“Mật mã Thanh MinhThượng Hà – Vô số âm mưu và những cuộc tàn sát ẩn chứa trong hoạ phẩm kiệt tác ngàn năm”.

Bộ tiểu thuyết Mật mã Thanh minh thượng hà được hư cấu từ bức tranh cổ “Thanh minh thượng hà đồ”, bản gốc thời Tống của Trương Trạch Đoan. Các câu chuyện trong đó được dựng lên từ chính các nhân vật được vẽ trong bức tranh cổ. Bức tranh có 824 nhân vật vô danh, giờ đây mỗi nhân vật đều có tên có họ. Họ cải trang, mai phục trong ghe thuyền xe kiệu cho tới quán rượu quán trà. Quang cảnh tưởng chừng như thái bình thịnh trị, kì thực nguy hiểm đang rình rập bốn bề. Trong tiếng rao của người bán hàng rong, những tên gián điệp, thích khách của các nước Kim, Liêu, Tây Hạ, Cao Ly đã dần dần nhập cuộc, 824 nhân vật sống dậy từng người từng người một, chỉ còn đợi chiếc thuyền chở khách trôi qua gầm cầu cong cong kia, thước phim về sự sụp đổ của vương triều Bắc Tống sẽ được mở màn. Đây chính là mỹ cảnh tuyệt đẹp nhất về sự thịnh trị của nhà Bắc Tống, hơi thở của sự diệt vong đang ẩn khuất trong khói sóng trên dòng Biện Hà: “Chính giữa bức tranh, giữa đám tàu thuyền tấp nập trên Biện Hà, một con thuyền trông bình thường như bao con thuyền khác đang từ từ trôi qua gầm cầu, thế nhưng vì không kịp hạ cọc buồm xuống, chiếc thuyền như sắp đâm vào cầu tới nơi. Trên thuyền mọi người tay chân cuống loại, bên bờ kêu hô ầm ĩ, trong cơn hỗn loạn, một bóng lạ lướt qua, một trận khói sương mù mịt ập tới, đến khi khói tan sương nhạt, trên thuyền chỉ còn lại 24 thi thể, tất cả mọi người đều chỉ biết há hốc miệng không tin vào mắt mình…”

Một cục diện li kỳ chưa từng có dần dần hiện ra, tình tiết đan xem, các đầu mối gắn kết, 824 nhân vật từ từ bướcra, kể cho bạn nghe bí mật về một vương triều ẩn náu trong Thanh Minh Thượng Hà.

***

“Giữa hương hoa đủ sắc màu, anh hùng đắm say mê mải; chàng phong lưu đệ nhất trên đời…“ Một giọng nữ đang hát.
Giữa trưa ngày Thanh minh, trong gian đầu chái phía tây tầng ba của quán Tôn Dương ngã ba phố Hương Nhiễm và đại lộ Biện Hà, có hai người khách đang ngồi uống rượu, bên cạnh họ là một ca nữ. Cô là Trì Liễu Liễu, tuổi ngoài hai mươi, mặc áo choàng gấm thêu hoa văn lá sen viền mép, áo hơi cũ, bên trong là áo chẽn lụa tím, với áo lót lụa thêu hoa bách hợp và đai lụa hồng bó ngực, cô mặc váy lụa tím, cũng hơi cũ. Trì Liễu Liễu tuy là người miền Nam nhưng cô không được xinh lắm bởi khuôn mặt hơi vuông vuông, nước da rám nắng vì hay phải đi khắp các phố các ngõ kiếm sống. Riêng đôi mắt lá răm của cô thì long lanh rất có hồn.
Phong trần gió bụi cũng khiến giọng ca của cô hơi thé không thật ngọt ngào nữa, kể cả hát những bài mà cô rất thích. Tuy nhiên Trì Liễu Liễu có trí nhớ rất tốt, cô nhớ được mười mấy bài trường ca, vài trăm bài hát dùng trong yến tiệc xã giao, cô gảy đàn tì bà cũng rất tuyệt. Trì Liễu Liễu cũng rất có bản lĩnh, không e dè, không bao giờ bị nhầm lẫn sai sót. Bài hát “Viên lý viên” hôm nay thì lại càng thuộc lòng vì cô đã hát đến vài trăm lần rồi, nhưng không hiểu sao cô lại vài lần quên lời và hát lạc giọng, tay đàn cũng bấm nhầm phím, thậm chí cô muốn ném đàn đi cho xong. Vất vả lắm cô mới hát xong đoạn cuối cùng của bài “Viên lý viên”.
Trì Liễu Liễu không phải ca kỹ chính cống nên cô khó mà vào “làng nghề”, các kỹ viện hay ban ca kịch không nhận cô. Cô chỉ quen diễn một mình, và cũng dám đi một mình đến các yến tiệc tụ hội để diễn, để giúp vui cho thiên hạ, kinh thành gọi cô là “kỳ lộ nhân” hoặc “đả tửu tọa”[3]. Quán Tôn Dương là một trong bảy mươi hai chính điếm[4] trong hệ thống tửu lâu ở Biện Kinh, họ thuê vài chục ca kỹ chính cống, lẽ ra Trì Liễu Liễu không thể vào đây hát, nhưng vì mọi ngày cô có mối quan hệ tốt với vị chủ quản và các bác cao niên nên đôi khi vào ban ngày cô có thể vào diễn, nếu đông khách mà ca kỹ nội bộ không đủ để phục vụ.

Mời các bạn đón đọc Mật Mã Thanh Minh Thượng Hà Tập 2 của tác giả Dã Văn Bưu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *