“Tôi cần một cái khuôn khác, méo mó cũng được!” là chuyến hành trình dài đi tìm bản ngã của tác giả trẻ Lê Bùi Thảo Nguyên.
Với hai mạch truyện đan xen nhau, tác phẩm như một cuốn tự truyện chia sẻ những suy nghĩ, những trăn trở về ý nghĩa của bản thân đối với cuộc sống này.
Cuốn sách là tác phẩm đầu tay của Lê Bùi Thảo Nguyên sau khi nghỉ việc ở một bệnh viện phụ sản lớn nhất nhì miền Nam để đi tìm cho mình một lối đi riêng.
Ngay từ những dòng đầu tiên, độc giả sẽ lạc bước vào trong tâm tư của một cô gái nhìn từ bên ngoài tưởng chừng rất trưởng thành, mạnh mẽ, bình lặng nhưng ở phía sâu thẳm trong tâm hồn, trong suy nghĩ là hố sâu hun hút, gió cuộn sóng trào.
Nguyên bị mắc kẹt, bị giằng xé giữa hai cái khuôn trong một con người. Một cái khuôn do người ngoài tạo nên với hình ảnh Nguyên học giỏi, Nguyên làm tốt, Nguyên có công việc ổn định cùng cơ hội thăng tiến cao. Nguyên ở bệnh viện phải học cách bỏ qua cảm xúc của bản thân, chấp nhận nỗi đau một cách bình thản, không kêu ca, không than vãn nhưng cũng không hạnh phúc.
Và một cái khuôn khác, méo mó, không hoàn hảo, đang đi tìm hình dạng của chính mình, nhưng đó mới chính là con người thật của Nguyên. Một Nguyên chân thành, đầy hào hứng, đầy cảm xúc, mong mỏi được khám phá chân trời rộng lớn, tự mở lấy lối đi, dù là ốc đảo xanh tươi hay sa mạc cằn khô.
“Cuộc sống có nhiều thứ không thể kiểm soát hết được, hãy cứ làm những gì mình cho là đúng, và đảm bảo rằng mình có thể ngủ ngon suốt quãng đời còn lại với những việc làm đó”.
Xuyên suốt cuốn sách, người đọc bước vào dòng cảm xúc được kể đan xen với nhau giữa khoảng thời gian của Nguyên trong ngành Y từ khi đi thực tập đến khi làm việc trong bệnh viện và những ngày tháng Nguyên rong ruổi khắp miền đất nước.
Khi Nguyên bắt đầu những chuyến đi của mình, nhiều người nghĩ Nguyên “hư”, nổi loạn. Nhưng đó không phải sự nổi loạn trong bất chợt. Đó là chuyến hành trình dài để thành thật với bản thân. Đằng sau mỗi chuyến đi, không chỉ là sự trải nghiệm, ngắm nhìn cuộc sống mà còn sự trưởng thành hơn, chậm rãi hơn, kiên nhẫn hơn và thấu hiểu chính mình nhiều hơn cùng những kỷ niệm đầy ắp cảm xúc.
Mỗi địa danh trong câu chuyện của Nguyên không hề hoa mỹ, rực rỡ, đơn giản là một cảm giác rất gần gũi, thân quen. Đó là một Hà Nội nhẹ nhàng, da diết, một Huế cổ kính, êm đềm, cơn lạnh buốt của Đà Lạt thơ mộng hay vùng núi bạt ngàn được phủ đầy sương mờ phía Bắc.
Đồng thời, qua những chia sẻ chân thành của Nguyên, độc giả một phần nào đó thấu hiểu được những khó khăn, vất vả trong ngành y. Những cuộc cấp cứu khẩn giữa đêm khuya, những bệnh nhân không qua khỏi, cảm giác lạnh lẽo và u ám giữa những hành lang hun hút ở bệnh viện cùng nỗi đau tích tụ dần, đè nén, âm ỉ cháy trong lòng. Cũng như cách Nguyên lựa chọn để đối mặt với áp lực công việc, vượt qua ám ảnh nghề nghiệp, tâm lý đè nặng trên đôi bàn tay.
“Nghề của tôi là ngăn chặn những cơn đau và thức canh cho người khác ngủ, nhưng chính bản thân tôi lại thao thức hằng đêm”.
Cuối cùng, sau những ngày tháng trôi nổi vô định giữa thế gian, khi Nguyên quyết định sống thật chính mình cũng là lúc cô tìm thấy ý nghĩa của bản thân. “Cảm giác lúc này hơi giống chuyến đi miền Trung khi vừa mới tốt nghiệp, khác chăng, mọi thứ không còn mông lung, mờ mịt, khi mà tôi biết rõ mình cần làm gì tiếp theo”.
Tôi cần một cái khuôn khác, méo mó cũng được! không chỉ là câu chuyện của một cô gái trong ngành Y mà còn là câu chuyện của mỗi người trẻ vừa mới chập chững bước vào xã hội này. Sự bất công, nỗi đau, cảm giác lạc lõng, cô đơn, chán nản, mong muốn được trốn chạy nhưng cuối cùng cũng phải quay về với thực tế “trần trụi”.
Mỗi người chúng ta ai cũng có một cái khuôn và gói mình theo hình dáng của nó. Và không phải ai cũng đủ can đảm để bước ra khỏi khuôn đó, bước ra khỏi những định kiến, suy nghĩ của người khác gắn cho mình, bước ra khỏi vỏ bọc của bản thân để cất lên tiếng nói từ sâu thẳm. Như Nguyên nói: “Bạn chỉ sống một lần duy nhất, hãy tử tế với bản thân mình, hạnh phúc, rồi những người thật sự yêu thương bạn cũng sẽ hạnh phúc”.
Cách kể chuyện nhẹ nhàng, giản dị của Nguyên sẽ khiến cho tâm hồn người đọc cảm nhận như chính mình đang trải qua những đoạn đường, những cung bậc cảm xúc lẫn lộn. Để rồi, từ đó tạo ra sự đồng điệu, gắn kết, chạm đến trái tim của người đọc, khi mà ai cũng thấy thấp thoáng hình bóng mình trong đó.
Tôi có nhiều hình xăm, khắp người, và chắc sẽ còn nhiều nữa. Cái đầu tiên được “tậu” vào tháng 5/2015.
Những bạn nam từng uống rượu và bia với tôi đều trố mắt “Cậu uống khỏe thật!” Nhiều người, thậm chí còn rất thích ngồi uống với tôi, vì cảm thấy thoải mái, không phải giữ kẽ, vừa có gái để tâm tình, vừa có bạn nhậu, uống được từ đầu cuộc đến tàn canh.
Tôi hút thuốc lá! Không nghiện, chắc chắn thế, có thể cả tháng không hút, nhưng cũng có thể, rít hết một bao, trong vòng 2 tiếng!
Tôi có thể ngủ với rất nhiều đàn ông! Vâng, trên cùng một giường, theo đúng nghĩa đen, là ngủ. Với con dao nắm chặt trong tay, sẵn sàng ăn thua đủ với bất cứ ai muốn chạm vào người mình.
Tôi có thể thay quần áo trong căn phòng có một nam bạn khác, chỉ với yêu cầu bạn ấy quay mặt đi.
Tôi có thể ở nhờ nhà một bạn nam, rồi chui vào phòng bạn ấy, leo lên giường của bạn ấy mà ngủ, với bạn ấy, kệ gia đình bạn ấy nghĩ gì.
Hẳn tôi là đứa vô duyên, nếu nhận là thứ nhì, thì không ai dám nhận thứ nhất.
Và…
Tôi được nuôi dạy rằng, mượn của ai cái gì, thì nhất quyết là phải trả, cho dù đó là miếng giẻ nhàu nhĩ. Thứ gì không phải của mình, tuyệt đối không được lấy.
Khi đã từ chối tình cảm của ai đó, tuyệt nhiên không nhờ họ chở đi đâu chơi, đi ăn, không nhận quà từ họ. Nói chung là không khiến cho họ hy vọng, không “vờn”, không lợi dụng, không biến họ thành osin, bạn, anh trai, em trai, hay bất cứ thứ gì. Họ có quyền được tôn trọng. Tôi từng lỡ tựa đầu vào vai một người thương mình, bảo họ đừng đi, và khóc trước mặt họ, chỉ thế thôi. 5 năm trôi qua, mỗi lần nghĩ đến, tôi vẫn cảm thấy rất có lỗi với người đó. Vì rõ ràng, tôi không có tình cảm với họ. Vì suýt nữa, tôi đã gật đầu, để khỏa lấp nỗi đau, bởi một người khác, cho dù cái “suýt” ấy chỉ mới lướt qua trong suy nghĩ.
