XIBIRI
Tác giả: Ghêorghi Markốp (Georgy Mokeyevich Markov)
Quyển sách này không nói về chiến tranh mà nói về cuộc trốn chạy của một tù nhân chính trị bị đày đi Xibiri.
Ivan, là một sinh viên, là cháu của một nhà bác học người Nga chuyên nghiên cứu về khoáng sản, địa chất, đặc biệt là vùng Xibiri. Anh bị bắt vì tham gia đấu tranh chống lại Nga Hoàng.Đồng đội đã tổ chức cho anh vượt ngục thông qua sự giúp đỡ của người dân địa phương. Sau khi trốn thoát, anh có nhiệm vụ sang Thụy Điển để giúp ông bác của anh lưu giữ những tài liệu về vùng đất Xibiri mà bọn Tư bản nước ngoài rất thèm muốn và rắp tâm đoạt lấy.
Cái thu hút của tác phẩm không năm ở những cảnh rượt đuổi, chạy trốn mà trong tác phẩm này, Ghêorghi Markốp đã miêu tả thiên nhiên và con người ở Xibiri, cách họ chống chọi với khắc nghiệt của thời tiết, cách họ săn thú, đánh bắt cá, cách ngủ đêm, sưởi ấm trên tuyết. Ngoài ra, tính chính trị trong tác phẩm là rất rõ ràng nhưng dễ chịu, dễ tiếp nhận, ngay cả tình yêu giữa Ivan và Ca-chi-a cũng rất nhẹ nhàng nhưng đầy bất ngờ. Một tác phẩm đáng đọc dành do những ai thích phiêu lưu và thích thiên thiên.
TIỂU THUYẾT HAI TẬP
Nhà xuất bản Cầu vồng
Mátxcơva 1984
In theo bản dịch của Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Hà Nội
Người dịch: Chu Nga và Thúy Toàn
Người hiệu đính: Trần Phú Thuyết
Георгий Марков
СИБИРЬ
На вьетнамском языке
© “Известия”, 1976
© Bản dịch tiếng Việt, Nhà xuất bản Cầu vồng, 1984
In tại Liên Xô
Xibiri là quê hương của nhà văn thời thơ ấu và tuổi thanh xuân. Cùng với cha đẻ, một người chuyên đi săn gấu, ông đã đi dọc ngang khắp rừng taiga và các sông lớn nhất ở Xibiri. “Môi rường thợ săn, lao động kiếm kế sinh nhai, trại của những người đi săn và đống lửa trong rừng taiga là trường học mở đầu của đời tôi”,- Markốp kể như vậy. Tất cả mọi tác phẩm của nhà văn bắt nguồn từ đấy. Tiểu thuyết “Xibiri” (1969 – 1973) của ông cũng đâm rễ ăn sâu vào đây.
Mở ra trước mắt người đọc tiểu thuyết này là những bức tranh cuộc sống hào phóng của Xibiri đầu thế kỷ XX: những cánh rừng taiga và thảo nguyên mênh mông, những con sông hùng vĩ; những đầm lầy chứa khí đốt mà ngay cả những lúc băng giá dữ tợn cũng không đóng băng; những ao hồ đầy cá, nhiều thành phố và làng mạc. Cũng như ở khắp nước Nga, tư tưởng cách mạng đã bùng lên tại đây, ngày càng tăng thêm ý chí và khả năng sẵn sàng lật đổ chế độ chuyên quyền, đem mọi tài nguyên của vùng này phục vụ nhân dân.
Chủ đề lịch sử cách mạng trong tác phẩm là dựa trên các sự kiện và số phận của những con người cụ thể. “Tất cả những gì đã xảy ra, – Ghêorghi Markốp viết, – đều đan quyện chặt chẽ với hư cấu cả trên cơ sở sự kiện của cốt chuyện, cả về tính cách của các nhân vật”.
Êpiphan Crivôrucốp, chủ nhân ông đầu tiên ở làng Gôlêsikhinô, đang tổ chức đám cưới cho đứa con trai của y là Nhikipho. Dạo ấy là vào khoảng giữa tháng mười. Gió lạnh từ sông Ôbi từng cơn từng cơn thổi về, cuốn theo những bông tuyết làm mù mịt cả không trung. Trên bãi cát đã óng ánh một lớp băng, trên cánh đồng, trong tầm mắt của ta, những đám cỏ và những thửa ruộng vừa gặt cũng ánh lên qua màng băng mỏng. Mùa đông đang phóng tới, chỉ có những cánh rừng bá hương vây quanh làng Gôlêsikhinô cây mọc sát vào nhau là kìm bớt được phần nào cuộc tấn công ào ạt ấy. Bầu trời trắng đục và những đám mây đen lững lờ trôi trên làng xóm bất cứ lúc nào cũng có thể rắc tuyết xuống phủ kín khắp mọi nơi.
