Tại Việt Nam, Remarque bắt đầu được bạn đọc biết đến từ năm 1962 qua bản dịch Phía Tây không có gì lạ của Lê Huy, rồi sau đó các tác phẩm khác của nhà văn lần lượt được chuyển ngữ ở cả hai miền Nam, Bắc. Cho đến nay đã có tổng cộng khoảng hai mươi bản dịch của chín tác phẩm Remarque, trong đó có cuốn có tới bốn bản dịch với các tựa khác nhau như Phía Tây không có gì lạ. Qua các tác phẩm này, độc giả Việt Nam đã bị rung động bởi thứ văn chương của những tâm hồn non nớt tinh khôi, chưa kịp trưởng thành đã vội vàng già cỗi, chưa kịp thấy cuộc đời tươi đẹp đã thấu suốt tang thương. Nhiều thế hệ đã cùng bầu bạn và trưởng thành với những nhân vật của Remarque; những nhân vật luôn ấp ủ niềm thương nhớ về một thế gian bất biến, cái thế gian chàng thanh niên Remarque đã vĩnh biệt khi vừa tròn mười tám niên hoa.

Để tái hiện lại thế giới ấy của Remarque, chúng tôi quyết định tái bản các tác phẩm tiêu biểu của ông. Đây là tám bản dịch được yêu thích nhất chọn lọc qua toàn bộ các bản dịch đã xuất hiện ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu bản dịch Phía Tây không có gì lạ hoàn toàn mới, cùng tác phẩm lần đầu tiên ra mắt ở Việt Nam là Đường về, đều được dịch từ nguyên bản tiếng Đức bởi dịch giả Vũ Hương Giang, người đã chuyển ngữ thành công tác phẩm Ba người bạn. Như thế, với bộ hợp tuyển này, hi vọng bạn đọc sẽ có cơ hội thưởng thức trọn vẹn tài năng văn chương của một trong những nhà văn Đức được yêu mến nhất thế kỉ 20.

***

Remarque (1898 – 1970) là nhà văn lừng danh người Đức. Ông nổi tiếng với Phía Tây không có gì lạ, một trong những tác phẩm hay nhất về Thế chiến I. Các tác phẩm tiêu biểu khác của ông như Ba người bạn, Khải hoàn môn, Đêm Lisbon…cũng góp phần không nhỏ trong việc khẳng định tài năng và danh tiếng của ông khắp năm châu. Năm 1931, ông được đề cử cả giải Nobel Văn chương và Hòa bình.




Bia mộ đen (Der schwarze Obelisk – 1956) một lần nữa cho thấy thiên bẩm của Remarque trong việc nhìn ra được niềm vui, lạc quan và những điều tốt đẹp giữa khổ đau, tuyệt vọng và xấu xí. Nhận xét về tác phẩm này, cây bút F.T. Marsh của tờ New York Herald Tribune từng viết: “Dí dỏm nhưng đượm buồn, vừa nghiêm túc lại có chút giang hồ, tuyệt diệu trong từng câu chữ nhưng vẫn khó nắm bắt vô vùng”.

Những tác phẩm tiêu biểu:

  • Phía Tây không có gì lạ;
  • Khải hoàn môn;
  • Ba Người Bạn
  • Đường về;
  • Tia lửa sống;
  • Bia mộ đen;
  • Chiến Hữu
  • Bản Du Ca Cuối Cùng
  • Lửa Yêu Thương Lửa Ngục Tù
  • Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết
  • Bóng Tối Thiên Đường
***

Vào thời điểm chiến tranh sắp sửa kết thúc, số phận đã ném tôi sang New York. Phố 57 và vùng phụ cận, đối với tôi – một kẻ bị trục xuất (mấy từ này rất khó giải thích ở xứ sở tôi mới tới) – đã trở thành tổ quốc thứ hai của mình.




Tôi để lại phía sau lưng cả một chặng đường dài ẩn chứa đủ mọi hiểm nguy, tai họa – Via Dolorosa* – chặng đường của những kẻ chạy trốn khỏi chế độ của Hitler. Con đường này bắt nguồn từ Đức, sang Hà Lan, qua Bỉ và miền bắc nước Pháp rồi khi tới Paris nó phân ra làm hai ngả: một ngả chạy qua Lyon đến bờ biển Địa Trung Hải, ngả kia qua Bordeaux và Pyrénées dẫn đến Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đến cảng Lisbon.

Tôi trải qua chặng đường này như những người khác trốn chạy khỏi nanh vuốt của bọn Gestapo*. Ở những nước mà chúng tôi đi qua, chúng tôi không hề cảm thấy yên ổn bởi lẽ chỉ có một số ít người trong chúng tôi có giấy thông hành chính thức hoặc chiếu khán phòng thân. Chỉ cần đụng phải cảnh sát, chúng tôi sẽ bị nhốt sau lưới thép, rồi bị kết án và đưa đi phát vãng. Nhưng dầu sao ở một số nước vẫn còn tồn giữ được cách cư xử theo tình người, dù có bị bắt chúng tôi cũng sẽ không bị trả lại Đức để nhận lấy cái chết cầm chắc trong tay tại các trại tập trung.




Chỉ có một số ít trong bọn tôi xoay xở được hộ chiếu, vì vậy cuộc trốn chạy của chúng tôi không bao giờ có điểm cuối cùng. Thêm vào đó, nếu không có giấy tờ hợp thức chúng tôi sẽ không kiếm nổi việc làm ở bất cứ đâu. Phần đông bọn tôi đều trở thành những kẻ đói khát, rách rưới và cô độc. Đấy, vì sao chúng tôi gọi chặng đường những cuộc viễn du của chúng tôi là Via Dolorosa.

Những trạm bưu điện tại các thị trấn bé nhỏ và những dãy bờ rào quét sơn trắng dọc theo các con đường trải nhựa đã trở thành nhà ga của chúng tôi. Tại các trạm bưu điện chúng tôi có thể chờ những bức thư của người thân và bạn bè mà chúng tôi đã gửi số hòm thư về, còn những dãy hàng rào đã thay thế cho những chiếc bảng gỗ dán cáo thị. Với phấn và than củi, chúng tôi viết lên đất họ tên của những người bị mất tích, của những người đang tìm kiếm nhau, những dòng địa chỉ, những lời dặn dò cần phải phòng xa, những lời chỉ dẫn. Những lời kêu gọi bị ném vào khoảng không và vào những năm tháng mà sự thờ ơ, bàng quan ngự trị khắp mọi nơi thì nối tiếp theo những lời kêu gọi đó đã xuất hiện ngay một thời buổi hoàn toàn phi nhân tính, thời đại của các cuộc chiến tranh, khi cả bọn Gestapo, cả bọn mật vụ và cảnh sát cùng hùa nhau vào một công việc chung: săn lùng chúng tôi – những người bị trục xuất tội nghiệp.


Mời các bạn đón đọc Bóng Tối Thiên Đường của tác giả Erich Maria Remarque.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.