Từ trước đến nay, chúng ta nghe nói tới Phong Trào Duy Tân, nhưng chưa có một quyển sách nào đề cập tương đối đầy đủ về lãnh đạo, tổ chức, phát triển Phong Trào. Chính ngay trong các quyển sử hay Văn học Sử nổi tiếng cũng chỉ trình bày một cách hết sức khái quát con người của Phan châu Trinh cùng vài hoạt động của ông. Không thấy có tác giả nào nói kỹ và toàn bộ về sức trổi dậy của ngọn triều ở nơi xuất phát (Quảng Nam), để rồi tràn ngập khắp các tỉnh miền Trung trước khi ra Bắc. Nhiều tác giả còn tách rời Đông Kinh Nghĩa Thục ra khỏi cơ thể Phong Trào, xem nó như một thực thể độc lập. Nhiều tác giả khác và chính là lãnh tụ Phong Trào cũng xem vụ Dân biến 1908 là một hiện tượng độc lập khác nữa.
Tôi cho rằng Phong Trào Duy Tân bao gồm tất cả các hoạt động ấy, nhưng nó biểu lộ những sắc thái và khả năng khác nhau của từng địa phương và không phải bao giờ cũng đi theo đường thẳng nhất định, nên khi dân trí lên cao lại thiếu lãnh đạo liền bột phát thành Dân biến. Dân biến cúp tóc (Tân Văn hóa), xin xâu (Dân quyền) là một diễn trình tích cực, sôi động của Phong Trào khi đi sâu vào quần chúng thực tế.
Vậy, Phong Trào đi từ các nông hội, học hội ở các tỉnh Miền Trung theo con đường thương mãi rất phát đạt từ Phan Thiết (Công ty Liên Thành) tới Quảng Nam (Hợp Thương Diên Phong) tới Nghệ Tĩnh (Triều Dương), tiếp theo miền Bắc mở Đông Kinh Nghĩa Thục, các hội buôn rồi từ đó phát triển vào Nam là một Phong trào không chỉ nặng về kinh tế, giáo dục, văn hóa mà còn cả chính trị mà kết quả là vụ nhân dân nổi lên chống thuế. Có thể gọi Phong trào là toàn diện, là thực sự Duy Tân theo bóng cờ Dân quyền, chứ không phải chỉ là những vá víu cải lương, hơn như thế, những nhân vật Phong Trào đã phục vụ bằng tâm huyết, bằng tinh thần Cách Mạng để quyết tâm làm Mới Con Người, làm Mới Xã Hội. Từ đầu thế kỷ đến 1945, chưa hề có một Phong trào thứ hai có tính cách toàn diện và phát triển rộng ra khắp ba kỳ như thế.
Quyển sách này được viết trong một hoàn cảnh hết sức thiếu thốn. Nhưng tuy thiếu tài liệu khá nghiêm trọng mà tôi vẫn còn được một cái may mắn khác bù đắp : một số nhân vật trên dưới tám mươi tuổi đã chứng kiến, đã biết, đã hoạt động cho Phong trào, vẫn còn sống. Các vị ấy đã cho tôi những chỉ dẫn cần thiết để tạo lại một vóc dáng của Phong trào và qua đó, tôi được truyền thụ những bài ca, những buổi học tập thể dục, những hình ảnh các chiến sĩ, những hoạt động thương mãi, những cuộc tranh đấu dai dẳng và kiêu hùng của nhân dân…
Nhân dịp quyển sách này ra đời, tôi xin ngỏ lời cảm ơn Ông Cử Lương trọng Hối (mới mất năm nay), Ông Cử Hồ Ngận, Ông Bà Lê Ấm (bà là con gái của Phan châu Trinh), Ông Võ Hoán (một thân sĩ ở Quảng Nam), Ông Nguyễn xương Thái (Nguyên quản lý báo Tiếng Dân). Các vị cao niên này đã thành thực chỉ dẫn cho tôi những điều mà các vị đã biết một cách rất đích xác, theo trí nhớ còn sáng suốt và sự cân nhắc rất bình tĩnh của tuổi già. Ông Nguyễn Q. Thắng, một bạn thanh niên cũng gởi cho nhiều tài liệu đã dày công ghi chép tại Tam Kỳ.
Nhưng có một người mà tôi rất muốn cám ơn, song tiếc là không bao giờ còn có dịp : Ông Huỳnh thúc Kháng. Trong khi theo dõi những tập báo, những tác phẩm (một phần lớn là do nhà Anh Minh, Huế, ấn hành), tôi nhận thấy Ông thực sự là sử gia của Phong trào Duy Tân, sử gia quan trọng bậc nhất mà nếu không có những tài liệu rời rạc của Ông để lại, với sự kiện dồi dào, chính xác, với óc nhận xét sâu xa, niềm tin vững mạnh và diễn tả bằng giọng văn trầm hùng, tôi sẽ không biết dựa vào đâu để sưu tầm, nghiên cứu, phỏng vấn, và như thế quyển sách này chắc không thể nào xuất hiện. Người ta vẫn phục Ông cho là có trí nhớ tuyệt hảo. Tôi cũng nhận thấy lời khen ấy không quá đáng khi duyệt xét các tài liệu và do đó nhiều khi cần phải so sánh một sự kiện, một niên hiệu giữa Ông và Ông Phan châu Trinh, tôi đã tin ở ông hơn, lẽ tất nhiên ngoại trừ những việc mà Phan châu Trinh biết rõ theo cương vị lãnh tụ của phong trào. Cũng dưới ngòi bút trầm hùng của Huỳnh thúc Kháng, các nhân vật lớn của thời kỳ lịch sử này sống lại, linh động khác thường.
Tôi giới thiệu toàn bộ tác phẩm của Ông, kể cả tập báo Tiếng Dân, cho bất kỳ ai muốn nghiên cứu một cách đứng đắn, có thực chất, mọi phương diện chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục của Phong trào Duy Tân và của Trung Việt nửa đầu thế kỷ 20 (mà nhiều phen ông đóng vai trò quan trọng, ít ra là về phương diện tinh thần) nhưng lại rất thiếu sự quan tâm của học giới ngày nay.
Quyển sách này, ban đầu tôi viết thành ba phần : Tiền Phong Trào, Phong Trào và Hậu Phong Trào. Với cái tên chung Phong : Trào Duy Tân. Nhưng khi viết xong tôi thấy nó dày quá, khó phổ biến, nên quyết định dứt ra làm ba quyển khác nhau. Do đó, phần thứ hai tức Phong Trào Duy Tân 1905-1908 được in trước. Sau này, tôi sẽ cho ấn hành hai tập kia. Toàn thể ba tập ấy sẽ trình bày khái quát công cuộc Duy Tân của Việt Nam :
a) Tiền Phong Trào : từ thời các Chúa đến cuối thế kỷ XIX
b) Phong Trào Duy Tân 1905-1908
c) Hậu Phong Trào 1908-1945
Trong ba phần này, thực sự chỉ có Phong Trào Duy Tân 1905-1908 là quan trọng nhất, xuất hiện như một ánh sáng lồ lộ, phát ra tiếng vang dội khắp núi sông, đẫy quặt lịch sử, chính trị, văn hóa, kinh tế… sang một ngã rẽ sau khi đã góp phần lớn lao Làm Mới con người và xã hội.
Tôi hy vọng bạn đọc khi xem sách này sẽ không cho tôi là có óc lập dị, muốn bày đặt những lối « bứt râu cha nọ cắm cằm mẹ kia » mà thực sự chỉ là theo tính chất, thực chất của dữ kiện mà phân loại, hệ thống và trình bày đúng theo diễn tiến tất yếu của lịch sử một cách khách quan.
Phương pháp tôi dùng không Mới nhưng cũng chưa Cũ. Cũng như Duy Tân đối với chúng ta không mới mà nhất định chưa cũ. Đó là vấn đề của ngày nay, ngày mai. Chúng ta còn phải học người xưa rất nhiều để thực hiện một cuộc Duy Tân vừa toàn bộ, vừa không xa rời Dân tộc tính, Nhân bản tính. Mối lo âu lớn lao của tất cả những nước nhược tiểu là ở điểm căn bản ấy : triệt để theo mới, nhưng phải cơ sở trên tính chất dân tộc, điều kiện địa phương để khỏi vong bản, bị máy móc chi phối, nô lệ tha nhân.
Một công cuộc phục hưng tinh thần Phong trào Duy Tân với cuộc đại vận động Tân Chánh giáo, Tân văn hóa, Tân sinh hoạt thật cần thiết nếu chúng ta muốn sinh tồn và tiến bộ trong một thế giới đang đi tới trên những đôi hia bảy dặm.
NGUYỄN VĂN XUÂN
Mời các bạn đón đọc Phong Trào Duy Tân của tác giả Nguyễn Văn Xuân.
Chia sẻ ý kiến của bạn