc ấy tình cảnh của họ cũng giống như một anh chồng sau 10 năm bỏ vợ bỏ con đi theo vợ bé, giờ rứt ra được cái “của nợ” trở về mái nhà xưa, ăn năn hối lỗi, làm lại cuộc đời, chuộc lỗi với vợ con… chẳng lẽ vì một lời mời của “bên thắng cuộc” mà họ phải quay lại?

Nếu là bạn, bạn có quay lại không? Quay lại thì “được cái giải gì”? Quay lại để đương đầu với Trung cộng sao? Nhân dân Mỹ sẽ phản ứng thế nào?

Một anh chồng vừa mới đi theo vợ bé, trở về sau 10 năm lầm lỗi, chưa kịp ăn một bữa cơm với gia đình, chưa kịp ngủ với vợ một đêm đã vội vàng khăn gói quay trở lại chốn xưa tìm cô vợ bé cũ?

Chỉ có những thằng điên mới làm như vậy.

°

Còn về phía Việt Nam, ngay sau khi thống nhất đất nước, nếu như họ bộc lộ ý định mời Mỹ trở lại, thì lập tức Trung cộng sẽ tấn công phủ đầu, lấy cớ là Việt Nam phản bội. Trận chiến tranh biên giới năm 1979 giữa Trung cộng và Việt Nam là một minh chứng hùng hồn cho khả năng ấy. Chưa kể Liên Xô, nước đã cung cấp nhiều vũ khí hiện đại góp phần không nhỏ cho chiến thắng của đảng CSVN.

Liệu một nước Việt Nam vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt, một Việt Nam kiệt quệ, tan nát, đói rách.. có đủ sức đương đầu với Nga và Tàu không?

Mà có lẽ chúng ta cũng không cần đặt giả thuyết ấy làm gì, bởi vì ngay giữa lúc người Mỹ đang tháo chạy trối chết trên các nóc nhà Sài Gòn thì Trung Quốc đã bộc lộ ý định chiếm đoạt miền Nam Việt Nam trước khi Việt cộng tiến vào Sài Gòn.

Mời các bạn đọc đoạn trích sau đây từ bài viết của nhà báo Nguyễn Hữu Thái có nhan đề: “30/4/75 Dương Văn Minh và tôi”:

“Vào sáng sớm có một đơn vị thiết giáp đến vây quanh dinh (Đôc Lập), viên chỉ huy đề nghị tướng Dương Văn Minh tử thủ. Ông từ chối và thuyết phục họ rút đi. Ông cũng làm như vậy với nhóm biệt kích Lôi Hổ đằng đằng sát khí. Cuối cùng, một số sĩ quan cao cấp hải quân đến mời tướng Minh xuống tàu chạy đi, ông cũng từ chối. Lát sau viên tướng Pháp đội lốt ký giả Vanuxem hối hả vào xin gặp tướng Minh và nói với ông: «Hãy rút về Cần Thơ, cố thủ Vùng 4 chiến thuật, chỉ vài ngày nữa thôi thì Trung Quốc sẽ áp đặt giải pháp trung lập hóa Miền Nam». Tướng Minh than: «Hết Tây đến Mỹ, chẳng lẽ bây giờ còn đi làm tay sai cho Tàu nữa sao!»

°

Vậy chúng ta hãy gác cái chuyện Việt Nam làm đồng minh của Mỹ ngay sau khi thống nhất 30/4/1975 đi, mà quay về thực tế phũ phàng của một nước nhược tiểu.

Cuộc chiến biên giới với Trung cộng năm 1979 đã làm Việt Nam bừng tỉnh và nhận ra một sự thật đắng cay là: Việt Nam chẳng là cái đinh gì so với các siêu cường trên thế giới.

Trước đây Việt Nam chỉ là một cô vợ bé của Mỹ, thế rồi chiến tranh chấm dứt, Mỹ đã trở về với mái ấm gia đình họ, người đàn bà góa Việt Nam đứng giữa hai chàng trai hàng xóm khổng lồ là Nga và Tàu.

Đang lúc phân vân chưa biết ngã vào lòng ai (hoặc là tiếp tục ỡm ờ bắt cá hai tay) thì đùng một phát Liên Xô tan rã, chỉ còn mỗi anh ba Tàu to con, bặm trợn cỡ như Lao Ái (tình nhân của thái hậu Triệu Cơ, mẹ Tần Thủy Hoàng) với cái dương vật to tổ bố đang thọc vô bánh xe quay tít để phô trương bản lĩnh.

Cô vợ bé Việt Nam không còn con đường nào khác, đành phải ngã vào lòng chàng Lao Ái. Cô đã rước chàng ta về nhà, đã lên giường với nó, đã ngủ với nó cả trăm lần, đã bị nó bạo hành, đánh cho gãy tay, phù mỏ bao nhiêu lần… nhưng vẫn phải bám lấy nó vì trong suốt mười mấy năm qua (kể thừ khi Liên Xô sụp đổ) đã sinh cho nó một đàn con lúc nhúc, đã đem nhà cửa ruộng vườn sang tên cho nó. Và nó đã xây cái vạn lý trường thành chung quanh nhà, xây luôn sân bay, căn cứ quân sự ngoài biển Đông, mìn bẫy nó gài dày đặc khắp nơi.

