Khi Hillary Rodham Clinton kết thúc bốn năm đảm nhận cương vị Ngoại trưởng thứ 67 của Hoa Kỳ (29 tháng 1 năm 2009 – 1 tháng 2 năm 2003), không ai biết bà có quyết định tranh cử tổng thống năm 2016 hay không.
Bà đã dành gần cả thập niên 1990 trên cương vị Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ – đệ nhất phu nhân đầu tiên kiên định với sự nghiệp cá nhân, đấu tranh để có một danh phận riêng, tách rời với chức vụ tổng thống của chồng mình. Bà đã đóng vai trò quan trọng trong thời gian đó khi chồng bà lèo lái một thập niên thịnh vượng chưa từng có của nước Mỹ. Bà đã chịu đựng những cáo buộc tham nhũng và xì-căng-đan. Sau cuộc tranh cử tổng thống năm 2008, bà Clinton dự kiến quay lại để đại diện cho bang New York ở Thượng viện Mỹ. Trước sự ngạc nhiên của bà, đối thủ cạnh tranh cùng Đảng Dân chủ, tức tân tổng thống mới đắc cử Barack Obama, mời bà làm Bộ trưởng Ngoại giao trong chính quyền của ông. Những chọn lựa khó khăn là cuốn hồi ký kể câu chuyện xuất sắc và nổi bật trong lịch sử của bốn năm tiếp sau đó, và những quyết định khó khăn mà bà và các đồng nghiệp đã đối mặt. Miêu tả các cuộc đối thoại ngoại giao ở những cấp cao nhất, Ngoại trưởng Clinton cung cấp cho người đọc một khóa học tinh tế về quan hệ quốc tế, cùng những phân tích của bà về cách sử dụng “quyền lực thông minh” để đem lại an ninh và thịnh vượng trong một thế giới thay đổi nhanh chóng.
Và nay thì, như tựa đề cuốn hồi ký về thời gian làm Đệ nhất phu nhân Mỹ Living History, Hillary Rodham Clinton không chỉ đang sống cùng lịch sử mà còn làm nên lịch sử khi trở thành nữ ứng cử viên đầu tiên thay mặt một chính đảng trong cuộc đua trở thành tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nếu đắc cử, thì như bà nói “History made!” – bà sẽ đi vào lịch sử!
Những chọn lựa khó khăn phong phú chi tiết và thuyết phục về vai trò của bà Clinton trong các sáng kiến ngoại giao và những cuộc khủng hoảng đã định hình nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Obama – chiến lược xoay trục sang châu Á, Afghanistan dậy sóng năm 2009, và sự “điều chỉnh” với nước Nga, phong trào Mùa Xuân Ảrập, “vấn đề nan giải” Syria – được kể từ góc nhìn của một nhà ngoại giao Mỹ, rất Mỹ.
Bà đã viết về sứ mệnh của mình trong vai trò đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ: “Chúng ta cần một kiến trúc mới cho một thế giới mới”. Sự rạch ròi giữa “quyền lực cứng” và “quyền lực mềm” không còn hiệu quả nữa. Học thuyết của bà Clinton là “quyền lực thông minh”, phương pháp kết hợp mọi công cụ có trong tay – ngoại giao, kinh tế, quân sự, chính trị, pháp lý và văn hóa, để đạt những mục tiêu của nước Mỹ. Và tất nhiên, cả truyền thông xã hội nữa. (theo yêu cầu của bà, Michael McFaul, đại sứ Mỹ ở Nga, đã sử dụng tài khoản Twitter của ông để trở thành một trong những tiếng nói trực tuyến có sức ảnh hưởng nhất ở Nga.) Đi hết quốc gia này đến quốc gia khác trong bốn năm di chuyển không ngừng, bà Clinton miêu tả mình là người quyết đoán và khôn ngoan với các lãnh đạo khắp thế giới, quyết tâm vươn ra bên ngoài các văn phòng chính phủ cùng những cuộc gặp gỡ ngoại giao được dàn dựng để tương tác với dân thường, những người có thể sẽ được truyền cảm hứng để theo đuổi nền dân chủ kiểu Mỹ sau khi tiếp xúc với vị ngoại trưởng đời thường.
