Ra đời trong những năm 60-70 của thế kỷ XX, thời điểm các sử gia vẫn dành nhiều mối quan tâm đến diễn biến chính trị qua các triều đại lịch sử, những sự kiện xoay quanh các nhân vật nổi tiếng như hoàng đế của các triều đại, mà thực sự đánh giá đúng mức tới các vấn đề kinh tế và xã hội cũng như đến chính người dân thường trong cuộc sống hằng ngày của họ, cuốn sách Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn được xem như tác phẩm tiên phong tiếp cận vấn đề kinh tế và xã hội trong nghiên cứu sử học.

Dù không đề cập tất cả mọi khía cạnh của kinh tế và xã hội Việt Nam, Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn cũng đã đặt một trong những viên gạch đầu tiên cho sự hiểu biết sâu rộng hơn về lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XIX, một lịch sử toàn diện, không còn tự giới hạn trong phạm vi những sự kiện chính trị. Bởi suy cho cùng thì cơ cấu kinh tế căn cứ trên cách thức sản xuất cũng quy định một phần lớn các vấn đề của một quốc gia, một dân tộc như các thể chế chính trị và pháp luật, các hoạt động tinh thần, các tín ngưỡng tôn giáo.

***




Cho tới ngày nay, các sử phẩm về Việt-Nam vẫn còn dành cho các sự kiện kinh tế và xã hội một địa vị quá kém cỏi, mà chỉ chú trọng tới sự diễn biến chính trị. Tình trạng chênh-lệch này rất có hại cho sự hiểu biết tường tận về con người Việt-Nam trong quá khứ, không phải chỉ là các ông Vua, ông quan trong triều, mà còn và chính là người thường dân trong đời sống hàng ngày của họ. Dù không chấp nhận duy vật sử quan đi nữa, chúng ta cũng phải nhìn nhận là cơ cấu kinh tế căn cứ trên các cách thức sản xuất, qui định một phần lớn những thực hiện của một quốc gia, một dân tộc : các thể chế chính trị và pháp luật, các hoạt động tinh thần, các tín ngưỡng tôn giáo.

Trong quyển sách nhỏ này, người viết không có tham vọng đề cập tới tất cả mọi khía cạnh của kinh tế và xã hội Việt-Nam, nhưng chỉ đặt lại vài vấn đề liên hệ tới đời sống vật chất của người dân Việt-Nam dưới các Vua triều Nguyễn. Đặt lại vấn đề, mà đôi khi không giải quyết, tại vì chưa tiếp xúc được kỹ lưỡng hơn với các tài liệu đầu tay, hoặc không đủ tài liệu để phán đoán. Đây không phải là khiếm khuyết độc nhất, mà những nhận xét của người viết có thể còn chứa đựng nhiều nhầm lẫn, cần phải được điều chỉnh. Song, nguyện vọng của người viết là đặt một trong những viên gạch đầu cho sự hiểu biết sâu rộng hơn về lịch sử Việt-Nam trong thế kỷ XIX, một lịch sử toàn diện, không còn tự giới hạn trong phạm vi những sự kiện chính trị mà thôi. Có lẽ vì đã chỉ chú trọng tới những sự kiện chính trị này mà chúng ta đã đánh giá một cách sai lầm chính sách kinh tế của các Vua nhà Nguyễn. Một ví dụ : chính sách « bế quan tỏa cảng » thường được nhắc tới, nếu suy xét kỹ, chứa đựng những sự thật rất tế nhị, cho thấy Vua nhà Nguyễn đã không khăng khăng cố thủ trong một lập trường đóng chặt nước Việt-Nam với mọi ảnh hưởng từ bên ngoài tới.

Trong xã hội Việt-Nam của thế kỷ XIX, có nhiều dấu hiệu của một sự đổi thay rộng lớn đương bồng bột lên men, trong những thể chế chính trị đã tỏ ra là cũ kỹ, không thích ứng nữa. Mong rằng các nhà thức giả sẽ bắt tay vào công cuộc khảo cứu cho phép chúng ta biết nhiều hơn về xã hội này.

Tuy trong lần in thứ nhì, cuốn sách nhỏ này được tăng bổ và sửa chữa, người viết tự biết là cũng vẫn còn nhiều khiếm khuyết, mà phần lớn vẫn là do tình-trạng thiếu thốn tài-liệu. Dám mong độc-giả hiểu cho điều này mà lượng thứ.

NGUYỄN THẾ ANH

Mời bạn đón đọc Kinh Tế Và Xã Hội Việt Nam Dưới Các Vua Triều Nguyễn của tác giả Nguyễn Thế Anh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *