Tội Ác dưới Ánh Mặt Trời

Arlena Marshall là một nữ diễn viên xinh đẹp, luôn liếc mắt đưa tình những người đàn ông hấp dẫn đối với cô. Cô đến Khách sạn Hải Tặc cùng chồng Kenneth Marshall, và con gái riêng của chồng, Linda Marshall, 16 tuổi. Linda rất ghét mẹ kế. Arlena đong đưa tán tỉnh anh chàng Patrick Redfern đẹp trai, trước sự giận dữ ra mặt của vợ anh ta, Christine, một cựu giáo viên. Cùng ngụ trong khách sạn này có Hercule Poirot; ông Horace Blatt khoác lác; thiếu tá Barry, sĩ quan người Anh gốc Ấn Độ về hưu hay kể chuyện lê thê; Rosamund Darnley, nhà tạo mẫu thời trang cao cấp, vốn là bạn thanh mai trúc mã với Kenneth; bà Carrie Gardener, một du khách người Mỹ lắm mồm, và ông chồng tên Odell; cha xứ Stephen Lane; và cô Emily Brewster, quý cô chưa chồng khỏe như vận động viên.

Arlena được phát hiện bị giết chết vào buổi sáng của một ngày đẹp trời. Các chứng cứ ngoại phạm bắt đầu được thu thập. Arlena chèo bè đến Vũng Tiên rõ ràng cho một cuộc hẹn hò. Nhưng cả Kenneth lẫn Patrick đều tìm cô. Cuối cùng Patrick xin cô Emily cho anh đi chèo thuyền cùng. Anh phát hiện một cái xác nằm sải tay, giấu mặt trong nón, những lọn tóc đỏ ló ra ngoài. Anh ở lại đó trong lúc Emily đi báo cảnh sát. Bác sĩ pháp y nhận định nạn nhân bị một đôi bàn tay rất khỏe mạnh siết cổ chết. Phải là đôi bàn tay của đàn ông.

Hai người có động cơ giết Arlena rõ nhất là: ông chồng Kenneth, Christine – cô vợ của anh chàng nhân tình Patrick nọ. Nhưng Kenneth có chứng cớ ngoại phạm chắc nịch. Còn Christine là một phụ nữ tay chân đặc biệt nhỏ nhắn xinh xắn! Thế rồi cô con gái riêng Linda nổi lên thành kẻ tình nghi số một vì có đôi bàn tay to tướng khỏe mạnh như đàn ông lẫn ác cảm với mẹ kế… và chứng cớ ngoại phạm không vững!




Khi cảnh sát sở tại và Hercule Poirot phối hợp điều tra ráo riết, lần ra nhiều bí mật đen tối của các vị du khách. Ông Horace Blatt khoác lác có thể là một tay buôn lậu ma túy. Cha xứ Stephen Lane thù ghét đàn bà lẳng lơ đến phát bệnh thần kinh và từng phải vào bệnh viện tâm thần. Một lời khai bổ sung của nhà tạo mẫu thời trang Rosamund Darnley hóa ra là nói dối, hơn nữa mọi du khách cùng ở đó đều thấy rõ cô phải lòng Kenneth… Một mê hồn trận những động cơ gây án và nghi phạm!

Đùng một phát, Linda Marshall uống thuốc ngủ tự tử, để lại thư tuyệt mệnh thú nhận tội lỗi! Rất may cô hầu phòng phát hiện và Linda được đưa đi cứu chữa trong tình trạng thập tử nhất sinh. Phải chăng chỉ cần đợi cô bé sống lại là có thể làm rõ các bước gây án? Chỉ có Hercule Poirot mới trả lời được câu hỏi này.

***




Khi thuyền trưởng Roger Angmering xây nhà vào năm 1782 trên hòn đảo trong Vịnh Leathercombe, người ta nghĩ căn nhà ấy biểu hiện tính lập dị tột đỉnh của ông. Một người con nhà khá giả như ông đáng lẽ phải có cơ ngơi đường hoàng tọa lạc giữa đồng cỏ rộng, với một dòng suối chảy qua và bãi cỏ ngon lành cho gia súc.

Nhưng ông thuyền trưởng này chỉ có một tình yêu vĩ đại, tình yêu biển cả. Vì thế ông đã xây ngôi nhà của mình – còn là một ngôi nhà kiên cố vì cần phải như thể, trên một mũi đất nhỏ lộng gió nơi hải âu thường xuyên lui tới – cách biệt với đất liền mỗi khi thủy triều lên.

Ông không lập gia đình, biển cả là hôn thê đầu tiên và cuối cùng của ông, và khi ông qua đời ngôi nhà và hòn đảo về tay một người em họ xa. Ông em họ đó và đàn con cháu ít nghĩ tới việc để lại một chúc thư. Đất đai của họ thu hẹp và những người thừa kế dần dần trở nên nghèo khó hơn.




Vào năm 1922 khi cuối cùng thiên hạ bắt đầu đổ xô đi tắm biển vào dịp nghỉ hè, không còn nghĩ vùng bờ biển Devon và Cornwall quá nóng bức vào mưa hè nữa, Arthur Angmering nhận thấy ngôi nhà rộng mênh mông thiếu tiện nghi xây vào cuối thời vua George của mình không bán được, nhưng khu đất nhỏ xíu kỳ quặc do đại úy thuyền trưởng Roger tậu được đem lại một giá trị lớn lao.

Ngôi nhà kiên cố đó được xây thêm và trang trí lại thật đẹp. Một con đường bằng bêtông bắt đầu được đắp cao trên bãi lầy nối đất liền ra đảo. Nhiều lối tản bộ và góc riêng tư được hình thành và xây dựng quanh đảo. Có hai sân quần vợt, những nền đất cao để phơi nắng dẫn xuống một vịnh nhỏ với những bè gỗ và ván nhào lặn tôn thêm vẻ đẹp của nó. Khách sạn Hải Tặc, Đảo Buôn Lậu, Vịnh Leathercombe ra đời, hân hoan đắc thắng. Và từ tháng 6 tới tháng 9 cùng với mùa Phục sinh ngắn ngủi, khách sạn đó thường đầy ắp khách đến tận tầng thượng. Nó được mở rộng và nâng cấp vào năm 1934, có thêm một quầy bar, một phòng ăn lớn hơn và một số buồng tắm phụ. Giá cả tăng lên.

Người ta hỏi nhau:




“Tới Vịnh Leathercombe chưa hả? Ở đó có một khách sạn hay cực kỳ, trên một chỗ như là hòn đảo. Rất tiện nghi thoải mái, chẳng có người dạo chơi hay xe buýt tham quan đâu. Nấu ăn ngon và tất cả đều tốt đẹp. Ông nên tới đó đi.”

Và quả thật người ta đã tới.

Có một nhân vật rất quan trọng lưu trú tại Khách sạn Hải Tặc (hay ít ra ông ấy tự đánh giá mình như vậy). Hercule Poirot rực rỡ trong bộ comlê bằng vải dày màu trắng, với cái mũ panama nghiêng nghiêng trên đôi mắt, hàng ria mép xoắn lại thật đẹp. Ông nằm dựa ngửa trên ghế bố kiểu cải tiến quan sát bãi tắm. Một dãy nền đất cao từ khách sạn dẫn xuống đó. Trên bãi biển còn có các phao tấm, phao nằm, thuyền hơi và vải bạt, những quả bóng và đồ chơi bằng cao su. Có một tấm ván nhún dài và ba bè gỗ ở những khoảng cách khác nhau từ bờ biển.




Về phần những người tắm biển, một số đang ở dưới nước, một số nằm duỗi dài trên bãi phơi nắng, số khác thì đang bôi díu lên người thật kỹ lưỡng.

Ở trảng đất cao bên trên, những người không xuống tắm thì chọn cách ngồi bình luận về thời tiết, phong cảnh trước mặt, tin tức trên báo buổi sáng hay bất cứ đề tài nào khác lôi cuốn họ.

Về phía bên trái của Poirot những câu nói dông dài, dịu dàng đơn điệu không ngừng tuôn ra từ miệng bà Gardener, trong khi hai tay bà vẫn thoăn thoắt đan len, khiến hai que đan cứ chạm vào nhau kêu lách cách. Ở phía bên kia là chồng bà, ông Odell C. Gardener nằm trên ghế võng, cái mũ sụp xuống tận mũi. Thỉnh thoảng ông chỉ góp vài lời ngắn gọn khi được yêu cầu nói.




Về phía bên phải của Poirot, cô Emily Brewster, một phụ nữ mạnh mẽ rắn rỏi có mái tóc hoa râm và khuôn mặt dạn dày sương gió vui vẻ dễ ưa, đưa ra một lời bình luận cộc lốc. Nghe gần như tiếng sủa ngắn, thật to và mạnh mẽ của một con chó chăn cừu làm gián đoạn tiếng kêu ăng ẳng không ngớt của một con chó dòng Pomerania.

Bà Gardener đang nói: “Và thế là tôi nói với ông nhà tôi, à, tôi đã nói là các chuyến tham quan đều rất tốt, và quả là tôi thường đi tham quan suốt. Chúng tôi đã đi khá nhiều nơi khắp xứ Anh này rồi, nên bây giờ tôi chỉ muốn đến một nơi yên tĩnh ở miền biển và chỉ để thư giãn mà thôi. Em đã nói thế, đúng không Odell? Chỉ thư giãn thôi. Tôi cảm thấy mình phải thư giãn. Đúng như thể, phải vậy không Odell?”

Từ sau cái mũ ông chồng khẽ đáp:




“Phải, em yêu à.”

Bà vợ tiếp tục theo đuổi đề tài của mình:

“Và thế là khi tôi đề cập chuyện ấy với ông Kelso ở công ty du lịch Cook – ông ấy đã thu xếp cả lộ trình cho chúng tôi, hết sức hữu ích về mọi mặt. Thật tình tôi chẳng biết chúng tôi phải làm gì nếu không có ông ấy! – À, như tôi nói đó, khi tôi đề cập chuyện ấy, ông Kelso nói tốt hơn hết chúng tôi nên tới đây. Một địa điểm đẹp như tranh vẽ, hoàn toàn cách biệt, mà vẫn rất tiện nghi thoải mái và riêng tư. Tất nhiên ông nhà tôi đã xen vào ngay vào hỏi vệ sinh thì thu xếp ra sao? Bởi vì nếu ông chịu tin lời tôi, ông Poirot à, một cô em gái của ông Gardener có lần từng tới trọ ở một nhà khách mà họ bảo là rất riêng biệt giữa một bãi đất hoang, nhưng ông có tin không, chẳng có gì ngoài nhà xí lấy đất phủ lên phân. Vì thế lẽ tất nhiên chuyện ấy khiến ông nhà tôi nghi ngờ những nơi cách biệt với thế giới bên ngoài, có phải vậy không Odell?”




“Ờ phải, em yêu à,” ông chồng đáp.

“Nhưng ông Kelso lập tức cam đoan với chúng tôi một lần nữa. Ông ấy bảo chuyện vệ sinh tuyệt đối không cần phải bàn thêm gì, và nấu ăn thật xuất sắc. Tôi chắc chắn thế đó. Và điều khiến tôi rất thích là đúng giờ đúng giấc, chắc ông hiểu tôi muốn nói gì rồi. Là một nơi nhỏ bé nên tất cả chúng ta trò chuyện với nhau và ai nấy đều biết nhau. Người Anh nếu có một lỗi thì đó là họ hơi xa cách một chút xíu cho tới khi đã quen nhau chừng vài năm. Sau đó chẳng ai có thể tử tế hơn họ. Ông Kelso bảo những con người thú vị thường hay tới đây, và tôi thấy ông ấy nói đúng. Có các vị đây, ông Poirot và cô Darnley. Ôi! Đúng là tôi đã thích đến chết đi được khi khám phá ra các vị là ai, có phải vậy không Odell?”

“Phải, em yêu à.”




“Hà!” cô Brewster hùng hổ ngắt ngang câu chuyện. “Thật rộn ràng vui sướng quá, hử, ông Poirot?”

Poirot giơ hai tay lên có vẻ không đồng tình. Nhưng đó chỉ là một cử chỉ lịch sự không hơn không kém.

Bà Gardener nói tiếp như một dòng nước đang lững lờ trôi:




“Xin hiểu cho, thưa ông Poirot, tôi từng nghe Cornelia Robson kể rất nhiều chuyện về ông đó. Tháng 5 vừa rồi, vợ chồng tôi đã tới Badenhoi Và tất nhiên Cornelia đã kể hết cho chúng tôi nghe vể vụ Linnet Ridgeway bị giết chết ờ Ai Cập. Bà ấy bảo ông thật tuyệt vời, và lâu nay tôi đã muốn gặp ông hết sức, có phải vậy không, Odell?”

“Phải, em yêu à.”

“Rồi sau đó còn cô Darnley nữa. Tôi mua rất nhiều đồ hiệu Rose Mond, và tất nhiên cô ấy là Rose Mond, đúng không? Cô ấy thiết kế trang phục quá thông minh. Một mặt hàng tuyệt diệu quá đỗi. Cái đầm tôi mặc đêm hôm qua là của cô ấy đó. Quả đúng là một phụ nữ đáng yêu về mọi mặt.”




Từ phía bên kia cô Brewster, thiếu tá Barry nãy giờ vẫn ngồi dán cặp mắt ốc nhồi vào những người đang tắm, lẩm bẩm:

“Cô nàng trông ngon lành đáo để!”

Bà Gardener khua que đan lách cách:




“Tôi phải thú nhận một điều thôi, ông Poirot à. Gặp ông ở đây khiến tôi bị điếng người kiểu nào đó – chẳng phải tôi không phấn khích khi gặp ông đâu, phấn khích quá đi chứ. Ông nhà tôi biết điều ấy. Nhưng tôi vừa nghĩ đến chuyện có thể ông tới đây – à, là để hành nghề. Ông biết tôi muốn nói gì chứ? À, tôi vốn cực kỳ nhạy cảm, như ông Gardener sẽ nói cho ông biết, và quả tôi chẳng thể chịu nổi nếu phải dính líu vảo bất cử kiểu tội ác nào. Xin ông hiểu cho.”

Chồng bà ta đằng hắng rồi nói: “Xin ông hiểu cho, ông Poirot à, bà nhà tôi nhạy cảm lắm.”

Hai tay thám tử Poirot giơ thẳng lên trời thật nhanh:




“Xin cam đoan với bà, Madame, tôi tới đây cũng y như bà vậy thôi – để vui hưởng – để nghỉ hè thôi. Thậm chí tôi chẳng hề nghĩ tới tội ác.”

Cô Brewster lại nói như tiếng chó sủa ngắn cộc cằn: “Chẳng có cái xác nào trên Đảo Buôn Lậu đâu.”

“A!” Hercule Poirot nói. “Nói thế cũng không hoàn toàn đúng.” Ông chỉ tay xuống phía dưới. “Bà nhìn họ đang nằm dài ra đó từng hàng đi! Họ là gì vậy hả? Không phải đàn ông hay đàn bà. Chẳng có đặc điểm cá nhân nào cả. Họ chỉ là – những thân xác.”




Thiếu tá Barry tán thành: “Một đám ngớ ngẩn trông cũng được mắt đó, vài người trong bọn họ. Mảnh khảnh, có lẽ vậy.”

“Phải đó,” Poirot kêu lên, “nhưng có gì hấp dẫn? Có gì bí ẩn? Tôi già mất rồi, thuộc trường phái cũ xưa, hồi tôi còn trẻ người ta hiếm khi trông thấy mắt cá chân. Thoáng thấy một cái váy lót xốp cũng làm mình mê mẩn xiết bao! Một bắp chân căng tròn mém mại – một đẩu gối – ghim nịt vớ…”

“Hư đốn, hư đốn!” thiếu tá Barry nói với giọng khàn khàn.