Ván đã đóng thuyền, người đẹp Việt Nam đã trở thành Lao Ái phu nhân rồi, Mỹ thì đang sống êm ấm với vợ con, sao còn phải trở lại Việt Nam làm gì nữa?

Vậy mà có người vẫn còn hy vọng Mỹ sẽ trở lại.

Hễ cứ nhìn thấy có nhà lãnh đạo Việt Nam nào viếng thăm Mỹ, hoặc nghe một vài câu tuyên bố giựt gân nào có hơi hướng thân Mỹ là mừng run lên, nghĩ chắc sắp có “Mã Quy”.

Hễ cứ nghe các lãnh đạo Việt Nam đả kích nhau, hạ bệ nhau thì mừng lắm, cho rằng phe thân Mỹ sắp hạ bệ phe thân Tàu, phe thân Tàu đang thua, phe thân Mỹ đang thắng.

“Phe thân Mỹ” ở đâu ra vậy? Chắc từ Hội nghị Thành Đô chui ra? Hay từ Vũng Áng, từ mỏ bauxite Tây Nguyên mới xuất hiện, hoặc vừa đáp máy bay quân sự từ Hoàng Sa về?

Họ không biết rằng cho dù các lãnh đạo Việt Nam có xung đột phe phái, thậm chí có xảy ra đảo chánh đi nữa thì Mỹ cũng sẽ không can thiệp, vì đó là chuyện nội bộ của Việt Nam, chuyện ghen tuông giữa các bà vợ bé của thằng Lao Ái.

Việc gì mà Mỹ phải đụng độ với cái thằng Lao Ái đó chứ?

Còn nếu như sau chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng mà người Mỹ có sang Việt Nam mở rộng hợp tác đầu tư, hoặc bán vũ khí cho Việt Nam… thì những chuyện ấy cũng đã có sẵn trong kịch bản giữa Mỹ và Trung cộng từ trước rồi.

4/7/2015

***

Đào Hiếu (sinh năm 1946), tên khai sinh: Đào Chí Hiếu. Các bút danh khác: Biển Hồ, Đào Duy. Hiện ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

Đào Hiếu, sinh ngày 10 tháng 2 năm 1946 tại Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Ông sớm gia nhập phong trào sinh viên cách mạng tại Quy Nhơn.

Năm 1968 ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1970 ông bị bắt quân dịch và trở thành binh nhì sư đoàn 22 Quân lực Việt Nam Cộng hoà.

Sau sáu tháng, ông trốn vào Sài Gòn bắt liên lạc với Tổng hội sinh viên hoc sinh để tiếp tục hoạt động chống Mỹ đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Ông tốt nghiệp cử nhân văn chương trước 1975 tại Sài Gòn. Từng làm phóng viên báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ.

Hiện Đào Hiếu sống và viết tại TP. Hồ Chí Minh.

Truyện dài

  • Giữa cơn lốc, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1978.
  • Một chuyến đi xa, Nhà xuất bản Măng Non, 1984, nxb Trẻ 1994.
  • Qua sông, Nhà xuất bản Văn Nghệ, 1986.
  • Vùng biển mất tích, Nhà xuất bản Đồng Nai 1987.
  • Vượt biển, Nhà xuất bản Trẻ 1988, 1995.
  • Vua Mèo, Nhà xuất bản Trẻ 1989.
  • Người tình cũ, Nhà xuất bản Văn Nghệ 1989.
  • Kẻ tử đạo cuối cùng, Nhà xuất bản Trẻ 1989.
  • Thung lũng ảo vọng, Nhà xuất bản Trẻ 1989.
  • Hoa dại lang thang, Nhà xuất bản Văn Học 1990.
  • Trong vòng tay người khác, Nhà xuất bản Tác phẩm Mới 1990.
  • Kỷ niệm đàn bà, Nhà xuất bản Văn Nghệ 1990.
  • Nổi loạn, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 1993.
  • Lạc Đường (tự truyện), Nhà xuất bản Giấy Vụn 2008, Nhà xuất bản Kim Thư Production USA 2008.
  • Tuyển tập Đào Hiếu (tập 1 và tập 2) Nhà xuất bản Kim Thư Production USA 12. 2009.
  • Mạt lộ, Nhà xuất bản Lề Bên Trái (tự xuất bản)[1], 03. 2009.

Truyện ngắn và tạp văn

  • Bầy chim sẻ, Nhà xuất bản Văn Nghệ 1982.
  • Những bông hồng muộn, Nhà xuất bản Trẻ 1999.
  • Tình địch, Nhà xuất bản Trẻ 2003.

Thơ

  • Đường phố và thềm nhà, Nhà xuất bản Trẻ 2004.

Mời các bạn đón đọc Gorbachov Của Việt Nam của tác giả Đào Hiếu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *