Mười ngày (tiếng Ý: Decameron, [deˈkaːmeron; dekameˈrɔn; dekameˈron] hoặc Decamerone [dekameˈroːne]) là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Ý Giovanni Boccaccio.
Mười ngày của ông là một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của văn học Italia và thế giới, với nội dung phong phú, giá trị nghệ thuật cao, được dịch hầu khắp các châu lục. Gồm 100 câu chuyện kể với nhiều màu sắc trào phúng, quái dị, trữ tình, bi xen lẫn hài, hiện thực xen lẫn mộng ảo (mà tình yêu là sợi chỉ xuyên suốt phần lớn các truyện), cùng hàng nghìn nhân vật thuộc đủ các tầng lớp xã hội lúc bấy giờ, đồng thời, phản ánh những nét tiêu biểu của tính người nói chung trở thành di sản quý giá trong kho tàng văn hoá nhân loại.
Giovanni Boccaccio (Giôvanni Bôcaxiô) là nhà văn xuất sắc Italia thời Phục Hưng, sinh ra trong một gia đình thương nhân ở Thị trấn Xectandô, thuộc Tỉnh Tôxcan. Mẹ là người Pháp. Thuở nhỏ học ở Phlôrăngxơ. Vốn say mê khoa học và văn học, ông không tha thiết với nghiệp kinh doanh mà người cha định hướng. Năm 1330, người cha gọi Boccaccio về và gửi đến Napôli học ngành luật nhưng ông chẳng mấy quan tâm với nghề thày cãi. Sau khi cha mất, ông bỏ học và kết bạn với những người hoạt động văn học nghệ thuật. Nhờ bạn bè giới thiệu, ông được nhận vào làm trong triều đình Rôba Ăngjiu, một nhà Vua yêu thích văn học và có nhiều cảm tình với giới tri thức. Ở đây, ông làm quen với Công chúa Maria Acvinơ, và tình yêu đã thúc đẩy ông sáng tác tập Philoxtơrát với những bài xonnê diễm lệ. Khoảng năm 1340-1341, ông trở lại Phlôrăngxơ và dấn thân tham gia hoạt động xã hội, sau hoàn thành nhiều công vụ ngoại giao và được tin dùng. Từ năm 1351, Boccaccio kết thân với nhà thơ Petrarca (1304-1374), người tiếp nối chí hướng nhà khai sáng Dante, người thực hiện việc đặt nền móng cho cả dòng thơ trữ tình Châu Âu, và quan hệ thân thiện với nhiều nhà tri thức lớn khác. Vào năm 1373, theo yêu cầu của Vương chủ thành Phôrăngxơ, ông giảng thơ Date trước đông đảo công chúng. Ngoài sáng tác văn học, Boccacclo còn quan tâm viết nhiều công trình khảo cứu bằng tiếng La tinh.
Các tác phẩm chính của Boccaccio có Philôxtơrát (Tập thơ, 1338), các trường ca Têdêit, Ảo ảnh tình yêu, truyện thơ Philêdôlanô, các tập truyện Philôcôlô Phiamétta, Đêcamêrông; truyện Con quạ,…
Trên thực tế, mặc dù sáng tác cả thơ, trường ca, truyện song Truyện mới chính là thể loại đem lại cho Bóccaccio niềm vinh quang chói sáng. Truyện Phiametta (1348) kể về mối tình tuyệt vọng của nàng Phiametta với chàng Păngphilô, gồm một lời mở đầu và chín chương. Truyện được viết theo lối tự thuật. Tác phẩm khơi gợi bi kịch tình yêu của người phụ nữ với nghệ thuật khảo sát, có ý nghĩa đặt nền móng cho dòng tiểu thuyết tâm lý xã hội ở Châu Âu. Đến tập truyện Đêcamêrông – Truyện mười ngày (1350-1353) xuất bản lần đầu tiên năm 1471 gồm tới 100 truyện. Dựa trên cơ sở kho tàng truyện dân gian Italia, Boccaccio đã sáng tạo hệ thống các truyện có màu sắc dân dã, gần với đời sống hàng ngày, thể hiện như là bước chuyển của tư duy văn học Trung cổ tới Phục Hưng, mở đầu cho một thời đại văn học mới.
Anh chàng họa sĩ Calăngđranh bị bạn đùa, khiến anh ta tin rằng mình có thai, cũng phảng phất giống anh ngờ nghệch nọ của một truyện tiếu lâm nào đó (Người bệnh tưởng – Ngày thứ chín). Tác phẩm nổi tiếng thế giới Mười ngày của nhà văn và nhân văn Ý thế kỷ XIV, Boccaccio quả thật rất gắn với những truyện dân gian Việt Nam, đặc biệt là những truyện thuộc chủ đề phản phong, đả kích thói giả đạo đức của những người làm nghề tôn giáo, lên án cái luân lý khắc nghiệt mà họ đề ra, đòi hỏi trần gian với những thú vui tự nhiên của nó.
Dĩ nhiên khi nói đến chống phong kiến, chúng ta quan niệm thực trạng phong kiến ở châu Âu khác với phong kiến kiến Việt Nam, và châu Á nói chung, hai loại phong kiến có những nội dung kinh tế – chính trị – xã hội đôi khi ngược hẳn nhau. Truyện dân gian Việt Nam thể hiện phản ứng của giai cấp nông dân chống lại chế độ vua quan, địa chủ và kỳ mục, một chế độ mà khủng hoảng kéo dài từ thế kỷ XVII qua thế kỷ XVIII, XIX. Khổng giáo ngự trị xã hội bị phá từng mảng lớn. Những làng xã vẫn là những đơn vị cơ sở tự cung tự cấp, bất di bất dịch, đa số nghề thủ công nằm trong lũy tre xanh không tiến lên công nghiệp được, thành thị thị trấn thuộc quyền nhà vua, tầng lớp thường dân rất yếu ớt, quan hệ sản xuất nông nghiệp không thay đổi nên không có men tư tưởng mới.
Trái lại, những truyện mang tính chất dân gian trong Mười Ngày dậy chất men tư tưởng mới của giai cấp thị dân tư sản đang bước vào vũ đài chính trị. Boccaccio đại diện cho tầng lớp thương nhân ở các thành thị Ý. (Nước tư bản đầu tiên – Ăngghen). Châu Âu tiến lên chủ nghĩa tư bản bằng sự phát triển công thương nghiệp, giai cấp tư sản chống phong kiến thắng lợi, tách được thành thị ra khỏi quyền lực của nhà nước, của vua chúa.
Boccaccio và thời đại, hoàng hôn Thời Trung cổ, bình minh Thời Phục hưng.
Trước sức lấn công của những bộ tộc rợ Gốt (Goths), đế chế La Mã tan rã vào khoảng nửa sau thế XIX, nước Ý vẫn còn bị chia có thành hàng chục quốc gia nhỏ. Đến thế kỷ VIII, IX, sau khi bình định một bộ phận lớn đất đai thuộc lãnh thổ ngày nay của các nước Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Trung Âu… Saclơmanhơ lập ra chế độ La Mã – Đức Thần thánh. Sau đó là một thời kỳ hỗn loạn liên miên. Mãi đến thế kỷ X, đế chế Thần thánh mới được khẳng định lại.
Bắt đầu từ thế kỷ XI, nhờ có cuộc Thập tự chinh, các thành thị ở miền Bắc và miền Trung nước Ý buôn bán phát đạt nhất là các hải cảng Naplơ, Flôrăngx, Giênơ, Vơnidơ… từ đó công nghiệp (dệt, binh khí, kim hoàn…) phát triển đồng thời với kinh doanh tiền tệ cho vay lãi.
Những thế kỷ XII và XIII được đóng dấu bởi hai sự kiện lịch sử quan trọng: sự tranh giành quyền lực giữa Giáo Hoàng La Mã và hoàng đế đóng đô trên lãnh thổ Đức, và sự phát triển của các quốc gia thành thị. Nội bộ các quốc gia Ý bị xâu xé bởi cuộc tranh chấp giữa hai phe, một phe ủng hộ Hoàng đế Ý là một bộ phận của đế chế, một phe ủng hộ Giáo Hoàng. Thực chất cuộc tranh chấp là sự vùng lên của các thành thị – công xã Ý đã vững mạnh, muốn thoát khỏi sự cai trị của Hoàng đế bằng cách chấp nhận sự bảo hộ lỏng lẻo hơn của Giáo Hoàng.
Bước sang thế kỷ XIV, thế kỷ của Boccaccio, có thể nói là các (quốc gia thành thị ) Ý thống trị nền kinh tế châu Âu qua thương nghiệp và ngân hàng. Dù phục tùng về danh nghĩa Hoàng đế hay Giáo Hoàng, những thành thị ấy đã là những công xã được giải phóng khỏi ách phong kiến, tự trị về mặt chính trị. Ở đó giai cấp tư sản đương lên xây dựng một nền văn nghệ huy hoàng, báo hiệu thời kỳ văn nghệ phục hưng ở châu Âu.
Ngay khi văn học Ý ra đời, đã xuất hiện ba thiên tài: Đantê ( 1265- 1321), người sáng tạo ra hùng ca. thơ tự sự và giáo huấn Ý. Pêt’raca (1304-1374), người canh tân thơ trữ tình Ý và Giôvanni Boccaccio ( 1313- 1375), người đặt nền tảng cho văn xuôi nghệ thuật Ý. Ba người là gạch nối giữa thời Trung cổ và thời Phục Hưng văn nghệ châu Âu.
Con hoang của một thương nhân Ý và một phụ nữ Pháp, sinh ở tỉnh Xectanđô, gần Flôrăngx. Boccaccio qua thời thơ ấu ở đây. Năm mười lăm tuổi, ông được cha cho đi Naplơ để học nghề buôn và học luật. Những năm tuổi thanh niên này ở Naplơ có một đời sống văn hóa sôi nổi đã quyết định bước đi của ông, ông học tiếng La Tinh, nghiên cứu văn học cổ La Mã, say mê nhà thơ Vecgiliut. ông tham gia sinh hoạt cung đình vua Rôbe, giao thiệp với những nhà văn, nghệ sĩ, bác học, quý tộc và kinh doanh có tên tuổi. Rất có thể là ông yêu con hoang của vua Rôbe, nàng Nan Đakinô. Hoặc giả một phụ nữ nào khác đến nay vẫn chưa biết tên đã trở thành nàng thơ của Boccaccio dưới cái tên mỹ miều là Fiametta (ngọn lửa xinh). Ông ca ngợi mối tình ấy theo mẫu ước lệ cung đình trong tập Thơ (Rime) gồm 257 bài không có gì đặc sắc lắm; trong Người say mê tình ái (II Filocolo), truyện văn xuôi phân tích tâm lý theo khuôn sáo tiểu thuyết trung cổ Pháp; Flor và Blăngsơflor (Flor et Blancheflor); và trong Khúc bi thương về nàng Fiametta (Elegia di Madonna Fiametta). Thi phẩm Hình ảnh tình yêu (Amorosa visione) sử dụng thể văn phóng dụ để kể những chuyện phiêu lưu tình ái, cũng bắt chước cuốn Tiểu thuyết Hoa Hồng nổi tiếng thời Trung Cổ. Khúc bi thương về nàng Fiametta mãi đến năm l341 – 1345 mới hoàn thành: là một cuốn tiểu thuyết nửa tự truyện đã có những phân tích tâm lý sâu sắc và những rung cảm chân thực về một mối tình tuyệt vọng. Bị người tình ruồng bỏ, Boccaccio đau khổ, hoang mang, may nhờ bạn bè trông nom, an ủi, ông mới lấy lại được tinh thần.
Năm 1340, Boccaccio 27 tuổi, thấy ông bỏ học theo con đường văn chương bất trắc, cha ông không gửi tiền trợ cấp cho ông nữa. Ông đành bỏ Naplơ về Flôrăngx với cha. Cuộc đời của Boccaccio gắn với thành phố này, nơi ông ở lâu nhất. Một nhà kinh tế học và xã hội học Đức, Vecnơ Dombac (Wemer Sombart, 1863 – 1941), nhận xét: nếu tôi không nhầm, chính ở Flôrăngx khoảng cuối thế kỷ XIV, mà lần đầu tiên người ta thấy người tư sản hoàn chỉnh. Flôrăngx đã chứng kiến thắng lợi của những người mới phất to, của đầu óc kinh doanh tự do, của một lối suy nghĩ mới, lối ăn tiêu có tính toán, không hào phóng như giai cấp quý tộc[2].
Ở Flôrăngx, Boccaccio đi lại chốn cung đình, hoạt động chính trị, ngoại giao, mấy lần được cử đi công cán. Sau khi cha chết (l349), ông được thừa hưởng một gia tài khiêm tốn nhưng cũng đủ để củng cố tình hình kinh tế bản thân, khiến ông rảnh rang để sáng tác và nghiên cứu văn học cổ La Mã – Hy Lạp.
Boccaccio đã trưởng thành trong cuộc sống và trong lĩnh vực văn học. Mặc dù rất thích làm thơ, ông đã quyết định rút lui trước khi Pêtraca, bạn thân ông từ năm l350, người thường xuyên trao đổi thư từ với ông và giúp ông nghiên cứu chủ nghĩa nhân văn cổ đại. Ông đi vào lĩnh vực truyện văn xuôi còn chưa ai khai thác một cách nghệ thuật. Sau trận dịch hạch khủng khiếp năm l343, ông sưu tầm tài liệu chuẩn bị viết tập truyện Mười Ngày, xuất bản năm 1353. Ông còn viết Nữ Thần ở Fixôlơ ( Ninfale Fiesolano, 1345 – l346), thơ tình thôn dã thần thoại kết hợp hiện thực và trữ tình, khẩu vị dân gian và chất liệu cổ điển La Mã, Con quạ[3] (Corbaxiô, 1355 ), truyện một người về già yêu một thiếu phụ, bị nàng hắt hủi nhạo báng, do đó đâm ra hoài nghi phụ nữ nói chung và nhận thấy những khuyết điểm và tật xấu của họ.
Trên đây là những tác phẩm viết bằng tiếng Ý đã mang lại vinh quang cho Boccaccio, ông còn sáng tác bằng tiếng La tinh, nhưng sáng tác này không có mấy tiếng vang. Đáng kể có Nỗi gian truân của những nhân vật nói riêng (De Casbus virorumillustrium, 1355), tập tiểu sử Về những phụ nữ nổi tiếng (Declaris mulieribus, l374), tiểu sử của 104 phụ nữ đạo đức hoặc xấu xa.
Năm 1362, Boccaccio, khi đó 49 tuổi, qua một cơn khủng hoảng tâm hồn vì những lý do tôn giáo, ông định thiêu hủy tất cả các sách viết bằng tiếng Ý của ông, cho là quá phóng túng và tội lỗi. Nhưng Pêtraca đã kịp thời ngăn chặn ý định đó của bạn.
Boccaccio đi Naplơ và Vơnidơ để kiếm một địa vị. Thất vọng, ông về sống chục năm cuối đời ở Xectanđô. Ông sống những năm tháng cô đơn và lặng lẽ, chuyên nghiên cứu văn học cổ La Mã – Hy Lạp cho đến khi chết, năm 62 tuổi. Niềm vui lớn của ông là năm l373, được chính quyền Flôrăngx mời đến đọc và bình luận trước công chúng tác phẩm Thần Khúc (Divina Commedia) của Đantê.
Tác Phẩm Mười Ngày
Tác phẩm lớn nhất của Boccaccio viết năm ông 37 tuổi. sau khi ông đã có hai chục năm trong nghề văn, lấy tên là Décaméron, tiếng Hy Lạp nghĩa là Mười Ngày vì tập sách gồm một trăm truyện kể trong Mười Ngày, mỗi ngày mười truyện[4].
Theo tác giả giới thiệu năm 1348, trong khi bệnh dịch hạch hoành hành ở Flôrăngx, mười thanh niên thượng lưu (bảy nữ và ba nam) rời bỏ thành thị để lánh nạn ở một biệt thự nông thôn. Để tiêu khiển, họ quyết định mỗi ngày mỗi người kể một truyện. Như vậy là sách chia làm mười chương, mỗi chương gồm truyện của mỗi ngày. Thực ra nhóm thanh niên ở lại nông thôn mười bốn ngày, vì trong hai tuần lễ mỗi tuần có hai ngày (thứ sáu và thứ bảy) ngừng kể chuyện vì lý do tôn giáo. Mỗi ngày lần lượt một người được bầu làm Hoàng Hậu hay vua để điều khiển tổ chức, để ra một chủ đề chung cho các truyện kể ngày hôm đó. Mặc dù phụ thuộc vào chủ đề, mỗi truyện đều độc lập về nội dung, tính chất, bố cục. Sinh hoạt hàng ngày của nhóm ít thay đổi, dạo chơi, đàm luận kể chuyện, kết thúc là một bài ca (canzone) để múa hát nhân đó Boccaccio có dịp giới thiệu một số thơ trữ tình hay của mình.