Họ hàng đông con nhiều cháu nhà Crivôrucốp làm náo động cả một vùng. Suốt ngày đêm trong ngôi nhà của Êpiphan không ngớt tiếng hát và tiếng phong cầm đệm, tiếng chân dậm của đám người nhảy múa, tiếng hò hét, đùa rỡn của bọn bạn thằng Nhikipho. Những người làm thuê cho nhà Crivôrucốp, người phi ngựa kẻ chạy bộ, tỏa đi khắp nơi lo kiếm nào cá tươi từ sông Ôbi, nào chim đa đa và gà lôi từ rừng taiga, nào những hộp mật và hộp nhựa bạch dương từ cánh rừng trên khu đất vỡ hoang của nhà Crivôrucốp đưa về làm món ăn cho bữa tiệc cưới. Những con chó làng Gôlêsikhinô hoảng sợ trước sự náo động bao trùm khắp làng xóm ấy, đã sủa lên ầm ĩ, liên hồi, sủa đến đứt cả hơi.
Vào ngày thứ ba, khi đám cưới đang ở độ náo nhiệt nhất, thì một chiếc thuyền chở viên cảnh sát trưởng của vùng Parabên và năm người vệ binh ghé vào bờ sông, phía làng Gôlêsikhinô.
Viên cảnh sát trưởng đẩy cửa xông vào nhà Crivôrucốp và hét lớn, át cả tiếng ầm ĩ làm rung động nhà cửa:
– Tôi ra lệnh, tất cả phải im ngay!.. Một tên tội phạm quốc gia quan trọng vào bậc nhất giam ở Narưm vừa trốn khỏi nhà tù! Lệnh xuống là phải tìm bắt cho bằng được tên này, bắt sống hay giết chết đem xác về cũng được! Ai bắt được y sẽ được trọng thưởng! Tất cả hãy lập tức mặc ấm vào – cả đàn ông lẫn đàn bà – không phân biệt!
Đám người trong nhà Crivôrucốp đứng ngẩn ra một lúc. Từ lúc cha sinh mẹ đẻ họ chưa từng chứng kiến một sự kiện nào tương tự: hãy dẹp đồ nhắm với rượu lại mà ba chân bốn cẳng chạy đuổi theo một tên tù vừa trốn khỏi nhà giam, chẳng ma nào biết hắn là ai, cứ như thể mình không còn phải là con người nữa mà, lạy trời, là một thứ ngựa cái chết tiệt nào vậy.
Mấy cậu thanh niên vừa định phản đối, nhưng viên cảnh sát trưởng đã len được vào tận chỗ Êpiphan ngồi dưới chân bức tượng thánh và thầm thì vào tai y, cái tai sứt đeo khuyên, một điều gì đó.
Và người ta nghe tiếng ông chủ nhà quát lớn:
– Các bạn trẻ, cấm không ai được nói gì! Vị đại diện cho đức vua đã ra lệnh! Có nghĩa là – hãy gác lại cuộc chơi! Tất cả những người có mặt tại đây hãy ra sân, rồi vào rừng, quãng bờ sông ấy! Tên tù thế nào cũng còn đang loanh quanh ở đấy, nó chưa thể trốn đi đâu được!
– Thật là khủng khiếp quá chừng! Ngày xưa người ta săn đuổi thú rừng, bây giờ thì người ta lại bắt đầu săn đuổi cả con người nữa, – sau ba ngày, lần đầu tiên cô dâu dám mạnh dạn cất lời. Nhưng những lời cô nói bị chìm đi trong tiếng hét hò ầm ầm căng thẳng. Tưởng như chỉ thêm một giây lát nữa – thì những bức tường bằng gỗ thông, rất chắc chắn của ngôi nhà hai tầng nhà Crivôrucốp sẽ bật tung ra vì không chịu đựng nổi sự ầm ĩ ấy.
