Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn là sự kiện đưa đến nhiều dị biệt nhất về mặt quan điểm hay nhận thức. Nổi bật nhất là quan điểm đưa ra cách nay hơn nửa thế kỷ, coi phong trào Tây Sơn như cuộc nổi dậy của giới nông dân bị áp bức, bóc lột, chống lại nhà Nguyễn thối nát và mang lại công bằng xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân. Sự lý tưởng hóa hầu như mọi hoạt động của phong trào Tây Sơn đã dẫn đến một số nhận định chủ quan về thực chất của phong trào này và cũng từ đó, nhiều sự thật lịch sử liên quan đến phong trào chưa được làm sáng tỏ
***
Phàm là một người ham mê lịch sử và văn chương, cầm cuốn sách này khó có thể dứt ra được. Rất giống cảm giác thuở học trò đọc Tam quốc diễn nghĩa hay Thủy hử, bạn sẽ bị cuốn sách lôi cuốn ngay cả khi đang ăn hay trước lúc đi ngủ. Sẽ rất nhiều người mải theo cách dẫn dắt của tác giả mà quên khuấy cả giấc ngủ trưa, thậm chí cho qua cả một đêm trắng.
Tây Sơn bi hùng truyện của Lê Đình Danh mô phỏng cách viết chương hồi của La Quán Trung, Thi Nại Am và những tiểu thuyết gia Trung Quốc xưa, một cách kể chuyện như lùa người đọc vào hết mê hồn trận này đến những bí sử kia, mang đến cho người đọc cái không gian, thời gian, những sự kiện lịch sử, những chân dung tiêu biểu… làm nên gương mặt xã hội Việt Nam đầy biến động và bi thương, hiển hách và bi tráng suốt nửa cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.
Lê Đình Danh viết về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và người anh hùng kiệt xuất Nguyễn Huệ với một bối cảnh rộng lớn hơn, đặt các nhân vật của Tây Sơn trong mối quan hệ trực diện, đối nghịch, một mất một còn với chúa Nguyễn Đàng Trong, chúa Trịnh Đàng Ngoài và Vương quốc Đại Thanh thời vua Càn Long hùng mạnh.
Tây Sơn bi hùng truyện thu hút người đọc không chỉ ở tư liệu lịch sử phong phú, kiến văn dồi dào, mà còn ở bút pháp dựng truyện, xây dựng nhân vật khá thành công. Ngoài hai nhân vật Nguyễn Huệ, Nguyễn Phúc Ánh, hàng loạt các nhân vật thuộc các phe Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn và cả các tướng Mãn Thanh đều được tác giả phác họa khi thì bằng một vài chi tiết đặc sắc, khi kỳ công dẫn dắt qua hàng loạt các sự kiện, mối quan hệ đan xen phức tạp, ví như các nhân vật Ngô Thì Nhậm, Ngọc Hân công chúa, Nguyễn Hữu Chỉnh, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Đặng Văn Long, Nguyễn Văn Tuyết, Ngô Văn Sở, Vũ Văn Nhậm, Võ Tánh, Bùi Đắc Tuyên, Lê Văn Duyệt, Đặng Trần Thường, Vũ Tâm Can v.v…
Đọc sách, mà như được xem một cuốn phim lịch sử đầy bi thương hùng tráng, được xúc động, yêu thương với người anh hùng Tây Sơn Nguyễn Huệ.
Nhà văn Hoàng Minh Tường
***
Tại Đàng Ngoài, Tĩnh Đô Vương lộng hành giết chết Thái tử.
Ở Đàng Trong, Trương Phúc Loan lập mưu đoạt quyền Đô Thống.
Tại Đàng Ngoài, Tĩnh Đô Vương lộng hành giết chết Thái tử.
Ở Đàng Trong, Trương Phúc Loan lập mưu đoạt quyền Đô Thống.
Nước Nam, người Lạc Việt, từ khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, mười năm kháng chiến đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi. Lê Lợi lên ngôi vua lấy hiệu là Lê Thái Tổ lập nên nhà Hậu Lê đặt tên nước là Đại Việt (năm Mậu Thân – 1428).
Vua Thái Tổ truyền đến đời con cháu là Thái Tông, Thánh Tông đều là những bậc anh quân vì dân vì nước. Từ ấy bốn phương thiên hạ thái bình, muôn dân no ấm. Lúc bấy giờ người dân trong nước truyền tụng câu ca rằng:
Đời vua Thái Tổ, Thái Tông
Lúa thóc đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn.
Nhà Hậu Lê truyền ngôi được trăm năm, đến đời vua Chiêu Tông thì Mạc Đăng Dung soán ngôi vua lập nên nhà Mạc vào năm Đinh Hợi (1527). Lúc bấy giờ có quan Hữu vệ Điện tiền tướng quân An Thạch Hầu Nguyễn Kim cùng rể là Trịnh Kiểm tìm dòng dõi vua Lê Thái Tổ lập lên làm vua rồi đem quân chiếm đất Nghệ An đánh nhau với nhà Mạc.
Sau Nguyễn Kim chết, binh quyền về tay Trịnh Kiểm. Kiểm sợ con Nguyễn Kim là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng tranh quyền với mình, bèn giết chết Nguyễn Uông. Trịnh Kiểm lại có ý xưng làm vua, nhưng thấy lòng người còn thương mến nhà Lê nên sai sứ vào Hải Dương hỏi ý Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạng Trình bảo:
– Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt nên tìm giống cũ mà gieo mạ.
Rồi Trạng sai đầy tớ quét dọn chùa rồi đốt hương khấn rằng: Giữ chùa thờ phật thì ăn oản.
Kiểm hiểu ý vẫn giữ vua Lê làm hư vị, còn mình nắm giữ hết quyền hành.
