Xuyên suốt cuốn sách là một bản tình ca nhẹ nhàng, sâu lắng mà cũng không kém phần cảm động. Chuyện kể về tình yêu giữa Raip Efendi một người Thổ Nhĩ Kỳ có niềm đam mê với hội họa và Maria Puder – 1 họa sĩ người Do Thái với đôi mắt đen và làn da trắng muốt như tuyết, người mà Raip vẫn gọi là “Đức mẹ”. Hai người họ gặp nhau ở Berlin và cũng tình cờ yêu nhau một cách say đắm cuồng nhiệt. Tuy ban đầu Maria có vẻ khá khắt khe, vạch ra ranh giới rõ ràng với Raip nhưng cô biết rằng bản thân đã yêu anh ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cô luôn dằng xé cảm xúc bản thân vì cô đã mất niềm tin ở đàn ông từ lâu, chính Raip đã đem lại cho cô một hi vọng sống mới. Còn đối với Raip thì Maria thực sự là 1 “Đức mẹ” với đôi mắt đen rất khác biệt với các cô gái anh từng gặp, anh yêu cô bằng cả trái tim chân thành. Tuy nhiên cuộc đời rất không công bằng khi cướp đi mạng sống của Maria, khiến Raip phải chờ đợi suốt 10 năm trong vô vọng vì tưởng rằng cô đã phản bội anh để theo người đàn ông khác. Anh cưới vợ và sống một cuộc sống như người mất đi mọi tri giác, mọi cảm xúc của anh đã chết đi khi anh biết tin Maria vì sinh đứa con gái cho anh mà mất đi, để lại trong anh nỗi tuyệt vọng và dày vò suốt cuộc đời. Đến cuối đời anh vẫn sống trong sự cô đơn, bị sỉ nhục bởi chính người thân trong gia đình, anh chỉ tìm thấy sự bình yên khi ở bên Maria mà thôi. Một câu chuyện tình cảm động rất đáng để đọc.

***
SABAHATTIN ALI sinh ngày 12 tháng 2 năm 1906 tại thành phố Egiơnidere, nay là thành phố Ardinê thuộc nước Cộng hòa Nhân dân Bungari. Vào đầu thế kỷ này thành phố vẫn thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sau cuộc chiến tranh Bancăng ( 1912 – 1913 ), Bungari đã thu hồi mảnh đất ấy về mình.

Năm 1927, sau khi tốt nghiệp trường trung học, Ali trở thành người thầy giáo nông thôn. Cuộc sống ở miền Iodơgađa ( Vùng trung tâm Anatôli ) đã làm cho ông kinh tởm. Những biến động lớn lao của xã hội hầu như không vang động được đến đây. Xung quanh vẫn là sự bóc lột tàn tệ, sự bất công, áp bức được khoác bộ mặt mới ngày càng tinh vi hơn, thâm độc hơn. Sự xung đột sâu sắc với cuộc sống xung quanh đã dẫn Ali đến ý nghĩ tự sát. Khó có thể nói được số phận của anh sẽ ra sao nếu như không có niềm an ủi duy nhất là văn học. 




Vào cuối những năm 20 của thế kỷ, vì thiếu những giáo viên có kinh nghiệm, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã gởi một số giáo viên trẻ ra nước ngoài để học tập thêm. Lợi dụng cơ hội này như là một khả năng để thoát ra khỏi bầu không khí ngột ngạt tù túng ở nông thôn và để tìm hiểu thêm về thế giới, Sabahattin Ali đã cố gắng thi đậu kỳ thi tuyển sinh. Năm 1928 anh được gởi sang Đức học tập, đầu tiên ở Pốtxđam, sau đó ở Berlin. 

Cũng như nhiều thanh niên tiến bộ khác lúc bấy giờ, Ali mơ ước xóa bỏ sự áp bức của chủ nghĩa đế quốc đối với nhân dân lao động. Anh đã cảm thấy điều ấy rất thấm thía ngay tại quê hương mình. Từ một đất nước lạc hậu, hoang tàn sau chiến tranh, Ali sang Đức là nhằm mục đích nắm vững kiến thức khoa học, văn hóa để phục vụ cho tổ quốc. Nhưng trong thời gian đó chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Đức đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng tiến dần đến việc nắm lấy chính quyền. Sự căm thù các giá trị tinh thần, văn hóa và nghệ thuật của bọn phân biệt chủng tộc và sô-vanh đã làm cho một số sinh viên Thổ Nhĩ Kỳ đang học tập tại đó trở thành những người chống chủ nghĩa phát xít tích cực. 

