Năm 1961, nhà văn Nguyễn Tuân viết lời bạt cuốn “Sống mãi với thủ đô” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Cho tới nay, đây vẫn là tác phẩm xuất sắc về những ngày Toàn quốc kháng chiến.
Tôi thấy Aragon thiệt là một nhà thơ đa cảm công tâm và đôn hậu khi ông nhắc tới công lao của thi hào Victor Hugo đã lấy văn thơ ra mà góp vào cho tất cả những hoa lệ diễm huyền của thủ đô Paris. Paris và thi sĩ nó là Victor Hugo cài răng lược vào nhau trên trang lịch sử dã sử của thế kỷ 19. Paris là một nguồn cảm xúc của thơ truyện Victor Hugo cũng như thi hào đó là cái hồi quang của thủ đô nọ.
Cho nên giữa ngày sinh nhật Paris lịch sử ngàn đời, thi sĩ Aragon đã nổi đoá lên giữa mặt bọn Mỹ hống hách trên đất nước Paris, trâng tráo bịp bợm rót một lọ nước sông Hoa Kỳ vào lòng nước sông Xen ngụ ý kết nghĩa, và rồi bứng tượng Victor Hugo đi, dựng lên cái bệ đó một mẫu xe ô-tô Ford. Và Aragon đã làm cho bọn Mỹ phải vô vọng khi ông nói rằng Paris còn thì Victor Hugo vẫn còn trong lòng người Paris người Pháp, không có thứ Ford nào điền vào đấy được.
Ở đây, về đề tài thủ đô Hà Nội không phải tôi muốn ví công lao văn chương của Nguyễn Huy Tưởng với lại sự nghiệp Victor Hugo, mà tôi chỉ muốn nêu lên một điển hình như tôi thấy được là: Thủ đô Hà Nội ta thọ gần ngàn tuổi, nhưng đã được bao nhiêu trang quốc văn kể cả chữ Hán viết về nó, cho nó, vì nó?
Tôi không khi nào phủ nhận công ơn những nhà thơ những nhà ký sự tiền bối nữ cũng như nam đã phần nào truyền thần lại cho tôi cái diện sắc của Hà Nội chúng ta, nhưng tôi vẫn phải nhận định rằng tất cả những giấy mực những vần những chương ấy còn là giản lược gầy guộc lắm.
Gần đây nghiên và cứu cho thủ đô, đã có sách dày và những tập có hệ thống. Nhưng đó là một điều đáng vui hay không đáng vui, khi đọc đến nhiều đoạn lại thấy đó như là những cái chi chi ở đâu đâu chứ không phải là những điều của thành phố của tôi, – một cái thành phố bậc nhất của Tổ quốc nó có cái phong độ đặc sắc của nó với tất cả những ưu điểm nhược khuyết điểm của những con người của nó, nó có những thói quen phố phường của nó, nó có những thói tục những tập truyền của nó, nó có những tang hải hưng vong riêng của nó, nó có khí hậu riêng biệt của nó, tóm lại là cái tâm hồn của nó.
Xin lỗi, anh đừng tưởng người làm sử người tra sử là người không cần đến nhỡn lực và bút lực của một nhà thơ nhá! Nói thật đấy, thủ đô Hà Nội vẫn thắp đèn điện chờ một nhà thơ trữ tình của nó.
Cho nên trở lại tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô bị đứt đoạn ngoài ý định của Nguyễn Huy Tưởng, tôi vẫn thấy quý tác giả nó đã gây lại cho tôi phần nào cái khí hậu của thủ đô cũ, cái khí hậu khí tượng của Hà Nội chúng ta cách đây mười lăm năm.
Viết về đề tài thủ đô, Nguyễn Huy Tưởng có hai vở kịch, một tiểu thuyết và một kịch bản phim truyện. Kịch Vũ Như Tô viết ra năm 1941 lấy Thăng Long đầu thế kỷ 16 làm nền. Kịch Những người ở lại viết ra năm 1948 lấy thủ đô năm đầu Toàn quốc Kkáng chiến làm nền.
Tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô và kịch bản phim truyện Luỹ hoa đều trực diện tả cuộc chiến đấu quyết tử của Hà Nội vùng lên đêm 19 tháng Chạp 1946. Trong năm 1958 truyện dài viết xong một nửa, gác lại đấy, mà đi viết sang kịch phim xong năm 1959. Tức là kịch bản phim truyện viết chen vào tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô.
Bốn tác phẩm kịch nói kịch phim truyện dài đều bừng bừng cháy lên cái lửa lịch sử của Hà Nội, và cũng bừng bừng cháy theo lên cái tình của một con người văn sĩ thủ đô. Ở một nhà văn nhất là văn ta, đây cũng là một điều đáng biết đến, khi chúng ta thấy rằng Nguyễn Huy Tưởng đã nhiều lần hoài bão đề tài thủ đô.
Mang nặng một đề tài và chủ đề mỗi lần có khác đi, Nguyễn Huy Tưởng đã thai nó sinh hạ nó lên giấy, có lần đẻ non, có lần đủ tháng, lại có lần đẻ rơi, chết rồi mà đứa con tinh thần vẫn lọt lòng và có đứa lại nửa đời nửa đoạn như truyện Sống mãi với thủ đô đây.
Tôi có lúc phải nghĩ vớ vẩn rằng giá mà Nguyễn Huy Tưởng được như cái anh trong truyện thần thoại tự mình rút dây ở cuốn chỉ số mệnh mình, rút đến đâu là thêm sự giảm thọ đến đấy và sẽ rút cho đến cái đầu mối cuối cùng tức là chết, giá mà Nguyễn Huy Tưởng biết mình đang rút đến gần cái đầu mối cuối cùng cuốn chỉ, thì tôi tin rằng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng không bao giờ lại đi quơ sang truyện phim mà bỏ trơ lại đấy lũ nhân vật Sống mãi với thủ đô hữu sinh vô hậu của mình.
Tôi gấp lại tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô chưa đáng phải gấp lại. Thấy tủi tủi cho lũ nhân vật tiểu thuyết kia đang ngơ ngác giữa cái ngã tư nghệ thuật như là đang ngóng chờ sự chỉ đường nào của một bạn công an cảnh giới trật tự.
Bên ngọn đèn đêm mà đề tựa sách cho một nhà văn đã lên đường rồi, nghe rúc nhịp còi dồn toa tàu ga Hàng Cỏ, tôi như nghe thấy những tiếng lao xao của một đám hành khách bị nhỡ tàu. Mà những linh hồn nhỡ tàu đó nhìn lại thì cũng chỉ là cái bọn nhân vật đã lấy vé rồi của Nguyễn Huy Tưởng.
Tôi biết rằng một số nhà tiểu thuyết trong văn học thế giới hay có một lời tự bạt sau tác phẩm mình, và có người đặt tên cho tự bạt là “Lời giối giăng cùng những nhân vật tôi tạo ra”.
Lúc vĩnh biệt đó, con người tác giả kia thật sự có một cái trống rỗng man mác của một người vừa kết thúc cho một cái gì, thật sự có một nỗi bâng khuâng như anh địa chất giao lại mỏ mình tìm ra cho người khác kinh doanh và mình thì lại từ hôm nay đi sang một vỉa sống khác, thật sự có mỗi nỗi châng hẫng lặng tờ trên giấy lạnh, sau bao nhiêu mè nheo xâu xé, và than vãn ngờ sợ, và hứng khởi tin yêu đời của một lũ nhân vật túi bụi hừng hực vào một cuộc ồn ào mấy trăm trang sống.
Lúc chia tay với nhân vật mình ở tự bạt, cái anh soạn tiểu thuyết tự cho mình như một gia trưởng nào dặn dò lũ cháu con từ phút đó phải lập lấy thân trong cõi văn học, hay dở khen chê là do công luận của thiên hạ, và trách nhiệm sinh dưỡng của mình đối với chúng đến đó có thể coi như là đoạn hết. Để cho chúng chuyển sang những thử thách của trường đời của trận bút.
Viết đến dòng chia tay nhân vật tức là cái giọt tơ cuối cùng của ruột tằm, lúc đó nhà tiểu thuyết có cái chua xót của mọi cuộc giã từ, nhưng cũng có cái lý thú hồi hộp của những người từng được làm vợ làm chồng làm bố làm mẹ của cái lũ nhân tình lũ cháu con ra đi tìm cửa văn học kia.
Thật cũng là một điều ấm ức thay cho Nguyễn Huy Tưởng không kịp ra viện mà về tác thành nốt cho những con người Sống mãi với thủ đô và bảo ban chúng một lần cuối cùng.
Nguyệt san Nghiên cứu văn học số 10/1960 trong bài đánh giá văn nghiệp Nguyễn Huy Tưởng có những câu: “Kịch phim Luỹ hoa đã viết xong, nhưng Hà Nội Liên khu Một (một trong những tên cũ của truyện dài Sống mãi với thủ đô – ND) chưa hoàn thành. Sự nghiệp sáng tác của anh như bài thơ dài chưa kết thúc, bài thơ đầy tình nghĩa giàu sức chiến đấu, cất lên cùng một nhịp với những bước đi của cách mạng”.
Thơ bà Hằng Phương lại có những dòng:
“Trung đoàn in dấu LUỸ HOAHồ Gươm ngấn nước chưa nhoà bóng anh!”
Và trong bài thơ gửi hương hồn Nguyễn Huy Tưởng của nhà tiểu thuyết Nguyên Hồng, lại còn day dứt và gợi trêu hơn nữa:
“Đường ta đi hôm nayChim trắng bay rờn trước sóng khơi
Chim trắng mang trời xa biển cả
Và những nụ cười hé nở
Những nụ cười vẫn còn máu rỏ
Của những dòng thơ lên chữ lìa đời
Của những ngàn trang tiểu thuyết buông rơi.”
Cầm bút viết nhời giới thiệu tiểu thuyết Nguyễn Huy Tưởng bị đứt quãng như tất cả mọi công trình nghệ thuật dở dang bao giờ cũng để lại cho người sau một nỗi thòm thèm, một nỗi tấm tức trong tiếc thương, riêng về phần tôi, tôi chưa làm được cái việc phân tích và nhận xét nhân vật của lũ người mới sơ sinh trong Sống mãi với thủ đô.
Công việc chua sinh chua tử đó, tôi tin rằng có những Nam Tào Bắc Đẩu văn truyện sẽ có những lời phán xét thiệt là hùng hồn. Phần tôi viết bạt, tôi coi tiểu thuyết này như một bức tranh nhiều khả năng gợi cảm mà tôi chỉ mong được làm một người thợ mộc cố tìm cho tác giả nó một bộ khung tương xứng bằng gỗ tốt gỗ quý.
Nếu có ai quá yêu Nguyễn Huy Tưởng mà còn ví những lời lời của 36 chương truyện đã viết xong kia là một chuỗi hạt tô điểm thêm cho cái cổ còm gầy của văn chương về thủ đô Hà Nội, thì tôi cho rằng tôi cũng vừa gò xong được một hộp nhung hồng may ra vừa mắt vừa lòng anh bạn đọc kia vậy.
Mời các bạn đón đọc Sống Mãi Với Thủ Đô của tác giả Nguyễn Huy Tưởng.
Chia sẻ ý kiến của bạn