Đó là một góc nhỏ giữalòng Tokyo, bị bỏ quên giữa sự nhộn nhịp của một trong những đô thị sầm uất và hiện đại bậc nhất. Góc nhỏ ấy là thế giới của cậu chàng Majime vụng về nhút nhát, của cô gái Kaguya hay chàng Nijime đào hoa phóng túng… Một thế giới nhỏ với con số xác định những địa danh quen thuộc, những sự việc lặp đi lặp lại như một vòng bất biến, và những cuộc đời mà ngày qua ngày ta càng thêm thấu hiểu.
Majime là một anh nhân viên phòng kinh doanh của một công ty sách nọ. Anh chàng lập dị cao lênh khênh, mái trên đầu lúc nào cũng rối tung về các hướng, kính cận màu xanh lá cây mà điệu bộ lúc nào cũng như đang phiêu diêu ở một chân trời khác. Giữa phòng kinh doanh, Majime là chàng người ngoài hành tinh dị biệt, và anh chàng vẫn sẽ tiếp tục đóng vai kẻ lập dị cho tới ngày anh gặp bác Araki – vị trưởng phòng biên tập từ điển vừa đến tuổi về hưu. Bác Araki đã nhìn thấy được từ những khuyết điểm của Majime ưu điểm thích hợp hoàn hảo cho công việc biên soạn từ điển. Chàng được thuyên chuyển về phòng biên tập từ điển, trở thành đồng nghiệp của bác Araki, của chàng Nijime, chị Suzuki và giáo sư Matsumoto đáng kính. Từ đây, cuộc đời chàng Majime đã bước sang một trang mới.
Rất nhẹ và rất êm, như con thuyền giấy nhẹ trôi trên mặt hồ, như cánh hoa anh đào trôi lửng lơ trong một chiều xuân nhiều nắng ấm và gió thoảng, những nhân vật trong Người đan chữ xếp thuyền thay phiên nhau cất lên tiếng nói của mình, để giãi bày, để được lắng nghe, và cùng chia sẻ. Góc nhìn của mỗi mảnh ghép sự kiện ấy đều phản ánh rõ nét tính cách của người kể – nhân vật chính, cho thấy những vấn đề trăn trở riêng của họ, và cả niềm đam mê của họ dành cho công việc mà mình đang theo đuổi. Niềm đam mê ấy chính là ngọn hải đăng sáng rực rỡ, xâu chuỗi, dần dắt những phần ban đầu tưởng như rời rạc trong cuốn sách vào một hình dáng, một câu chuyện cụ thể.
Nếu ví von cuộc đời mỗi nhân vật trong Người đan chữ xếp thuyền như một đoá hoa anh đào, thì ngày mà đoá hoa ấy vào độ mãn khai rực rỡ nhất, chính là ngày cuốn từ điển Đại hải trình – “đứa con chung” được chắt chiu từ bao năm tháng của họ được ra mắt. Khoảnh khắc ấy có thể ngắn ngủi – như chính độ khai nở rực rỡ nhất của một bông hoa anh đào, nhưng điều ấy nào đâu phải thứ gì bi kịch. Ngắm nhìn những cánh hoa rơi – mà như trôi lững lờ trong không gian không phải là một khung cảnh tuyệt diệu hay sao? Vẻ đẹp ấy tuy ngắn ngủi nhưng chói sáng, và luôn khiến người ta khao khát mong chờ.
Mùa Xuân có những cánh hoa anh đào bay ấy chính là đích đến của chuyến hành trong Người đan chữ xếp thuyền.
Tựa tiếng nhật là “舟を編む” dịch tạm là “Đan một chiếc thuyền”; bên Hàn là “배를 엮다” – Đan thuyền; tựa tiếng Trung là “啟航吧!編舟計畫” tạm dịch nghĩa là Kế hoạch giương buồm; bản dịch tiếng Anh hơi lái một chút là “The Great Passage” – có thể hiểu là “Đại hải trình”; tựa tiếng Việt của chúng ta là “Người đan chữ xếp thuyền”, thú vị nhỉ? (Mấy từ trên là tớ nhờ nhiều bạn dịch hộ nhé, chứ không phải Muỗng biết nhiều thứ tiếng đâu =)))
▹ Muỗng có recommend? Có ????