“Đồ ta mặc ngày nay gợi cảm hơn nhiều,” cô Brewster nhận xét.

“À phải đó, ông Poirot à. Bọn con trai con gái đời nay sống tự nhiên khỏe mạnh hơn nhiều. Chúng chỉ nô đùa đây đó với nhau rổi chúng – à, chúng nó…” bà Gardener hơi đỏ mặt vì đầu óc bà vốn rất tinh tế – “chúng chẳng nghĩ gì về chuyện ấy, ông hiểu ý tôi chứ?”

“Tôi hiểu rồi,” Poirot đáp. “Thật đáng trách!”




“Đáng trách sao?” bà Gardener rít lên.

“Xóa bỏ hết tình cảm lãng mạn – hết còn bí ẩn! Ngày nay mọi thứ đều bị tiêu chuẩn hóa.” Ông thám tử phẩy tay về phía những hình hài nằm sấp nằm ngửa. “Cái cảnh đó nhắc tôi nhớ rất nhiều tới Nhà xác ở Paris.”

“Ông Poirot!” bà Gardener cảm thấy bị xúc phạm.




“Những cái xác – xếp trên những phiến dày và rộng – y hệt thịt ở cửa hàng bán thịt!”

“Ông Poirot à, nói vậy chẳng phải là quá cường điệu sao?”

Hercule Poirot thừa nhận: “Có lẽ thế, đúng vậy.”




“Dù sao đi nữa,” bà Gardener đan len thật hăng, “tôi vẫn có thể đồng ý với ông về một điểm. Những cô gái đang nằm dài phơi nắng như thể kia sẽ bị mọc lông tay lông chân đó. Tôi từng bảo Irene – con gái tôi, ông Poirot à, – tôi bảo nó nếu cứ nằm dài phơi nắng như thế, con sẽ mọc lông khắp mình khắp mẩy, lông tay lông chân và lông ngực, khi ấy trông con sẽ như thể nào hở? Em đã nói với con bé, phải vậy không Odell?”

“Phải, em yêu à,” chồng bà đáp.

Mọi người im lặng, có lẽ đang mường tượng trong đầu hình ảnh của Irene khi tình huống xấu nhất đã xảy ra.




Bà Gardener cuốn đồ đan len lại rổi nói: “Bây giở tôi tự hỏi..”

Ông chồng hỏi: “Gì thế, em yêu?”

Ông gượng đứng lên rời khỏi cái ghế võng, cầm lấy đồ đan len và quyển sách của vợ rổi hỏi:




“Cùng uống với chúng tôi một ly nhé, cô Brewster?”

“Ngay bây giờ thì không được, cảm ơn ông.”

Hai vợ chồng đi trở lên khách sạn.




Cô Brewster nói: “Các ông chồng người Mỹ thật tuyệt vời!”

Cha Stephen Lane ngồi vào chỗ của bà Gardener. Đó là một ông thầy tu cao ráo sung sức ngoài năm mươi. Khuôn mặt rám nắng và cái quần dài bằng nỉ mỏng tanh màu xám sẫm thích hợp để đi nghỉ mát lại làm ô uế thanh danh của một kẻ tu hành.

Ông nói thật hăng hái:




“Miền quê này thật kỳ diệu! Ta đã đi từ Vịnh Leathercombe đến Harford rồi quay về chỗ gành đá.”

“Hôm nay đi bộ làm ấm người lắm đó,” thiếu tá Barry nói, nhưng ông ta chẳng bao giờ đi bộ.

“Rèn luyện thân thể là rất tốt,” cô Brewster thêm vào. “Tôi vẫn chưa chèo thuyền đây. Muốn tập cơ bụng thì không gì bằng chèo thuyền đâu.”




Cặp mắt Hercule Poirot sụp xuống, hơi rầu rĩ liếc nhìn chỗ trương phình lên chính giữa bụng.

Để ý thấy, cô Brewster nói thật tử tế:

“Ông sẽ sớm làm chỗ ấy xẹp xuống thôi, ông Poirot ạ, nếu hằng ngày chèo thuyền ra biển.”




“Merci, Mademoiselle. Tôi thì lại ghét cay ghét đắng các loại thuyền bè!”

“Ông muốn nói đến những chiếc thuyền nhỏ sao ạ?”

“Thuyền bè mọi kích cỡ.” Ông nhắm mắt lại và rùng mình. “Biển động thì chẳng hề dễ chịu.”




“Chúa ban phúc lành cho cái ông này, hôm nay sóng yên biển lặng mà ông.”

Poirot đáp lại với niềm tin vững chắc:

“Thật ra chẳng có chuyện biển lặng đâu. Lúc nào, lúc nào cũng chuyển động.”




“Nếu ông hỏi tôi,” thiếu tá Barry nói, “cứ mười người thì có tới chín người bị say sóng đó.”

“Thế đấy,” ông thầy tu hơi nhếch mép mỉm cười, “là thủy thủ lành nghề mà cũng nói thế ư, ông thiếu tá?”

“Chỉ bị say sóng mỗi một lần, đó là lúc tôi vượt Biển Manche! Đừng nghĩ tới say sóng, đó là phương châm của tôi.”




“Say sóng thật sự là một chứng rất kỳ quặc,” cô Brewster có vẻ đâm chiêu. “Vì sao người này mắc chứng ấy, còn kẻ khác lại không chứ? Chẳng phải là quá bất công hay sao? Chẳng liên quan gì tới sức khỏe thể chất cả. Có người cực kỳ ốm yếu lại là thủy thủ giỏi. Từng có người bảo tôi chứng ấy liên quan gì đấy với cột sống. Rồi còn có cái kiểu chẳng chịu nổi độ cao. Chính tôi cũng chịu đựng không tốt lắm, nhưng bà Redfern còn tệ hơn nhiều. Hôm nọ ở lối đi trên vách đá đến Harford, bà ấy bỗng dưng bị chóng mặt, đến nỗi phải vịn vào tôi đấy. Bà kể tôi nghe có lần từng bị kẹt ở nửa chừng đường đi xuống cầu thang bên ngoài nóc Nhà thờ Milan. Bà ấy leo lên thì chẳng hề nghĩ ngợi gì, nhưng khi đi xuống lại bị choáng.”

“Thế thì tốt hơn hết bà ấy không nên leo cái thang xuống Vũng Tiên,” cha Lane nhân xét.

Cô Brewster nhăn mặt. “Chính tôi cũng khiếp nữa là. Bọn trẻ thì không sao cả. Thằng bé nhà Cowan với cậu Mastermans cứ leo lên trèo xuống nhoay nhoáy, ra cái điều thích thú lắm.”




Ông thầy tu nói: “Bà Redfern vừa tắm xong lên đây kia kìa.”

Cô Brewster nhận xét:

“Ông Poirot phải tán dương bà ấy đấy. Bà ấy tắm biển không hề bắt nắng.”




Cô Redfern trẻ trung đã cởi cái mũ cao su và đang giũ tóc. Đó là một phụ nữ tóc vàng xám tro và làn da trắng tinh rất hợp với màu tóc. Chân tay rất trắng trẻo.

Thiếu tá Barry cười khềnh khệch:

“Trông cô ấy còn tai tái một tí, chưa nướng chín như những người khác nhỉ?”




Redfern từ bãi biển đi lên rồi leo các bậc thềm tiến về phía họ.

Khuôn mặt nghiêm trang của cô thật xinh đẹp, một kiểu xinh đẹp trơ trơ vô vị, bàn tay bàn chân nhỏ nhắn xinh xắn. Cô mỉm cười với họ, buông mình ngồi xuống bên cạnh, kín mít trong lớp áo tắm bọc lấy người.

Brewster nói: “Chị được ông Poirot đánh giá cao đấy. Ông ấy chẳng thích đám người da rám nắng. Bảo họ giống như những súc thịt trong hàng thịt, hay những từ mô tả vậy đấy.”




Christine Redfern mỉm cười buồn bã:

“Tôi vẫn ước ao da mình có thể ăn nắng thì tốt. Nhưng nó chẳng chịu đổi màu nâu. Chỉ bị rộp lên vì bỏng nắng và có những vết tàn nhang kinh khủng nhất khắp cả hai cánh tay.”

“Còn đỡ hơn là bị mọc đầy lông như cô bé Irene con gái bà Gardener,” cô Brewster nói. Rồi đáp lại cái liếc nhìn dò hỏi của thiếu phụ xinh xắn trắng trèo, cô nói tiếp: “Sáng nay bà Gardener cực kỳ phấn khởi. Cứ luôn mổm nói liên tu bất tận. ‘Có phải vậy không Odell?’ Ông chồng liền đáp, ‘Phải, em yêu à.’” Cô dừng lại một lát rổi nói: “Tuy thế tôi vẫn ước ao, ông Poirot ạ, lẽ ra ông nên trêu bà ta một chút. Sao ông không làm thế? Sao không bảo bà ta rằng ông xuống đây để điều tra một án mạng ghê rợn, và kẻ gây án là một tên sát nhân cuồng loạn, mà nhất định là một trong số khách trọ của khách sạn này?”




Hercule Poirot thở dài. “Tôi rất ngại bà ấy sẽ tin lời tôi.”

Thiếu tá Barry cười khò khè khục khặc. “Chắc chắn bà ấy sẽ tin.”

Cô Brewster nói: “Không đâu. Chắc ngay cả bà ấy cũng chẳng tin có án mạng xảy ra ở đây đâu. Đây không phải là nơi có thể tìm ra một cái xác.”




Hơi nhúc nhích cựa quậy trong cái ghế, Poirot phản đối:

“Nhưng sao lại không, thưa cô? Sao lại không có cái mà cô gọi là cái xác ở đây trên Đảo Buôn Lậu này?”

Emily Brewster đáp: “Không biết nữa. Tôi cho rằng một số nơi ít có khả nàng xảy ra án mạng hơn những nơi khác. Đây không phải là nơi kiểu đó…” Đột nhiên cô ngừng lại, thấy khó lòng giải thích điều mình muốn nói.




“Nơi này thật lãng mạn, đúng vậy,” Poirot đồng ý. “Thật bình an. Mặt trời chiếu sáng. Biển xanh. Nhưng cô quên rồi, cô Brewster à, tội ác có ở khắp mọi nơi dưới ánh mặt ười.”