Bước vào ngày thứ nhất, Boccaccio phác họa một bức tranh rùng rợn về bệnh dịch hạch và thần chết ở Flôrăngx, làm nổi bật hình ảnh tương phản cái vui thanh thản của những người đi lánh nạn ở nông thôn, làm sáng tỏ ý nghĩa cuộc sống trần gian qua những câu chuyện kể.
Ngoài phần mở đầu, tác giả chỉ phát biểu ý kiến trực tiếp với độc giả hai lần, một lần ở đầu ngày thứ tư và một lần ở phần kết luận, để bác bỏ những ý kiến chỉ trích mình kể chuyện phóng đãng. Ông biện bạch một cách hóm hỉnh là ông viết để phụng sự phụ nữ vì phụ nữ và tình yêu là ý nghĩa cuộc sống trần gian. Ông dẫn chứng câu chuyện (chim cái): một chàng trai cùng tu với bố ở trên núi, xa lánh đời từ năm hai tuổi. Năm anh mười tám tuổi, người bố cho là anh đã đắc đạo, dắt anh xuống thành thị, khiến cái gì anh cũng làm lạ và hỏi tên. Anh đặc biệt choáng váng khi lần đầu tiên trông thấy mấy cô gái. Người bố sợ anh sa ngã, nói: Đừng ngó họ. Không có gì là tốt đâu. Anh gặng hỏi tên gọi họ, người bố nói thác: Người ta gọi họ là những chim cái. Anh nằng nặc đòi mang một con chim cái ấy lên núi.
Trong tập sách, mười nhân vật kể chuyện không được miêu tả cụ thể. Họ chỉ là những hình tượng ước lệ: tượng trưng cho những trạng thái tâm hồn, phù hợp với chủ đề các truyện. Ví dụ: Filôxt’rat là hình ảnh mối tình vô vọng, Nêifin là hiện thân của dục tình cuồng nhiệt, v..v..
Thời Trung cổ (từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ XV), chế độ phong kiến phát triển mạnh nhất từ thế kỷ thứ IX. Trong ba thiên tài xuất hiện đầu như đồng thời, Đantê, sinh trước Boccaccio 48 năm thấm nhuần tinh thần Trung cổ hơn và phản ánh đầy đủ nhất, nghệ thuật nhất thế giới Trung cổ, niềm tin tuyệt đối và thần bí vào đạo Gia tô, sự cứu vớt linh hồn ở thế giới bên kia, tình yêu có tính chất lý tưởng, ngoài xác thịt, nâng tâm hồn lên toàn điện toàn mỹ.
Ở châu Âu, những cuộc Thập tự chinh đầu tiên vào thế kỷ XI đã góp phần củng cố giai cấp quý tộc và làm nẩy nở một lý tưởng mới, lý tưởng hiệp sĩ, đề cao lòng dũng cảm đem gương phụng sự Chúa trời và lãnh chúa của mình, văn học được đánh dấu bởi những bản hùng ca đề cao hiệp sỹ đánh đông dẹp bắc. Qua những thế kỷ sau, lần lần võ nghệ nhường bước cho tình yêu, ở những cung đình lộng lẫy giai cấp quý tộc giàu có một phần nhờ chinh chiến, sống một đời sống xa hoa, lịch thiệp hơn và đòi hỏi những thú vui phong nhã. Lý tưởng cung đình xuất hiện, hiệp sỹ quý tộc không những phải dũng cảm, mà còn phải lịch thiệp, hào hiệp, nhất là biết yêu. Phụng sự vô điều kiện suốt đời một vị phu nhân được suy tôn là hoàng hậu của đời mình. Lý tưởng này đã đề ra những thế lực văn học cung đình như thơ trữ tình và tiểu thuyết tình.
Như trên ta đã thấy, Boccaccio cũng không thoát khỏi tình huống của loại văn học này. Mặc dù là thị dân, ngưỡng mộ lý tưởng của quý tộc, ông muốn đưa vào thế giới thị dân tư sản của mình. Những truyện của ngày thứ mười trong Mười Ngày minh họa lý tưởng hiệp sỹ và cung đình.
Đáng chú ý là lý tưởng tôn giáo độc tôn thời Trung cổ lại trở lại với Boccaccio khi về già. Đã có những lúc ông ăn năn vì đã tỏ ra quá ư phóng túng trong những sáng tác bằng tiếng Ý, đặc biệt trong tập Mười Ngày. Hình như cuối đời ông đâm ra ghét phụ nữ mà ông đã từng sùng bái.
