Cuốn sách gồm những câu chuyện kể về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lúc Người ra đi tìm đường cứu nước cho đến những ngày đầu của cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược. Trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ và hy sinh, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương đạo đức cách mạng vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Sách thuộc bộ sách DI SẢN HỒ CHÍ MINH

***
Nhiều nhà văn, nhà báo Việt Nam và ngoại quốc muốn viết tiểu sử của vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhưng mãi đến nay, chưa có người nào thành công. Nguyên nhân rất giản đơn: Chủ tịch Hồ Chí Minh không muốn nhắc lại thân thế của mình.
Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, lần đầu tiên tôi trông thấy Hồ Chủ tịch. Đó là một ngày lịch sử. Ngày hôm ấy, đứng trước rất đông quần chúng hoan hô nhiệt liệt, Hồ Chủ tịch trang nghiêm đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Ngày thứ hai tôi viết thư xin phép được gặp Hồ Chủ tịch. Ngay chiều hôm ấy, tôi rất sung sướng nhận được thư trả lời của Hồ Chủ tịch viết như thế này:
“Ngày mai 7 giờ 30 mời chú đến”
Ký tên: HỒ CHÍ MINH
Thư trả lời chóng, nội dung thư giản đơn và giờ hẹn gặp sớm khiến tôi rất băn khoăn.
Sáng ngày mồng 4 tháng 9, 7 giờ 25, tôi đến dinh Chủ tịch. Đúng 7 giờ 30, một người thanh niên đến phòng khách, lễ phép nói với tôi: “Hồ Chủ tịch đang đợi anh ở phòng làm việc”. Phòng làm việc của Chủ tịch là một gian phòng rất rộng, một bên có nhiều cửa sổ lớn.
Trong phòng có một cái bàn làm việc, một chiếc giường, một tủ sách nhỏ kê sát vào tường, và hai bàn nhỏ của hai thư ký. Phía trên lò sưởi, có một lọ hoa. Đây là tất cả những đồ trong phòng làm việc, không có một thứ trang trí gì khác.
Hồ Chủ tịch thường mặc bộ quần áo ka ki, đi giày vải đen. Tóc Người đã hoa râm, trán rộng và cao, đôi mắt sáng ngời, mũi thẳng, râu che nửa miệng, mặt gầy, da ngăm ngăm đen, khiến ta nghĩ đến sương gió dãi dầu trong rừng sâu và những nỗi gian khổ của chiến tranh du kích.
Lần mới gặp, tôi có cảm giác Người giống một thầy giáo ở nông thôn.
Tôi bước vào phòng kính cẩn chào. Chủ tịch đứng dậy bắt tay tôi và mời ngồi trước bàn làm việc. Trước hết, Người hỏi thăm sức khỏe của thầy mẹ tôi và sau mới nói: “Tôi có thể giúp chú việc gì nào?”. Tôi nói rõ mục đích của tôi. Chủ tịch chú ý nghe. Sau khi tôi nói xong. Người cười và đáp:
“Tiểu sử. Đấy là một ý kiến hay. Nhưng hiện nay còn nhiều việc cần thiết hơn. Rất nhiều đồng bào đang đói khổ. Sau tám mươi năm nô lệ, nước ta bị tàn phá, bây giờ chúng ta phải xây dựng lại. Chúng ta nên làm những công việc hết sức cần kíp đi đã! Còn tiểu sử của tôi… thong thả sẽ nói đến!”
Tôi như chạm phải một bức tường. Nhưng tôi không thất vọng.
Về sau tôi đặt kế hoạch khác:
Phương pháp trực tiếp, nghĩa là nói chuyện thẳng thắn với Hồ Chủ tịch để có tài liệu, điều ấy đã không thành. Sau khi suy nghĩ kỹ càng, tôi mới hiểu là phương pháp ấy không thể không thất bại. Một người như Hồ Chủ tịch của chúng ta, với đức khiêm tốn nhường ấy và đương lúc bề bộn bao nhiêu công việc, làm sao có thể kể lại cho tôi nghe bình sinh của Người được?

Mời các bạn đón đọc  Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh của tác giả Trần Dân Tiên.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.