Văn học cổ Trung Quốc. Bản dịch này của cụ Cử Phan kế Bính đã được cụ Phó bảng Bùi Kỷ hiệu đính lại (bằng cách đem đối chiếu với nguyên bản Trung Quốc mới nhất do Nhân dân văn học xã Bắc – Kinh xuất bản năm 1958). Đặc biệt tập sách còn có “Lời nói đầu” của Bộ biên tập Nhà xuất bản Nhân dân văn học Trung – Quốc. Nhà xuất bản Phổ thông sẽ lần lượt in bộ Tam quốc thành nhiều tập. Trong mỗi tập đều có tranh minh họa của các họa sĩ Trung – Quốc.

***

Được vinh danh là một trong “Tứ đại danh tác” hay “Tứ đại kỳ thư” của Trung Quốc, cho đến nay Tam Quốc Diễn Nghĩa đã trở thành danh tác thế giới bởi số lượng bản dịch và tầm phổ biến rộng khắp.

Tam Quốc Diễn Nghĩa tên đầy đủ là “Tam Quốc chí thông tục diễn nghĩa” là tiểu thuyết lịch sử chương hồi nổi tiếng của Trung Quốc do nhà văn La Quán Trung sống vào khoảng cuối đời Nguyên, đầu đời Thanh viết. Bản Tam Quốc lưu truyền rộng rãi nhất ngày nay là bản do Mao Tôn Cương tu sắc và bình chú.




Về mặt nội dung, Tam Quốc là pho sử thi dựng lại gần một trăm năm lịch sử Trung Quốc cổ đại từ thời  Đông Hán cho đến những năm đầu của triều đại Tây Tấn một cách bao quát và toàn diện gồm cả những cuộc đấu tranh chính trị, quân sự cho đến diễn tiến của mâu thuẫn xã hội dựa trên quan điểm “Ủng Lưu phản Tào” (Ủng hộ Lưu Bị, phản đối Tào Tháo).

Về mặt nghệ thuật, Tam Quốc là mẫu mực của thể loại tiểu thuyết lịch sử chương hồi Trung Quốc. Với bạn đọc thế giới, Tam Quốc đã xây dựng được nhiều nhân vật điển hình có tính cách điển hình: Tào Tháo gian hùng, Lưu Bị nhân từ, Quan Công trượng nghĩa, Trương Phi nóng này…

Tuy có một số hạn chế nhưng Tam Quốc vẫn là tác phẩm kinh điển như lời nhận xét của chính Mao Tôn Cương:




“Tam Quốc phảng phất Sử Ký của Tư Mã Thiên nhưng chuyện Tam Quốc khó kể gấp mấy Sử Ký. Sử Ký được chia ra các phần nói riêng về từng nước. Nhân vật cũng được tả riêng. Cho nên có những bản kỷ, thế gia, liệt truyện riêng biệt. Tam Quốc thì không thế. Phải hợp các bản kỷ, thế gia, liệt truyện lại, rồi viết thành một truyện chung. Chia từng phần thì văn ngắn mà dễ khéo. Hợp lại một thì văn dài mà khó… Cho nên đọc Tam Quốc thú hơn… từ đầu đến cuối mạch lạc liên tục, gay cấn hấp dẫn.”

***
La Quán Trung tên là Bản, tên chữ là Quán Trung, lại có biệt hiệu là “Hồ Hải tản nhân” có thể là người Thái Nguyên (còn có thuyết cho rằng ông là người Lư Lăng, Tiền Đường, Đông Nguyên. v. v…). Ông sinh vào cuối đời Nguyên, mất vào đầu đời Minh, ước chừng vào khoảng năm 1300 đến năm 1400 giữa thời thống trị của nhà Nguyên Thuận Đế và Minh Thái Tổ. Có thuyết còn nói rõ rằng ông sinh năm 1328 và mất năm 1398.

Ông rất có tài văn chương, rất giỏi về từ khúc, câu đối, lại viết cả các loại kịch, nhưng nổi tiếng nhất là về tiểu thuyết. Ông là tác giả của cuốn tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa và còn có thuyết cho rằng: La Quán Trung cũng là một người tham gia soạn và chỉnh biên tác phẩm Thủy hử, đó là hai cuốn tiểu thuyết trong Tứ đại danh tác – bốn tác phẩm nổi tiếng nhất trong văn học cổ điển Trung Hoa. Nhiều sử gia văn học không chắc chắn rằng hai người này là một, hay là tên Thi Nại Am được dùng làm bút danh của Thủy Hử vì tác giả không muốn bị dính líu vào việc chống chính phủ như trong tác phẩm này. Ông là người đóng góp xuất sắc cho trường phái tiểu thuyết lịch sử đời Minh-Thanh.

La Quán Trung xuất thân từ một gia đình quý tộc. Tuổi thanh niên ông nuôi chí phò vua giúp nước; song lúc đó, triều đình nhà Nguyên đang suy tàn, ông bỏ đi phiêu lãng nên có biệt hiệu là Hồ Hải tản nhân. Ông là một trong những người “có chí mưu đồ sự nghiệp bá vương”. Tiếc rằng tình hình tường tận thế nào nay không thể biết rõ được.

La Quán Trung tương truyền từng tham gia cuộc khởi nghĩa chống nhà Nguyên của Trương Sĩ Thành. Sau khi Trương Sĩ Thành thất bại, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương lên ngôi, thống nhất Trung Hoa, ông lui về quy ẩn, sưu tầm và biên soạn tiểu thuyết dã sử.

Mời các bạn đón đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa của tác giả La Quán Trung (Sách Xuất Bản 13 Tập).

One response to “Tam Quốc Diễn Nghĩa”

  1. tori trump says:

    cám ơn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *