Miền đất hứa của tôi là cuộc phiêu lưu cá nhân của một người Israel, băn khoăn trước ngập tràn biến cố lịch sử trên quê hương mình. Đây là một hành trình vượt không gian và thời gian của một người sinh ra tại Israel, nhằm khám phá câu chuyện đại sự của dân tộc mình. Thông qua lịch sử gia đình, lịch sử cá nhân và các bài phỏng vấn sâu, Shavit đã cố gắng tiếp cận câu chuyện sâu xa hơn và những câu hỏi sâu sắc hơn về Israel, về sự định hình tương lai của người Do Thái.
Đây là một trong những cuốn sách quan trọng và có tác động mạnh mà Ari Shavit viết nhằm phục hồi cảm giác về thực tính của Israel và say sưa với nó, để khôi phục lại sự hùng vĩ của một thực tế đơn giản trong cái nhìn đầy đủ về các sự kiện phức tạp. Miền đất hứa của tôi gây ngạc nhiên về nhiều mặt, nhất là việc nó tương đối ít chú trọng tới việc cung cấp cho người đọc các thông tin về chính trị. Shavit, nhà bình luận trong ban biên tập của Haaretz, có một tư duy độc lập, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ học thuyết nào. Ông viết không để ca ngợi hay đổ lỗi, dù trong quá trình ấy ông đã làm cả hai điều này, thay vào đó, với sự uyên bác và tài hùng biện; ông viết để quan sát và phản ánh.
Đây là cuốn sách ít thiên vị nhất về Israel. Một cuốn sách Phục quốc Do Thái nhưng không bị kích động bởi chủ nghĩa phục quốc. Nó nói về toàn thể trải nghiệm Israel. Shavit đắm mình trong toàn bộ lịch sử của đất nước mình. Dù một số sự kiện trong đó làm ông tổn thương, song không gì là xa lạ đối với ông. Ông đã viết một chương xuất sắc về chính trị gia tham nhũng nhưng đầy sức hút, Aryeh Deri, và sự trỗi dậy trên chính trường của tôn giáo dòng Sephardi tại Israel, qua đó minh họa rõ nét tầm hiểu biết của mình.
Tuy nhiên thật may đây không phải là một cuốn hồi ký; nó là một cuộc điều tra được viết với văn phong gần gũi. Shavit khám phá xã hội của ông với sự tỉ mỉ của một người đàn ông cảm thấy bản thân mình gắn với số phận của nó, và ông không ngần ngại nói về sự tan rã của nước cộng hòa Israel trong những năm gần đây.
Theo quan sát của ông “Trong vòng chưa đầy 30 năm, Israel đã trải qua bảy cuộc nổi loạn trong nước khác nhau: cuộc nổi dậy của người định cư, các cuộc nổi dậy hòa bình, cuộc nổi dậy vì tự do tư pháp, cuộc nổi dậy phương Đông, cuộc nổi dậy của dòng Chính thống cực đoan, cuộc nổi dậy của chủ nghĩa khoái lạc cá nhân và cuộc nổi dậy của người Israel gốc Palestine.” Ông lo lắng, có lẽ có phần hơi quá, rằng đất nước ông đang tan rã: “Quốc gia khởi nghiệp này phải tự khởi động lại”. Chắc chắn là không có tình tiết giảm nhẹ nào cho sự bất bình đẳng kinh tế và xã hội mà ông mô tả, hoặc những xáo trộn hoàn toàn các chính sách định cư trong vùng lãnh thổ mà Israel có một mối quan tâm khẩn cấp và lâu dài trong việc di tản.
Nhưng những lời khuyên và khích lệ của Shavit rằng “luận điểm cũ về nghĩa vụ và sự cam kết đã được thay thế bằng một luận điểm mới về sự phản kháng và chủ nghĩa khoái lạc”, và “thách thức trước mắt là thách thức giành lại quyền lực quốc gia”, là u ám và khắc nghiệt hơn so với giọng văn đầy nhiệt huyết và phóng khoáng trong cuốn sách. Và khái niệm “quyền lực quốc gia” thì đi kèm với những mối liên hệ không mấy hấp dẫn. Vùng đất hỗn loạn và ồn ào trong Miền đất hứa của tôi sẽ không thể được chữa lành chỉ với những cố gắng đơn thuần để đưa nó trở lại bình thường như trước đây.
***
NHỮNG DẤU CHẤM HỎI
Những gì tôi còn nhớ được là nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hãi mang tính sinh tồn. Nơi tôi lớn lên – Israel giữa thập niên 1960 – đầy nghị lực, nhiệt huyết, và hy vọng. Nhưng tôi luôn cảm thấy đằng sau những ngôi nhà đẹp đẽ với bãi cỏ phía trước nhà của tầng lớp thượng lưu thành phố quê hương tôi là một đại dương tăm tối. Tôi lo sợ có ngày đại dương tăm tối đó sẽ trào dâng và nhấn chìm tất cả chúng tôi. Một trận sóng thần như trong thần thoại sẽ đập vào bờ và cuốn Israel của tôi đi. Nó sẽ thành một Atlantis(1) nữa, chìm sâu dưới đáy biển.
Một sáng tháng 6 năm 1967, khi tôi chín tuổi, tôi đến bên cha dang cạo râu trong nhà tắm. Tôi hỏi ông, liệu người Ả-rập có thắng không. Liệu người Ả-rập có chinh phục Israel của chúng ta hay không? Liệu họ có ném tất cả chúng ta xuống biển không? Vài ngày sau, Chiến tranh Sáu ngày(2) bắt đầu.
Tháng 10 năm 1973, tiếng còi báo động của thảm họa bắt đẩu rền rĩ. Tôi đang bị cúm, phải nằm trên giường sau buổi trưa ngày lễ Yom Kippur(3) yên tĩnh, khi những chiếc phản lực F-4 đang xé nát bầu trời. Chúng bay ở độ cao 500 feet(4) trên mái nhà chúng tôi hướng đến kênh đào Suez, chống lại lực lượng xâm lược Ả-rập bất ngờ đánh chiếm Israel. Nhiều chiếc, trong đó đã không bao giờ trở lại. Lúc đó tôi 16 tuổi, sững sờ khi nghe tin quân đội Israel thua trận tại sa mạc Sinai và Cao nguyên Golan. Trong 10 ngày kinh hoàng này, dường như nỗi sợ hãi ban sơ của tôi đã được chứng minh. Israel đang nguy nan. Những bức tường của Ngôi đền Thứ ba(5) của người Do Thái đang rung lắc.
Tháng 1 năm 1991, Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất bùng nổ. Tel Aviv bị tên lửa SCUD của Iraq bắn phá. Có người còn lo lắng về khả năng Israel bị tấn công bằng vũ khí hóa học. Trong nhiều tuần, người dân Israel mang theo mặt nạ phòng độc khi đi lại. Thi thoảng, khi có cảnh báo là đầu đạn tên lửa đã được bắn ra, chúng tôi liền đeo mặt nạ chui vào những căn phòng bịt kín. Mặc dù sau đó hóa ra không phải, nhưng có điều gì đó khủng khiếp về thứ nghi lễ kỳ quái này vẫn đọng lại. Tôi lắng nghe âm thanh còi báo động, và hoang mang nhìn vào đôi mắt kinh hãi của người thân nhốt trong những chiếc mặt nạ chống độc do Đức sản xuất.
Tháng 3 năm 2002, một làn sóng khủng bố làm Israel lo lắng. Hàng trăm người chết khi những đối tượng đánh bom cảm tử Palestine tấn công các xe buýt, câu lạc bộ đêm, và trung tâm mua sắm. Một đêm, khi tôi đang viết bài nghiên cứu về Jerusalem thì nghe một tiếng nổ lớn. Tôi nhận ra chắc là ở quán bar trong khu nhà tôi. Tôi chộp lấy tập giấy viết và lao ra phố. Ba chàng trai – ngồi trong quán trước những vại bia vơi một nửa – đã chết. Một phụ nữ nhỏ nhắn chết gục trong góc. Những người bị thương thì đang gào thét và khóc lóc. Khi nhìn vào địa ngục xung quanh trong ánh đèn sáng rực của quán bar đã nổ tung, tôi – một nhà báo – tự hỏi: Cái gì sẽ đến? Chúng tôi có thể chịu đựng được sự điên rồ này bao lâu nữa? Liệu có lúc nào sinh lực sống đầy tự hào của người Israel chúng tôi sẽ phải đầu hàng các thế lực gây chết chóc đang cố gắng hủy diệt mình?
Chiến thắng quyết định trong cuộc chiến năm 1967 đã xua tan những nỗi sợ trước chiến tranh. Sự phục hồi vào các thập niên 1970 và 1980 đã chữa lành vết thương sâu của năm 1973. Tiến trình hòa bình thập niên 1990 đã hàn gắn thương tích năm 1991. Sự thịnh vượng cuối thập niên 2000 đã che đậy nỗi kinh hoàng của năm 2002. Chính xác là do ít hiểu biết, nên người Israel chúng tôi cứ khăng khăng tin vào bản thân, tin vào quốc gia-dân tộc và tương lai của mình. Nhưng qua nhiều năm, nỗi sợ hãi câm lặng của tôi vẫn không bao giờ qua di. Dù bàn bạc hay biểu đạt nỗi sợ hãi này là điều kiêng ky, nhưng nó vẫn luôn đeo bám tôi mọi nơi. Các thành phố của chúng tôi dường như được xây trên cát trượt. Nhà ở của chúng tôi dường như không bao giờ vững chắc hoàn toàn. Ngay cả khi dân tộc tôi trở nên mạnh mẽ và giàu có hơn, tôi vẫn cảm thây nó dễ bị tổn thương. Tôi nhận ra chúng tôi thường xuyên bị nguy hiểm đe dọa. Vâng, cuộc sống của chúng tôi tiếp tục sôi động, giàu có, và hạnh phúc về nhiều mặt. Israel tạo nên một cảm giác an toàn xuất phát từ thành công về vật chất, kinh tế, và quân sự. Sinh lực sống hằng ngày của chúng tôi thật thần kỳ. Nhưng vẫn luôn tồn tại nỗi sợ, rằng một ngày nào đó cuộc sống thường nhật sẽ tê liệt như ở Pompeii(6). Quê hương yêu dấu của tôi sẽ vụn nát khi đội quân Ả-rập khổng lồ hoặc lực lượng Hồi giáo hùng mạnh vượt qua hàng phòng thủ và xóa sổ sự tồn tại của nó.
Những gì tôi còn nhớ được là sự chiếm đóng. Chỉ một tuần sau khi tôi hỏi cha, liệu các nước Ả-rập có chinh phục Israel không, thì Israel đã chinh phục những vùng đất người Ả-rập cư trú ở Bờ Tây và Gaza. Một tháng sau, cha mẹ, em trai và tôi bắt đầu một chuyến đi gia đình đến các thành phố bị chiếm đóng là Ramallah, Bethlehem, và Hebron. Đi qua nơi nào chúng tôi cũng thấy dấu tích của những chiếc xe jeep, xe tải và xe quân sự Jordan bị cháy. Những lá cờ trắng đầu hàng treo trên hầu hết các ngôi nhà. Một số con phố bị chặn lại bằng những xác xe hơi Mercedes đen vốn sang trọng nhưng đã biến dạng do xe tăng Israel nghiến lên. Nỗi sợ hãi hiện ra trong đôi mắt những dứa trẻ Palestine bằng và ít tuổi hơn tôi. Cha mẹ chúng xem ra đã bị đánh bại và bẽ mặt. Trong vài tuần, người Ả-rập hùng mạnh đã biến thành nạn nhân, còn người Israel bị nguy cấp lại trở thành kẻ chinh phục. Quốc gia Do Thái giờ đây hân hoan chiến thắng, tự hào và say sưa với cảm giác cuồng nhiệt về sức mạnh.
Khi tôi ở tuổi vị thành niên, mọi thứ còn tốt đẹp. Chúng tôi hiểu chung chung rằng việc chiếm đóng quân sự là nhân đạo. Israel hiện đại đã mang đến sự tiến bộ và phồn vinh cho các vùng đất Palestine. Giờ đây, những người láng giềng lạc hậu của chúng tôi đã có điện, nước máy, và sự chăm sóc y tế mà họ chưa bao giờ có trước đây. Họ cần phái nhận thức được rằng cuộc sống của họ chưa bao giờ tốt đến vậy. Chắc chắn họ biết ơn vì những gì chúng tôi dành cho họ. Và khi hòa bình được thiết lập, chúng tôi sẽ trả lại phần lớn các lãnh thổ đã chiếm đóng. Nhưng lúc này, mọi thứ trên Đất Israel đều ổn cả. Trên khắp đất nước, người Ả-rập và Do Thái chung sống, bình yên, và sung túc.
Chỉ khi đi lính tôi mới hiểu được có điều gì đó không ổn. Sáu tháng sau khi gia nhập lữ đoàn dù ưu tú của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF),(7) tôi được điều động đến chính những thành phố bị chiếm đóng mà mình đã đi qua lúc còn bé 10 năm trước. Giờ thì tôi bị phân công làm những nhiệm vụ bẩn thỉu: kiểm tra, quản thúc tại gia, giải tán biểu tình bằng bạo lực. Điều làm tôi tổn thương nhất là đột nhập vào những ngôi nhà, lôi các chàng trai ra khỏi giường ấm nệm êm đi thẩm vấn lúc nửa đêm. Thứ quái quỷ gì đang xảy ra thế này, tôi tự hỏi. Tại sao tôi lại bảo vệ tổ quốc mình bằng cách hành hạ những thường dân đã bị tước đoạt quyền và tự do? Tại sao Israel của tôi lại chiếm đóng và đàn áp dân tộc khác?
Vì vậy, tôi trở thành người phản chiến. Trước tiên, với tư cách một người hoạt động xã hội trẻ tuổi và sau là nhà báo, tôi đã hăng hái đấu tranh chống lại sự chiếm đóng. Trong thập niên 1980, tôi phản đối việc thiết lập các khu định cư trên lãnh thổ Palestine. Thập niên 1990, tôi ủng hộ sự thành lập nhà nước Palestine do Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO)(8) lãnh đạo. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, tôi tán thành việc Israel đơn phương rút khỏi Dải Gaza. Nhưng hầu hết các chiến dịch chống lại sự chiếm đóng mà tôi tham gia cuối cùng đều thất bại. Gần nửa thế kỷ sau chuyến đi đầu tiên của gia đình tôi ở Bờ Tây bị chiếm đóng, Bờ Tây vẫn bị chiếm đóng. Như khối u ác tính, chiếm đóng trở thành một phần không tách rời trong sự tồn tại của nhà nước Do Thái. Nó cũng đổng thời trở thành một phần không tách rời trong cuộc đời tôi với tư cách một người Israel. Mặc dù tôi phản dối sự chiếm đóng, nhưng tôi cũng chịu trách nhiệm về sự chiếm đóng này.
Tôi không thể phủ nhận sự thật hoặc chạy trốn sự thật là dân tộc mình đã trở thành một dân tộc đi chiếm đóng.
Mãi đến vài năm trước, tôi đột nhiên nhận ra rằng nỗi sợ hãi mang tính sinh tồn liên quan đến tương lai dân tộc mình không tách rời tổn thương về đạo đức liên quan đến chính sách chiếm đóng của đất nước mình. Một mặt, Israel là dân tộc duy nhất ở phương Tây đi chiếm đóng dân tộc khác. Mặt khác, Israel là dân tộc duy nhất ở phương Tây bị đe dọa sự tồn tại. Cả sự chiếm đóng lẫn sự đe dọa đều khiến tình trạng của Israel trở nên đặc biệt. Đe dọa và chiếm đóng trở thành hai trụ cột trong tình trạng của chúng tôi.
Phần lớn các nhà quan sát và phân tích phủ nhận tính hai mặt này. Những người cánh tả đề cập sự chiếm đóng và không chú ý đến sự đe dọa, trong khi những người cánh hữu chú tâm vào sự đe dọa và bỏ qua sự chiếm đóng. Nhưng sự thật là nếu không kết hợp cả hai yếu tố trong một thế giới quan, thì không thể hiểu hết Israel hay cuộc xung đột Israel-Palestine. Bất kể cách tư duy nào không gắn với hai điểm cốt lõi này, chắc chắn đều không đầy đủ và vô dụng. Chỉ có cách tiếp cận thứ ba mới thực tế, xem xét cả việc đe dọa và chiếm đóng, biết phải trái và nhìn nhận đúng lịch sử Israel.
Tôi sinh năm 1957 tại thành phố đại học Rehovot. Cha tôi là nhà khoa học, mẹ là nghệ sĩ, và trong số những người sáng lập ra tổ chức Zion(9) có các cụ của tôi. Giống như phần lớn thanh niên Israel, tôi đi nghĩa vụ quân sự ở tuổi 18, tham gia lực lượng nhảy dù, và khi hoàn thành nghĩa vụ, tôi học triết tại Đại học Hebrew ở Jerusalem, nơi tôi tham gia phong trào hòa bình và sau đó là phong trào nhân quyến. Từ năm 1995, tôi viết cho tờ báo tự do hàng đầu của Israel, Haaretz. Mặc dù tôi luôn ủng hộ hòa bình và ủng hộ giải pháp hai quốc gia,(10) nhưng tôi dần nhận thấy những khiếm khuyết và thành kiến của phong trào hòa bình. Hiểu biết của tôi về sự chiếm đóng và đe dọa khiến tiếng nói của tôi có phần khác với mọi người trên truyền thông. Là người phụ trách chuyên mục, tôi thách thức các giáo điều của cả cánh hữu lẫn cánh tả. Tôi biết rằng không có câu trả lời đơn giản cho Trung Đông, và cũng không có giải pháp tình thế cho mâu thuẫn Israel-Palestine. Tôi nhận ra tình huống của Israel là vô cùng phức tạp, có lẽ thậm chí còn bi thương nữa.
Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, Israel đã hành động hiệu quả. Khủng bố lắng xuống, công nghệ cao bùng nổ, cuộc sống hằng ngày sôi động. Về mặt kinh tế, Israel đã trở thành mãnh hổ. Để tồn tại, đất nước này đã trở nên mạnh mẽ, đầy sinh lực, sáng tạo và thích hưởng thụ. Nhưng đằng sau ánh sáng rực rỡ của câu chuyện thành công phi thường, lo lắng đang dâng trào. Mọi người bắt đầu lên tiếng hỏi những câu mà suốt đời tôi đã luôn tự hỏi. Giờ không chỉ là chính trị phe tả hay phe hữu nữa. Cũng không chỉ là thế tục đối lập với tôn giáo. Có điều gì đó sâu xa hơn đã xảy ra. Nhiều người Israel không an lòng với Israel mới nổi. Họ tự hỏi liệu mình còn thuộc về quốc gia Do Thái nữa hay không. Họ đã mất niềm tin vào khả năng chịu đựng của Israel. Một số đã lấy hộ chiếu nước ngoài; một số gửi con đi du học. Tầng lớp thượng lưu nhìn thấy một lựa chọn khác bên cạnh lựa chọn Israel. Dù phần lớn người Israel vẫn yêu quê hương và mừng vui với phúc lành của dân tộc, nhưng nhiều người đã mất niềm tin vững chắc vào tương lai đất nước.
