Đây là sách mới bàn về chủ đề quan hệ Việt – Chăm. Có thể đầu tiên, người Việt từ phía Bắc nhân danh tiến đến trừng phạt người Chăm nhưng cuối cùng định cư luôn ở vùng Chăm. Người Chăm một số nhiều bỏ đi, số ít còn lại, người Việt di dân vào sống xen kẽ với làng Chăm kiểu hình thể da beo. Từ đó xảy ra sự giao lưu, tiếp biến, ảnh hưởng qua lại giữa hai nền văn hóa Việt – Chăm về ngôn ngữ, hôn nhân, trang phục và lối sống.

Cuốn sách là một công trình nghiên cứu công phu về bản sắc văn hóa Quảng Nam trong sự gắn bó chặt chẽ với văn hóa Chăm. Nội dung sách bàn về những nội dung chính: sự thật về hai chữ “Nam tiến”, văn hóa Quảng Nam biến đổi theo tiến trình lịch sử, ngôn ngữ Quảng Nam như là ngôn ngữ của người Chăm nói tiếng Việt. Toàn bộ nội dung cuốn sách là nỗ lực khai phá những tri thức mà theo tác giả, đã bị chìm khuất, hay lãng quên trong lịch sử, mà nay cần tạo dựng để giúp chúng ta có một cái nhìn toàn diện, sâu sắc về văn hóa – vốn là một vấn đề không bao giờ giản đơn.

Qua 260 trang viết cho thấy tác giả Hồ Trung Tú có nhiều suy tư trăn trở để hướng tìm về cuội nguồn, bản sắc của mình cũng như cư dân ở vùng đất Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên.




***

Lịch sử Nam tiến của người Việt Nam trải dài suốt từ thời nhà Lý đến các vua Nguyễn; các năm 1306, 1471 thường được nhắc tới như chỉ là những cột mốc đánh dấu cái dòng chảy rất đều, không ngừng nghỉ của các đoàn người Nam tiến. Thực ra nếu nhìn kỹ vào từng giai đoạn ta sẽ thấy cái dòng chảy ấy không đều như đã nghĩ. Nó có những lúc dữ dội để chiếm hữu, lúc lắng lại để định hình, lúc thì nếp ăn nếp ở ngôn ngữ phong tục thiên về Chàm, lúc thì chuyển hẳn sang Việt. Ở đây chúng tôi xin đưa ra một cách phân kỳ để thử xác định ý nghĩa và dấu ấn của mỗi giai đoạn mà nó để lại trên mỗi tiến trình lịch sử, qua đó có thể ít nhiều hiểu được, và thử dựng lại những gì đã xảy ra trong suốt 500 năm (1306 đám cưới Huyền Trân đến 1802 khi Gia Long lên ngôi) dài dằng dặc ấy.

Ví dụ như giai đoạn lịch sử này, quan hệ Việt – Chàm có điều gì đó rất lạ, nó vừa thân thiết như người nhà lại vừa dữ dội như hai kẻ thù không đội trời chung: Năm 1370, sau cuộc loạn Dương Nhật Lễ, mẹ Nhật Lễ trốn sang Chiêm Thành, bày tỏ tình hình suy yếu của nước Đại Việt và xui Chế Bồng Nga sang đánh Việt. Thế nhưng chỉ sau đó vài năm, 1390, khi Chế Bồng Nga chết ngay trên chiến thuyền khi tiến đánh Đại Việt, con Chế Bồng Nga là Chế Ma Nô Đà Nan bị La Khải cướp ngôi đã sang Việt cầu cứu. Phong Chế Ma Nô Đà Nan làm Hiệu chính hầu. Đến 1407, khi nhà Minh bắt được Hồ Quý Ly, Chiêm Thành cất quân thu lại đất cũ, dân di cư (Việt vào dưới thời Hồ) sợ chạy tan cả(1), các tướng lĩnh Đại Việt như Hối Khanh, Nguyễn Rỗ đều bỏ chạy cả, chỉ một mình Ma Nô Đà Nan chống nhau với Chiêm Thành, thế cô sức núng, bị người Chiêm giết chết! Trớ trêu thay, đây lại là con của Chế Bồng Nga! Làm sao để hiểu hiện tượng này?




Quan hệ Việt – Chàm giai đoạn này quả thật có điều gì đó rất lạ, không giống như ta thường hình dung rạch ròi địch ta lâu nay! Đó là tầng lớp chính trị, tầng lớp mà ý thức dân tộc, tự hào dân tộc của họ thường mạnh mẽ, thế nhưng ở đây hình như khái niệm dân tộc không còn rạch ròi như ta vẫn thường hình dung. Phải chăng ở mức độ nào đó các khái niệm Chàm – Việt khá là gần gũi chứ không phải chỉ có ta địch? Vậy ở tầng lớp bình dân, nhân dân lao động không quan tâm mấy đến chính trị thì sao? Hẳn các tộc người, các làng Việt – Chàm ở cạnh nhau cũng không phải là điều gì không thể xảy ra.

Vết tích văn hóa Chămpa trong đời sống người Quảng Nam thì nhiều lắm, vật thể thì ở đâu cũng thấy những đền tháp hoặc móng gạch Chàm, ở đâu cũng thấy những Lùm Bà Giàng, miếu Hời, lăng Pô Pô phu nhân, Thiên Y A Na… Phi vật thể thì trước hết phải kể đến những làn điệu dân ca, hát ru, và sau đó là những lễ hội phong tục như thờ cúng cá voi, hát bả trạo, các món ăn, khẩu vị, tính cách, phong tục tập quán. Và trong đó dấu ấn hẳn không thể bỏ qua là giọng nói.

Nhiều người không hiểu cái giọng nói của người Quảng Nam nó xuất phát từ đâu trong khi tất cả các gia phả của các dòng họ đều ghi rõ rằng thủy tổ của họ là người Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương… vào đây. Giáo sư Trần Quốc Vượng bảo: “Thì các cụ vào đây đâu có đem vợ con đi được nên lấy vợ Chàm rồi sinh con đẻ cái là cái chuyện hết sức bình thường, vấn đề là các bà mẹ Chàm nói tiếng Việt ấy đã truyền lại cho con cái mình cái giọng của người Chàm nói tiếng Việt. Cái giọng đó chính là giọng Quảng Nôm nhà cậu”(2). Bằng chứng về cái chuyện trai Việt lấy gái Chàm thì nhiều lắm: Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân hay nói về hình ảnh ông Ba Bị của vùng Quảng Bình, Quảng Trị. Hồi đó các cụ nhà ta đi vào Nam vợ con tất cả đều phải để lại chỉ mang theo một đứa con trai. Một bị cõng con, một bị lương thực và một bị quần áo. Cái hình ảnh của những đoàn người ra đi vào Nam khắc khổ và lặng lẽ ấy đủ sức dọa bất cứ đứa trẻ khóc dai, khó bảo nào. Vào đây những đứa con trai ấy lớn lên lấy ai làm vợ nếu không phải là các cô gái Chàm? Suy luận logic là vậy, thế nhưng chúng ta vẫn có được một bằng chứng khá hay ngay trong Sử ký Toàn thư, đó là Chiếu dụ của vua Lê Hiến Tông năm 1499 (28 năm sau khi Lê Thánh Tông bình Chiêm): Kể từ nay, trên từ thân vương, dưới đến dân chúng, đều không được lấy đàn bà con gái Chiêm Thành làm vợ, để cho phong tục được thuần hậu(3). Dĩ nhiên lấy đó làm bằng chứng người Việt không lấy vợ Chàm thì thật ngớ ngẩn, đó chẳng qua là vì người ta lấy vợ Chàm quá nhiều, thành phong trào từ thân vương đến dân đen, nên mới có cái chiếu dụ như thế!




Trước đó năm 1403, dưới triều Hồ Hán Thương đã phát động nhiều đợt di dân vào vùng Quảng Nam lập nghiệp. Triều đình tổ chức cho thuyền chở phụ nữ vào làm vợ cho những di dân nhưng giữa đường bị bão đánh, tất cả đều bị chìm chết!(4) Ý định tạo những dòng họ thuần Việt bất thành! Thế thì hóa ra tất cả những người Quảng Nam hiện nay đều mang trong người năm mươi phần trăm dòng máu của người Chàm? Và còn hơn thế nữa họ đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm! Dĩ nhiên sự kiện này không đại diện được cho cả 500 năm hình thành bản sắc Đàng Trong, thế nhưng nó cũng cho thấy ngay từ đầu ý thức “Đại Việt”, một cái gì đó “thuần Việt” cũng đã hình thành và ít nhiều nó cũng đã định hình một thái độ thiếu bình đẳng với người bản địa; điều đó không khỏi tác động đến sự xung khắc khi hai cộng đồng người sống cạnh nhau kéo dài nhiều trăm năm sau đó.

Ở Quảng Nam nhiều người vẫn bảo giọng nói khác nhau là bởi nước uống. Có làng như làng Thanh Quýt, chỉ một con đường làng không vừa lối cho một chiếc xe bò nhưng bên này đường thì nói mô, tê, răng, rứa còn bên kia đường thì đâu, kia, sao, dậy… Giọng nói của người Quế Sơn, Tiên Phước thì khác xa lắm với giọng nói của người Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An. Ngay ở Đà Nẵng mà người “bên tê sông” bao gồm bốn phường: Nại Hiên Đông, Mân Thái, Thọ Quang, An Hải Tây vẫn giữ cái giọng nói không giống với bất cứ cái giọng nói nào của người Quảng. Tại sao thế? Do nước uống chăng?

Trong 500 năm từ 1306-1802, đối với người Chàm ở lại thì kinh đô đã dời vào Đồ Bàn. Hệ thống hành chính, chính trị coi như không còn nhưng điều đó đối với đa số nhân dân là chuyện xa lạ. Họ vẫn ở lại với những làng Chàm của họ. Người Việt đến cũng quần cư trong những ngôi làng Việt mới mở. Có thể là làng này cách làng kia chỉ một con đường làng nhỏ. Có thể là bên này áo dài khăn đóng, bên kia là sa-rông khăn vấn. Có thể là bên này kiêng thịt bò còn bên kia thì mỗi lần mổ bò lại trống chiêng inh ỏi. Có thể là bên này bảo Siva mới là chúa tể của tất cả, còn bên kia thì cãi, không, Ngọc Hoàng Thượng Đế mới là trên hết. Có thể là họ lườm nhau, nguýt nhau, cãi nhau suốt 500 năm như thế. Biết làm sao được, đó là cuộc va chạm giữa hai nền văn minh khổng lồ của nhân loại là Ấn Độ và Trung Hoa. Và phải chăng cú va chạm nảy lửa ấy vẫn còn để lại dấu vết đâu đó trong tâm hồn người Quảng Nam? Họ như luôn phải khẳng định một điều gì đó, trung thành với một niềm tin nào đó. Không thế họ không sống được, họ như cảm thấy thất bại và không tồn tại. Phải chăng họ hay cãi cũng vì thế? Biết làm sao được, họ đã có cả một lịch sử dài đến 500 năm để cãi nhau kia mà!




Hình ảnh da báo của các ngôi làng Chàm và Việt ấy ta còn thấy đến giữa thế kỷ XVI, trong “Ô Châu cận lục” có viết “Làng Thủy Bạn nói tiếng Chiêm. Gái Giáng La thì mặc áo Chàm, trai thì cầm quạt tàu”. Cái hình ảnh này đã được một người Anh vẽ lại rất rõ trong một bức tranh vẽ một nhóm người An Nam ở một làng gần vịnh Đà Nẵng (có thể hiểu là vùng cửa sông thuộc phường Nại Hiên Đông ngày nay) vào cuối thế kỷ XVIII với sà-rông, khăn vấn turban trên đầu. Như vậy là đến cuối thế kỷ XVIII vùng Nại Hiên Đông, Đà Nẵng vẫn còn rất đông người hoàn toàn mặc đồ Chàm. Họ có hoàn toàn nói tiếng Chàm không? Không ai biết nhưng ít nhiều nó lý giải được tại sao đến giờ người “bên tê sông” vẫn nói bằng cái giọng lạ như thế. Ở Thanh Quýt, và Tiên Phước, Quế Sơn tình hình cũng có thể là đã diễn ra như vậy: Có một số làng Chàm chỉ chịu chuyển sang nói tiếng Việt về sau này, chậm nhất là cuối thế kỷ XVIII, chứ không phải tất cả đều từ 1306 hoặc 1471.

