Tại Nam bộ châu Á có một bán đảo nhỏ tên Oa-ly-đà, núi non hiểm trở dân cư phần đông tụ tập ở miền đồng bằng phía Đông Nam ngay sát bờ biển.
Tại miền Bắc Oa-ly-đà ngay chính giữa khoảng núi non trùng điệp rừng cây sầm uất, có một cái hồ thật rộng, xung quanh mọc thuần một thứ cây thùy- dương, vì vậy người Oa-ly-đà gọi là Hồ Thùy Dương.
Các ông già bà cả xứ Oa-ly-đà trước đây vẫn thường kể cho con cháu nghe về sự tích cái hồ đó, lời các cụ kể mộc mạc. Về sau các thi sĩ Oa- ly-đà bèn kể lại thành khúc trường ca phổ nhạc, lời thơ chải chuốt bóng bẩy với nhiều tình tiết tỉ mỉ. Rồi vào những đêm xuân mở hội có trăng tròn, người ta vừa gẩy đàn vừa kể hoặc vừa hát chodân chúng nghe. Thường thường dân chúng tụ tập để nghe chuyện từ lúc trăng rằm vừa nhô cao lên khỏi dãy núi ngoài khơi. Dân chúng lặng yên nghe lời ca, nghe tiếng đàn, nhiều khi cùng vỗ tay giữ nhịp đồng ca với thi sĩ hoặc đứng lên làm điệu bộ hợp với lời thơ. Đêm dài thành ngắn. Khi câu chuyện vừa chấm dứt, dân chúng ra về thì trăng rằm thường cũng vừa kịp lặn, vừng đông hơi ửng hồng, cỏ hai bên đường đẫm sương. Những hình ảnh đó như nhắc nhở dân chúng nhớ lại biết bao tình tiết trong câu chuyện kể thâu đêm vừa qua. Khúc nhạc-thi này chia làm ba hồi rõ rệt.
Trước đây hồi còn tu luyện trên núi Li-biêng, một ngọn núi cao quanh năm tuyết phủ miền cực Bắc, con sói có lần thấy một khối đá bị nước soi mòn để lộ bên trong thỏi ngọc quý dài như chiếc đũa, óng ánh màu biếc. Nó bèn đem thỏi ngọc đến Hang Trời.
Hang Trời là một động đá thông suốt hai bề, hình hàm rồng. Chính là nơi tụ tập khí thiêng của trời đất. Gió từ bốn phương rừng núi lùa lại ngát hương. Ánh sáng mặt trời, mặt trăng cùng các vì sao ngày đêm phản chiếu lấp lánh muôn mầu trên thành thạch nhũ khiến bất cứ giờ nào tại nơi đây cũng có một màu ánh sáng huyền ảo lân lâng đạc biệt của chốn thần tiên. Ngay giữa động Hang Trời có một phiến đá phẳng màu trắng trong. Phiến đá này trước đây chỉ là một phiến đá thường. Tục truyền, sau lần Thượng Đế giáng lâm an tọa trên đó qua mấy ngàn năm sau nó biến thành trắng phau và hầu như trong suốt như vậy. Do linh tính đặc biệt của loài yêu, con sói đuôi xòe đem thỏi ngọc đến đặt ngay chính giữa phiến đá. Nó biết rằng chờ ba trăm năm sau, thỏi ngọc sẽ thu hút tinh khí mặt trời ban ngày, trăng sao ban đêm, cùng hương gió bốn phương của núi rừng để biến thành chiếc đũa vạn năng.
Ba trăm năm qua. Con sói đã tu luyện hiện được thành hình người nhưng nó chưa thể sử dụng được chiếc đũa vạn năng vì nó chưa thành người thật, mà còn là loài sói với cái đuôi xòe đằng sau.
Vẫn với linh tính loài yêu, con sói đuôi xòe biết rằng nó cần phải uống máu hai giống người khác nhau thì cái đuôi của nó mới biến đi được. Nhưng nó không dám tự mình đi vồ hai giống người kia vì nó biết chiếc đũa vạn năng sẽ mất hết linh ứng dưới tay một kẻ phạm tội hung ác. Nó chợt nghĩ ra được một quỷ kế, không tự tay giết ai mà vẫn có đủ máu hai giống người để uống cho đuôi xòe biến đi. Lập tức nó từ giã đỉnh núi Li-biêng đằng vân bay mãi… bay mãi xuống miền Nam. Tới khu rừng quế nước Oa-ly-đà, nó xem kỹ hình thế rồi quyết định dừng lại.
Sở dĩ con sói đuôi xòe chọn rừng quế này làm nơi thi hành xảo kế vì ngang qua khu rừng có con đường lớn đưa ra biển, các giống người ở giữa đại lục vẫn mượn con đường này để liên lạc thông thương cùng các giống người khác ở ven đại dương.
Mời các bạn đón đọc Hồ Thùy Dương của tác giả Doãn Quốc Sỹ.
Chia sẻ ý kiến của bạn