Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, chữ Hán: 大越史記全書, đôi khi gọi tắt là Toàn thư, là bộ quốc sử bằng chữ Hán và chữ Nôm của Việt Nam, viết theo thể biên niên, ghi chép lịch sử Việt Nam từ thời đại truyền thuyết Kinh Dương Vương năm 2879 TCN đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê. Bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư được khắc in toàn bộ và phát hành lần đầu tiên vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hoà năm thứ 18, triều vua Lê Hy Tông, tức là năm 1697. Nó là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, do nhiều đời sử quan trong Sử quán triều Hậu Lê biên soạn.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư được bắt đầu được Ngô Sĩ Liên, một vị sử quan làm việc trong Sử quán dưới thời vua Lê Thánh Tông, biên soạn dựa trên sự chỉnh lý và bổ sung hai bộ quốc sử Việt Nam trước đó cùng mang tên Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên.
Sau khi xuất bản, Đại Việt sử ký toàn thư tiếp tục được tái bản bởi các hiệu in của chính quyền và tư nhân, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên khắp thế giới, trong nhiều thế kỷ sau. Nửa cuối thế kỷ 20, ở Việt Nam xuất hiện các bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư ra chữ quốc ngữ, phổ biến nhất là bản dịch dựa trên cơ sở bản in Nội các quan bản – hiện đang lưu giữ tại thư viện Viện Viễn Đông Bác cổ ở Paris, do Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành lần đầu năm 1993.
Đại Việt sử ký toàn thư là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, là di sản vô giá của văn hóa dân tộc Việt Nam, là kho tư liệu phong phú không những cần thiết cho ngành sử học mà còn giúp ích cho nhiều ngành khoa học xã hội khác nữa và cũng là một bộ sử có giá trị văn học. Các bộ quốc sử sau này của Việt Nam như Đại Việt sử ký tiền biên, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục đều được biên soạn dựa trên cơ sở của Đại Việt sử ký toàn thư
.Mời các bạn đón đọc Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của tác giả Ngô Sỹ Liên.
Chia sẻ ý kiến của bạn