Khi thập niên thứ hai của thế kỷ 21 bắt đầu, có năm vấn đề khác nhau gây hoài nghi về khát vọng sống tham lam của Israel: quan niệm rằng xung đột Israel-Palestine có thể không giải quyết được trong tương lai gần; lo ngại rằng quyền bá chủ chiến lược khu vực của Israel bị thách thức; e sợ rằng tính hợp pháp của nhà nước Do Thái bị xói mòn; quan ngại rằng xã hội Israel vốn đã biến đổi sâu sắc giờ lại bị phân chia và phân cực, nền tảng dân chủ-tự do của đất nước đang sụp đổ; và nhận thức rằng chính phủ yếu kém của Israel không thể giải quyết triệt để những thách thức nghiêm trọng như chiếm đóng và rạn nứt xã hội. Mỗi vấn đề ở đây đều ẩn chứa một mối đe dọa đáng kể, nhưng ảnh hưởng chung của chúng còn gây ra nỗi sợ hãi khủng khiếp hơn. Nếu hòa bình không khả thi, liệu chúng tôi có chống lại được một xung đột kéo dài một thế hệ khi ưu thế về chiến lược bị đe đọa, tính hợp pháp đang mất dần, bản sắc dần chủ đang rạn nứt, và những mâu thuẫn nội bộ đang chia rẽ chúng tôi? Trong khi vẫn đổi mới, quyến rũ và mạnh mẽ, Israel đã trở thành một quốc gia bị nghi ngờ. Cảm giác lo lắng cứ lơ lửng trên mảnh đất này, như cái bóng lớn của một ngọn núi lửa sắp phun trào.
Đây chính là lý do tôi dấn thân vào chuyến đi này. Sáu mươi lăm năm sau khi thành lập, Israel quay lại những câu hỏi chủ chốt. Một trăm lẻ sáu năm sau khi ra đời, chủ nghĩa Zion giờ dang đối mặt với những mâu thuẫn cơ bản của mình. Thách thức giờ đây vượt xa vấn đề chiếm đóng, và củng sâu sắc hơn hẳn vấn đề hòa bình. Điều mà tất cả chúng tôi phải đối mặt là câu hỏi về ba khía cạnh của Israel: Tại sao? Là gì? Sẽ thế nào?
Câu hỏi này về Israel không thể trả lời bằng các bài bút chiến. Vì rất phức tạp, nên nó cũng không tự trở thành vấn đề để tranh cãi và phản đề được. Cách giải quyết duy nhất là kể câu chuyện về Israel. Đây chính là điều tôi cố gắng làm trong cuốn sách này. Theo cách riêng và qua lăng kính chủ quan, tôi đã cố gắng nhìn nhận sự tồn tại của chúng tôi trong một tổng thể, theo cách tôi hiểu. Cuốn sách này là cuộc phiêu lưu cá nhân của một người Israel, bối rối trước biến cố lịch sử ngập tràn trên quê hương mình. Đây là một chuyến đi trong không gian và thời gian của một người sinh ra tại Israel, nhằm khám phá câu chuyện rộng lớn của dân tộc mình. Thông qua lịch sử gia đình, lịch sử cá nhân, và các bài phỏng vấn sâu, tôi sẽ cố gắng nói đến câu chuyện rộng hơn và câu hỏi sâu hơn về Israel. Điều gì đã xảy ra trên quê hương tôi trong hơn một thế kỷ, đưa chúng tôi đến nơi mình đang sống? Chúng tôi đã đạt được điều gì ở đây và vấp phải sai lầm nào ở đây, và chúng tôi đang hướng tới đâu? Cảm giác lo âu sâu sắc của tôi có cơ sở không? Nhà nước Do Thái có thật sự lâm nguy không? Có phải người Do Thái chúng tôi đang mắc kẹt trong một bi kịch tuyệt vọng, hay chúng tôi vẫn có thể hồi sinh, tự cứu mình, và lấy lại được đất đai mà chúng tôi vô cùng yêu quý?
Mời các bạn đón đọc Miền Đất Hứa Của Tôi- Khải Hoàn Và Bi Kịch Của Israel của tác giả Ari Shavit.
Leave a Reply