Bạn đọc đang cầm trên tay bản dịch cuốn Nhận diện quyền lực của Noam Chomsky. Cuốn sách được xuất bản tại Mỹ với sự tham gia biên tập của hai nhà báo Peter R. Mitchell và John Schoeffel từ năm 2001. Qua ấn phẩm này, cái nhìn tổng quan về tư tưởng chính trị của Noam Chomsky thông qua hình thức hỏi-đáp, lần đầu tiên được giới thiệu với bạn đọc Việt Nam, nhờ công lao dịch thuật của GS. TS. Hoàng Văn Vân. Với kết cấu đặc biệt và hình thức độc đáo, cuốn sách soi sáng các giá trị dân chủ, lòng khoan dung, tính công khai minh bạch, quyền tự do và quyền con người qua lăng kính của Noam Chomsky, một nhà tư tưởng với tư duy tích hợp, một trí thức cánh tả hàng đầu của Mỹ trong hơn 30 năm qua. Theo Chomsky, ngoài chủ nghĩa khủng bố, các nhà nước thất bại, tội phạm có tổ chức, dịch bệnh và vũ khí giết người hàng loạt, còn nhiều thách thức toàn cầu khác, từ các vấn nạn môi trường đến các mô hình phát triển, đòi hỏi các quốc gia trụ cột trong hệ thống quốc tế phải có ý thức trách nhiệm cao hơn trước cộng đồng quốc gia và cộng động nhân loại.
Nhà xuất bản Tri thức chưa có điều kiện để giới thiệu các tác phẩm tinh hoa nổi bật của Noam Chomsky (ngoài cuốn Tham vọng bá quyền, 2006), vị giáo sư giảng dạy tại Học viện Công nghệ Massachusetts suốt hơn nửa thế kỉ qua. Nhưng chỉ riêng với Nhận diện quyền lực, ông có thể được coi là nhà tư tưởng đứng riêng một góc trời, một bác sĩ phẫu thuật hàng đầu chẩn đoán các căn bệnh thế kỉ của nước Mỹ và của thế giới. Đọc ông, chúng ta hiểu tại sao ông được vinh danh là nhà tư tưởng của thời đại. Ông được tờ Chiacago Tribune bình chọn là “tác giả được trích dẫn nhiều nhất hiện đang còn sống”; và tờ New York Times gọi ông là “nhà trí thức quan trọng nhất hiện đang còn sống”.
Qua bản dịch này, chúng tôi mong muốn truyền tải tư tưởng của Chomsky một cách trung thực nhất, tôn trọng các quan điểm khác biệt của ông. Nhiều quan điểm, nhận định của tác giả đặc biệt là mục Giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Việt Nam” (từ trang 141 đến 144) không trùng với quan điểm của Nhà xuất bản.
Trong những cuốn sách nổi tiếng khác như The Chomsky Reader (Đọc Chomsky, 1987-1988), Profit over People (Kiếm lời trên đầu người dân, 2000), War against People (Cuộc chiến chống lại dân chúng, 2001), Hegemony or Survival: Americas Quest for Global Dominance (Bá quyền hay sống sót: Cuộc tìm kiếm bá quyền toàn cầu của nước Mỹ, 2003), Failed States: The Abuse of Power and the Assault on Democracy (Những nhà nước thất bại: Lạm dụng quyền lực và tấn công nền dân chủ, 2006), Interventions (Can thiệp, 2007), Gaza in Crises: Reflections on Israel’s War Against the Palestinians (Các cuộc khủng hoảng trên dải Gaza: suy nghĩ về cuộc chiến tranh của Israel chống Palestine, 2010).., Noam Chomsky đã phân tích sắc sảo cơ chế hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia, của cái đảng Kinh doanh (bất luận đó là Dân chủ hay Cộng hòa) đang cầm trịch và chi phối cả quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm của nước Mỹ và thế giới.
Nhà xuất bản Tri thức hân hạnh giới thiệu cuốn sách rất có giá trị này tới độc giả!
CHU HẢO
Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức
Lời người dịch
Với tư cách là người dịch sang tiếng Việt tác phẩm Nhận diện quyền lực của học giả lừng danh Chomsky, tôi xin có đôi lời.
Bản gốc cuốn sách là tập hợp các buổi nói chuyện, thuyết trình, tọa đàm, và phỏng vấn về những vấn đề tư tưởng, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học đương thời giữa Giáo sư Chomsky với cử tọa của ông, bao gồm các học giả, học viên cao học và nghiên cứu sinh thuộc nhiều ngành khoa học khác nhau ở nhiều nơi trên nước Mỹ. Tất cả đã được ghi âm, được các biên tập viên chép lại và hiệu đính, sau đó được chính học giả Chomsky đọc lại trước khi đưa đi in. Tuy nhiên, vẫn còn độ vênh nhất định giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, đôi khi gây khó khăn không nhỏ cho người dịch.