– Này Nhikipho, Nhikipho đâu! – ông chủ của ngôi nhà gào tên gọi đứa con trai. – Con hãy rót rượu ra mời các ngài đại diện cho đức vua đi. Rượu vào, mắt sẽ tinh hơn,
Nhikipho làm theo lệnh bố. Viên cảnh sát trưởng và đội vệ binh vừa đứng vừa uống rượu và dùng thức nhắm, mỗi người vớ lấy những thứ gần mình nhất: người miếng thịt hươu, kẻ chiếc bánh bột rán với khúc cá chiên, có người lại vớ được chú gà đồng rán tẩm kem chua.
Nửa giờ sau, cái đám người hỗn độn ấy, vừa hò hét vừa la lối, chạy tản ra khắp bờ sông. Có nhiều người trong số đàn ông mang theo rìu, xiên, xẻng, thuổng, còn bọn bạn bè thân cận của thằng Nhikipho cũng như bản thân nó thì lại mang theo súng. Ở nhà Crivôrucốp thì các loại vũ khí ấy thiếu gì: nào súng hai cò, nào súng một nòng, súng đạn ria, súng tự chế nòng rèn để giết những loại thú lớn. Các bà líu ríu chạy theo đám đàn ông; những tay say nhất và những đứa hỗn hào nhất thì vừa khua những chiếc thuổng, những que quấy cám vừa gào tướng lên những lời tục tĩu.
Một tốp chừng hai chục người đàn ông lực lưỡng theo viên cảnh sát trưởng xuống thuyền, bơi sang bờ bên kia của con sông nhánh. Trong số đó có cả thằng Nhikipho và bọn bạn du đãng của nó. Mọi người đều cảm thấy rằng: nếu như tên tù còn chưa kịp đi khỏi nơi này thì hắn không thể có chỗ nào lẩn trốn tốt hơn là cánh rừng gần bờ sông phía bên kia. Trong cánh rừng rậm rạp và gai góc ấy chẳng chỉ con người mà ngay cả đến ngựa cũng có thể tìm được nơi ẩn náu. Còn ở bờ sông phía bên này, giáp làng, thì đất đai trơ trụi, trâu bò và các loại gia súc vẫn thường được thả rong trên cánh đồng cỏ, ở đây người qua kẻ lại luôn luôn: kẻ ra đồng cỏ, người đi lễ ở nhà thờ Parabên, có người lại mang nào hạt dẻ, nào lông thú và cả những con thú mà họ săn được đến nhà kho của tên lái buôn Grêbênsicốp ở bến sông.
Lát sau, những người đàn ông vừa bơi thuyền sang bờ bên kia đã sắp thành một hàng dài và mất hút vào cánh rừng. Bờ bên này cũng được tổ chức chu đáo: đi dọc theo sát mép bờ sông là hai tên vệ binh, ngay bên cạnh chúng là các gã đàn ông và xa một chút nữa là cánh đàn bà. Họ đi một cách trật tự như vậy được khoảng chừng một vecxta[1] không hơn. Sau đó thì hàng ngũ dần dần xộc xệch, nhiều người bắt đầu chậm bước. Bởi sau mấy ngày tiệc rượu lu bù thì không dễ gì mà sai khiến nổi đôi chân của chính bản thân mình. Một số ông già bà lão hơi sức cũng chẳng được là bao. Cuộc săn đuổi tên tù vượt ngục đối với họ rõ ràng là một việc làm quá sức. Bọn con gái mới lấy chồng cũng không hứng thú gì với cái việc phải lội vào đám bùn lầy khi chân họ đang đi những đôi giầy đẹp đẽ, những đôi giày mà họ chỉ xỏ chân vào cả thẩy một vài lần: trong ngày lễ cưới, khi đến nhà thờ vào ngày lễ Thánh và đôi khi đi chơi bời thăm thú bạn bè. Nhưng những tên vệ binh, nhất là chính bản thân Êpiphan Crivôrucốp, thì lại luôn luôn thúc dục mọi người, chốc chốc lại ý ới gọi với sang hàng người dàn ngang ở bờ bên kia, trong cánh rừng.
– Này! Này! – bờ phía bên kia gọi vọng sang.
– Có đây! Chúng tôi vẫn đang lùng sục, đang lùng sục đây! – Êpiphan lớn tiếng trả lời thay tất cả.
Làng xóm, với những chiếc ống khói lò sưởi, với mùi vị của sự no nê, với tiếng bò rống, tiếng chó sủa, đã không còn trông thấy nữa. «Này! Này» – tiếng gọi từ bờ phía bên kia vọng lại mỗi lúc một thưa dần và một khó nghe hơn. Mà ngay cả Êpiphan, mặc dầu lão vẫn tiếp tục đi, cũng đáp lại những lời trao đổi ấy mỗi lúc một ít hứng thú hơn: chắc là lão đã khản cổ rồi.
Một tên vệ binh bị sát toạc chân, ngồi bệt xuống mép bờ sông và từ từ cởi vải bọc chân. Thái độ ấy chứng tỏ anh ta không phải là kẻ hăng hái cho lắm với phận sự của mình. Cánh đàn bà lập tức nhận ra ngay thái độ uể oải ấy, và họ cũng không ngu ngốc gì, nên cũng đứng lại theo, giả bộ như mình cũng có việc cần thiết phải dừng chân: để thắt lại giải khăn vuông, để sắn váy, để buộc lại dây giày. Hàng người đi men theo bờ sông đã thưa thớt hẳn, chỉ còn độ mươi người. Đi sát mép bờ sông nhất là Êpiphan cùng với tên vệ binh thứ hai, đi xa mép bờ sông nhất là Pôlia – người vợ vừa cưới của Nhikipho, cô con dâu mới của nhà Êpiphan.
Pôlia bước đi, vẻ rất thích thú. Ba ngày liền ngồi sau chiếc bàn chất đầy những đồ ăn thức uống, tiếng ồn ào và sự tấp nập đã làm cho cô vô cùng mệt mỏi. Những đêm đầu tiên của cuộc sống vợ chồng lại càng mệt hơn. Ở đây, giữa mênh mông trời đất, cô cảm thấy mình dễ chịu làm sao! Gió lạnh thổi như quất vào mặt làm nguội đi cái hơi nóng đang rừng rực bốc lên đầy mặt cô, xua tan cơn mệt mỏi, làm cho cô thấy sảng khoái trong người. Pôlia cứ muốn đi xa mãi, xa mãi chỉ để không bao giờ còn phải quay trở lại cái ngôi nhà của nhà Crivôrucốp ngột ngạt, nặng mùi mồ hôi, mùi thuốc lá, mùi của đám người say khướt, mùi rượu mạnh làm cho trí não u mê.
Nhưng kìa, dưới chân cô bắt đầu hiện ra những mô đất mọc đầy lau sậy, và trước mặt cô, sau những bụi cây, ánh lên khúc sông cụt chạy vòng theo hình móng ngựa. Có lẽ cuộc săn đuổi sẽ kết thúc ở chỗ này thôi. Chắc ít ai lại còn muốn đi vòng hoặc lội qua cái khúc sông lầy bẩn ấy. Êpiphan đầu cúi xuống lặng lẽ theo sau tên vệ binh, còn mấy mụ đàn bà thì túm tụm lại bàn bạc điều gì rất sôi nổi.
Ánh nước như tăng thêm sức lực cho Pôlia. Cô lướt nhanh từ bụi cây này sang bụi cây khác, mong sao chóng tới nơi long lanh kia để vớt nước lên mà rửa mặt. Gần đến bờ sông, cô lao vào chỗ này, rồi lại lao sang chỗ khác, nhưng chỗ nào cũng gặp phải bùn lầy, không sao qua được. Quãng bờ sông cách cô khoảng chừng trăm bước bỗng cao vượt hẳn lên, dốc đứng như vực. Mép bờ sát mặt nước của đoạn sông này luôn luôn được ngọn sóng chồm lên gội rửa nên rắn lại và bên trên được phủ một lớp cát đỏ khá dày. Pôlia bước vội, cô cho rằng con đường nhỏ cỏ mọc xanh um kia nhất định sẽ dẫn tới lối xuống sông. Và quả là như vậy. Con đường nhỏ chạy ngoằn ngoèo uốn theo những gốc dương đen to sụ khoảng chừng ba trăm bước thì bắt đầu lao xuống dốc. Khi chỉ còn chừng ba bước nữa thì tới mặt nước Pôlia bỗng nhìn thấy một người ngồi trong chiếc thuyền nhỏ đậu nép sát vào thành vực, dưới vòm lá um tùm của cây thùy liễu.
Cô gái giật nẩy mình vì hoảng sợ, cô không biết nên xử sự thế nào: hô hoán lên cho mọi người bổ tới hay bỏ chạy cho nhanh.
Mời các bạn đón đọc Xibiri của tác giả Georgy Mokeyevich Markov (Ghêorghi Markốp).
Leave a Reply