“Cristoforo Borri là người đầu tiên đã mô tả đất nước An Nam, sản vật, con người, chính thể, tín ngưỡng, tập quán của xứ này. Và ông đã mô tả mọi thứ rất tuyệt vời. Ông chỉ sống 5 năm ở các vùng lân cận Đà Nẵng hoặc trong phủ Quy Nhơn. Nhưng chừng đó thời gian đã đủ để ông nắm bắt một cách chuẩn xác và gần như trọn vẹn. Ông may mắn biết ngôn ngữ xứ này, là một việc rất hiếm hoi thời đó: ông chắc hẳn là người Âu châu thứ hai đã chuyên tâm nghiên cứu tiếng An Nam. Nhưng chuyện đó cũng không đủ giải thích thỏa đáng cho cái ích lợi mà cuốn ký sự Xứ Đàng Trong của ông đem tới. Cristoforo Borri là một người ham hiểu biết. Ông đã thực hiện một cuộc điều tra nghiêm túc về thế giới xung quanh ông, và, nếu ngày nay, ta gặp phải khó khăn khi muốn xác nhận một vấn đề nào đó thì hãy so sánh với thời Cristoforo Borri để thấy giá trị của sự bền bỉ, sự minh mẫn của giáo sĩ này – người đã biết thiết lập những ý niệm sáng tỏ và chuẩn xác cho những thứ hoàn toàn mới lạ với dân Âu châu.
Có thể nói rằng, Xứ Đàng Trong là một kiểu mẫu cho hậu bối của cha Cristoforo Borri noi theo. Những giáo sĩ, những nhà du hành tới sau ông, sẽ mô tả An Nam hay Đàng Ngoài dựa theo sự phân chia của ông trong cuốn ký sự này. Người ta sẽ còn nhắc những nắm bắt tài tình của ông về một số chủ đề, đôi khi họ còn dùng nguyên cách nói của ông: về voi, tổ chim yến, y thuật, tài năng của pháo thủ An Nam, trái mít hay trái sầu riêng, … Nên có một nghiên cứu đối với sự lệ thuộc của các tác giả viết về xứ An Nam xưa và những vay mượn của họ từ người tiên phong trên hết – Cristoforo Borri.”
-Lépold Cadière
***
Không phải là một nghiên cứu chuyên sâu, Xứ Đàng Trong chỉ là sự ghi chép “mắt thấy tai nghe” của giáo sĩ Cristoforo Borri về vùng đất mà ông đã có cơ hội đến và sống trong thời gian không ngắn.
Tuy nhiên, sau khi được xuất bản lần đầu tiên năm 1631, cuốn sách Xứ Đàng Trong đã vượt khỏi mục đích ban đầu của tác giả cũng như sự giới hạn của thời gian.
Ngoài việc lột tả sự phong phú, giàu có về tài nguyên sản vật, sự tươi đẹp của thiên nhiên nơi vùng đất phía Nam của Đại Việt đương thời, Xứ Đàng Trong còn cho người đọc hình dung về một vùng đất đặc sắc về văn hóa với những con người “muôn vàn lịch thiệp, gần gũi và văn minh”.
Ở vùng đất đó, những kẻ xa lạ về cả nhân dạng lẫn văn hóa như Borri, hay thay, lại có được cảm giác “cư xử thân tình như anh em một nhà, ngay cả chưa từng gặp gỡ hay quen biết”, được đưa đi từ ngạc nhiên này đến thích thú khác.
Vùng đất đó là Đàng Trong của thế kỷ 17, một xứ sở kỳ lạ hay gần như kỳ diệu dưới con mắt Cristoforo Borri. Và có thể là ngay cả với chính chúng ta, những kẻ hậu sinh sau mấy trăm năm của xứ sở ấy, khi lần giở Xứ Đàng Trong.
Mời các bạn đón đọc Xứ Đàng Trong của tác giả Cristoforo Borri.
Chia sẻ ý kiến của bạn