Như có thể thấy, Nhận diện quyền lực chứa đựng một phạm vi rộng lớn những vấn đề tư tưởng, ý thức hệ, chính trị, kinh tế, xã hội, quyền lực, văn hóa, giáo dục, khoa học đương đại cả ở nước Mỹ và trên thế giới. Những vấn đề này mặc dù được Chomsky lí giải một cách súc tích, tường minh, nhưng thực sự không dễ nắm bắt. Để giải thích chúng, ông đã sử dụng một khối lượng kiến thức đồ sộ tự cổ chí kim, một hiểu biết sâu rộng về nhân tình thế thái, làm cho nhiều lí luận kinh viện trở nên hấp dẫn đối với độc giả, nhưng đồng thời ông cũng đã biến Nhận diện quyền lực thành ngôn bản cực kì khó khăn cho người dịch.
Bất chấp những thách thức ấy, tôi thực sự thích thú công việc dịch thuật tác phẩm nổi tiếng này so với nhiều công trình khoa học khác mà tôi từng dịch, bởi tôi tin rằng cuốn sách đã trình bày cách giải thích rõ ràng nhất về một số quan niệm của Chomsky liên quan đến các vấn đề sống động của thế giới đương đại.
Lòng đam mê dịch Nhận diện quyền lực sang tiếng Việt của tôi được cổ vũ và động viên thường xuyên của nhiều học giả, trong đó quan trọng nhất phải kể đến sự giúp đỡ về học thuật của chính Giáo sư Noam Chomsky.
Tôi biết ơn vì ông đã giúp cho tôi có được sự hiểu biết sâu sắc để nhận diện quyền lực. Tôi đặc biệt khâm phục Giáo sư Chomsky dù ở độ tuổi ngoài 80, nhưng lúc nào ông cũng sẵn sàng giải thích, làm rõ lập tức những gì tôi muốn tham vấn qua email liên quan đến ý nghĩa của một số từ ngữ, cách diễn đạt, đặc biệt là các thuật ngữ ngôn ngữ học, triết học cổ điển chứa đựng trong tác phẩm của ông.
Người thứ hai tôi muốn gửi lời cảm ơn và tri ân sâu sắc là Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức. Tôi cảm ơn anh vì sự chân thành, cởi mở, dung dị qua những lần tiếp xúc đã động viên tôi hoàn thành bản dịch một cách tốt nhất có thể. Tôi tri ân anh vì đã tạo mọi điều kiện để Nhận diện quyền lực của Giáo sư Noam Chomsky, học giả mà tên tuổi và ảnh hưởng sánh ngang với những nhân vật kiệt xuất ở thế kỉ XX như Einstein, Picasso, Freud, được ra mắt bạn đọc.
Người thứ ba tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn chân thành là TS. Đinh Hoàng Thắng. Tôi biết ơn anh vì sự thấu hiểu về “sự nhọc nhằn”, nhưng rất ít khi “hữu hình” (visibility) của người dịch, nói theo ngôn từ của học giả Lawrence Venuti (2008)*. Tôi cảm ơn vì anh đã dành công sức và thời gian giúp hiệu đính, làm cho bản dịch vừa “tương đương tự nhiên nhất” với nội dung của bản gốc, nói theo ngôn từ của hai lí thuyết gia dịch thuật Nida và Taber (1974:12)*, vừa đáp ứng được những yêu cầu của độc giả.
Mặc dù được nhiều sự giúp đỡ trong quá trình dịch thuật, song sự sai sót là điều khó tránh khỏi. Cá nhân tôi xin chịu trách nhiệm về những sai sót đó. Rất mong nhận được sự góp ý, phê bình xây dựng của quý độc giả.
Lời tựa của các biên tập viên
Cuốn sách này tập hợp lại công trình của một trong những nhà hoạt động chính trị tích cực nhất và nhà tư tưởng nổi tiếng nhất của thời đại chúng ta. Các cuộc thảo luận gồm chuỗi các chủ đề: từ những hoạt động của các phương tiện truyền thông hiện đại đến toàn cầu hóa, từ hệ thống giáo dục đến các cuộc khủng hoảng môi trường, từ các tổ hợp công nghiệp-quân sự đến các chiến lược của các nhà hoạt động chính trị và nhiều vấn đề khác. Tất cả được trình bày thành một tổng thể mang tính cách mạng để đánh giá thế giới, và để nhận diện quyền lực.
Điểm khác biệt trong tư duy chính trị của Noam Chomsky không phải là cái nhìn sâu sắc mới lạ hay một ý tưởng bao quát đơn lẻ nào. Trên thực tế, lập trường chính trị của Chomsky có cội nguồn từ những khái niệm đã được hiểu rõ qua nhiều thế kỉ. Đóng góp vĩ đại của Chomsky là việc có được một tài sản đồ sộ những thông tin có thật và kĩ năng phi thường của ông trong việc vạch trần, từ trường hợp này đến trường hợp khác, những hoạt động và sự lừa dối của các thể chế đầy quyền lực trong thế giới ngày nay. Phương pháp của ông bao gồm việc giảng giải thông qua các ví dụ – không trùu tượng chút nào – như là các phương tiện giúp người đọc học được cách tư duy phê phán cho chính họ.
Chương mở đầu giới thiệu hai chủ đề bao quát hầu như mọi phương diện của cuốn sách: sự tiến triển của trào lưu tiến bộ nhằm thay đổi thế giới, vai trò của các phương tiện truyền thông trong việc chặn đứng trào lưu tích cực đó và trong việc hình thành nên phong cách tư duy của chúng ta. Cuốn sách đi theo một trật tự thời gian phỏng chừng, bắt đầu bằng bốn cuộc thảo luận diễn ra trong hai năm 1998-1999, buổi bình minh của kỉ nguyên hậu chiến tranh lạnh. Những chương đầu tiên đặt nền móng cho các phân tích sau này của Chomsky. Những chương còn lại khám phá các tiến triển gần đây (2001-2002) trong chính sách đối ngoại của Mỹ, kinh tế học thế giới, môi trường chính trị, xã hội trong nước, cũng như các chiến lược và những vấn đề còn tồn tại của các nhà hoạt động chính trị. Cuốn sách và những lời chú giải kèm theo đã đưa những suy luận của Chomsky đến gần độc giả ngày nay.
Internet đã giúp chúng tôi có thể đưa các tư liệu rộng lớn vào những lời chú giải, chúng xuất hiện trong website của cuốn sách. Những lời chú giải trực tuyến rộng lớn này vượt ra khỏi sự trích dẫn thuần túy các nguồn tư liệu gốc: chúng bao gồm việc bình luận về văn bản, những trích đoạn từ các văn kiện của chính phủ, những đoạn trích dẫn quan trọng từ các bài viết trên báo chí và trong giới học thuật, và những thông tin quan trọng khác. Mục đích của chúng tôi là tạo thêm nhiều chứng cứ có thể tiếp cận được để ủng hộ cho các nhận định có căn cứ của Chomsky. Những lời chú giải này bổ sung độ sâu về kiến thức cho những người quan tâm đến chủ đề được đưa ra.
Những lời chú giải hoàn chỉnh – dài hơn cả tác phẩm – có thể tải về từ địa chỉ website của cuốn sách: www.understandingpower.com (chúng cũng có thể được tiếp cận thông qua website: www.thenewpress.com). Thông tin về việc mua bản in của phần chú giải được đóng thành sách có sẵn trên website, hoặc bằng cách viết thư cho chúng tôi qua nhà xuất bản.
Cuốn sách được hình thành dưới dạng chép lại hàng chục cuốn băng ghi các buổi hỏi và đáp. Chúng tôi biên tập lại để cho dễ đọc hơn, sau đó sắp xếp và bỏ đi những chỗ trùng lặp và trình bày phần phân tích các ý tưởng, các chủ đề theo trình tự mạch lạc. Mục đích của chúng tôi là đưa ra một cái nhìn tổng quan về tư tưởng chính trị của Chomsky, kết hợp giữa sự nghiêm túc và sự chứng minh được bằng tư liệu trong những cuốn sách chứa đựng kiến thức uyên bác của ông với khả năng có thể tiếp cận được thông qua hình thức phỏng vấn. Chúng tôi luôn trung thành với ngôn ngữ và cách trả lời đặc trưng của Chomsky, và ông cũng đã xem lại các văn bản này. Tuy nhiên, vì những lí do về văn phong và cấu trúc cho nên thực hiện những tu chỉnh là việc làm cần thiết.
Hầu hết các tư liệu đều được lấy từ các cuộc thảo luận dưới hình thức trao đổi ý kiến với nhóm các nhà hoạt động, hoặc từ những phần đặt câu hỏi sau các phần thuyết trình trước công chúng, được tổ chức trong giai đoạn từ năm 1989 đến 1999. Một số câu trả lời trong các Chương 6, 7, 8, và 9 được lấy từ những cuộc đối thoại giữa Chomsky với Micheal Albert. Những người hỏi được đặt tên là “Nam” hoặc “Nữ”, bởi vì thông thường thủ thuật này có lợi khi cùng một người hỏi đang theo đuổi một luồng chất vấn, hay khi một người nào khác đã thay thế họ.
Chúng tôi đã kiểm chứng các nguồn trích dẫn trong các lời chú giải, trừ những tư liệu bằng ngoại ngữ. Hầu hết những nguồn trích dẫn này được Chomsky dựa vào khi ông đưa ra những nhận xét trong văn bản. Sự giúp đỡ của Emily Mitchell trong việc truy cập hàng tập các tư liệu này trong những tháng cuối cùng của công trình là rất có giá trị. Chúng tôi hướng độc giả vào phần chú giải 67 của Chương 1 để thảo luận về một sự hiểu nhầm phổ biến liên quan đến lời chú giải: rằng sự trích dẫn thường xuyên cho các bài báo từ các phương tiện truyền thông chính luồng mâu thuẫn với “Mô hình Tuyên truyền” của các phương tiện truyền thông mà Chomsky sơ thảo ở Chương 1.
Chúng tôi muốn cảm ơn cha mẹ mình – Emily và George Mitchell, Ron và Jone Schoeffel – sự ủng hộ của họ đã giúp cho cuốn sách trở thành hiện thực.
Mời các bạn đón đọc Nhận Diện Quyền Lực của tác giả Noam Chomsky.
Leave a Reply