Hồ Quý Ly là một người yêu nước, một vị đại thần, một hoàng đế, một nhà cải cách của nước ta vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Công cuộc cải cách của ông mang tính chất toàn diện, triệt để và táo bạo, vượt hẳn mọi cuộc cải cách khác dưới thời quân chủ ở Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh vào đầu thế kỷ XV, lòng yêu nước nồng nàn và quyết tâm chống xâm lược của Hồ Quý Ly và triều đình nhà Hồ đã kiên định dứt khoát ngay từ đầu. Thành nhà Hồ ở tỉnh Thanh Hóa ngày nay do Hồ Quý Ly và dân, quân Trần – Hồ khẩn trương xây dựng để phòng bị, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Sau hơn 6 thế kỷ tồn tại, đến nay thành cổ này đã trở thành di tích lịch sử thế giới, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization – UNESCO) chuẩn bị thủ tục công nhận.
Cải cách Hồ Quý Ly do hai tác giả Luật sư Phan Đăng Thanh (Thạc sĩ Luật học, Tiến sĩ Sử học) và Luật sư Trương Thị Hòa (Thạc sĩ Luật học, Thạc sĩ Sử học) biên soạn. Với mong muốn giúp độc giả hiểu rõ về sự nghiệp cải cách của Hồ Quý Ly và giá trị lịch sử của Thành nhà Hồ, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Chí Minh xuất bản quyển sách Cải cách Hồ Quý Ly. Điều đặc biệt của quyển sách tái bản lần này là tác giả có cập nhật thêm loạt bài Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly của tác giả Giao Hưởng (đăng báo Thanh Niên từ ngày 10 đến 15- 8-2010). Qua đó thấy rõ thêm mọi người dân Việt Nam đời sau đều ngưỡng mộ, ghi nhớ công trạng vì nước quên mình của vua Hồ Quý Ly.
Đây là tài liệu cũ xưa mà mới mẻ, thực sự bổ ích đối với những người đang làm công việc nghiên cứu, sinh viên, học sinh và mọi tầng lớp nhân dân yêu thích lịch sử nước nhà; để qua đây, mỗi người chúng ta đều có thể chiêm nghiệm và hiểu thêm về sự nghiệp vẻ vang của các bậc tiền nhân trong công cuộc giữ gìn đất nước, bảo vệ Tổ quốc và không ngừng đổi mới, cải tiến cuộc sống của mình.
Trân trọng giới thiệu quyển sách Cải cách Hồ Quý Ly cùng bạn đọc.
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Trong từng thời kỳ lịch sử Việt Nam, những nhà cải cách đã lần lượt xuất hiện. Có người trực tiếp nắm giữ quyền điều khiển vận mệnh đất nước nên đã có điều kiện thuận tiện để tiến hành công cuộc cải cách của mình. Đó là trường hợp Tiết độ sứ Khúc Hạo (907 – 918), vua Lê Thánh Tông (1460 -1497), Quang Trung Hoàng đế Nguyễn Huệ (1788 – 1792)… Cũng có những nhà chính trị có tư tưởng cải cách đem kiến nghị với nhà cầm quyền đương thời, cũng như bôn ba vận động, truyền bá quan điểm, tư tưởng của mình trong quần chúng nhân dân nhưng vẫn chưa thể tiến hành được công việc cải cách nào, bởi họ không có quyền lực nhà nước trong tay. Đó là trường hợp của Chu Văn An (1292 – 1370), Nguyễn Trường Tộ (1828 – 1871), Bùi Viện (1844 – 1878), Phan Bội Châu (1867 – 1940), Phan Châu Trinh (1872 – 1926)… Mỗi đề nghị cải cách của họ đưa ra đều nhằm giải quyết những ách tắc, mâu thuẫn trong xã hội để đối phó với những khủng hoảng trầm trọng của xã hội.
Trường hợp Hồ Quý Ly thì khác.
Hồ Quý Ly là một nhà cải cách lớn cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV ở nước ta. Lúc đầu, với vai trò của một đại thần nhà Trần, ông đã từng bước đem tư tưởng của mình ra thực hiện, song vì chưa nắm được quyền lực quốc gia trọn vẹn trong tay nên không có đủ điều kiện để thực thi cải cách đến nơi đến chốn. Từ đó ông quyết tâm tổ chức, vận động chính trị để làm cuộc đảo chính giành lấy chính quyền vào tay mình và trực tiếp điều khiển công cuộc cải cách trên cương vị một nhà vua, một thái thượng hoàng, người có quyền lực tối cao cả nước…
Tư tưởng cải cách của Hồ Quý Ly thật toàn diện và táo bạo. Chỉ trong khoảng thời gian tương đối ngắn ngủi – hơn 5 năm cuối triều Trần và chưa đầy 7 năm dưới triều Hồ – những việc làm thực tế của Quý Ly cho thấy ông đã vạch ra và quyết tâm thực hiện cải cách khắp mọi lĩnh vực: chính trị, hành chính, quốc phòng, kinh tế, tài chính, tư tưởng, văn hóa, giáo dục, xã hội… Thuở ấy, tư tưởng nào của ông cũng mới mẻ, hành động nào của ông cũng trọng đại. Song cuối cùng, công cuộc cải cách đã thất bại thảm hại: dòng họ bị mất ngôi, dân tộc bị mất nước!
Nhằm rút tỉa những bài học quá khứ, ôn cố tri tân, chúng tôi mạo muội cho ra mắt quyển sách này. Vẫn biết từ trước đến nay, Hồ Quý Ly cũng như Trần Thủ Độ (1194 – 1264), Mạc Đăng Dung (1483 – 1541)… đã từng được nhiều thế hệ đời sau phân tích công, tội; xác định cho những giá trị khác nhau. Ở đây, chúng tôi cố gắng sưu tầm và tập hợp những sử liệu tương đối trung thực, đầy đủ về nhiều mặt, để làm sáng tỏ thêm nhân vật Hồ Quý Ly và nhà Hồ.
Đánh giá đúng đắn một sự kiện lịch sử, một giai đoạn lịch sử là việc làm không hề dễ dàng. Đánh giá khách quan một nhân vật lịch sử lại là việc làm càng khó khăn, phức tạp. Ước mong của chúng tôi là được bạn đọc xa gần nhận xét, phê bình và chỉ bảo cho những thiếu sót để tác giả được hiểu biết tường tận, chín chắn thêm, hầu bổ cứu cho nội dung quyển sách được tươm tất hơn trong những lần tái bản.
13-2-1995
PHAN ĐĂNG THANH
TRƯƠNG THỊ HÒA
Mời các bạn đón đọc Cải Cách Hồ Quý Ly của tác giả Phan Đăng Thanh & Trương Thị Hòa.
Chia sẻ ý kiến của bạn