Ông thầy tu cựa quậy trong cái ghế bố của mình. Ông chồm người tới trước. Đôi mắt xanh lơ sáng rực lên.

Cô Brewster nhún vai. “Ôi, dĩ nhiên tôi biết điều ấy chứ, nhưng dù sao đi nữa…”




“Nhưng dù sao đi nữa nơi đây đối với cô hình như vẫn không có khả nàng là bối cảnh xảy ra một án mạng à? Cô quên mất một điều, thưa cô.”

“Bản tính con người phải không ông?”

“Đúng vậy đó. Vẫn luôn như vậy. Nhưng không phải là điều tôi vừa mới nói. Tôi vừa chỉ cho cô rõ ở đây mọi người đều đang đi nghỉ mát.”




Cô Brewster quay khuôn mặt bối rối sang nhìn Poirot: “Tôi không hiểu.”

Poirot tươi cười nhìn cô. Ông nhịp nhịp ngón trỏ vào không trung.

“Giả sử cô có một kẻ thù. Nếu cô cố tìm cho ra hắn ở căn hộ của hắn, ở sở làm, ở ngoài đường phố, eh bien, cô phải có một lý do – cô phải giải thích hành vi của mình. Nhưng ở đây trên bờ biển chẳng ai cần phải giải thích về hành vi của mình. Cô tới Vịnh Leathercombe, sao hả? Parbleu! Bây giờ là tháng 8 – người ta thường ra biển vào tháng 8 – đi nghỉ hè. Hoàn toàn là lẽ đương nhiên chuyện cô và cha Lane tới đây, chuyện thiếu tá Barry và cô Redfern cùng chồng tới đây. Bởi vì đi nghỉ mát vào tháng 8 là tập quán ở xứ Anh này.”




“À,” Brewster công nhận, chắc chắn đấy là một ý kiến rất tinh tế. “Nhưng còn ông bà Gardener thì sao? Họ là người Mỹ cơ mà.”

Thám tử mỉm cười. “Chính bà Gardener cũng nói với chúng ta bà cảm thấy có nhu cầu được thư giãn. Hơn nữa bà đang tham quan xứ Anh, nên nhất thiết phải trải qua nửa tháng ngoài bờ biển mới đúng là một du khách sành điệu, chứ không làm điều gì khác. Bà ấy thích quan sát mọi người.”

Christine Redfern khẽ hỏi: “Chắc ông cũng thích quan sát mọi người chứ?”




“Thưa bà, tôi xin thú nhận điều đó. Tôi thích chứ.”

Cô nói vẻ trầm ngâm: “Ông thấy – khá nhiều đấy.”

Có một khoảnh khắc tạm dừng. Cha Lane đằng hắng rồi nối, hơi ngượng ngùng một chút.




“Ta quan tâm đến điều ông vừa nói lúc nãy, ông Poirot ạ. Ông bảo tội ác hoành hành khắp nơi dưới ánh mặt trời. Đấy có vẻ như là một câu trích dẫn từ Sách Truyền Đạo.” Cha tạm dừng rồi sau đó tự trích dẫn: “Phải, trong tim con cái của con người cũng đầy rẫy cái ác, và sự điên cuồng ở trong tim họ trong khi họ sống.” Mắt ông rực lên một thứ ánh sáng gần như cuồng tín. “Ta rất vui khi nghe ông nói câu ấy. Đời nay chẳng ai tin có cái ác cả. Cùng lắm được xem đơn giản chỉ là phủ định của cái thiện. Người ta bảo cái ác được thực thi bởi những kẻ chẳng biết điều gì tốt hơn – những kẻ chậm phát triển – những kẻ đáng thương hơn là đáng trách. Nhưng ông Poirot này, cái ác có thật đấy. Đấy là một thực tế. Ta tin có cái ác cũng như ta tin có cái thiện. Nó tồn tại! Nó có quyền lực lớn lao! Nó bước đi khắp trên quả đất này!”

Ông thầy tu dừng lại, hơi thở gấp gáp một chút. Ông lấy khăn tay lau trán và chợt có vẻ ân hận.

“Ta rất tiếc vì đã quá sa đà.”




Poirot nói thật điềm tĩnh: “Tôi hiểu ý của ông. Tôi đồng ý với ông về một điểm. Quả là cái ác vẫn bước đi khắp trên trái đất và ta có thể nhận biết điều đó.”

Thiếu tá Barry đằng hắng. “Bàn về chuyện kiểu ấy thì, mấy thằng cha tu hành khổ hạnh ở Ấn Độ…”

Thiếu tá Barry ở Khách sạn Hải Tặc đã đủ lâu để mọi người cảnh giác đề phòng cái khuynh hướng sa vào những câu chuyện Ấn Độ dài lê thê chán ngắt của ông ta. Cả cô Brewster lẫn Christine đều đột nhiên cùng cất tiếng.




“Bây giờ chồng cô đang xuống bơi, phải không cô Redfern? Kiểu bơi sải của ông ấy thật cừ khôi. Ông ấy bơi giỏi kinh khủng.”

Cùng lúc đó Redfern nói: “Ôi, xem kìa! Chiếc thuyền nhỏ có những cánh buồm đỏ ở ngoài kia đẹp quá! Là thuyền của ông Blatt, phải không?”

Chiếc thuyền buồm đỏ đúng là đang băng qua cuối vịnh.




Thiếu tá Barry lẩm bẩm: “Ý tưởng thật kỳ khôi, những cánh buồm màu đỏ.”

Nhưng mọi người đã thoát khỏi câu chuyện phiền hà về những nhà tu khổ hạnh của ông ta.

Hercule Poirot nhìn người đàn ông trẻ vừa bơi vào bờ, tấm tắc khen thầm. Patrick Redfern là một mẫu người thật tuyệt. Thanh mảnh, nước da màu đồng thau, đôi vai rộng và hai bắp đùi săn chắc, anh ta có cái kiểu vui vẻ khoan khoái dễ hòa đồng – tính hồn nhiên bẩm sinh mà tất cả đàn bà và hầu hết đàn ông đều quý mến.




Anh ta đứng đó giũ nước trên người rổi giơ tay vui vẻ gọi vợ. Cô vợ vừa vẫy tay đáp lại vừa cất tiếng: “Đến đây đi, Pat!”

“Anh đến ngay.”

Anh ta đi một quãng ngắn dọc theo bãi biển để lấy cái khản tắm đã để lại đó.




Ngay lúc ấy một phụ nữ từ khách sạn đi xuống bãi biển ngang qua chỗ họ.

Chuyện cô ta tới chỗ đó có tầm quan trọng cỡ như một diễn viên bước ra sân khấu.

Hơn nữa cô ta bước đi như thể biết rõ điều đó. Chẳng hề có vẻ ngượng ngùng gì cả. Dường như cô ta đã quá quen thuộc với hiệu quả bất biến do sự có mặt của mình.




Dáng người cao ráo mảnh mai, cô ta mặc chiếc áo tắm một mảnh hở lưng màu trắng và từng li từng tí trên thân thể lộ ra ngoài đều nhuốm một chút màu đồng thau tuyệt đẹp. Hoàn hảo như một bức tượng. Mái tóc màu nâu đỏ rực lửa uốn quăn úp thật sát vào cái cổ rất đẹp. Nét mặt hơi nghiêm nghị thường thấy khi ba mươi năm đã đến rồi đi, nhưng toàn bộ tác động của cô ta là tác động của tuổi trẻ – của sức sống chiến thắng thật mãnh liệt. Khuôn mặt ấy bất động kiểu Trung Hoa và đôi mắt xanh sẫm xếch lên. Trên đầu đội một cái nón Trung Hoa bằng bìa cứng màu xanh ngọc thạch thật kỳ quái.

Cô ta có điểm gì đó khiến mọi phụ nữ khác trên bãi biển dường như đểu lu mờ đi và chẳng có nghĩa lý gì. Cũng không thể nào tránh khỏi điều đó, mọi cặp mắt đàn ông hiện diện đều bị hút dính vào cô ta.

Hercule Poirot mở to cặp mắt, hàng ria mép rung rinh tấm tắc khen thầm. Thiếu tá Barry ngổi thẳng dậy, cặp mắt ốc nhồi thậm chí còn lồi ra nhiều hơn vì quá phấn khích. Bên trái Poirot, cha Stephen Lane hít vào một hơi với một tiếng rít khe khẽ, còn toàn thân thì cứ cứng đơ ra.




Thiếu tá Barry thì thào, giọng khàn khàn:

“Arlena Stuart – là tên cô ta trước khi lấy Marshall. Tôi từng xem cô ta trong vở Đến và Đi trước khi cô ta rời bỏ sân khấu. Cũng có cái đáng để ngắm nhìn đó, hử?”

Christine Redfern nói thật chậm rãi, giọng lạnh lùng: “Cô ta trông cũng được mắt – vâng. Tôi nghĩ – trông cô ta như một con thú thì đúng hơn!”




Emily Brewster nói cộc lốc: “Lúc nãy ông vừa bàn về cái ác, thưa ông Poirot. Giờ đây trong tâm trí tôi người đàn bà này chính là hiện thân của cái ác! Cô ta là một ả đê tiện suốt từ đầu đến cuối. Tôi tình cờ được biết rất nhiều chuyện về cô ta.”

Thiếu tá Barry hồi tưởng:

“Tôi còn nhớ một ả ở bên Simla. Tóc ả cũng màu đỏ. Vợ của một trung úy hải quân. Có làm cho nơi ấy xào xáo hay không ư? Xin thưa là có ạ. Đàn ông phát điên lên vì ả. Tất nhiên hết thảy đàn bà đều muốn móc mắt ả ra! Ả đã phá nát hơn một gia đình rồi đó.”




Ông ta cười khục khạc khi nhớ lại.

“Chồng ả là một thằng cha trầm lặng thật tuyệt. Sùng bái cả mặt đất dưới bước chân ả. Chẳng bao giờ thấy cái gì – hay vờ không thấy.”

Cha Lane nói với giọng trầm trầm đầy cảm xúc mãnh hệt:




“Phụ nữ như thế là một mối đe dọa – đe dọa đối với…

Ông dừng lại.

Arlena Stuart đã ra tới mép nước. Hai cậu trai choai nhảy dựng lên rồi hăm hở tiến tới. Cô đứng lại mỉm cười với họ.




Mắt cô lướt nhanh ngang qua họ tới chỗ Patrick Redfern đang đi dọc theo bãi biển.

Hercule Poirot nghĩ như thể ông đang theo dõi cây kim la bàn. Patrick Redfern đi chệch đường, đôi chân anh ta đổi hướng. Kim la bàn dù muốn hay không cũng phải tuân theo quy luật của từ trường và xoay về hướng bắc. Hai chân Patrick Redfern đưa anh ta đến với Arlena Stuart.

Cô đứng đó mỉm cười với anh ta. Rồi cô chầm chậm di chuyển dọc theo bải biển sát bên những ngọn sóng. Anh ta đi cùng với cô. Cô nằm duỗi dài ra cạnh một tảng đá. Patrick buông mình nằm xuống chỗ đay đá cuội ở bên cạnh.




Christine Redfern lập tức đứng dậy và đi vào khách sạn.

Có một thoáng im lặng không thoải mái sau khi cô ta bỏ đi.

Rồi Emily Brewster nói: “Hơi quá tệ đấy. Cô ấy nhỏ bé, dễ thương. Họ chỉ mới lấy nhau chừng một hai năm thôi.”




“Cái ả tôi vừa nhắc đến,” thiếu tá Barry nói, “ở Simla ấy. Ả đã làm đổ vỡ một cặp vợ chồng thật sự hạnh phúc. Có vẻ đáng thương, nhỉ?”

Brewster nói: “Có một hạng đàn bà thích phá nát gia đình người ta.” Chừng một vài phút sau cô nói thêm, “Patrick Redfern là đồ ngu ngốc!”

Hercule Poirot không nói gì. Ông đang chăm chú nhìn xuống bãi biển. Nhưng không phải nhìn Patrick và Arlena.




Cô Brewster lại nói: “À, tôi nên đi chèo chiếc thuyền thì hơn.”

Cô rời khỏi họ. Thiếu tá xoay cặp mắt như hai trái lý gai nấu chín ngó Poirot có vẻ hơi tò mò:

“Này Poirot, ông đang nghĩ gì vậy? Ông chưa mở miệng. Nghĩ gì về ả mỹ nhân ngư ấy? Cũng nóng bỏng đấy chứ nhỉ?”




Poirot trả lời: “C’est possible.”

“À ra thế, ông bạn già. Tôi biết ngay ông là người Pháp mà.”

Poirot lạnh lùng đáp lại: ‘Tôi không phải người Pháp!”




“À, đừng nói với tôi ông chẳng hề để mắt đến gái đẹp nhé! Ông nghĩ gì về cô ả, hử?”

“Cô ta không còn trẻ nữa.”

“Điều ấy có quan trọng gì đâu chứ? Đàn bà trẻ hay già là tùy ở vẻ bề ngoài. Dáng cô ả cũng được đó chứ.”




Poirot gật đầu nói: “Phải, cô ta xinh đẹp thật. Nhưng rốt cuộc sắc đẹp không phải là điều đáng quan tâm. Không phải sắc đẹp đã khiến mọi cái đầu – ngoại trừ một cái – đều xoay ra bãi biển để ngắm nhìn cô ta đâu.”

“Chính thế, ông bạn ạ. Chính là điều ấy.” Thiếu tá nói, rồi đột nhiên tò mò hỏi, “Ông đang nhìn cái gì quá chăm chú vậy?”

Poirot đáp: “Tôi đang nhìn trường hợp ngoại lệ. Người đàn ông duy nhất không ngước nhìn lên khi cô ta đi ngang qua.”




Thiếu tá Barry nhìn theo ánh mắt đăm đăm của Poirot dừng lại nơi một người đàn ông chừng bốn mươi tuổi, tóc vàng hoe và da rám nắng. Khuôn mặt trầm tĩnh dễ ưa, ông ta đang ngồi trên bãi biển vừa hút ống điếu vừa đọc báo The Times.

“À ra thế. Đó là ông chồng, ông bạn ạ, là Marshall đó.”

“Phải, tôi biết rồi,” Hercule Poirot đáp.




Thiếu tá Barry cười khục khặc. Là đàn ông độc thân, ông ta vẫn quen nghĩ Người Chồng có ba nghĩa – là kỳ đà cản mũi, kẻ gây phiền phức hay gã bảo vệ.

“Có vẻ là một thằng cha tử tế đó,” ông ta nhận xét. Thật trầm lặng. Tôi tự hỏi phải chăng thời cơ của tôi đã tới?”

Thiếu tá Barry đứng dậy và đi lên về phía khách sạn.




Cái liếc nhìn của Poirot chầm chậm chuyển sang khuôn mặt cha Lane. Vị cha xứ đang chăm chú theo dõi Arlena Marshall và Patrick Redfern. Chợt ông quay sang Poirot. Trong đôi mắt ông có một thứ ánh sáng nghiêm khắc cuồng tín.

“Người đàn bà ấy là cái ác suốt từ đầu đến cuối. Ông có nghi ngờ điều đó không?” cha Lane nói.

Poirot đáp thật chậm rãi: “Thật khó lòng biết chắc ạ.”




“Nhưng là người còn sống, ông không cảm thấy nó trong không trung hay sao? Khắp xung quanh ông. Sự hiện hữu của Cái Ác.”

Poirot chầm chậm gật đầu.

Mời bạn đón đọc Tội Ác dưới Ánh Mặt Trời của tác giả Agatha Christie & Trần Hữu Kham (dịch).


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.