Nguyễn Hoàng thấy Trịnh Kiểm giết anh mình là Nguyễn Uông sợ vạ lây đến thân, bèn lén vào hỏi ý Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạng chỉ tay vào Nam nói:
– Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân (một dãy Hoành Sơn dung thân ngàn đời).
Hoàng lấy tình thâm ruột thịt nói với chị mình là vợ Trịnh Kiểm tên là Ngọc Bảo, xin với Kiểm cho Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa (Bình Trị Thiên ngày nay). Ấy là vào năm Mậu Ngọ (1558).
Sau Trịnh Kiểm chết, con là Trịnh Tùng lên thay quyền. Tùng đem quân đánh dứt được nhà Mạc. Tùng vẫn giữ vua Lê làm hư vị, còn mình tự xưng là chúa Trịnh.
Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa thấy Trịnh Tùng xưng chúa ở Thăng Long, bèn tự xưng là chúa Nguyễn. Về sau Hoàng chết, con là Nguyễn Phúc Nguyên sai Đào Duy Từ đắp lũy Trường Dục ở Châu Bố Chánh (Quảng Bình ngày nay) chống nhau với quân Trịnh.
Hai bên bắt đầu đánh nhau vào năm Đinh Mão 1627. Từ ấy về sau đất nước chia hai, lấy sông Linh Giang làm ranh giới. Từ sông Linh Giang trở ra tục gọi là Đàng Ngoài. Từ sông Linh Giang trở vào tục gọi là Đàng Trong.
Hai Đàng đánh nhau ngót một trăm năm, tạo ra cảnh binh đao khói lửa, huynh đệ tương tàn, nhân dân ta thán!
Ở Đàng Ngoài, Trịnh Tùng mượn tiếng tôn phò vua Lê nắm hết quyền hành. Thủa ấy trong nhân gian thường truyền miệng nhau câu sấm rằng:
Chẳng Đế chẳng Bá, quyền nghiêng thiên hạ,
Đến đời thứ tám, trong nhà dấy vạ.
Họ Trịnh cha truyền con nối làm chúa ở Đàng Ngoài đến đời thứ tám là Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm. Lúc ấy vua nhà Lê là Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng có một người con lớn là Thái tử Lê Duy Vỹ. Duy Vỹ tư chất thông minh diện mạo khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn. Thường ngày Duy Vỹ đi ngao du sơn thủy kết giao với hào kiệt khắp vùng, ai ai cũng thương tài mến đức.
Một ngày kia, trong cung điện, vua Hiển Tông đánh cờ uống rượu cùng các quan thái giám, Duy Vỹ vào trông thấy quỳ tâu:
– Thưa Phụ hoàng, từ ngày nhà Lê ta trung hưng đến nay trải mười đời vua. Họ Trịnh tiếng là tôn phò nhưng thực chất là áp chế nhà Lê ta. Họ Trịnh muốn cho ai làm vua thì cho, muốn giết ai thì giết. Như hai trăm năm trước Trịnh Tùng giết chết Anh Tông Hoàng Đế. Rồi ba mươi năm sau Trịnh Tùng lại giết chết Hoàng Đế. Mới bảy mươi năm trước đây Dụ Tông Hoàng Đế bị Trịnh Cương bắt phải thoái vị nhường ngôi cho Thái tử Duy Phương. Thái tử Duy Phương làm vua được ba năm lại bị Trịnh Giang vu là thông dâm với vợ Trịnh Cương mà đem giết đi. Rồi đến lúc Phụ hoàng lên ngôi là do chính Trịnh Doanh đã buộc vua Ý Tông thoái vị nhường ngôi cho Phụ hoàng đó. Xét trong lịch sử từ trước đến nay chưa có quyền thần nào lại lộng hành tàn ác, khi quân phạm thượng như họ nhà chúa Trịnh. Vả lại xưa nay chỉ có nhà vua mới được quyền cha truyền con nối, chưa nghe nói đại thần mất thì con được lên thế chức bao giờ. Nay họ Trịnh xưng vương, cha mất thì con lên kế vị, ấy chẳng qua là vì không dám phế bỏ nhà Lê ta để làm vua mà thôi. Nay Phụ hoàng lên ngôi đã ba mươi hai năm mà mọi việc trong triều ngoài cõi Trịnh Doanh rồi đến Trịnh Sâm có cần bẩm báo gì với Phụ hoàng chăng? Sao Phụ hoàng cứ mải vui say với cầm kỳ thi hoạ mà không nghĩ đến việc lấy lại quyền hành của nhà Lê ta? Con vì giận họ Trịnh mà có đôi lời mạo phạm đến Phụ hoàng, xin Phụ hoàng thứ tội.
Duy Vỹ trong lòng uất hận họ Trịnh nói luôn một hơi. Vua Hiển Tông nghe Vỹ nói xong liền quăng cờ, đuổi các thái giám ra ngoài rồi hốt hoảng nói:
– Bọn nội thị này tiếng là hầu hạ cho ta, nhưng đều là tay chân của Trịnh Sâm cả. Sao con lại buông lời càn rỡ? Nếu đến tai Trịnh Sâm mạng ắt chẳng còn!
Duy Vỹ nghe cha nói thế lại càng giận lắm, đứng dậy nói lớn:
– Sao Phụ hoàng lại sợ thằng nghịch tặc ấy đến thế? Nếu Phụ hoàng giữ mình để mưu việc lớn thì con thật là khâm phục. Còn Phụ hoàng vì sợ như bề tôi sợ vua mà im hơi lặng tiếng thì con thật lấy làm đau lòng lắm!
Mời các bạn đón đọc Tây Sơn Bi Hùng Truyện của tác giả Lê Đình Danh.
Chia sẻ ý kiến của bạn