Trong thời đại của Internet, chưa bao giờ con người lại bị lăng nhục nhanh, nhiều và dễ dàng đến thế! Qua những câu chuyện thời sự nóng bỏng, Thiện, Ác và Smartphone của Đặng Hoàng Giang phác họa sắc nét chân dung của văn hóa làm nhục thời mạng xã hội, khiến chúng ta rùng mình vì sự xấu xí và sức phá hủy của nó. Những phân tích thấu đáo buộc chúng ta phải đối diện với bản thân, và giật mình nhận ra đôi khi chính mình cũng đang góp phần tạo ra bức chân dung đó, để hủy hoại người khác và hủy hoại bản thân.

Không dừng lại ở đó, tác giả chỉ ra con đường thoát bằng sức mạnh của sự điềm tĩnh và vững vàng của lòng trắc ẩn. Để luôn ý thức rằng đằng sau những avatar ảo là con người thật. Để phê bình mà không mạt sát, lên án nhưng không lăng nhục. Để trong khi thượng tôn pháp luật vẫn trân trọng nhân phẩm con người. Để thấu cảm, khoan dung, tha thứ và hướng tới một xã hội của công lý phục hồi và hàn gắn, thay vì của trừng phạt tàn khốc.

Giàu chất thời sự nhưng mang ý nghĩa vững bền, chạm tới từng góc khuất trong tâm can mỗi người nhưng đồng thời bao quát cả xã hội, cuốn sách mang tính xây dựng và tinh thần nhân văn sâu sắc.




Hãy đặt smartphone xuống và đọc cuốn sách này!

***
Cuốn sách của Đặng Hoàng Giang ngập tràn những câu chuyện thực tế và những ví dụ cụ thể. Vì vậy, tôi sẽ viết lời tựa cho nó cũng bằng một ví dụ cụ thể.

Tháng 9 năm 2016, một quán karaoke ở Hà Nội bị cháy và bức ảnh một nữ nhân viên chạy ra ngoài che mặt bằng chiếc áo lót thấm nước lan truyền trên mạng. Thay vì khen ngợi cô gái có kỹ năng sống và biết xử lý tình huống rất thông minh (trong hỏa hoạn ta dễ chết ngạt vì khói hơn là chết thiêu trong lửa), vô số những bình luận độc ác nhanh chóng nhấn chìm cô gái xuống bùn đen. Người ta mặc định cô là gái bán hoa, miệt thị nhân cách của cô, phán xét cô vì là gái bán hoa nên cũng sẽ là kẻ toàn ăn không ngồi rồi, cướp chồng người khác (!), và ám chỉ nếu cô chết thiêu thì cũng đáng kiếp bằng những lời nói dửng dưng tàn nhẫn: “Úi giời, toàn là bọn điếm ý mà”. Hai ngày sau vụ tai nạn kinh hoàng, cô gái phải kêu lên: “Có lẽ nào tôi chết trong đám cháy ấy còn tốt hơn là may mắn sống đến bây giờ để nhận những lời miệt thị từ các bạn?”




Hãy thử tưởng tượng là họ chạy ra từ một công sở bị cháy, cô gái có cách xử lý cực kỳ thông minh ấy sẽ được tung hô như người hùng. Nhưng định kiến xã hội và sự tàn ác của những kẻ vô danh mạnh hơn sự công bằng: làm ở quán karaoke thì là gái làm tiền. Không ai có bằng chứng, nhưng cần gì bằng chứng? Một xã hội càng thiếu khoan dung thì càng nhiều định kiến, đơn giản vì nó khiến người ta phán xét tốt xấu một cách giản đơn nhất mà không cần lòng nhân ái, khả năng biết chờ đợi sự thật, và khả năng lắng nghe những số phận riêng biệt của từng con người.

Việc tuyên án các cô gái là người bán dâm tạo nguyên cớ cho việc sỉ nhục thay vì tung hô. Trong cuốn sách này, Đặng Hoàng Giang phân tích khá kỹ lưỡng về quá trình diễn biến và nguồn gốc của sỉ nhục từ khía cạnh tâm lý. Khối lượng kiến thức mà tác giả đầu tư khiến cuốn sách mang tầm vóc của một tác phẩm khoa học thường thức. Nó thỏa mãn sự đòi hỏi học thuật của các chuyên gia tâm lý, nhưng đồng thời cũng là một cánh cửa biến hóa với chiếc tay nắm vừa tầm với bất kỳ một người đọc nào, dù tình cờ hay chủ ý. Cuốn sách là một chiếc gương tâm lý phản chiếu một phần cuộc sống của chúng ta, nơi mỗi cá nhân có thể dễ dàng nhận thấy mình đã từng vừa là nạn nhân, và đôi khi vừa là thủ phạm một cách vô thức.