Tuy còn gắn bó với Thời trung cổ về nhiều mặt, tư trang của Bocaxiô đã báo hiệu Thời kỳ Phục hưng: hay có thế nói là đã đóng góp xây dựng sơ kỳ văn nghệ Phục hưng Ý. Trào lưu này xuất phát ở Ý và đến thế kỷ thứ XVI lan ra Tây Âu. Nó chống lại thời Trung cổ, chủ trương phục hưng tinh thần và hình thức văn nghệ thời cổ đại Hy Lạp – La Mã. Giai cấp tư sản đương lên có tư tưởng nhân văn, đề cao cuộc sống trần gian và con người, tin vào khả năng giáo dục cải tạo con người, đưa ra mẫu người hoàn hảo vừa hành động vừa hiểu biết rộng, đề cao tự do tư tưởng, chống phong kiến và thần học.
Dĩ nhiên là trong hoàn cảnh Thế kỷ XIV tư tưởng nhân văn của Boccaccio chưa được hoàn chỉnh như thế, nhưng hướng tiến bộ đã rõ nét.
Là con một thương nhân và bản thân khi vào đời cũng học kinh doanh, Boccaccio được chứng kiến sự phồn thịnh của các thành thị trở thành quốc gia, quyền lực của các thương nhân và chủ ngân hàng phá vỡ cấu trúc phong kiến. Nói chung Boccaccio hướng về thế giới tư bản mang nảy nở hơn là bâng khuâng về thế giới Trung cổ đương suy tàn, không hoài bão như Đantê làm sống lại một trật tự thế giới lý tưởng bằng sức mạnh của đức tin và lí trí. Mười Ngày là cuốn sách đầu tiên ở châu Âu mà trong đó người kinh doanh xuất hiện với một hào quang mới. Thiên hùng ca về thương nhân này rất được thương nhân thế kỷ XIV tán thưởng.
Giai cấp quý tộc đề cao dòng máu, cho huyết thống là phẩm giá cao nhất của con người. Giai cấp tư sản đả phá quan niệm ấy. Trong chuyện Thắng Lợi của Cái Chết ( Ngày thứ tư), cả đến một nữ công tước, Ghixmôngđơ. cũng đương đầu với vua cha, biện hộ cho cuộc tình duyên vụng trộm của mình với Ghixcar, một thanh niên hào hoa phong nhã nhưng xuất thân gia đình thấp kém. Yêu chàng, nàng đã chọn lựa chàng (sau khi suy nghĩ chín chắn) và nàng khẳng định lý, về tài đức, có những người dân thường mà nhân phẩm cao hơn những bậc công hầu.
Mười Ngày chứng minh điều ấy và đề cao đạo lý mới của thị dân tư sản đặc biệt là thương nhân. Boccaccio ca ngợi đầu óc thực tế, trí thông minh, tài khéo léo, ý muốn thành công, tính thích phiêu lưu. Không quay lưng vào cuộc sống trần gian với những thú vui của nó, phải chấp nhận cuộc đời cái may và cái rủi, sẵn sàng tìm cách thắng cái rủi ro của số phận. Hạnh phúc là tương đối. Phải biết hạn chế ước vọng, không đòi hỏi tuyệt đối.
Tình yêu là sợi chỉ xuyên suốt phần lớn các truyện trong Mười Ngày. Đó là cả một vũ trụ muôn màu sắc, từ tình yêu trong trắng đến tình yêu nặng về xác thịt, từ tình yêu hồn nhiên đến tình yêu phức tạp, từ gian díu đến đá vàng, từ tình yêu tế nhị đến tình yêu tàn bạo. Yêu thương, ghét giận, ghen tuông, nhớ nhung, hơn dỗi, oán thù… tất cả các âm hưởng của tình yêu đều được diễn tả.
Phụ nữ là đối tượng của Mười Ngày, như Boccaccio tuyên bố trong phần mở đầu, vì họ cần được an ủi, được tiêu khiển. Họ không được hưởng như nam giới thú vui thành công trong sự nghiệp, không được tự do, không được đi du lịch, không được săn bắn, không được phiêu lưu, không được buôn bán. Họ sống bên lề một xã hội do nam giới quản lý. Họ chỉ còn biết trông vào tình yêu, và Boccaccio đòi cho họ được quyền được tìm hạnh phúc vượt ra khỏi những cấm đoán của xã hội cũ, như cô con gái một thầy lang chiếm được trái tim một hiệp sĩ trong truyện Lấy Lại Được Chồng (Ngày thứ ba).
