“Cuốn sách thật sự là một công trình nghiên cứu sâu sắc và nghiêm túc về quá trình khẩn hoang lập ấp và chế độ công điền công thổ của Nam Kỳ Lục tỉnh từ cuối thế kỷ XVI khi lưu dân Việt bắt đầu vào khai phá, cho đến năm 1860 khi thực dân Pháp xâm chiếm vùng này.”
(GS. Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam)
***
Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp.
Văn minh Việt Nam cổ truyền là văn minh nông nghiệp.
Vì thế, muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam, trước hết cần nghiên cứu nông nghiệp và nông thôn, trong đó chế độ sở hữu ruộng đất là vấn đề có ý nghĩa then chốt.
Xuất phát từ nhận thức đó, trong mấy thập kỷ gần đây, các nhà nghiên cứu Việt Nam trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm đến chế độ sở hữu ruộng đất ở Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu về đề tài này đã được xuất bản, nhiều luận văn khoa học đã được công bố trên các tạp chí.
Bản thân tôi, từ khi bước vào con đường nghiên cứu lịch sử Việt Nam, tôi đã thích thú những đề tài về lịch sử phát triển nông nghiệp và chế độ sở hữu ruộng đất. Cuốn sách đầu tay của tôi là Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ, xuất bản 1959. Sau đó, do sự cuốn hút của một số đề tài bức thiết khác, công việc nghiên cứu chế độ ruộng đất của tôi bị gián đoạn một thời gian và gần đây, tôi đã trở lại đề tài này trên cơ sở cùng với một số đồng nghiệp nghiên cứu địa bạ.
Cho đến nay, trên lĩnh vực nghiên cứu lịch sử chế độ ruộng đất Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề cần đi sâu nghiên cứu và thảo luận, còn nhiều khoảng trống cần phải lấp đầy, trong đó có chế độ ruộng đất gắn liền với công việc khai phá miền đất phía Nam. Có nhiều lý do, một phần vì tư liệu, một phần vì quan niệm của người nghiên cứu. Quả thật, tư liệu chữ viết về lịch sử miền Nam nói chung và về chế độ ruộng đất nói riêng rất ít ỏi, nhất là trước khi kho tư liệu địa bạ của triều Nguyễn được khai thác. Nhưng còn phải kể thêm quan niệm né tránh các vấn đề phức tạp của lịch sử, tiêu biểu là mối quan hệ giữa lịch sử Đại Việt với lịch sử Champa và Phù Nam, Chân Lạp. Từ quan niệm này, lịch sử Việt Nam có lúc được trình bày chỉ có dòng lịch sử Văn Lang – Âu Lạc đến Việt Nam và phần nào quá trình khai phá vào phía Nam. Và quá trình này cũng chỉ được trình bày dưới góc độ quá trình khẩn hoang lập ấp của các lớp lưu dân người Việt, còn những mối quan hệ phức tạp giữa vương triều Đại Việt với vương triều Champa, Chân Lạp thì chưa được đề cập thỏa đáng. Rõ ràng cách nhận thức và trình bày lịch sử Việt Nam như vậy dẫn đến sự hiểu biết phiến diện về lịch sử miền Nam, gạt bỏ dòng lịch sử và văn hóa Sa Huỳnh – Champa, Óc Eo – Phù Nam ra khỏi lịch sử Việt Nam và từ đó, tạo ra một khoảng trống trong lịch sử miền Nam từ sau các nền văn hóa nguyên thủy cho đến trước khi vùng đất này được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt.
Đã đến lúc cần trả lại cho lịch sử Việt Nam tất cả nội dung phong phú, đa dạng của cuộc sống của cộng đồng cư dân Việt Nam gồm nhiều tộc người đã từng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay, trong đó có lúc yên bình, êm đẹp, nhưng có lúc sóng gió với những mâu thuẫn và xung đột lịch sử phức tạp.
Trong suy nghĩ trên, tôi vui mừng đón nhận cuốn sách Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu.
* * *
Tôi quen biết anh Nguyễn Đình Đầu trong các cuộc hội thảo khoa học ở Thành phố Hồ Chí Minh, rồi sau đó, trong hoạt động của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và trong nghiên cứu địa bạ. Bình thường anh là người trầm lặng, ít nói, nhưng lao động khoa học rất say mê, cần mẫn và cũng rất sôi nổi trong thảo luận khoa học.
Anh Nguyễn Đình Đầu đã tham gia biên soạn bộ Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu kho địa bạ triều Nguyễn. Kho địa bạ này trước đặt ở Huế rồi chuyển lên Đà Lạt, chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh và lưu giữ ở đây cho đến cuối năm 1991, trước khi chuyển ra Hà Nội. Anh Nguyễn Đình Đầu là người đi đầu trong việc khai thác kho tư liệu cực kỳ phong phú này, theo thống kê của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, gồm 10.044 địa bạ các làng, trong đó có 484 địa bạ của Nam kỳ Lục tỉnh.