Là một người nghiên cứu văn hóa từ góc độ liên ngành (interdisciplinary), tôi cảm thấy thực sự thích thú khi có cơ hội được ráp nối những phân tích sắc sảo của tác giả với những hiểu biết của chính mình về vai trò của “ý thức nhóm” trong sinh học tiến hóa.




Từ góc nhìn chọn lọc tự nhiên, một lý do khiến con người trở nên ác độc với kẻ khác là việc chúng ta phải bảo vệ người cùng phe với mình. Con người là sinh vật bầy đàn, không có bầy đàn thì cá nhân không thể tồn tại. Vì vậy, bầy đàn trở thành đối tượng quan trọng để yêu thương, hy sinh và bảo vệ. Trong quá trình tiến hóa, chúng ta dần dần xây dựng khả năng nhận biết kẻ cùng bầy đàn thông qua ngôn ngữ, cách ăn mặc, giá trị, hoặc hành vi… Kẻ không chia sẻ những đặc tính này thường kích hoạt hệ thống amygdala trong não chúng ta với tín hiệu “kẻ lạ, dè chừng”. Khi phải cạnh tranh nguồn sinh sống, chúng ta không thể vị tha với kẻ khác bầy đàn giống như kẻ cùng bầy đàn được, và tiến hóa xã hội hình thành một công cụ hữu hiệu để giúp con người có đủ dã tâm tàn hại kẻ khác (demonization – nghĩa là “biến kẻ khác thành quỷ dữ”).

Để lòng trở nên vô cảm với kẻ thù, ta sẽ miêu tả họ là vô đạo đức, dã thú, xấu xa. Giết một kẻ xấu xa sẽ dễ dàng hơn giết một kẻ cũng giống như chúng ta. Đó là công cụ đắc lực để con người coi đồng loại là loài cầm thú đáng bị tiêu diệt, để vượt qua lòng vị tha và sẵn sàng vung kiếm trên chiến trường hoặc trên Facebook. Phi nhân hóa và sỉ nhục kẻ khác vì vậy một phần có nguồn gốc tiến hóa, và oái oăm thay, lại là sản phẩm của lòng trung thành với bầy đàn của chính mình. Nói cách khác, chúng ta vì yêu bầy đàn (gia đình, tộc họ, quốc gia, tôn giáo) của mình quá mà kết quả là biến bầy đàn khác thành kẻ xấu xa. Điều đó giải thích cho việc một số phụ nữ kiên quyết đổ tội cho gái mại dâm chứ chồng mình nhất định chỉ là nạn nhân bị dụ dỗ. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan cũng vậy, nó bôi nhọ, kết án, sỉ nhục, và biến quốc gia và nhóm người khác thành quỷ dữ.

Con đường mà Đặng Hoàng Giang dẫn bạn đọc đi qua sẽ khiến không ít kẻ trong chúng ta giật mình vì nhìn thấy chính bản thân trong đó. Vô tình hay cố ý, ai trong chúng ta cũng từng phán xét, hạ nhục, hoặc phi nhân hóa kẻ khác, về khía cạnh tâm lý, tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi các phân tích của tác giả bởi tôi cho rằng, một cách gián tiếp, hạ thấp kẻ khác khiến cho ta cảm thấy hài lòng với bản thân, với nhân cách mình đang có mà không mất nhiều thời gian tự kiểm điểm. Nếu kẻ kia xấu xa thì đương nhiên kẻ mạt sát họ (tức là ta) trở thành tốt đẹp. Những vấn đề mà ta đang có bị lu mờ và đẩy lùi vào hậu trường. Ta mải mê mạt sát mà quên soi gương để tự kiểm điểm bản thân, vì chỉ cần chứng minh kẻ kia là bóng tối thì ta thành ánh sáng.




Tôi đặt tên cho hành động này là “thủ dâm nhân cách”, với ý rằng sỉ nhục, hạ thấp, phi nhân hóa đối phương chỉ là một cơn cực khoái bằng đồ giả, một liều doping trá hình để xoa xít cho cái nhân cách đang hơi hoang mang, hơi bối rối, thậm chí đôi khi hơi thiếu tự tin của bản thân. Như một kẻ phải bắt nạt người khác mới thấy mình mạnh mẽ, bôi đen người khác mới có thể tự thuyết phục rằng mình trong sạch, giết chết người khác mới có thể biết rằng mình đang sống.

