Về nội dung tác phẩm, nếu các bạn yêu thích lịch sử, có thể đọc để biết được một giai đoạn lịch sử tuy ngắn ngủi (trong vòng 2 năm) nhưng nhiều biến cố với việc Sài Gòn bị chiếm đóng và biến thành sào huyệt của quân khởi nghĩa, chống trả quyết liệt với triều đình. Tuy cuộc khởi nghĩa cuối cùng thất bại vì sự non kém của người lãnh đạo, vì lực lượng chuẩn bị không đủ cho việc chiếm trọn cả miền Nam, nhưng nó cũng ghi một dấu ấn trong lịch sử nước nhà. Ta có thể biết được thông tin thú vị như Sài Gòn có “mả ngụy” chôn tập thể đến gần 2000 người (mà báo chí cũng từng nói tới), Marchand có lẽ là người nước ngoài duy nhất bị xử án lăng trì ở nước ta…
Có một vài chi tiết không rõ ràng hoặc nhầm lẫn (của tác giả). Rõ ràng nhất là Tống Phúc Lương, người chỉ huy quân triều đình từ Bà Rịa, vào đến Phiên An đã thay đổi thành Nguyễn Văn Trọng (người chỉ huy một đạo quân dưới quyền Tống). Sau chỉ nói Tống bị cách chức mà không nói đến mất chức như thế nào.
Theo các sách sử thì Tống là tướng chỉ huy từ đầu cho đến trận thua dưới chân thành Phiên An (lúc Lê Văn Khôi đã chết) làm Nguyễn Văn Trọng tử trận, mới bị cách chức, chứ không phải Trọng đã thay Tống từ khi đến Phiên An. Có lẽ vì muốn sử dụng xuyên suốt nhân vật Tần, đã đi hành thích hụt Tống, sau lại trá hàng Trọng, chứ nếu không thì sao lừa được cùng một người. Điều nữa là với thể loại truyện dài kỳ thì trước sau cũng có thể có sơ sót.
Còn vài sơ sót lặt vặt khác tôi thấy không quan trọng nên để nguyên, không sửa nguyên bản.
Nói chung tác phẩm này có thể dựng thành phim được.
Đào Trinh Nhất (1900-1951), tự Quán Chi, là nhà nhà văn, nhà báo Việt Nam giữa thế kỷ 20. Khi viết văn, viết báo, ông ký nhiều bút hiệu: Nam Chúc, Viên Nạp, Hậu Đình, Tinh Vệ, Bất Nghị, Vô Nhị, Hồng Phong, Anh Đào, XYZ…. Ông được người trong giới cầm bút đánh giá là người có cách làm việc nghiêm túc, thận trọng và là người đã biết dùng ngòi bút nghệ thuật làm sống lại nhiều tư liệu đã mai một trong lịch sử cận đại Việt Nam
Đào Trinh Nhất sinh năm Canh Tý (1900) tại Huế. Nguyên quán tại xã Thượng Phán, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình.
Ông là con trưởng Đình nguyên nhị giáp Tiến sĩ (tức Hoàng giáp) Đào Nguyên Phổ. Vợ là Lương Thị Hòa, con gái Lương Ngọc Quyến và là cháu nội Lương Văn Can.
Thuở nhỏ, Đào Trinh Nhất theo học chữ Hán ở quê nhà, sau lên Hà Nội học chữ Pháp và chữ quốc ngữ.
***
Tác phẩm:
Vốn là nhà báo viết văn, cho nên hầu hết các tác phẩm của Đào Trinh Nhất đều đăng từng kỳ trên báo rồi sau mới in thành sách. Theo thống kê chưa đầy đủ, sau 30 năm cầm bút (1921-1951), ông đã để lại khá nhiều tác phẩm như sau:
- Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ.(Thụy Ký – Hà Nội, 1924)
- Đông Châu liệt quốc (dịch, Sài Gòn, 1928)
- Thần tiên kinh (Dịch của A lan Kardec, 1930)
- Cái án Cao Đài (Sài Gòn, 1929)
- Việt sử giai thoại (Hà Nội, 1934)
- Nước Nhựt Bổn ba mươi năm duy tân (Đắc Lập, Huế, 1936)
- Phan Đình Phùng, một vị anh hùng có quan hệ đến lịch sử hiện thời (Cao Xuân Hữu, Hải Phòng, 1936; Đại La, Hà Nội, tái bản 1945; Tân Việt, Sài Gòn, tái bản 1957)
- Việt Nam Tây thuộc sử (Đỗ Phương Huế, Chợ Lớn, 1937)
- Ðông Kinh nghĩa thục (Mai Lĩnh, Hà Nội, 1938)
- Ngục trung thư (Đời cách mạng Phan Bội Châu) (Mai Lĩnh, Hà Nội, 1938; Tân Việt, Sài Gòn tái bản, 1950)
- Vương An Thạch (Hà Nội, 1943; Tân Việt, Sài Gòn tái bản 1960)
- Cô Tư Hồng (tiểu thuyết, Trung Bắc Tân Văn Chủ nhật, 1940; Trung Bắc Thư xã, Hà Nội, 1941)
- Chu Tần tinh hoa (dịch, Hà Nội, 1944)
- Lê Văn Khôi (1941-1945)
- Con trời ngã xuống đất đen (Hà Nội, 1944)
- Chu Tần tinh hoa (1944)
- Vương Dương Minh-Người xướng ra học thuyết lương tri và tri hành hợp nhất (Hà Nội, 1944; Tân Việt, Sài Gòn tái bản 1950)
- Kẻ bán trời
- Con quỷ phong lưu
- Bùi Thị Xuân
- Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917 (Quốc Dân thư xã, Hà Nội, 1946; Tân Việt, Sài Gòn tái bản 1957).
- Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, ông mới dịch được nửa bộ, đang đăng báo thì từ trần (Bốn Phương xuất bản, Sài Gòn, 1950)
Chạng vạng chiều hôm 18 tháng 5 năm Quý Tỵ (1833).
Thầy đội trưởng Nguyễn Kiều từ trong thành Phiên An tế ngựa như bay như biến, một mạch về đến nhà ở Bình Hòa xã. Buộc ngựa ngoài cổng, thầy rảo bước vào trong nhà, kêu réo vợ và cô em gái đang hì hục giã gạo ở sau bếp để mai gánh đi Chợ Lớn bán:
– Bay đâu? Dọn cơm ta ăn ba hột mau mau, còn phải đi có việc thượng khẩn, nghe!
Thím đội và cô Tần cùng đưa mắt nhìn nhau, trao đổi ý tứ kinh ngạc. Mười mấy năm nay, thầy đội về nhà khinh thường giục giã bữa cơm tối là lần thứ nhất. Vì thầy vẫn quen tính phong lưu, bệ vệ, bao giờ bữa cơm tối của thầy cũng có ý nghĩa hầu như một vấn đề thể thống, một nghi tiết quan hệ. Dù gặp việc quan khẩn cấp đến đâu, ngay lúc Thượng Công hãy còn cũng vậy, thầy chỉ cắt người thay, không thì bỏ mặc kệ: cứ về nhà ngồi đánh chén một mình khề khà, ngất ngưởng, hạch sách người nhà từng li từng tí, kéo dài từ giờ Thân đến giờ Dậu mới xong. Suốt ngày, chỉ đến bữa chén ấy, thầy đội mới cảm giác vui sống, cho nên người vợ và cô em gái vẫn phải hết sức cung phụng, chiều chuộng, quanh năm như một ngày, thành ra cổ lệ. Hôm nay, thầy bỏ thói quen, có vẻ vội vàng, hộc tốc, ý chừng vì một duyên cớ gì hệ trọng lắm.
Tuy vậy, hai người cùng phải bỏ dở công việc, để thắp đèn và dọn cơm bưng lên, không ai dám mở lời vặn hỏi gì cả.
Thầy đội Kiều để nguyên cả nón áo võ phục và đeo thanh kiếm bên mình, chỉ ngồi ghé bên bộ ván, lẳng lặng và sấp và ngửa lấy hai bát cơm, đứng dậy bưng tô trà Huế uống một hơi, rồi tất tả đi ngay.
Thím đội lườm theo và nói lầm rầm:
– Có giặc ở đâu mà chạy rối lên thế, không biết!
Câu nói hình như chột dạ thầy đội, cho nên thầy đã chạy ra đến giữa sân, bỗng ngảnh mặt lại, hỏi vợ:
– Ngày mai có đi chợ không?
– Có chứ! Thím đội trả lời, tôi với cô Tần đang giã năm sáu thúng gạo dưới bếp kia kìa! Cốt để mai gánh đi Chợ Lớn bán. Hôm nọ nhà ông bang Mạch Tấn Giai dặn lấy hai giạ, nhân thể đem giao cho người ta.
– Thế, lúc nào thì đi?
Cô Tần vừa nói vừa cười:
– Kỳ quá, hôm nay anh đội làm như khách lạ nhà này, hay là người đãng trí… Bao giờ chị em chúng tôi đi chợ, cũng phải dậy đi từ đầu trống canh năm, anh còn lạ gì?
– Nhưng ngày mai để sáng rõ hãy đi, có được không?
Thím đội xem chồng như có vẻ khả nghi, nên thím bất bình:
– Không thế được! Phải đi thật sớm, đến nơi bán hàng xong, còn mua sắm các thứ, để trở về nhà này vào khoảng nửa buổi thì vừa. Sáng rõ mới đi, gánh nặng đường xa, trời nắng vất vả lắm, rồi đến quá trưa mới về à?… Nhưng mà thôi, công việc chợ búa buôn bán để mặc kệ chị em chúng tôi, miễn sao mỗi buổi tối có một mâm cao lương mĩ vị cho ông gật gù đánh chén, hạch lạc người ta, thế là được rồi; cần gì phải can thiệp vào giờ khắc đi sớm đi trưa của chúng tôi?…
– Đã đành như thế!… Có điều, tôi phải dặn trước hai chị em: khuya nay đi ngang chỗ lăng mộ Thượng Công, có thấy sự gì khác lạ, cứ việc ngậm tăm mà đi, chớ tò mò dòm ngó hay là hoảng lên, thì khổ thân đấy, nghe!
Nói xong, thầy đội Kiều chạy tốc ra ngõ, nhảy lên mình ngựa, ra roi đi thẳng.
Trở lại công việc xay lúa giã gạo, chị dâu em chồng vừa làm vừa bàn tán thị phi. Cô Tần mở lời trước:
– Cử chỉ anh đội nhà ta hôm nay lạ thật, chị hai nhỉ! Làm như có chuyện gì bí mật thì phải.
– Hứ! Không khéo có mèo chó hẹn hò gì với anh chàng đêm nay đấy thôi.
– Chưa gì chị đã ghen bóng ghen gió! Cô Tần nói. Vậy mà em vẫn nghĩ chị không biết ghen.
– Cô này nói lạ, ai có chồng lại chẳng ghen. Để cho thiên hạ mót lúa đồng ruộng nhà mình, liệu mình đứng trơ mắt mà nhìn được à? Một mai cô có chồng, thử xem có ghen hay không cho biết?
– Nhưng chị vịn lấy chứng cớ nào mà nghi đêm nay anh đội nhà ta hẹn hò với mèo chó?
– Tôi bảo cô nhớ: không thế sao hắn ta lại tính đi suốt đêm nay không về? Đàn ông có nhà, ở nhà có vợ, bỏ đi suốt đêm là đi đâu mới được chứ nếu không phải có ngoại tình? Không thế, sao hắn ta lại dặn dò chị em mình đi ngang lăng mộ Thượng Công, đừng có dòm hành mà khốn?
– Thế ra chị đoán chừng anh đội nhà ta đêm nay sẽ đưa một cô nào tới chỗ đó tự tình à? Chị khéo nghĩ quẩn: trai gái nào dám đưa nhau tới bên mồ mả trò chuyện bao giờ, nhất là lăng mộ Thượng Công tôn nghiêm và có quân lính canh gác.
– Cô quên rồi sao, lâu nay lăng mộ Thượng Công bỏ hoang, làm gì còn lính canh gác như hồi năm ngoái, ngài mới qua đời. Vả lại, những thứ trai gái đến lúc say đắm u mê, còn biết kiêng nể gì nữa.
– Em hỏi câu này, chị nói cho thật nhé: một hai chị nghĩ anh đội có nhân tình nhưng người ấy là ai, chị có thấy chưa?
– Tôi quyết chắc như hai năm là mười, chả còn nghi ngờ gì cả… Hèn nào mấy lúc nay hắn ta về nhà hay khoe rằng ông chánh vệ Thái Công Triều có một cô cháu họ mới ở ngoài Huế vô, góa chồng mà tuổi trẻ sắc đẹp; hắn ta tấm tắc khen mãi, tỏ ý thèm muốn lắm. Tôi chắc là cô ả đó. Khuya nay chị em mình đi chợ, qua lăng Thượng Công, tôi quyết bắt quả tang con đĩ cám dỗ chồng tôi, tôi xé tan xác nó ra, lấy thịt về làm mắm ngấu cho cô xem!
– Trời ơi! Chị nói tôi nghe gớm quá, lạnh toát cả người. Cô Tần cười và đáp. Thôi, giờ chị em mình dọn dẹp đi nghỉ, sáng mai sẽ hay.
– Nhưng cô phải rình bắt với tôi, nghe?
– Vâng, nhưng thứ mắm ngấu chị định làm, em không thèm ăn đâu, xin giao hẹn trước.
Thím đội mảng băn khoăn với ý nghĩ ghen tuông vớ vẩn, chỉ những trằn trọc thở dài, không sao chợp mắt được.
Đêm khuya thanh vắng, tiếng trống cầm canh trong thành vọng ra nghe rõ mồn một.
Mới sang canh tư, thím đội Kiều đã trỗi dậy nấu cơm, đánh thức cô Tần dậy ăn hối hả, rồi chị em quẩy gánh ra đi. Chủ tâm đi thật sớm đến lăng Thượng Công, tìm chỗ ẩn núp để rình.
Trong ý thím đội chắc mẩm sẽ bắt được một đám dâu bộc quả tang, mà vai tuồng chính thức là thầy đội Kiều, chồng thím.
Không ngờ đến nơi, hai chị em cùng giựt mình kinh ngạc, thấy lăng Thượng Công hôm nay không phải vắng vẻ tối tăm như mọi khi, ai nhát bóng vía qua đây khuya khoắt vẫn sợ thấp thỏm chợn tóc gáy. Trái lại, ở lăng Thượng Công đêm nay, giờ này, lại có đèn đuốc sáng rực, cờ xí thâm nghiêm, có người tụ họp lố nhố, đông đảo; từ đằng xa đã nghe rõ những tiếng sóng người ồ ạt.
Họ bảo thầm nhau: hẳn là có cuộc tế lễ.
Nhưng nghĩ phải lấy làm quái lạ: Thượng Công tạ thế mồng 1 tháng 8 năm ngoái, đến nay mới được ngót mười tháng, tức là chưa đến giỗ đầu, sao lại có cuộc tế lễ; mà tế lễ vào giữa đêm khuya thế này mới kỳ?
Như có liên cảm ước hẹn tự nhiên, chẳng ai phải bảo ai, hai người cùng đặt gánh xuống mé ruộng, rồi rón rén bước lại gần, đứng nép mình bên một bụi cây để xem. Cảnh tượng rùng rợn hãi hùng làm hai chị em run sợ mất vía. Họ phải khoác tay nương dựa lẫn nhau cho đầu gối đứng vững; cố đè nén hơi thở hồi hộp chuyện khỏi bật tiếng kêu rú lên.
Vì những cái họ trông thấy mà khủng khiếp.
Từ trong từ đường ra ngoài mộ, hai hàng giáp sĩ đứng dàn hầu; mỗi người đứng bên một lá cờ, lặng lẽ uy nghi như pho tượng sống, toàn mặc áo trắng, đội nón lính, cầm gươm tuốt trần. Ghê nhất là hai bên rìa mộ Thượng Công, thấy cắm mỗi bên ba ngọn mác, lưỡi mài sáng quắc; dưới mỗi lưỡi mác, buộc một đầu lâu người, cái thì có râu, cái thì nhẵn trọi, mà hình như mới cắt không lâu, vì chốc chốc còn mấy giọt máu đọng rơi xuống. Chưa kể trên mộ còn đến chục chiếc đầu lâu khác, máu me nhoe nhoét, bày trong một mâm cỗ vuông vắn có chân, đứng xa trông từa tựa như mâm bồng xếp toàn dừa quả có ngọn lên vậy.
