Mô tả vương quốc Đàng Ngoài của Samuel Baron hoàn tất năm 1685 ở Fort Saint-Georges, Madras (Ấn Độ), là một trong những cuốn sách có giá trị của người phương Tây viết về Việt Nam, bên cạnh những tác phẩm quan trọng của Alexandre de Rhodes, Cristoforo Borri – thế hệ những thương nhân, chính khách và giáo sĩ phương Tây đầu tiên đến Đại Việt vào thế kỷ XVII-XVIII và để lại nhiều ghi chép quan trọng về văn hóa – lịch sử xứ này.
Trong cuốn sách Mô tả vương quốc Đàng Ngoài, rất nhiều chuyện không được ghi chép trong sử chính thống của nhà Nho được Baron mô tả chân thực, không kiêng dè. Một điều đặc biệt là, Samuel Baron không viết về Đàng Ngoài dưới dạng du ký như nhiều nhà du hành hoặc thương buôn phương Tây khác. Đàng Ngoài dưới con mắt của Samuel Baron không phải là một vùng đất ông lướt qua trong một chuyến đi mà những miêu tả tỉ mỉ về xứ sở này với sự phân chia các chương mục rất rõ ràng, đưa ra cả những số liệu cụ thể giống như một công trình khảo sát của một nhà dân tộc chí cho thấy ông rất am hiểu vùng đất này.
Baron viết cuốn sách nhằm giới thiệu vương quốc Đàng Ngoài với các độc giả người Anh, đồng thời để bác bỏ, phê phán những nhận thức sai lầm của Jean Baptiste Tavernier về xứ Đàng Ngoài.
Là con lai, Samuel Baron có mẹ là người bản xứ, cha người Hà Lan – là đại diện cho công ty Đông Ấn Hà Lan tại Kẻ Chợ. Bản thân Samuel Baron sau này cũng là thương nhân nhiều năm sinh sống tại Kẻ Chợ nên những ghi chép của ông có cơ sở để tin cậy. Baron lại có quan hệ thân thiết với phủ Chúa nên có điều kiện tiếp xúc, trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống của giới quý tộc cũng như những tập tục sinh hoạt đời thường của người dân vùng kinh kỳ.
Qua tác phẩm của Baron, độc giả ngày nay có cơ hội tìm hiểu về thể chế, luật pháp, tiền tệ, sức mạnh quân sự, phong tục, trò tiêu khiển, lễ tịch điền, tôn giáo, tang lễ, sản vật… của nước ta vào thế kỷ XVII. Mặc dù, đôi chỗ vẫn có sự nhầm lẫn về các sự kiện, nhưng giá trị sử liệu cuốn sách mang lại là rất lớn.
Ý nghĩa bìa sách : Người Giao Chỉ (Đàng Ngoài).
TRÍCH ĐOẠN HAY:
“Việc lựa chọn người đỗ đạt được tiến hành một cách công bằng đáng ca ngợi nhất. Trong mọi việc khác có thể bị chi phối bởi tệ hối lộ, thiên vị, tình cảm cá nhân, nhưng việc ban cấp những học vị này thì người ta thực sự tôn trọng giá trị của con người. Và không ai có thể đỗ đạt nếu không thực sự xứng đáng và phải trải qua những kỳ khảo thí đầy ngặt nghèo và nghiêm minh nhất.”
(Trích Chương IX: Những người có học ở Đàng Ngoài)
***
Phong tục người Việt thế kỷ 17 qua góc nhìn người ngoại quốc
Giáo sĩ Borri nhận xét người dân ở Đàng Trong luôn ăn mặc kín đáo dù thời tiết nóng bức, trong khi Samuel Baron nhận xét người Đàng Ngoài thường mặc áo dài và đi chân đất.
Hai tác giả, có mặt ở Việt Nam theo những cách khác nhau, nhưng đều gắn bó với đất nước ta trong thời gian khá lâu và ghi chép cẩn thận những điều họ chứng kiến, trở thành những tài liệu quý cho chúng ta ngày nay.
Christoforo Borri là một tu sĩ Dòng Tên người Italy, ông đã đến truyền giáo tại xứ Đàng Trong từ năm 1618 đến năm 1622. Trong khi đó, Samuel Baron sinh ở Thăng Long trong khoảng cuối những năm 1630, có cha là người Âu còn mẹ là người Việt, và trong khoảng thời gian 1670-1680, ông là một thương nhân ở Đàng Ngoài.
Sau khi trở về từ miền đất phía Nam Việt Nam, giáo sĩ Borri đã viết cuốn Ký sự xứ Đàng Trong năm 1631. Sau đó hơn 50 năm, Samuel Baron xuất bản cuốn Mô tả vương quốc Đàng Ngoài vào năm 1685 tại Ấn Độ.
Những cuốn sách của hai ông chính là nguồn sử liệu sớm nhất được dịch sang tiếng Anh, trong đó cuốn sách của giáo sĩ Borri còn được dịch ra rất nhiều thứ tiếng khác như tiếng Pháp, Latinh, Hà Lan, Đức.
Hai cuốn sách này đã được hai nhà Việt Nam học là Olgar Dror và K. W. Taylor tập hợp để giới thiệu, chú giải và xuất bản năm 2006, với tên tiếng Anh là Views of Seventeenth-Century Vietnam: Christoforo Borri on Cochinchina and Samuel Baron on Tonkin (Studies on Southeast Asia).
Cuốn sách vừa được NXB Đà Nẵng dịch và phát hành, với tựa Việt Nam thế kỷ XVII: Những góc nhìn từ bên ngoài (Christoforo Borri về Đàng Trong và Samuel Baron về Đàng Ngoài), theo bản dịch của dịch giả Hoàng Tịnh Thủy.
Đây là một tài liệu quan trọng dành cho những người muốn nghiên cứu về mọi mặt của cuộc sống ở hai miền nước ta thế kỷ 17.
Người Đàng Trong ăn mặc kín đáo
Theo ghi chép của cha Borri, thì phụ nữ xứ Đàng Trong có lối trang phục kín đáo nhất trong toàn cõi Ấn Độ (những khu vực chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ). “Ngay cả khi thời tiết nóng bức nhất thì họ vẫn không để hở khoảng da thịt nào”, ông viết.
Theo mô tả của giáo sĩ người Italy này, thì phụ nữ miền Nam Việt Nam thường mặc đến năm sáu lớp lót màu sắc khác nhau, trong đó lớp đầu tiên dài chấm đất “khiến họ di chuyển phải thật chú ý đến sự kín đáo sao cho không để lộ ra dù chỉ đầu ngón chân”. Lớp trang phục thứ hai ngắn hơn chừng nửa gang tay, lớp thứ ba ngắn hơn lớp thứ hai và cứ vậy cho đến khi người ta thấy được mọi lớp màu sắc.
Và những mô tả kể trên mới là trang phục tính từ eo trở xuống. Còn ở thân trên, phụ nữ Đàng Trong thường mặc áo chẽn kép nhiều màu, khoác ngoài là một lớp áo the mỏng nên dù che phủ hết cơ thể nhưng vẫn để lộ ra các họa tiết hoa văn rực rỡ mà nhẹ nhàng, tạo nên vẻ ngoài yêu kiều trang trọng.
“Phụ nữ Đàng Trong thường xõa tóc, nuôi tóc dài đến mức có thể chấm đất, bởi với họ tóc càng dài thì càng đẹp”, tác giả viết. “Họ đội trên đầu một chiếc nón rộng vành che kín cả khuôn mặt, khiến họ không nhìn thấy gì quá phạm vi bốn, năm bước chân. Những chiếc nón này thường được dệt bằng lụa hoặc tơ vàng tùy theo địa vị của người đội”. Khi gặp gỡ chào hỏi nhau, cư dân Đàng Trong buộc phải tháo vành mũ để nhìn rõ mặt nhau.
Trang phục của đàn ông xứ Đàng Trong gồm là một tấm vải quấn quanh thân thay cho quần chẽn, phần thân trên mặc thêm năm sáu lớp áo dài rộng, nhiều màu sắc dệt bằng lụa mịn.
Từ phần thắt lưng trở xuống, áo được xẻ thành nhiều tà để khi di chuyển, những tà áo đó hòa quyện màu sắc với nhau. “Chỉ cần một làn gió nhẹ lướt cũng đủ để chúng bay phấp phới hệt như dải đuôi rực rỡ sắc màu của những con công duyên dáng”.
Theo cha Borri, người dân Đàng Trong tính phóng khoáng, hòa nhã, lễ độ, sống dễ chịu và chan hòa tình người.
Người Đàng Ngoài ham học và giỏi ghi nhớ
Theo những ghi chép của thương gia Samuel Baron, vào cuối thế kỷ 17, cư dân Đàng Ngoài thường để tóc dài và xõa tóc, chỉ trừ binh lính lúc luyện tập và thợ thủ công lúc làm việc thì thường đội mũ che tóc hoặc vấn tóc thành búi.
Cả nam và nữ khi đến tuổi 16, 17 đều nhuộm răng đen và để móng tay dài, móng tay càng dài càng được cho là đẹp.
Theo Baron, người dân Đàng Ngoài thường ngày hay mặc áo dài. Tuy nhiên, ông cho rằng, theo truyền thống lâu đời, thì dân thường bị cấm mang tất và giày, ngoại trừ những văn nhân và những người đỗ Tuncy (tiến sĩ).
Tác giả này đánh giá, người dân quê Đàng Ngoài có tính chất phác, đơn giản, nhưng dễ bị lừa gạt bởi thói nhẹ dạ và mê tín quá mức.
Cư dân miền Bắc cũng được nhận xét là nhanh trí và giỏi ghi nhớ. Họ có thể làm tốt mọi việc nếu như được đào tạo bài bản. Họ ham học nhưng không phải vì sở thích riêng mà bởi đó là con đường dẫn đến công thành danh toại.
“Khi đọc sách, giọng điệu của họ tựa như đang hát, ngôn ngữ của họ đầy những từ đơn âm tiết, và đôi khi một từ có thể mang đến 12, 13 nghĩa khác nhau mà chẳng có cách gì phân biệt ngoài âm điệu, chẳng hạn như đọc tròn miệng, phát âm nặng, nhấn hoặc giữ âm… Rất ít người ngoại quốc có thể học được thứ tiếng này sao cho hoàn hảo”, Baron viết.
Người Đàng Ngoài luôn mong ước có một gia đình đông con nhiều cháu nên có phong tục nhận con nuôi, cả nam lẫn nữ. Vào dịp lễ tết, con nuôi đến thăm viếng, vấn an và biếu quà cho cha mẹ, lúc nào cũng sẵn lòng thực thi chức phận làm con của mình, như biếu cha mẹ quả ngọt đầu mùa và gạo mới thu hoạch, đóng góp khi nhà có cha mẹ, anh chị em, họ hàng… gần đất xa trời.
Baron cũng tiết lộ, người nước ngoài cư trú, buôn bán ở Đàng Ngoài cũng thường sử dụng cách thức nhận con nuôi để tránh cho bản thân khỏi phải chịu những phiền hà, nhũng nhiễu từ đám quan lại xấc xược. Bản thân Baron cũng được nhận làm con nuôi của một vị vương tử của chúa Trịnh Căn.
Mời các bạn đón đọc Mô Tả Vương Quốc Đàng Ngoài của tác giả Samuel Baron.
Leave a Reply