Đó là buổi tối ngày 5-6-2008, tôi đang trên đường tới một cuộc gặp bí mật với Barack Obama – chỉ vài tháng trước thôi, tôi không bao giờ nghĩ điều này có thể xảy ra. Tôi đã thua và ông đã thắng. Tôi chưa có đủ thời gian để chấp nhận sự thật phũ phàng đó. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Cuộc chạy đua cho vị trí ứng cứ viên Tổng thống mang tính lịch sử vì màu da của ông và giới tính của tôi. Đây là cuộc chạy đua căng thẳng, kéo dài và sát nút. Tôi mệt mỏi, kiệt sức và thất vọng. Tôi đã cố gắng hết sức cho tới giây phút cuối cùng, nhưng Barack đã thắng và bây giờ đã đến lúc tôi phải ủng hộ ông. Mục đích chiến dịch vận động của chúng tôi nhằm vào những người Mỹ thất nghiệp, chăm sóc y tế, giá khí đốt xăng dầu và thực phẩm quá cao hay vấn đề chi phí giáo dục mà người dân cảm thấy họ chỉ là những kẻ vô hình trước con mắt của chính phủ trong vòng bẩy năm qua. Bây giờ mọi việc tùy thuộc vào Obama có trở thành vị Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ hay không.
Giải quyết vấn đề này không hề dễ dàng cho tôi, cho các thành viên và những người ủng hộ, những người đã làm tất cả những gì có thể làm được. Công bằng mà nói, nó cũng chẳng dễ dàng chút nào cho Barack và những người ủng hộ ông nữa. Chúng tôi cũng đã từng đề phòng lẫn nhau; cũng đã từng tranh luận gay gắt, gây tổn thương lẫn nhau; tôi đã không bỏ cuộc cho đến khi những lá phiểu cuối cùng được kiểm và đã phớt lờ những áp lực của phía ông ta.
Hai ngày trước, Barack và tôi đã nói chuyện vào một đêm khuya, sau khi bang Montana và Nam Dakota hoàn tất cuộc kiểm phiếu. Barack nói “Hãy cùng ngồi xuống nói chuyện với tôi khi nào chị cảm thấy thoải mái”. Ngày hôm sau, chúng tôi chạm trán ở cuộc họp lên kế hoạch cho Uỷ ban Liên lạc Xã hội Mỹ-Israel (AIPAC) ở Washington. Sau một chút ngập ngừng, e ngại, nhưng các trợ lý thân cận nhất của chúng tôi có cơ hội thảo luận chi tiết cuộc gặp mặt. Về phía tôi có Chánh văn phòng, Huma Abedin, người phụ nữ duyên dáng, tài năng, năng động và đã từng làm việc ở Nhà Trắng. Bên phía Obama là Reggie Love – cựu cầu thủ bóng rổ của trường Đại học Duke, luôn luôn bên Obama như hình với bóng. Huma và Reggie giữ đường dây nóng kể cả trong những ngày căng thẳng nhất của chiến dịch tranh cử, vì tôi hay Barack thường xuyên gọi về để chúc mừng hay chia buồn sau các cuộc kiểm phiếu bang dù người thắng bất kể là ai. Bầu không khí của các cuộc gọi thường thân thiện và chia sẻ, vì ít nhất cũng có người vui. Nhưng một số cuộc gọi chỉ để cho có; Vì huấn luyện viên bóng đá không phải sau trận đấu nào cũng phải ôm hôn cầu thủ của mình đâu.
…
Mời các bạn đón đọc Những Lựa Chọn Khó Khăn của tác giả Hillary Rodham Clinton.
Chia sẻ ý kiến của bạn