Còn có cái đáng khiếp hơn nữa. Mộ cách từ đường bởi một cái sân nhỏ; chính giữa sân ấy thấy có một người bị đóng cọc trói đứng, quanh mình quấn vải chằng chịt từ chân lên đến cổ, để hở có cái đầu, búi tóc xếch ngược lên và quay mặt vào trong đền. Thím đội và cô Tần đứng chéo góc về phía ngoài, thành ra không thể nhìn được mặt người bị trói đứng quấn giẻ ấy già trẻ hay là thế nào.
Nhưng chắc chắn là giẻ quấn chung quanh thân thể người khốn khổ ấy có tẩm dầu mỡ sẵn sàng, để làm một ngọn đuốc sống. Một lát, giữa bầu không khí êm lặng, nghe từ trong đền có tiếng thét nguyền dõng dạc: “Thắp đuốc lên!”, tức thời một người lính cầm mồi lửa ra sân, châm vào chân bó đuốc sống, để cho ngọn lửa từ dưới cháy lên.
Đồng thời, chuông trống cất tiếng vang động, nhịp nhàng, xé tan tản man tịch mịch lúc này. Trong từ đường, nhấp nhô bóng người chạy đi chạy lại: kẻ thì lúi húi thắp hương, đốt trầm, người thì sửa soạn khăn trắng áo trắng, lục tục kéo ra trước mộ, bài ban làm lễ.
Tội nghiệp! Người làm bó đuốc sống ở giữa sân, tay chân đã bị trói chặt, thêm mấy lớp vải quấn quanh, bó kín thân thể, đành đứng trơ mắt nhìn ngọn lửa châm dưới chân mình từ từ cháy lên, đành cắn răng chờ đợi đau đớn sắp đến, không thể trốn tránh đi đâu, mà cũng chẳng còn cựa quậy đỡ gạt gì được.
Ý chừng cũng là người có ít nhiều can đảm, nhẫn nhục, có vẻ khinh bỉ những kẻ hành phạt mình mà không thèm kêu van; hoặc chỉ là một xác chết đã lạnh từ hồi nào mà họ đem buộc vào đấy, cho nên thím đội nhận thấy từ lúc người ấy bị trói cho tới khi dưới chân bắt đầu châm lửa, chẳng nghe nói năng hay nhúc nhích tí nào. Nhưng rồi lửa thiêu cháy hết lớp vải ngoài, sém đến da thịt và bốc dần lên cao, bấy giờ vừa bỏng, vừa đau, vừa bị khói dầu tứ phía xông thẳng vào mũi, làm cho nghẹt đường hô hấp, người ấy không chịu được nữa, thấy cái đầu lắc lư bên này bên kia, – vì chỉ còn cái đầu là được tự do vận động, – còn miệng thì kêu gào rên rỉ thất thanh, nghe rất thê thảm.
– Ối chao ôi!… Nóng quá!… Chết! Chết! Chết tôi mất!… Cởi trói ra hộ, mau!… Ối chao ôi!… Chết… chết…
Thịt cháy có tiếng xèo xèo, chị em cô Tần đứng cách xa mà cũng nghe rõ, và lại ngửi thấy mùi khen khét…
Có lẽ lúc ấy lửa đang nướng hai bắp đùi. Tiếng gào thét đau đớn, át cả sức mạnh chuông trống đang rền:
– Trời đất ơi!… Chết tôi!… Chết tôi!… Trăm lạy các quan, sinh phúc tha cho tôi; các quan muốn bắt chuộc mạng bao nhiêu vàng bạc, tôi cũng xin chịu!… Nóng quá!… Đau quá!… Ối chao ôi!…
Một người trong bọn khăn áo trắng, đứng trên thềm từ đường nói ra:
– Câm miệng! Ai thèm vàng bạc của nhà mi! Mi kêu van làm sao được, truy hồn Thượng Công truyền lệnh chúng ta tha thứ, thì chúng tao tha cho.
– Ối chao ôi!… Chết!… chết!… Bọn loạn thần tặc tử!… Nóng chết tôi mất, trời ôi! Bay hành hạ tao thế này à?
Người vừa mới rồi lại thét:
– Lính đâu? Vả bốp vào miệng nó kia! Đồ tham tàn khốn nạn, chết đến đít mà hãy còn láo!