Giai cấp thị dân tư sản không muốn sống một cuộc đời khổ hạnh theo quan niệm đạo gia tô thời Trung cổ. Truyện dân gian của thị dân Trung cổ đã chế giễu tính giả đạo đức của các người tu hành. Mười Ngày cũng có nhiều truyện đả kích rất mạnh nhà thờ. Nhà thương nhân Do Thái Abraham đến tòa thánh La Mã để được nhìn tận mắt đời sống của Giáo Hoàng, các hồng y giáo chủ, và các tu sĩ khác. Từ người lớn nhất đến người nhỏ nhất, tất cả, toàn thể bọn họ đều phạm vào tội nhục dục hết sức vô sỉ… ông nhận thấy tất cả bọn họ đều có tính phàm ăn, nát rượu, say sưa chè chén… họ biển lận, hám tiền… (Trường học La Mã, Ngày thứ nhất ).
Phong phú về nội dung. Mười Ngày có giá trị cao về nghệ thuật. Được viết bằng tiếng Ý, nó góp phần xây dựng văn học Thời Phục hưng Ý. Một yêu cầu của trào lưu phục hưng văn nghệ ở châu Âu là tạo lên một nền văn học dân tộc viết bằng ngôn ngữ dân tộc, với những tác phẩm mà tiêu chuẩn nghệ thuật và nhân văn theo mẫu và vươn tới tầm những tác phẩm cổ điển Hy Lạp – La Mã. Tiếng Ý là kết quả quá trình phát triển tự nhiên của tiếng La Tinh cổ điển. Đến thế kỷ X, nó mới được công nhận là một ngôn ngữ thật sự, tuy vẫn bị coi là một thổ ngữ. Trong mấy trăm năm, các nhà văn Ý ngưỡng mộ văn học cổ La Mã vẫn viết bằng tiếng La Tinh là chủ yếu. Mãi tới Đantê Pêt’raca và Boccaccio, tiếng Ý mới được rèn đúc thành một ngôn ngữ văn học và mở đầu văn học Ý nói chung.
Tiếng Ý được Boccaccio sử dụng nhuần nhuyễn trong Mười Ngày kể những truyền nhiều màu sắc, khi thì châm biếm, giễu cợt, khi thì hiện thực trắng trợn, thô lỗ, khi thì tình cảm thanh cao. Bi xen lẫn hài, hiện thực xen lẫn với mộng ảo, quái dị, nhưng mộng ảo, quái dị chỉ đóng vai trò phụ, cái chính vẫn là hiện thực. Thực là một bức tranh sống động về xã hội Ý thế kỷ XIV tới hàng nghìn nhân vật thuộc đủ các tầng lớp xã hội (thương nhân, quý tộc thầy tu, thầy lang, thợ thủ công, nông dân trí thức… ), nam có, nữ có, trẻ có, già có. Cốt truyện mượn của kho tàng truyện cổ dân gian phương Đông, Thời Trung cổ, Thời Thượng cổ, truyện đương thời. Do tài kể chuyện của mình Boccaccio biến chất liệu không có gì đặc biệt ấy thành tác phẩm hiện thực, so với những truyện đương thời, ông không mắc ý đồ giáo huấn, thói quen sử dụng phỏng dụ, câu chuyện được xây dựng vững chắc, dẫn dắt và cởi mở tài tình duyên dáng, khiến người đọc luôn hồi hộp.
Mười Ngày được coi là “Tấn Tuồng Đời” đầu tiên trong văn học châu Âu và được nhiều nhà văn thế kỷ sau bắt chước. Boccaccio có công xây dựng văn xuôi và văn học Ý, mở đầu truyền thống truyện ngắn hiện thực ở châu Âu. Tác phẩm lớn của ông phản ánh những tư tưởng tiến bộ Thời Phục hưng và được dịch sang hàng chục thứ tiếng trên thế giới. Nó thuộc vào kho tàng văn hóa chung của nhân loại.
Mời các bạn đón đọc Mười Ngày của tác giả Giovanni Boccaccio.
Chia sẻ ý kiến của bạn