Một lần trong cuộc tranh luận, một người Đức theo chủ nghĩa xã hội – dân tộc đã xúc phạm đến lòng tự trọng của những sinh viên Thổ Nhĩ Kỳ, Sabahattin Ali đã tát cho y một cái. Lợi dụng sự kiện này những người lãnh đạo hội kiều dân Thổ đã đưa Ali về nước. Đã từ lâu, người thực tập sinh bướng bỉnh cùng với những lời nhận xét cay độc, độc địa đối với bọn sinh viên Đức và Thổ Nhĩ Kỳ theo chủ nghĩa sô-vanh đã làm cho giới lãnh đạo để ý, khó chịu. 




Bất chấp những kinh nghiệm cay đắng, Ali không hề có ý định dấu diếm những quan điểm chính trị của mình. Nhà văn, thường đọc thơ cho học sinh và đồng nghiệp nghe. Một trong những độc giả của anh lại là tên chỉ điểm của mật thám trá hình, qua sự tố giác của y, Sabahattin Ali bị bắt vào mùa hè năm 1938. Tòa án hình sự thành phố Kônhi đã xử anh 14 tháng tù giam vì tội “đã thóa mạ những nhân vật cao cấp của chính quyền “. Ali bị giam ở pháo đài Xinôp trên bờ biển Đen. 

Tình bạn với những người cộng sản trong nhà tù Xinôp đã giúp Ali hiểu về chủ nghĩa Mác một cách sâu sắc, khơi dậy trong lòng anh sự khát khao hiểu biết một cách khoa học những quy luật xã hội. 

Vào đầu cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai, trong đất nước Thổ Nhĩ Kỳ những thế lực đen tối bắt đầu ra sức hoành hành. Những tên phát xít người Thổ đã tổ chức những cuộc biểu tình và những vụ tàn sát đẫm máu. Các câu lạc bộ mà thực chất là các tổ chức phát xít được Berlin đài thọ đã ra sức truy lùng, theo dõi những trí thức yêu nước, tiến bộ để sau đó tìm cách thủ tiêu, giết hại. Vào năm 1939, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ còn tìm cách che đậy lập trường và thiện cảm của mình đối với chủ nghĩa phát xít, song hai năm sau, khi mà những chiến thắng tạm thời của Hitle ở mặt trận phía Tây làm xao động thế giới, thì chiếc mặt nạ của chính phủ cũng rơi ra. Thủ tướng Thổ lúc bấy giờ đã công khai lên tiếng ” mong muốn tiêu diệt nước Nga Xô-Viết “. 




Các tầng lớp nhân dân tiến bộ trong nước lúc đó đã phải đương đầu rất khó khăn với những thế lực phản động. Và trong cuộc đấu tranh này cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Sabahattin Ali : ” Quỷ ám ” đã giáng cho bọn phát xít bản địa một đòn đích đáng. 

Trước đó tên tuổi nhà văn đã rất nổi tiếng qua những tác phẩm nói về những người công nhân, nông dân, những người thợ thủ công nghiệp và tầng lớp trí thức. Đó là tập thơ ” Gió và núi ” ( 1934 ), ba truyện ngắn : ” Chiếc cối xay ” (1935 ), “Arba ” ( 1936 ), ” Tiếng nói ” ( 1937 ), cuốn tiểu thuyết “Uxup từ Kulzacka ” ( 1937 ) và bây giờ là ” Quỷ ám ” (1940 ). Cũng theo lời Nazim Hikmet những tác phẩm trên đã làm cho Sabahattin Ali ” trở thành thủ lĩnh của một trường phái văn học, mở ra một hướng đi mới trong văn xuôi Thổ Nhĩ Kỳ “. Hướng đi này trên quê hương nhà văn được gọi là : “Chủ nghĩa hiện thực xã hội.” 

Vào đầu những năm 40, một trong những chủ đề thu hút nhà văn là sự khủng hoảng trong ý thức cá nhân. Bằng kinh nghiệm sống của mình, Ali đã nhận thấy rằng chủ nghĩa cá nhân tiểu tư sản không thể dễ dàng từ bỏ những đặc điểm của mình dưới sự tác động của những yếu tố bên ngoài. Nhà văn đã đề cập đến vấn đề này trong cuốn truyện vừa ” Đức Mẹ mặc áo choàng lông “. 




