Những đồng nghiệp trong giới sử học và những người quan tâm đến lịch sử nước nhà đều biết đến những công trình chuyên khảo về lịch sử và văn hóa của Tạ Chí Đại Trường như: Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802; Thần, người và đất Việt; Việt Nam nhìn từ bên trong và bên ngoài; Những bài văn sử; Sử Việt đọc vài quyển… ông đã tham gia vào lĩnh vực này từ lâu, ông viết sử trong nhiều hoàn cảnh xã hội và hoàn cảnh sống khác nhau, trước và sau năm 1975 ở miền Nam, ở trong nước và hải ngoại sau năm 1975.

Cuốn sách này là một tập hợp những bài viết, chủ yếu đã được công bố ở hải ngoại đề cập tới nhiều lĩnh vực và nội dung khác nhau vốn rất phong phú của sử học; từ cái đình làng được coi là “trú sở của thần linh” đến thần tích của Phù Đổng Thiên Vương, từ những di tích, những công trình thủy lợi ở Quảng Trị đến hình thái lịch sử nước nhà vào thế kỷ thứ X, từ tầng lớp điền chủ và ruộng đất qua các triều đại đến chế độ nội hôn của họ Trần, từ những đồng tiền được đúc đến những đồng tiền kẽm ở Đàng Trong, từ khuôn đúc tiền bằng đá đến khảo về tiền giấy…

Những khảo luận được viết nghiêm túc với bút pháp khoa học nhưng đọc nó người ta vẫn cảm nhận được cảm hứng của tác giả, lấy việc khảo cứu công phu như một thú vui tiêu khiển thời gian hơn là sự hành nghề của một sử gia chuyên nghiệp. Có lẽ vì thế mà Tạ Chí Đại Trường chọn thể loại cho tập sách của mình cái tên “Dã sử Việt”. Sách “Từ điển Bách khoa Việt Nam” thì định nghĩa thuật ngữ “Dã sử” dài dòng. Còn “Từ điển Hán-Việt” của Đào Duy Anh thì ngắn gọn: Dã sử là “sử của tư gia (histoire privée)”.




Cách định nghĩa của Đào Duy Anh có vẻ ứng với sự lựa chọn của Tạ Chí Đại Trường. Vì thế đọc nó thấy hấp dẫn và bổ ích hơn…

Xin có lời giới thiệu với bạn đọc.

DƯƠNG TRUNG QUỐC

Sách dành riêng cho nhà họ Tạ các họ Nguyễn và họ Trần trong tinh thần đại gia đình bền vững từ cỗi gốc đến những bước lênh đênh.




***
MỘT TRÚ SỞ VIỆT CỦA THẦN LINH: CÁI ĐÌNH LÀNG

Tên gọi kiến trúc thờ cúng Việt đã được L. Cadière chỉ ra một cách khá xác đinh trong mức độ tổng quát như sau:

– Nhà thờ là nơi của gia đình;




– Đình là nơi thờ thành hoàng đồng thời là nhà chung của làng xã (nhà làng);

– Miếu dành cho các thần được thờ cúng đều đặn, liên tục;

– Đền, Phủ là nơi thờ cúng của Đạo giáo;




– Chùa hay Am là nơi thờ cúng của Phật giáo.

Tuy nhiên, L. Cadière cũng thấy rằng các định nghĩa trên chưa được xác đáng lắm vì các từ này có thể tùy nơi mà áp dụng cho các cấu tạo kiến trúc khác nhau (1). Ông không nói chi tiết, nhưng chúng ta có thể thêm rằng từ am có thể là chùa nhỏ nhưng cũng để chỉ một dạng xuất phát từ khía cạnh hành đạo của Phật giáo, nơi thờ cúng hồn ma vô chủ: am chúng sinh. Trụ sở thần linh của Đạo giáo ngày xưa có tên là quán và ở một vài nơi ngày nay gọi là chùa như các chùa Minh Sư ở Nam bộ hay chùa Quan Đế…

Không nên lấy làm lạ về điều này. Gọi là Đạo giáo chẳng qua muốn sử dụng một từ có sẵn của Trung Quốc nhưng có thể mở rộng ra để gọi là một hệ thống thần linh giáo, trong đó vài hình dạng ít có sự phân biệt với một Phật giáo tàn tạ giáo lý đã trở thành một đa thần giáo. Sự biến đổi của thế lực nắm quyền thờ cúng cũng làm phức tạp thêm các danh xưng vốn là từ vay mượn của Trung Quốc nhưng đã có một nội dung khác. Đó là trường hợp cái đình.




NHỮNG CÁCH NHÌN VỀ CÁI ĐÌNH LÀNG

Khởi đầu việc nghiên cứu có hệ thống các làng xã Việt Nam là do các viên chức cai trị người Pháp thực hiện từ khi họ chiếm lĩnh thuộc địa này Quân đội viễn chinh đã khuất phục được tầng lớp lãnh đạo bản xứ thì giới dân sự – hay các quân nhân làm việc hành chính, phải lo công việc tìm hiểu dân thuộc địa qua các cơ cấu căn bản là làng xã. Từ điều này dẫn họ đến cái đình làng mà một người đã thấy nó có nhiệm vụ phức tạp: làm nơi thờ thành hoàng, họp việc làng, nơi trú của khách lỡ độ đường và nhà hát (2).

Nhưng các quan sát buổi đầu vẫn thuộc phần ngoại hình và khái quát dù rằng G. Coulet đã có nhiều ghi nhận hơn và muốn đi đến một giải thích về việc thờ thành hoàng ở làng (3). Theo ông, việc thờ cúng thành hoàng chỉ là sự tiếp nơi ở cơ sở chính trị là làng xã của việc thờ cúng tổ tiên nơi các gia đình, thành phần của làng xã ấy. Thờ cúng tổ tiên là tượng trưng cho gia đình và sự truyền dòng của nó, còn thờ cúng thành hoàng tượng trưng cho làng xã và sự miên tục tồn tại của cơ sở này. Như vậy, tuy không thấy bàn đến vấn đề nguồn gốc trú sở của thần, ta cũng dễ bị dắt dẫn đến việc cho rằng đình làng có từ rất xưa, từ lúc trong sử ký có xác nhận việc thành lập làng xã (và phường hội), theo Coulet.




Sinh hoạt của đình và làng còn có điểm phải giữ cách biệt với người ngoài làng, huống nữa là với người ngoại quốc. Cho nên, nghiên cứu về đình, nói về đình với nhiều chi tiết hơn, việc đó phải dành cho người Việt Nam, từ những người nghiên cứu theo khuôn khổ đến những bài phóng sự, điều tra đượm vẻ mỉa mai, phản kháng một cơ chế truyền thống. Từ trong những bài viết ấy, có lúc, ta gặp những giải thích về nguồn gốc của đình thật xa xưa, gắn liền với một định kiến về tính cách tự trị của làng xã như một đặc điểm của xã hội truyền thống Việt Nam.

Bài nghiên cứu của Nguyễn Văn Khoan (4) dừng lại ở phạm vi khảo tả, nhưng những tác giả khác lại nhìn vào hình dạng trú sở của thần mà ghép vào một thời rất xa của tục lệ thờ cúng. L. Bezacier cho đình có nguồn gốc phương Nam (không phải là Trung Quốc), Nguyễn Văn Huyên thấy đình Đắc Sở giống nhà của dân Minang Kabau (Sumatra) có liên hệ đến ngôi nhà trên các trống đồng Đông Sơn thuộc loại xưa nhất (5). Có thể nghĩ rằng các lối thờ cúng quái dị với tục lệ “hèm” khiến ta liên tưởng thêm rằng một nơi bảo lưu các tín ngưỡng có dáng lâu đời tất phải gắn liền với chúng ngay từ khởi thủy của tập họp người Việt.

Trong một luận án luật, Vũ Quốc Thúc đã mở rộng vấn đề, giải thích tầm quan trọng của cái đình trong tính cách tự trị của làng xã – đặc điểm suốt phần lớn chiều dài lịch sử Việt. Theo ông, sự thờ cúng thành hoàng đặt cơ sở cho một chừng mực tổ chức của làng xã vốn được cai trị theo truyền thống dưới quyền lực của những người già (gérontocratie). Dân phải lập bàn thờ, bầu người chủ nghi lễ (người già nhất: tiên chỉ), sắp đặt thể thức cúng kiếng…Từ uy tín chủ lễ tôn giáo đó, hội đồng người già sẽ được công nhận có quyền giải quyết những vấn đề ngoại – tín ngưỡng: giữ an ninh trong làng xã, thu xếp việc làng, hòa giải…Và nhà nước trung ương rốt lại phải công nhận tính cách tự trị đó, chỉ đem một hệ thống phong kiến phủ lên trên hệ thống cai trị kỳ lão có sẵn để đưa làng xã vào phạm vi quyền uy của mình. Trú sở của thành hoàng là cái đình cũng là “trú sở độc nhất ở mọi thời đại dành cho việc cai trị làng xã”. Từ những trình bày đó, qua lối phân kỳ về sự phát triển kinh tế Việt Nam của tác giả, ta suy đoán rằng ông cho cái đình xuất hiện trong thời Bắc thuộc, sớm nhất là sau “thời kỳ kinh tế nguyên thủy”, chấm dứt với sự nổi dậy của Hai Bà Trưng (6).




Nhưng như thế vẫn còn là muộn so với ý của Nguyễn Văn Huyên, L. Bezacier muốn kéo nguồn gốc đình về một yếu tố văn minh Nam Á và điều này, trong hiện tại, trở thành một khẳng định có quyền uy.

Các ông Trần Quốc Vượng – Trịnh Cao Tưởng (7) trong khi khảo sát một trú sở của thần ở thôn Láng Hạ, phường Yên Lãng (Hà Nội) thấy nó mang các tên khác nhau đồng thời: đền ứng Thiên, đền Hậu Thổ, đình Láng Hạ, đình Nhà Bà, còn cấu trúc thì mang đặc điểm hỗn hợp đền-đình-chùa. Tìm tòi, đối chiếu với các tài liệu lịch sử, các tác giả cho rằng nguyên gốc nó là một nơi thờ thần Mẹ Đất, sau thành đền Hậu Thổ và đến thế kỷ XVI thì thành đình. Chúng ta không thấy chi tiết của luận cứ, chỉ thấy rằng căn cứ suy luận của các tác giả một phần đặt trên lý do: trên thư tịch, đình có dấu vết xưa nhất là năm 1522, còn dấu vết vật chất thì có thời điểm chung chung là thế kỷ XVI, nghĩa là cũng cùng thời gian ghi lại của thư tịch, một lần.

Tuy nhiên, lúc “tổng kết tình hình thảo luận ở tiểu ban thời đại phong kiến” trong hội nghị 1982 đó, “các nhà nghiên cứu dân tộc học cho rằng việc chuyển hóa từ đền sang đình ở làng Láng Hạ…chỉ có thể coi như một trường hợp biệt lệ. Nguồn gốc nhà công cộng của đình vẫn chưa thể bác bỏ được”. Nên nói thêm, hai tác giả trên cũng có nhắc đến loại nhà công cộng gốc của đình, tương tự như ngôi nhà rông còn lại ở Tây Nguyên ngày nay.




Thực ra, nếu chịu khó suy nghĩ thì người ta có thể thấy trường hợp ở làng Láng Hạ đã xảy ra ở nhiều nơi khác. Ví dụ, đền Phù Đổng cũng là đình làng này (8). Và chịu khó giở xem một tập họp các nơi thờ cúng ở thành phố Hà Nội (chưa mở rộng như ngày nay) – chỉ riêng với các ông thần gọi là thuộc đời Hùng – Thục, ta thấy đền đình lẫn lộn, và nếu không bị thành kiến ngăn cản thì sẽ nhận ngay đình Bắc cầu chính gốc là đền thờ Tô Trung Tự/Từ, ông cậu vợ Lý Huệ Tông (có tên làng Lưu Xá làm chứng), đã chuyển thành ông Tô Minh Tự (loáng thoáng nhớ từ chức Minh tự của Lý, Trần) sống thời Hùng Vương, còn đình Tây Hồ là đền thờ Đỗ Lễ sống vào cuối Trần, nay gán thêm ông Cao Lỗ…(9).

Nhưng việc bài bác nguồn gốc xa xưa của đình không phải đợi đến nửa thế kỷ này mới gợi nên. Có điều người trình bày vấn đề lại đặt lập luận vào một loại hình văn học, không đủ tính nghiêm túc cho các học giả khoa bảng lưu tâm.

Tập họp bài viết “Tập án cái đình” của Ngô Tất Tố (10) xuất hiện trong một khung cảnh xã hội chính trị của thuộc địa Đông Dương trước Thế chiến II, lúc vấn đề nghèo khó, lạc hậu của nông thôn miền Bắc được đưa ra mổ xẻ, tìm tòi nguyên nhân, nhân đó va chạm đến cả mối tin tưởng về sự tốt đẹp của cơ cấu làng xã truyền thống, cùng lúc với những đòi hỏi cách tân sôi nổi ở đấy từ cuối những năm 20 qua thập kỷ 30. Làng xã phơi bày những xấu xa qua các tiểu thuyết tả thực, các bài xã luận, lời, tranh khôi hài, nhạo báng, các bài phóng sự trong đó có “Tập án cái đình” và một tác phẩm nữa cũng của Ngô Tất Tố: “Việc làng”.

Tuy lý lẽ của ông Ngô Tất Tố về lịch sử ngôi đình được đặt vào một phát biểu ở bàn rượu thịt, nhưng ta không thể bỏ qua được. Tác giả để một “túc nho” nói, có dẫn chứng một quyển sách “quên mất tên” và có lẽ vì chỉ “nhớ mang máng” nên cho rằng chỉ hợp với chuyện văn chương nhàn đàm, không đủ để đưa vào những khảo luận của chính ông, nhưng ta thấy đó vẫn là những dẫn chứng có một chừng mực căn cứ theo các tài liệu đáng tin để lại (11).
 

Mời các bạn đón đọc Những Bài Dã Sử Việt của tác giả Tạ Chí Đại Trường.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.