Tôi cảm thấy buồn nôn, khi phải cố tỏ ra là “ngoan”, theo tiêu chuẩn của mọi người: Con gái phải nhu mì, phải yểu điệu thục nữ, phải yếu đuối, để người khác chở che thậm chí phải “thủ đoạn”, phải “diễn”, để đổi lấy sự quan tâm vụn vặt, từ người khác, từ người mình thương.
Tôi sợ làm người khác tổn thương, hay là buồn, hay là lo lắng, nhất là đối với người tôi thương. Nên, mỗi lời nói hay hành động mà tôi quyết định làm họ đau, cũng chính là, tự hủy hoại mình.
Tôi không nói dối được, nhất là những lời nói dối để làm lợi cho mình. Có người từng nói, “thật” quá sẽ khổ lắm.
Đã rất nhiều lần, tôi muốn mình tan biến đi cho xong, chứ đi ngược dòng, va phải hết người này đến người kia, đau lắm. Dĩ nhiên đó chỉ là suy nghĩ trong vài ba phút yếu đuối, lạc lòng mà thôi.
Sống mà cứ mãi làm một con số nguyên tố chẳng dễ chút nào. Nhưng, rũ bỏ hết trách nhiệm của mình với những hợp số xung quanh để trốn, lại sợ họ sẽ buồn.
Tôi vẫn luôn làm tốt những điều người khác giao cho mình, tôi tự tin nói như vậy. Cho nên, chưa ai từng hỏi tôi có vui không, tôi thực sự muốn gì. Họ chỉ bảo sao, tôi làm tốt vậy, nên thực sự thấy tiếc, khi tôi dừng lại.
Nếu tiếp tục, Nguyên sẽ thành công đấy, sẽ tiến xa, sẽ leo cao đấy!
Nếu tiếp tục, Nguyên sẽ vỡ tan ra đấy!
*
Với tôi, khi mình thương một người, cho dù người ta có ghét mình đi chăng nữa, thì dù một lời buông lơi với người đàn ông khác thôi, cũng đã là phản bội, chính trái tim mình.
Tôi từng cố buông thả bản thân, cố im lặng để cho một người đàn ông chạm vào mình, trần trụi, để rồi đến cuối cùng, đẩy họ ra, “Em không làm được!” Sau đó, nhốt mình rất lâu trong nhà tắm, nôn mửa, kỳ cọ, tự ghê tởm mình.
Trên những cung đường, tôi hay bắt gặp những ánh mắt thảng thốt nhìn mình. Người lịch sự thì bảo em là con gái mà “gan”, dám đi một mình. Vài người khác buông một chữ “liều”, rồi tặc lưỡi lắc đầu. Có lần, đứng trong bếp nhà cậu bạn ở xa Sài Gòn gần 2000 kilômét, bác cậu ý tứ nhỏ nhẹ: “Bố mẹ trong Nam cho con gái đi như vậy chứ ngoài này không có đâu.” Trong rất nhiều cuộc nói chuyện, sau khi tìm mọi cách thuyết phục rằng cách sống của tôi là sai nhưng thất bại, người đối diện thường chốt lại bằng câu “Em đi vậy ba mẹ em không nói gì hả?” Họ nghĩ, đó sẽ là đòn cuối cùng khiến tôi không còn trụ vững. Nhưng, điều may mắn nhất của tôi từ trước đến giờ không phải là có ba mẹ hiểu mình, mà đó là có ba mẹ chấp nhận được những suy nghĩ của mình, dù cho suy nghĩ đó có dị biệt. Hãy cứ làm những gì con muốn, miễn là cái “muốn” đó không làm hại đến ai, con vui vẻ hạnh phúc, và có thể tự nuôi sống được bản thân mình. Ba mẹ tôi là thế đấy, không ép uổng, chỉ đưa ra lời khuyên, sau đó, để con tự lựa chọn. Dĩ nhiên, tự làm tự chịu, điều đó giúp tôi chính chắn và có trách nhiệm với bản thân mình hơn. Nhờ họ, tôi chưa bao giờ thấy dằn vặt với những duy nghĩ không giống ai của mình. Và dù độc hành trên hầu hết mọi chặng đường, tôi vẫn thấy bản thân chưa bao giờ đơn độc.
Mời các bạn đón đọc Tôi Cần Một Cái Khuôn Khác – Méo Mó Cũng Được! của tác giả Lê Bùi Thảo Nguyên.
Leave a Reply