Có lẽ đây là tác phẩm tâm huyết nhất của nhà văn, chứa đựng ý nghĩa nhân đạo sâu sắc. Nếu như không tính đến người dẫn truyện thì trong tác phẩm chỉ có hai nhân vật. Những nhân vật khác chỉ xuất hiện vài chỗ và cũng rất ngắn. Thành phố Berlin sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, sự khủng hoảng kinh tế thế giới, những cuộc tranh luận của những sĩ quan Đức theo chủ nghĩa phục thù…toàn bộ những vấn đề này chỉ là một tấm phông cho những hoạt động của nhân vật chính, một thanh niên trí thức Thổ Nhĩ Kỳ trong câu chuyện bị hoàn toàn tách ra khỏi quê hương, sống trong thành phố Berlin xa lạ, không người thân thuộc. Người thanh niên đó cũng giống như Sabahattin Ali lúc còn trẻ mơ ước một tình yêu trong sáng, lành mạnh như là một biện pháp duy nhất để nhận thức cá nhân mình. Và một tình yêu như vậy đã đến với anh và nó đã chỉ cho anh thấy rõ hơn bản thân mình : một con người có cuộc sống nội tâm phong phú, có một tâm hồn trong sáng, cao thượng. Nhưng để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, để trở nên xứng đáng với tình yêu của mình thì tất cả những điều ấy hãy còn chưa đủ. 
Cuốn truyện vừa của Ali cũng giống như một tác phẩm văn học chân chính khác là một bức tranh tổng hợp phức tạp về nhiều mặt của cuộc sống. Mọi người đọc có thể tìm thấy ở đó những điều bổ ích cho mình, còn chính tác phẩm đã trao cho độc giả chiếc chìa khóa để mở ra những điều lý thú khác mà trong cuốn sách không nói đến. 

Đối với những người đọc tinh ý thì có thể nhận thấy nhân vật của tác phẩm mang nhiều nét của chính Sabahattin Ali lúc còn trẻ, đặc biệt là trong thời gian ông học tập tại Berlin. Một số nhà phê bình Thổ Nhĩ Kỳ dựa vào đó đã khẳng định rằng đây là tác phẩm tự thuật của nhà văn. Nếu như điều ấy là đúng thì chỉ đúng ở một điểm duy nhất : Sau nhiều năm, trở lại với những suy tư thời trai trẻ, Sabahattin Ali đã hoàn toàn đoạn tuyệt với những ảo tưởng ngây thơ của mình. Ông đã chỉ rõ rằng con người sống bằng những ước mơ lãng mạn của mình, dù cho đó là những ước mơ cao đẹp nhất, trong sáng nhất nhưng nếu không được củng cố bằng những tri thức thực tế của cuộc sống thì sẽ không có khả năng thay đổi được điều gì. Hơn nữa những ước mơ ấy có khi lại trở thành những cạm bẫy mà không dễ gì thoát ra nổi. Một tình yêu đôi lứa cao đẹp cũng chỉ có thể giúp cho nhân vật chính của chúng ta thoát khỏi sự vô nghĩa, đơn điệu trong cuộc sống của anh ta mà thôi. 

Năm 1948, sau khi mãn hạn tù 3 tháng vì làm báo ” Pasa nổi tiếng “, Sabahattin Ali đi đến quyết định cần phải rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp tục cuộc đấu tranh. Ý nghĩ đầu tiên của ông là sang Bungari, đất nước nơi đã sinh ra ông và hiện đang có nhiều người Thổ sinh sống. Nhưng lý do quan trọng hơn cả là ở đó nhân dân đã và đang thực sự làm chủ vận mệnh của mình. Trong số những người bạn tù với Sabahattin Ali có một người tự xưng là đảng viên Cộng sản, anh ta hứa sẽ giúp nhà văn trốn ra nước ngoài. Nhưng thực chất đó là một kẻ khiêu khích do mật vụ cài vào. 




Vào đầu tháng 3 năm 1948, Sabahattin Ali biến mất. Mãi đến vài tháng sau các báo mới đưa tin phát hiện thấy xác nhà văn trong khu rừng Karabain gần biên giới Bungari. Những người thân phải khó khăn lắm mới nhận được ra Sabahattin Ali. 

Từ đó đến nay đã 38 năm trôi qua. Ngày nay những kẻ thù chính trị của nhà văn cũng phải thừa nhận rằng những sáng tác của ông đã trở thành những tác phẩm cổ điển trong nền văn học Thổ Nhĩ Kỳ. Bằng những tác phẩm và chính cuộc sống của mình, nhà văn đã và đang là tấm gương sáng chói cho một thế hệ nhà văn trẻ tiến bộ của Thổ Nhĩ Kỳ noi theo. 

Hàng năm, người ta trao cho những nhà văn xuất sắc nhất giải thưởng cao quý mang tên Sabahattin Ali và đó là niềm tự hào của nền văn học tiến bộ Thổ Nhĩ Kỳ.
 

Mời các bạn đón đọc  Đức Mẹ Mặc Áo Choàng Lông của tác giả Sabahattin Ali.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.