Văn học cổ điển Trung Quốc có nguồn gốc lâu đời với nhiều thể loại phong phú, đa dạng, từ từ phú, thi ca, đến tiểu thuyết lịch sử. Người đọc Việt Nam qua nhiều thời đại đã từng biết đến các danh tác Trung Quốc như : “Tam quốc diễn nghĩa”, “Thuỷ hử truyện”, “Tây du ký” và hầu như hầu hết nhân dân Việt Nam cũng từng thuộc lòng nhiều hành vi hiệp nghĩa của các anh hùng lịch sử Trung Quốc như Quan Vân Trường, Gia Cát Khổng Minh, Nhạc Phi, v.v…
Thế nhưng, vào đời triều đại Tống ở Trung Quốc có một gia tộc họ Dương đã cống hiến cho Tổ Quốc hầu hết các thanh viên của gia đình mình cho công cuộc bảo vệ đất nước (Trung Quốc lúc ấy đang bị đe doạ bởi sức mạnh ngoại xâm của các dân tộc Mông, Kim…) mà ở Việt Nam còn khá ít người biết đến. Những tấm gương trung dũng anh hùng của gia tộc họ Dương được kể lại khá hấp dẫn trong tiểu thuyết lịch sử truyền kỳ “Dương gia tướng diễn nghĩa” rất nổi tiếng trong lịch sử văn hoá cổ điển Trung Quốc. Với mong mỏi được cung cấp cho bạn đọc một món ăn tinh thần mới mẻ, trước hết vì đây là bản dịch chữ Việt đầu tiên của tác phẩm này; thứ hai, vì tấm gương anh hùng sáng rực của họ Dương, có lẽ, vẫn còn nguyên giá trị về lòng yêu nước nồng nàn của họ.
Nói về chúa Bắc Hán là Lưu Quân nghe tin Trung Quốc bình định các trấn, bèn triệu quần thần bàn rằng: “Tiên quân và nhà Chu có mối thù truyền kiếp, nay vua Tống có chí không nhỏ, giờ đã dẹp yên các nước, làm sao có thể để trẫm đây xưng bá một phương””. Gián nghị đại phu Hô Diên Đình xuất ban tâu rằng: “Thần nghe vua Tống là chúa anh võ, các nước đều đã quy hàng. Nay bệ hạ chỉ có một góc đất nhỏ, huống chi binh yếu tướng ít, làm sao có thể chống cự, chi bằng viết biểu xin nạp cống, mới tránh được họa lớn cho nhân dân và có thể bảo vệ không phải lo lắng cho đất Hà Đông nữa”.
Lưu Quân do dự chưa quyết, chợt khu mật phó sứ Âu Dương Phảng tâu lên: “Hô Diên Đình thông mưu với Trung Quốc, mới xin bệ hạ đầu hàng. Nay Tấn Dương có địa thế nổi trội, đế vương do đây mà được nổi lên, vô sự thì lấy dân mà thủ, gặp biến thì cầm giáo mà đánh, ta có thế như vậy sao lại phải nương nhờ kẻ khác? Nay nên chém Hô Diên Đình để chính quốc pháp”. Quân chuẩn tấu, ra lệnh lôi Hô Diên Đình chém đầu. Quốc cữu Triệu Toại vội can: “Lời của Hô Diên Đình là lời trung nghĩa, sao có thể là thông mưu với Trung Quốc. Nếu chúa công đem chém, vua Tống nghe được, sẽ có cớ mà đánh ta. Nếu thật sự là không dùng, chỉ nên bãi chức đuổi đi đó là cách chu toàn nghĩa vua tôi đó”. Lưu Khôn nghe theo lời đó, ra lệnh cách hết quan tước, đuổi về quê ở.
Hô Diên Đình tạ ơn lui ra, ngay hôm đó thu thập hành trang, đem gia đình đi về phía Tương Châu. Âu Dương Phảng vẫn chưa vừa ý, căm hận Hô Diên Đình, nên âm mưu giết hại, sai gia nhân là Trương Thanh, Lí Đắc đến mà nói rằng: “Hai ngươi dẫn vài trăm tên quân khỏe mạnh, bí mật đuổi theo đến nơi ở của Hô Diên Đình, giết hết cho ta, khi về ta sẽ trọng thưởng”. Trương, Lí hai người lĩnh mệnh, lập tức dẫn quân đuổi theo Hô Diên Đình.
Lại nói về Hô Diên Đình và mọi người đi đến dịch quán ở Thạch Sơn thì trời đã tối, bèn tháo yên nghỉ ngơi. Đêm đó bày tiệc cùng phu nhân đối ẩm, kể lại chuyện bất hạnh đã qua. Khi gần đến canh hai, chợt nghe có tiếng ồn ào ngoài quán, lửa bốc ngút trời, có người báo là có giặc cướp đến. Hô Diên Đình hoảng sợ, kêu người nhà mau chạy. Bọn người Trương Thanh, Lí Đắc ùa vào trong quán, giết sạch già trẻ cả nhà Hô Diên Đình; cướp cả châu báu rồi đi. Lúc đó các người tùy tùng mỗi người đều lo chạy trốn, chỉ có người tiểu thiếp là Lưu Thị bế người con nhỏ chạy vào trong nhà xí, giữ được mạng sống. Tới canh tư, Lưu Thị than rằng: “Ai ngờ nhà ta lại gặp kiếp nạn này, khiến mẹ con ta mất cả nơi nương tựa” và khóc lớn.
…
Mời các bạn đón đọc Dương Gia Tướng Diễn Nghĩa của tác giả Hùng Đại Mộc.
Chia sẻ ý kiến của bạn