Quả thật là sẽ sai lầm nếu ta cứ mãi cường điệu cái tính cách của người Quảng Nam lên rồi cố công lý giải cái điều mà phần lớn sự thật hình thành nên do tưởng tượng, do sự nồng nhiệt với vùng đất quê hương, do sự cường điệu những điều mà thật ra ở đâu cũng có, ví như đất địa linh nhân kiệt, đất học, đất văn vật, đất trung tâm văn hóa, đất ngã ba đường…

Rõ ràng sự nghiên cứu văn hóa địa phương sẽ không nhích lên một bước nếu ở đâu và bao giờ chúng ta cũng cứ lặp đi lặp lại những mỹ từ vừa nói cho mỗi vùng đất mà không thử tìm hiểu căn nguyên của tất cả những điều đó, nó xuất phát từ đâu, hình thành và phát triển lên như thế nào…?




Mà thật ra sự hình thành tính cách, giọng nói của người Quảng Nam cũng sẽ không có một chút nghĩa lý nào cả nếu qua đó chúng ta không rút ra được điều gì to lớn hơn cái ý nghĩa địa phương chí của nó, không góp phần làm rõ hơn cái bản sắc mà qua đó nó có thể đóng góp cho sự phát triển của vùng đất nói riêng và của cả đất nước nói chung.

Bằng phương pháp phân kỳ lịch sử Nam tiến của dân tộc, qua những biến cố lịch sử đã xảy ra trên vùng đất này, và điều quan trọng nhất là xác định thời gian của mỗi giai đoạn, xác định cái độ dài thời gian cần thiết để mỗi sự kiện diễn ra có đủ điều kiện để có thể để lại những dấu ấn của nó trong đời sống, trong tâm hồn của mỗi cư dân rồi định hình một tính cách trên hậu duệ của họ ở vùng đất này.

Cái phương pháp phân kỳ ở đây thật ra cũng không có gì mới so với tất cả những gì nhiều người đã nói trước đây, chỉ có điều nếu trước đây người ta chỉ nêu lên các mốc thời gian của các sự kiện mà ít để ý đến quãng thời gian đã trải qua giữa hai sự kiện, trong khi điều đó là vô cùng quan trọng để sự tiếp thu, tiếp biến, giao lưu văn hóa diễn ra rồi hình thành và cố định một tính cách bền chắc, không chịu biến đổi trong các giai đoạn sau.




Ví dụ như ít người để ý rằng kể từ khi Bắc Quảng Nam thuộc vào Việt từ 1306 đến khi vùng đất này có dinh trấn đầu tiên, có cơ quan quyền lực chính thức đại diện cho triều đình Đại Việt năm 1602, là 300 năm đã diễn ra. 300 năm không chính quyền(5) trên một vùng đất nhiều dân tộc mà các dân tộc này người ta đã từng đánh nhau, hoặc nhà nước của các dân tộc này đã từng đánh nhau chí tử suốt nhiều trăm năm trước đó. Điều gì đã xảy ra trong suốt 300 năm ấy? 300 năm là ngắn hay dài? Đó là quãng thời gian để hình thành nên nền văn hóa châu Mỹ La Tinh độc đáo trên cơ sở của ba nền văn hóa khá khác nhau là Châu Phi, Châu Âu, và Châu Mỹ bản địa. 300 năm chí ít là 12 thế hệ đã trôi qua! Những người con của đời thứ 12 có biết ông bà tổ tiên đời thứ nhất của mình sống ra sao, yêu ghét cái gì, ý thức dân tộc cộng đồng như thế nào, thậm chí ông bà họ là dân tộc gì, họ có phải là người đã quên nguồn gốc hay chưa, hay đã hòa nhập vào cộng đồng dân tộc Đại Việt mà họ không một chút ý thức? Đó vẫn luôn là những sự kiện quan trọng buộc chúng ta phải có cái nhìn thấu đáo hơn cũng như phải cân nhắc và trả lại cho nó những vai trò, vị trí xứng đáng của nó trong tiến trình hình thành lịch sử của dân tộc. Và thậm chí, sau khi tiếp cận với các nguồn tư liệu chúng tôi đã nhận ra không phải là 300 năm như cảm nhận ban đầu mà thực sự là đã có 500 năm đằng đẵng (1306-1802) để hoàn thành một cuộc hòa nhập khó diễn tả hết những nét bi hùng của nó.

Một ví dụ khác, sự kiện Chúa Nguyễn cho xây lũy Trường Dục(6) đóng vai trò như thế nào trong lịch sử? Ai cũng biết rằng đó là một chiến lũy nội bất xuất ngoại bất nhập(7) nhưng ít người để ý rằng kể từ khi có lũy Trường Dục 1630 thì các cuộc di dân cũng có nghĩa là chấm dứt. Lúc này thì cho dầu miền Thanh-Nghệ, Hải Dương có mất mùa đói kém thế nào đi nữa thì dân di cư cũng không thể vào Nam cho dầu họ đã có một số thân bằng quyến thuộc vào trước. Thực tế cho thấy là các năm sau 1630 các cuộc di dân đều đã đi lên vùng biên giới phía bắc. (Trong Thanh Thực Lục thì giữa các năm 1738 và 1743 người Việt Nam vượt biên giới sang Trung Hoa vào các tháng 6 và 8 năm 1742, rồi vào tháng 2 và 4 năm 1743. Thanh Thực Lục đề cập nhiều đến việc người Việt bán con cho người Trung Hoa vì đói kém)(8). Việc này bản thân nó cũng chỉ là một sự kiện lịch sử đơn thuần nếu ta không nhận thấy từ nó một điều rằng chính nhờ sự chia cắt tuyệt đối này, sự cắt đứt hoàn toàn các mối quan hệ với vùng “quê cha đất tổ” ở phương Bắc mà Đàng Trong đã dần ổn định một tính cách, một vùng ngôn ngữ, hay nói cách khác, trên vùng đất mới với nhiều cộng đồng người với nhiều nền văn hóa khác nhau đã tổng hòa nên một sắc thái văn hóa mới không còn giống với nguyên quán. Sự cắt đứt này kéo dài 150 năm từ 1630 đến khi Nguyễn Huệ thống nhất đất nước giữa năm 1786. 150 năm là gần 6 đời, thời gian đủ để xóa nhòa các nét văn hóa được những người đầu tiên cố gắng bảo tồn, nếu như con cháu họ không muốn bảo tồn! Hãy nhìn vào các thế hệ thứ hai, thứ ba trở đi của các con cháu người Việt ở các nước Âu Mỹ, chúng ta sẽ hình dung được phần nào điều gì xảy ra nếu văn hóa bị cắt đứt, mất giao tiếp với nguồn cội trong suốt 140 năm!

Khi nghiên cứu các giai đoạn lịch sử của Đàng Trong nhiều người đã phải dừng lại các công cuộc tìm hiểu bởi các sử liệu để lại như đã nói là quá sức hiếm, hiếm đến mức mỗi giả thiết đưa ra đều khó lòng tìm được đủ cứ liệu để chứng minh. Chính vì thế trong suốt một thời gian dài công cuộc nghiên cứu lịch sử Đàng Trong hầu như chỉ dừng lại ở việc thống kê, dựng lại lịch sử các triều đại và đôi nét về đời sống kinh tế xã hội của Xứ Đàng Trong. Công cuộc Nam tiến được diễn giải và được hiểu như là một đường thẳng tiệm tiến, sự khó khăn của những di dân tiên phong chỉ được hiểu là sự khó khăn của người đến nơi hoang vu, rừng thiêng nước độc, không bóng người, họ là những người Việt nguyên gốc với tất cả cái nền bản sắc văn hóa của đồng bằng Bắc bộ. Thế nhưng cái mô hình phát triển này đã ngày càng bộc lộ nhiều điều thiếu sót, không thể giải thích được nhiều hiện tượng thực tế của vùng Quảng Nam; ví dụ như: Người Quảng Nam có tiếp thu nhiều điều từ nền văn minh Chămpa, thế nhưng thử hỏi họ tiếp thu cái gì ở chỗ không người? Đi tìm câu trả lời cho tất cả những điều như thế quả thật không dễ, nhất là trong tình hình các cứ liệu là quá sức hiếm.




Với cái nhìn phân kỳ chúng ta cũng sẽ có thái độ đúng đắn hơn với các nguồn tư liệu, đơn giản là vì không có bất cứ tư liệu nào đủ phản ảnh được toàn bộ quãng thời gian dài suốt 500 năm. Có thể lúc này, nơi kia người Chàm bỏ chạy nhưng nơi khác lại không thế. Có thể chỗ này người Việt di cư chạy tan cả khi Chiêm Thành cất quân thu lại đất cũ, nhưng chỗ kia, lúc khác thì người Việt vẫn ở lại cùng người Chàm mà không hay chính quyền đã thay đổi.

Trước đây, khi tìm thấy những bản văn “Bắc địa tấu từ” tương truyền là những bản báo cáo của những di dân về những ứng xử với người Chàm gửi ra triều đình Thăng Long; trong đó nói nhiều về chuyện dùng những mưu chước, như thi xây tháp, người Việt xây tháp bằng tre bồi giấy, người Chàm xây tháp bằng gạch nên thua, để lấy đất của người Chàm. Hoặc như giới nghiên cứu khá hào hứng với những gia phả cổ xưa khả tín của người Chàm hoặc người Việt vào sớm và xem đó như là bức tranh chân thực về lịch sử Nam tiến mà không hay rằng trong không gian khác, thời gian khác chuyện có thể đã xảy ra không như vậy. Các bạn có thể thấy trong sách, tư liệu được sử dụng nhiều nhưng không một tư liệu nào gọi là một tư liệu “đinh”, quan trọng nhất phản ảnh được toàn bộ 500 năm của một cuộc giao hòa văn hóa. Điều rút ra ở đây là góc nhìn với vấn đề, còn tư liệu chỉ giúp ta hình dung nên câu chuyện, bối cảnh xã hội lúc đó không hơn không kém.

Lịch sử Chămpa, lịch sử xứ Đàng Trong hầu như đã được các nhà nghiên cứu đi trước làm xong với nhiều công trình công phu rất đáng để chúng ta khâm phục như “Lịch sử Chămpa” của Maspéro; “Lịch sử Xứ Đàng Trong” của Phan Khoang; hoặc như công trình nghiên cứu cụ thể hơn về chính trị, xã hội của Li Tana trong “Xứ Đàng Trong – Lịch sử Kinh tế – Xã hội Việt Nam Thế kỉ 17 và 18”… Ở đây chúng tôi không lặp lại những sự kiện lịch sử ấy mà đi sâu phân tích các sự kiện lịch sử đó hầu cố gắng tìm ra những bằng chứng đủ sức thuyết phục, hoặc giải thích được các vấn đề về bản sắc người Quảng Nam nói riêng và Xứ Đàng Trong (các tỉnh Nam Trung bộ và cả đến miền Nam) nói chung.

Không để bị ràng buộc quá nhiều vào các cứ liệu, trên cơ sở những sử liệu đã có chúng tôi mạnh dạn đưa ra những giả định trên cơ sở những lập luận logic. Dĩ nhiên điều này thật khó tìm được sự đồng tình nhưng bù lại chúng tôi vẫn tin rằng điều này sẽ đẩy các cuộc nghiên cứu sau này thoát khỏi vạch xuất phát, thoát khỏi sự nghiên cứu lịch sử đơn thuần, để từ đó có thể đem lại những hiệu quả cụ thể trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Quảng Nam, những hiệu quả cụ thể trong sự nghiên cứu các tộc họ, các gia phả. Và điều quan trọng nhất là qua đó chúng ta có thể hiểu được rằng lịch sử bản thân nó, với những câu chuyện, sẽ không là gì cả vì ở đâu mà không có những câu chuyện, cái quan trọng là qua lịch sử đó chúng ta hiểu được bản sắc của vùng đất ấy, dân tộc ấy.

Và đó, bản sắc lịch sử, có thể nói là phương pháp chính của chúng tôi khi khảo sát các giai đoạn lịch sử đã diễn ra trong quá trình Nam tiến của dân tộc trên vùng đất Quảng Nam này. Nói đúng và dễ hiểu hơn, chúng tôi tập trung nhiều sự chú ý của mình vào các sự kiện có khả năng tạo nên bản sắc.

Mời các bạn đón đọc Có 500 Năm Như Thế của tác giả Hồ Trung Tú.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.