Ai trong chúng ta cũng từng thủ dâm nhân cách, và đều từng bị vướng vào vòng xoáy khủng khiếp ấy, nhất là những kẻ từng chịu đớn đau. Đặng Hoàng Giang đã rất chính xác khi gọi tên khát vọng muốn chà đạp kẻ khác đôi khi xuất phát từ sự tổn thương vì bị chối bỏ. Những nỗi đau vô thức dù ta đã quên đi nhưng luôn tồn tại như các cơn sóng ngầm lái con thuyền hành vi vào tâm bão, khiến ta quay cuồng mà khó thực sự hiểu ra nguyên cớ. Những trận đòn của bố mẹ hay sự xâm phạm tình dục thời thơ ấu sẽ như vết thương vô hình đi theo suốt cuộc đời và ngấm ngầm phá hoại tình yêu, công việc, hay các giao tiếp hết sức thông thường hằng ngày.

Tôi đặc biệt thích thú với những chương cuối trong cuốn sách. Nó mở ra những giải pháp và đặt vào tay người đọc những cơ hội thay đổi. Nó giúp mỗi chúng ta nhìn nhận rõ hơn sự khác nhau giữa phê bình và mạt sát, giữa lên án và sỉ nhục, giữa bản án của trái tim khoan dung và bản án của sự căm giận, giữa công bằng của pháp quyền và công lý của sự cuồng nộ.




Những điều xấu xa và tốt đẹp sẽ luôn song hành với nhau, nhưng cuốn sách này sẽ khiến bạn tự hỏi, liệu có gì không ổn ở việc trừng phạt sự xấu xa này bằng một sự xấu xa khác? Nó giống như án tử hình vậy, giết người để dạy rằng giết người là sai. Liệu chúng ta có thể đối mặt với cái ác bằng trái tim nhân từ và lý trí sáng suốt? Nếu có kẻ sỉ nhục ta hoặc những giá trị mà ta tôn thờ, liệu ta có nên sỉ nhục lại kẻ đó và biến kẻ đó thành ác quỷ? Liệu ta có hiểu rằng, ta không thể làm tổn thương kẻ khác trước khi làm chính mình bị tổn thương bởi những khát khao làm điều ác? Liệu ta có còn kịp nhớ rằng, ta không thể biến kẻ khác thành ác quỷ nếu trái tim ta không đủ nguyên liệu để hình thành nên ác quỷ?

Ác quỷ không dọn đường cho một cái thiện lớn hơn. Nó dọn đường cho một bãi chiến trường. Nếu trên bãi chiến trường ấy những đấu sĩ trở thành vô danh, những đối thủ chỉ là các avatar hư ảo, những nhát kiếm giết người chỉ cần bấm nút like, thì khả năng tàn sát của chúng ta chẳng kém gì các trò chơi điện tử đẫm máu. Vấn đề ở đây là máu thật và những số phận người thật. Chính vì lý do này, những điều Đặng Hoàng Giang chia sẻ chưa bao giờ đúng thời điểm hơn, khi mà mạng xã hội đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại.

Cho nên, tôi sẽ là người đầu tiên tham gia vào “dự án trắc ẩn” của anh. Đó là những cố gắng ứng xử tử tế khi đối diện với giận dữ, đó là việc dừng lại và chờ cho đến khi tiếng nói cất lên không phải tiếng nói của nỗi căm ghét mà là của lòng từ tâm.




TS. Nguyễn Phương Mai

Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan,

tác giả Tôi là một con lừa và Con đường Hồi giáo

***
 
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách của anh nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, minh bạch, và tiếng nói của người dân. Anh nỗ lực mở rộng không gian xã hội dân sự, truyền bá tri thức, khuyến khích tư duy phản biện và xây dựng văn hóa tranh luận. Các bình luận xã hội của anh xuất phát từ các hiện tượng văn hóa, xã hội đương đại để chỉ ra những vấn đề liên quan đến bình đẳng, công lý và tương quan quyền lực trong xã hội.

Tác phẩm:

  • Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can
  • Điểm Đến Của Cuộc Đời
  • Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ

Mời các bạn đón đọc Thiện, Ác Và Smartphone – Đặng Hoàng Giang.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.