Trong công cuộc nghiên cứu của mình, anh Nguyễn Đình Đầu đã sử dụng tổng hợp nhiều nguồn tư liệu: tư liệu trong thư tịch Hán Nôm, tư liệu điều tra khảo sát của người Pháp khi mới chiếm Nam kỳ, kết hợp với tư liệu của người nước ngoài, đặc biệt là tư liệu địa bạ.
Tác giả tự đặt cho mình một mục đích rất khiêm nhường là “cung cấp thêm cho học giả một số tư liệu tuy không mới mẻ song dễ bị lãng quên” và qua đó, “đính chính một số nhận định lệch lạc hoặc thiếu quan điểm lịch sử” và “góp phần tìm hiểu chung về nguồn gốc, bản chất và định chế của công điền công thổ ở nước ta” (Mở đầu).
Nhưng cuốn sách thực sự là một công trình nghiên cứu sâu sắc và nghiêm túc về quá trình khẩn hoang lập ấp và chế độ công điền công thổ của Nam kỳ Lục tỉnh từ cuối thế kỷ XVI khi lưu dân người Việt bắt đầu vào khai phá, cho đến năm 1860 khi thực dân Pháp xâm chiếm vùng đất này. Cuốn sách không dày lắm, nhưng đứng về các nguồn tư liệu được khai thác và sử dụng cũng như các vấn đề được đặt ra và giải quyết thì vượt hẳn những công trình đã công bố từ trước đến nay về đề tài này.
* * *
Trước khi người Việt đến đây, đất Đồng Nai – Gia Định đã được nhiều lớp cư dân khai phá, từ những lớp cư dân nguyên thủy xa xưa đến những lớp cư dân Phù Nam, Chân Lạp. Tác giả không ngược về quá sâu trong quá khứ, mà chỉ nghiên cứu lịch sử khai phá vùng Đồng Nai – Gia Định từ những lớp di dân người Việt vào đây, có thể bắt đầu từ cuối thế kỷ XVI. Những lớp lưu dân này đã đến Mô Xoài rồi lên Đồng Nai và lan dần đến đồng bằng sông Cửu Long. Họ là những người nông dân, chỉ có ý chí và sức lao động, đi tìm những miền đất mới để sinh sống, không xâm phạm cướp bóc của ai. Họ chung sống hòa bình với những lớp cư dân bản địa. Tiếp bước theo họ là một số địa chủ giàu có vùng Thuận Quảng và một số người Hoa cùng tham gia vào quá trình khai phá.
Sự thật trên được chứng minh qua nhiều tư liệu, nhưng từ đó, trình bày lịch sử khai phá miền Nam chỉ bằng công cuộc khẩn hoang hòa bình của các lớp di dân thì lại phiến diện và không phù hợp với toàn bộ sự thật lịch sử. Anh Nguyễn Đình Đầu với thái độ khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử, đã trình bày tiếp theo sau quá trình khẩn hoang của lưu dân là quá trình can thiệp của các chúa Nguyễn để thiết lập chính quyền và sắp đặt các đơn vị hành chính, từ phủ Gia Định nhị dinh năm 1698, tam dinh năm 1732 và đến năm 1757 thì bao quát toàn bộ châu thổ Đồng Nai, Cửu Long. Dĩ nhiên đây là một quá trình phức tạp với nhiều cuộc can thiệp của chúa Nguyễn kết hợp với những mâu thuẫn nội bộ của vương triều Chân Lạp và những xung đột của vương triều Xiêm. Những sự thật đó cần được nhìn nhận và phân tích một cách đúng đắn trên quan điểm lịch sử.
Vấn đề tôi quan tâm nhất trong công trình nghiên cứu của tác giả là phân định tiến trình lịch sử của chế độ công điền công thổ ở Nam kỳ làm hai giai đoạn, lấy năm 1836 làm ranh giới. Năm 1836, lần đầu tiên triều Nguyễn tiến hành đo đạc ruộng đất Nam kỳ, lập địa bạ và thiết lập chế độ công điền công thổ. Theo tác giả, trước đó trong các thôn ấp do lưu dân khẩn hoang lập nên, chỉ có tư điền, không có công điền công thổ mà chỉ có một số bổn thôn điền thổ được coi như ruộng đất chung của làng và đối với nhà nước vẫn thuộc ngạch tư điền thổ, coi như của riêng của làng.
Như vậy, có một thời kỳ từ cuối thế kỷ XVI đến năm 1836, vùng Đồng Nai – Gia Định chỉ có chế độ tư hữu ruộng đất và nông thôn gồm những thôn ấp dựa trên chế độ sở hữu ruộng đất này. Đấy là một kết cấu kinh tế – xã hội khác với các vùng khác và chính nó đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế hàng hóa làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt kinh tế của Đồng Nai – Gia Định. Tôi nghĩ rằng, đó là một luận điểm rất đáng lưu ý của tác giả.
Nhưng triều Nguyễn, bằng việc đo đạc điền thổ, lập địa bạ năm 1836, đã thiết lập chế độ công điền công thổ trong các thôn ấp Nam kỳ. Trước đó, theo tác giả, chính sách khẩn hoang của Nguyễn Ánh và triều Nguyễn đã chuẩn bị và tạo điều kiện cho sự ra đời của công điền công thổ. Chủ trương của triều Nguyễn là gia tăng và củng cố chế độ công điền công thổ của các thôn ấp Nam kỳ bằng nhiều chính sách và biện pháp như mở rộng đồn điền và dinh điền, chuyển đồn điền thành công điền, chuyển một số ruộng đất như ruộng đất bổn thôn đồng canh, dân cư thổ, ruộng hoang… thành công điền công thổ và vận động một số địa chủ nhiều ruộng nộp một phần tư điền làm công điền. Từ đó, công điền công thổ trong các thôn ấp ở Nam kỳ có xu hướng tăng lên, làm cho kết cấu kinh tế – xã hội nông thôn thay đổi theo hướng không có lợi cho sự phát triển kinh tế hàng hóa. Theo tác giả, đấy là một chuyển hướng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Nam kỳ Lục tỉnh. Tôi nghĩ rằng, đó cũng là một đề xuất mới của tác giả cần được lưu ý.
Như vậy là Đàng Trong đã có hai vùng với hai xu hướng phát triển khác nhau về chế độ sở hữu ruộng đất.
Vùng Thuận Quảng với chính sách khẩn hoang lập làng thế kỷ XVI-XVII, tất cả ruộng đất khai khẩn được đều coi là công điền công thổ của thôn ấp và từ năm 1669, chính quyền mới chấp nhận ruộng đất do các gia đình khai khẩn thêm được coi là tư điền dưới tên gọi là “bản bức tư điền”. Ở đây, công điền công thổ xuất hiện trước và ngự trị, từ năm 1669 mới có thêm tư điền thổ.
Trái lại, ở Đồng Nai – Gia Định – Nam kỳ Lục tỉnh, chế độ tư hữu ruộng đất xuất hiện trước và tồn tại, từ năm 1836 chế độ công điền công thổ mới được chính thức thiết lập.
Kết quả nghiên cứu của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu đã đặt lại một số vấn đề buộc các nhà khoa học phải kiểm tra lại nhận thức cũ của mình. Trước đây, khi viết về chế độ ruộng đất ở Nam kỳ, nhiều người cho rằng chế độ công điền công thổ ở vùng này rất nhỏ bé và có xu hướng thu hẹp dần trước sự phát triển của kinh tế hàng hóa. Người ta thường dẫn một số liệu điều tra của Yves Henry trong Kinh tế nông nghiệp ở Đông Dương (Économie agricole de l’Indochine) xuất bản năm 1932, cho biết công điền công thổ ở Nam kỳ chỉ có 3%, trong lúc ở Trung kỳ 25% và Bắc kỳ 21%. Nghiên cứu kho địa bạ Nam kỳ Lục tỉnh (còn thiếu khoảng hơn 100 thôn ấp, địa bạ bị thất lạc), anh Nguyễn Đình Đầu cho chúng ta những số liệu mới về tình hình phân bố ruộng đất ở vùng này vào năm 1836. So với toàn bộ diện tích ruộng đất, tư điền thổ chiếm tỷ lệ 92,16%, loại ruộng đất trong địa bạ ghi là công điền công thổ chiếm tỷ lệ 3,50%. Nhưng theo quy định của triều Nguyễn thì loại ruộng đất bổn thôn đồng canh và dân cư thổ cũng được xếp vào công điền công thổ và do đó, tỷ lệ công điền công thổ lên đến 7,83%.
Cho đến khi Pháp chiếm Nam kỳ, do các biện pháp gia tăng công điền công thổ của triều Nguyễn, tác giả phỏng tính tỷ lệ này có thể lên đến 25%. Đây là tỷ lệ phỏng tính có độ xác suất của nó mà bản thân tôi còn hoài nghi, nhưng xu hướng gia tăng của công điền công thổ dưới triều Nguyễn thì đã được tác giả chứng minh.
Từ những kết quả nghiên cứu cụ thể trên cơ sở tổng hợp nhiều nguồn sử liệu, tác giả cho rằng công điền công thổ ở Nam kỳ Lục tỉnh không phải bắt nguồn từ sở hữu ruộng đất của công xã nông thôn, cũng không phải từ chế độ đồng sở hữu lưỡng tính của nhà nước và công xã như có người đã giải thích đối với công điền công thổ ở miền Bắc. Tác giả đưa ra một định nghĩa về công điền công thổ và phân tích nguồn gốc cùng với bản chất của nó. Theo tôi, chế độ công điền công thổ của làng xã đứng về nguồn gốc của hình thái sở hữu thì bắt nguồn từ sở hữu của công xã nông thôn rồi biến đổi dần qua các hình thái xã hội khác nhau. Nhưng điều đó không có nghĩa là công điền công thổ của các làng xã chỉ gồm ruộng đất thuộc sở hữu công xã nông thôn thời xa xưa được bảo tồn lại. Trong từng thời kỳ lịch sử khác nhau và trong từng khu vực khác nhau, công điền công thổ mang những đặc điểm rất đa dạng, có lúc tăng lúc giảm, có lúc tiêu vong, có lúc được tái lập bằng những biện pháp của cộng đồng làng xã hoặc sự can thiệp của nhà nước. Công trình nghiên cứu của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu phản ánh con đường hình thành, phát triển và những đặc điểm của chế độ công điền công thổ vùng Đồng Nai – Gia Định rồi Nam kỳ Lục tỉnh từ thế kỷ XVI đến XIX.
* * *
Tôi đã đọc một cách hứng thú và đọc kỹ cuốn sách Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu. Cái thu hút sự chú ý và hứng thú của tôi là tác giả, bằng những tư liệu cụ thể, đã dẫn dắt người đọc vào ba thế kỷ khẩn hoang lập ấp đầy gian truân và thành tựu của nhân dân Nam kỳ, nó luôn khêu gợi nhận thức của người đọc bằng những phát hiện và đề xuất mới mẻ về chế độ công điền công thổ ở vùng đất phía Nam này của tổ quốc. Đây đó có thể còn những luận điểm cần tranh luận, còn những con tính phải xem xét thêm, nhưng nói chung tôi đồng tình với cách trình bày và nhận định của tác giả. Không còn nghi ngờ gì nữa, cuốn sách sẽ góp phần bổ sung thêm hiểu biết về lịch sử miền Nam và đặt ra nhiều vấn đề mới thúc đẩy công việc nghiên cứu lịch sử chế độ ruộng đất ở Việt Nam qua nghiên cứu so sánh giữa các khu vực, nhất là với Nam kỳ Lục tỉnh.
Tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn sách Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu với các nhà sử học, các nhà nghiên cứu và tất cả bạn đọc. Đây là cuốn sách đầu tiên do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (thường viết tắt là Hội Sử học Việt Nam) xuất bản, mở đầu cho chương trình xuất bản những công trình lịch sử của Hội.
Tôi cũng chân thành cám ơn anh Nguyễn Đình Đầu đã dành cho tôi vinh dự được đọc bản thảo cuốn sách trước khi xuất bản và viết lời giới thiệu này.
PHAN HUY LÊ
Giáo sư Sử học
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Tủ sách “Góc nhìn sử Việt” ra đời, mục đích giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm hay, có giá trị, đồng thời góp phần bảo lưu gìn giữ những giá trị văn hóa của đất nước. Để thực hiện bộ sách này, chúng tôi tuân thủ một số quy cách sau:
Bảo toàn văn phong, nội dung nguyên gốc, từ ngữ mang đậm văn hóa vùng miền trong tác phẩm (trừ khẩu âm).
Biên tập đối chiếu trên bản gốc sưu tầm được và có ghi rõ tái bản trên bản năm nào.
Chú thích từ ngữ cổ, từ Hán Việt.
Tra cứu bổ sung thông tin: tiểu dẫn, tiểu sử, sự kiện, nhân vật, phụ lục (nếu cần thiết)…
Sửa lỗi chính tả trong bản gốc.
Giản lược gạch nối từ ghép, khôi phục từ Việt hóa tiếng nước ngoài khi có đủ tài liệu tra cứu tin cậy (trừ trường hợp từ ngữ đó đã dịch thành thuần Việt).
Trường hợp thông tin lịch sử trong sách không khớp với thông tin trong chính sử, chúng tôi sẽ chú thích hoặc đăng phụ lục ở cuối sách.
Một số hình ảnh trong sách gốc bị mờ, chất lượng kém… chúng tôi sẽ đăng bổ sung – thay thế các hình ảnh có nội dung tương tự, chất lượng tốt (nếu có).
Mong đón nhận những ý kiến đóng góp của độc giả, hỗ trợ chúng tôi hoàn thiện tủ sách này.
Mời các bạn đón đọc Chế Độ Công Điền Công Thổ Trong Lịch Sử Khẩn Hoang Lập Ấp Ở Nam Kỳ Lục Tỉnh của tác giả Nguyễn Đình Đầu.
Chia sẻ ý kiến của bạn