Một cậu lính ứng thinh dạ và chạy ra sân nhưng không phải mất công in bàn tay vào mặt người bị hình phạt thảm khốc nữa: người ấy đã há hốc miệng, thè lưỡi, hai mắt trắng dã, đầu ngả xuống vai, chết rồi. Người ấy cố thu hết tàn lực, chửi mắng những kẻ hành hạ mình được mấy câu, đến mấy tiếng “bay hành hạ tao thế này à?…” là cùng tận, muốn tiếp thêm không được nữa: lửa đã khoét xong cái lỗ ở bụng dưới, ruột gan xổ ra lòng thòng.
Cây đuốc thịt người tẩm với dầu mỡ, bốc cháy phừng phừng, chiếu sáng khắp sân, ra đến ngoài mộ.
Thím đội sợ quá, lấy khăn trùm kín mặt, không dám nhìn lâu hơn nữa; nếu cô Tần không ngắt trên vai thím và nói nhỏ bên tai, có lẽ thím đã kêu rú lên.
– Chị xem người ta đang tế kia kìa!
Thật quả, những người đội khăn mặc áo trắng ở trong từ đường lục tục kéo ra lúc nãy, đang cung kính tế lễ trước mộ Thượng Công.
Nhờ ánh sáng của cây đuốc thịt người tỏa ra tứ phía, hai chị em nhận diện được một vài người đứng gần hương án hơn hết, vì có thêm cả đèn sáp nhiều hơn.
Họ rỉ tai hỏi đố lẫn nhau:
– Người trẻ tuổi đứng chủ tế là ai, em đố chị biết? Cô Tần hỏi.
– Tôi trông rõ như cậu ba Hán, con nuôi Thượng Công, có phải không cô? Thím đội nói.
– Chính phải! Mắt chị cũng tinh đáo để.
– Người cao lớn vạm vỡ đứng bồi tế thì tôi không biết.
– Ông phó vệ úy đấy mà, chị quên rồi sao?
– A! Ông Lê Văn Khôi…
– Phải, trước đã có mấy lần đến chơi nhà ta.
Bỗng nghe tiếng xướng: “Độc chúc”, kế thấy một người cao mà hơi gầy, cũng toàn thân tang phục như các người kia, tiến lên hương án, bưng bài văn tế rồi quỳ xuống đọc: tiếng trong giọng tốt, nghe rất não nùng, ai oán. Thấy nhiều người chung quanh lấy áo gạt nước mắt.
Bài văn tế bằng chữ nho, cố nhiên chị em thím đội không hiểu; nhưng thấy bóng người đọc văn và nghe tiếng đọc, cả hai chị em càng giựt mình, sửng sốt. Cô Tần hỏi nhỏ:
– Em đố chị biết người nào đấy?
– Hình như nhà tôi! Thím đội đáp, tiếng nói hơi run.
– Lại còn ai nữa! Lúc mới thấy bóng, em còn ngờ ngợ, chừng nghe tiếng đọc thì quyết chắc lắm rồi: chính anh đội Kiều nhà ta.
– Quái lạ! Họ bày trò trống gì bí mật, khủng khiếp, lại có bố đội nhà mình dự vào, không khéo thì khốn… Tôi lo quá!
– Đấy! Chị đi rình đã bắt gặp, giờ thử vào đánh ghen đi xem nào? Cô Tần nói vào làm bộ như đẩy thím đội bước tới.
Thím muốn cấu trên vai cô.
– Tôi đang lo sợ phân vân, cô đừng nói chuyện giả ngộ! Mà người ta làm trò trống gì lạ lùng ghê gớm thế cô nhỉ?
– Trông thấy quang cảnh nãy giờ, em đã đoán phỏng được đại khái rồi, để lát nữa đi đường, em nói chị nghe.
– Thôi, chúng ta đi chợ, kẻo sáng mất rồi, còn đứng đây làm gì nữa, xem thế là đủ.
Thím đội kéo tay cô Tần. Hai người chạy ra mé ruộng, lấy gánh quẩy đi. Lúc ấy mới sang canh năm độ một chốc; trên đường vào Chợ Lớn đã có nhiều người gồng gánh qua lại.
Đi được một quãng đường, chưa nghe cô Tần nói gì, thím đội Kiều nóng ruột, gợi chuyện:
– Cô bảo nói cho tôi nghe những gì, nói đi.
Mời các bạn đón đọc Việt Nam Tây Thuộc Sử của tác giả Đào Trinh Nhất & Nguyễn Quang Thắng.
Chia sẻ ý kiến của bạn