Khi đọc được một phần nhỏ của ‘Người Đan Chữ Xếp Thuyền’, Muỗng đã phải đi tìm lại cuốn từ điển tiếng việt duy nhất mà tớ có trong hai mươi mấy năm trời đèn sách, và bạn biết gì không? Cuốn từ điển be bé của NXB Từ điển Bách Khoa mà cô giáo bắt (có thể dùng từ ‘yêu cầu’ cho lịch sự nhưng thôi tớ trung thực :))) cả lớp mua từ hồi lớp hai nay đã bung gáy, nằm phủ đầy bụi dưới một góc ở giá sách của chị gái, nơi tớ không bao giờ mò tới. Nhớ lại thì khi mới mua từ điển, tớ đã xin mẹ dán nhãn màu những đầu mục chữ cái: a, b, c… để tiện cho việc tra cứu, lại dán thêm băng dính để bảo vệ hai mặt bìa. Hôm nào có tiết Tiếng Việt là sẽ sắp nó vào cặp, khi cô giá bảo các em hãy tra từ này, từ kia là lại lật giở từng trang, có khi cũng ngồi nghịch ngợm tra tra từ, hoặc khi nhàm chán mà đọc vài trang từ điển. Rồi sau đó ? Cuốn từ điển ấy dần chìm vào lãng quên, bởi đơn giản là khi công nghệ thông tin phát triển, người ta sẽ tra từ bằng cách google, hoặc hỏi người xung quanh cho tiện chứ ít khi giở cuốn từ điển giày cộp ra mà tra cứu. Có lẽ Muỗng còn có thể lãng quên cuốn từ điển màu vàng có hình trống đồng ấy thêm một khoảng thời gian dài nữa nếu không đọc ‘Người Đan Chữ Xếp Thuyền’. Một câu chuyện kể về quá trình dài 13 năm để biên tập cuốn từ điển Daitokai của các thành viên phòng biên tập từ điển công ty sách Genbu.
Vào những năm 90 với lý do kinh tế Nhật Bản suy thoái, công ty sách Genbu liên tục trì hoãn quá trình biên tập và xuất bản Daitokai, mọi việc còn khó khăn hơn khi nhân viên phòng biên tập từ điển người thì về hưu, người thì là nhân viên hợp đồng hoặc là cố vấn ngoài công ty, anh chàng nhân viên chính thức duy nhất là Nishioka lại lông bông quá thể. Bác Araki trước khi nghỉ hưu đã hứa với người thầy Matsumoto rằng sẽ tìm được người có năng lực, yêu từ điển để thay bác biên tập cuốn từ điển Daitokai. Với gợi ý của Nishioka và sự kiểm chứng của Araki, Majime Mitsuya, chàng trai kỳ lạ ở phòng kinh doanh đã được điều về làm biên tập viên từ điển.
Vốn là người có lối suy nghĩ chẳng giống ai, lại kiệm lời khiến Majime khó hòa nhập với mọi người, những ngôn từ và kinh nghiệm mà anh tích cóp được trong gần 30 năm cũng không đủ để sử dụng trong quá trình biên tập từ điển. Đã thế anh chàng còn vô cùng bối rối khi chót đem lòng yêu mến cô cháu gái xinh đẹp của bà chủ nhà trọ, những ngày tháng mới làm việc ở phòng biên tập từ điển khiến Majime nản lòng rồi nghi hoặc về chính bản thân mình. Nhưng nhờ sự ủng hộ của bà chủ nhà và các đồng nghiệp mà Majime đã vực dậy chuyên tâm học hỏi và biên tập từ điển, anh cũng bạo dạn mà bày tỏ với Kaguya qua thư:
“Những gì không nói được bằng lời thì nên viết ra.” Majime đã nghĩ vậy đấy.
Thế nhưng quá trình biên tập Daitokai bị trì hoãn do công ty sách muốn phòng biên tập từ điển phải cải đính các cuốn từ điển đã xuất bản trước đó, lại còn cắt giảm nguồn lực đã vốn eo hẹp của phòng. Ai cũng âu sầu nhưng không vì thế mà từ bỏ Daitokai, mỗi thành viên trong tổ biên tập từ thầy Matsumoto, bác Araki, cô Suzuki và Majime đều cố gắng hết sức để làm phần việc của mình, ngay cả anh chàng màu mè Nishioka mà bác Araki coi nhẹ cũng vậy, dù y vừa thán phục lẫn ghen tị với Majime.
“Mình cũng muốn dùng thành ý của mình để đáp lại thành ý của đối phương.” Nishioka tự nhủ.
Sau bao tháng ngày bị trì hoãn, Daitokai cuối cùng cũng đã được công ty đồng ý xuất bản, vì vậy mà họ cử Kisibe, một quý cô sành điệu của tạp chí cho nữ giới sang phòng biên tập từ điển. Ngỡ tưởng mình sẽ không tài nào hòa nhập được với công việc biên tập từ điển khô khan mà phức tạp, lại thêm ông chủ nhiệm Majime kỳ cục nhưng Kisibe lại dần làm quen được với công việc nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp và một vị tiền bối. Lại qua nhiều tháng ngày thẩm định kỹ càng và công sức của bao con người, cuốn từ điển Đại Độ Hải – Daitokai cuối cùng cũng đã được xuất bản dưới niềm hạnh phúc, tự hào và cả nuối tiếc của những con người đã góp phần xây dựng nên cuốn từ điển này. Song không vì vậy mà quá trình biên tập từ điển đã kết thúc, con thuyền Daitokai sẽ còn được cải đính trong tương lai để thêm vững chắc mà vượt trên biển ngôn từ bao la…
Daitokai – Đại Độ Hải là công sức, là một phần linh hồn của thầy Matsumoto, bác Araki, cô Suzuki, Majime, Nishioka, Kisibe, của các phòng ban khác trong công ty sách Genbu, của những vị cộng tác viên nhiều kinh nhiệm và những bạn sinh viên, của công ty sản xuất giấy Akebo… Chiếc thuyền Daitokai đã được những con người cần mẫn ấy tạo dựng nên từ cái khung, nét sơn rồi liên tục được cân nhắc, suy tính tỉ mỉ để đan đầy nó bằng ngôn từ như vậy đấy.
Đọc ‘Người Đan Chữ Xếp Thuyền’ mới thấy việc biên tập từ điển khó khăn mà quan trọng đến mức nào: Phải căn chỉnh sao cho lượng từ đúng chuẩn trên một trang giấy, phải xem xét tính phổ biến của từ ngữ, phải tìm cách giải nghĩa và cho ví dụ chuẩn và hợp lý, đến giai đoạn in ấn thì cũng phải lựa chọn loại giấy in phù hợp, vân vân… Từ điển được tạo ra là để mọi người tra cứu dễ dàng, tham khảo và lấy làm chuẩn mực nhất định. Thời trước các cụ khi đặt tên cho con cháu là hay giở sách vở, từ điển để chọn tên hay nghĩa đẹp mà gửi gắm mong ước của mình cho thế hệ sau. Giờ đây từ điển không còn có vị thế quan trọng như xưa nhưng Muỗng nghĩ trong khoảng 10 năm tới – khi mà Tiếng Việt đang được nghiên cứu và bổ xung thì sớm muộn người ta cũng nên làm một cuốn từ điển mới và hoàn thiện hơn.
Tuy rằng Majime mới là nhân vật chính nhưng tớ thích Nishioka hơn, những đoạn biến chuyển tâm lý của anh này đọc rất vui và cảm động. Trong mắt người khác Nishioka luôn có vẻ phất phơ đỏm dáng, không bao giờ dành tâm huyết để làm một việc gì cả nhưng thực ra anh chàng rất tinh ý và cố gắng làm những việc cần thiết để giúp đỡ đồng nghiệp. Đọc mà mong một ngày mình cũng dần trưởng thành và biết sẻ chia như Nishioka ????
Cuộc đời của Araki Kouhei – nếu các bạn nghĩ rằng dùng từ “cuộc đời” là hơi cường điệu – vậy thì nên sửa lại thành: nếu nói sự nghiệp của Araki Kouhei chỉ để cống hiến cho việc biên tập từ điển, thật không phải nói quá.
Araki từ thuở bé đã rất có hứng thú với ngôn từ.
Tỉ dụ như từ “chó” chẳng hạn. Tuy thấy nó ở đó, nhưng lại không có*. Ha ha, buồn cười thật đấy. Giả mà bây giờ bác nói như vậy thì thể nào cũng bị các nữ nhân viên bảo,
“Araki à, anh có ngưng ngay trò đùa của mấy ông già đó đi không”, nhưng nếu hồi còn nhỏ mà đã nghĩ ra được câu này, hẳn bác sẽ rất khoái chí.
“Chó” không phải chỉ đơn thuần là từ chỉ một loài động vật.
Trong một bộ phim mà bác được bố dẫn đi xem lúc bé, có một gã xã hội đen do bị phản bội nên lâm vào cảnh thập tử nhất sinh, khi hắn ta máu me đầy mình đã thét lên rằng, “Lũ chó chính phủ!” Lúc đó Araki đã ngộ ra rằng, mấy tên nội gián được tổ chức đối địch cài vào cũng bị gọi là “chó”.
Ông trùm khi nhận được tin báo đàn em của mình đang hấp hối, liền đứng phắt dậy nói, “Tụi bây còn đứng trơ ra đó làm gì! Mang dao ra đây! Tao phải cho thằng đó chết không bằng chó!”.
Lúc đó Araki lại ngộ ra rằng, từ “chó” cũng mang hàm ý tương đương với “chết một cách vô nghĩa”.
Đối với con người, loài chó là một người bạn vừa khôn ngoan, lại vừa đáng yêu và đáng tin cậy. Ấy vậy mà, cùng một từ “chó” lại có thể dùng để chỉ tên nội gián vô lại hoặc sự vô nghĩa của một việc thì thật là khó hiểu. Loài chó vốn trung thành, đôi khi đến mức lệ thuộc. Đặc tính nổi bật của chúng là luôn cố gắng tận sức vì loài người mà không cần báo đáp. Có lẽ cũng vì thế nên từ “chó” mới bị gán cho những nghĩa tiêu cực như trên.
Tuy Araki đã sớm nảy sinh hứng thú với những chuyện này, nhưng nhận thức của bác về từ điển đến muộn hơn một chút, đó là khi bác được người chú tặng cho quyển “Từ điển quốc ngữ Iwanami” làm quà mừng vào cấp II.
Lần đầu tiên Araki được sở hữu một quyển từ điển của riêng mình, bác rất lấy làm thích thú và thường xuyên giở nó ra tra cứu.
Mời các bạn đón đọc Người Đan Chữ Xếp Thuyền của tác giả Miura Shion.
Leave a Reply