“Tôi muốn mở cửa, đi vào trong phòng, tôi muốn nằm cuộn mình trên chiếc ghế bành, muốn ủ đôi bàn tay trong hơi ấm của gian phòng để hơi ấm ấy lan tỏa khắp người, tôi muốn nói chuyện, muốn mọi bạo tàn, khốc liệt và quá khứ sẽ tan chảy dưới đôi mắt yên lặng của người phụ nữ kia, và muốn bỏ chúng lại phía sau, muốn cởi bỏ chúng như cởi bỏ một bộ quần áo bẩn.”

***

Trở về – là khải hoàn sau những năm chiến chinh, là đoàn tụ sau thời gian xa cách, là khoảnh khắc ấm áp của những con người đã tìm lại được nhau… Nhưng cuộc trở về của những người lính Đức sau Thế chiến I lại là hành trình khắc nghiệt của những cánh chim lạc bầy vật lộn giữa bão giông tìm đường quay lại cố hương, là gánh nặng của lửa đạn chiến tranh chết chóc, là hố thẳm ngăn cách giữa hai phần của cuộc đời. Và cả khi vượt qua tất cả để sang tới bến bờ bên kia, họ cũng chưa chắc sẽ tìm được những gì dấu yêu mình từng để lại sau lưng vào cái năm ly biệt.

Đây là lần đầu tiên Đường về, tác phẩm được xem như phần hậu của Phía Tây không có gì lạ bởi sự tái xuất của một số nhân vật, ra mắt tại Việt Nam. Qua bản dịch đầy hồn lính mà vẫn đậm chất thơ của dịch giả Vũ Hương Giang, độc giả sẽ lại được gặp một Remarque rất khác, vừa khắc nghiệt lại mơ màng, trong tuyệt vọng lại hồi sinh hy vọng.




***

Remarque (1898 – 1970) là nhà văn lừng danh người Đức. Ông nổi tiếng với Phía Tây không có gì lạ, một trong những tác phẩm hay nhất về Thế chiến I. Các tác phẩm tiêu biểu khác của ông như Ba người bạn, Khải hoàn môn, Đêm Lisbon…cũng góp phần không nhỏ trong việc khẳng định tài năng và danh tiếng của ông khắp năm châu. Năm 1931, ông được đề cử cả giải Nobel Văn chương và Hòa bình.

Bia mộ đen (Der schwarze Obelisk – 1956) một lần nữa cho thấy thiên bẩm của Remarque trong việc nhìn ra được niềm vui, lạc quan và những điều tốt đẹp giữa khổ đau, tuyệt vọng và xấu xí. Nhận xét về tác phẩm này, cây bút F.T. Marsh của tờ New York Herald Tribune từng viết: “Dí dỏm nhưng đượm buồn, vừa nghiêm túc lại có chút giang hồ, tuyệt diệu trong từng câu chữ nhưng vẫn khó nắm bắt vô vùng”.

Những tác phẩm tiêu biểu:

  • Phía Tây không có gì lạ;
  • Khải hoàn môn;
  • Ba Người Bạn
  • Đường về;
  • Tia lửa sống;
  • Bia mộ đen;
  • Chiến Hữu
  • Bản Du Ca Cuối Cùng
  • Lửa Yêu Thương Lửa Ngục Tù
  • Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết
***

Đám lính còn sót lại của trung đội hai nằm nửa thức nửa ngủ trong chiến hào tan nát vì đạn pháo sau tuyến lửa.
“Trái phá gì mà kỳ quái!” Jupp nói.
“Sao cơ?” Ferdinand Kosole nhổm lên hỏi.
“Thử nghe đi!” Jupp đáp.
Kosole khum tay lên tai nghe ngóng. Và cả lũ chúng tôi cùng lắng tai vào màn đêm. Nhưng chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng nổ ì ầm của đại bác và tiếng rít của trái phá. Từ phía bên phải chỉ còn vọng đến tiếng súng máy tạch tạch và thi thoảng một tiếng kêu đơn độc. Nhưng chúng tôi đã quen với tất cả những thứ này từ nhiều năm nay, nên làm quái gì mà phải há hốc mồm ra như thế.
Kosole nhìn Jupp ngờ vực.
“Nó vừa dừng tức thì rồi,” anh chàng kia lúng túng phân bua.
Kosole nhìn bạn lần nữa đầy dò xét. Nhưng vì Jupp vẫn tỉnh bơ, anh quay đi càu nhàu: “Có mà bụng cậu sôi réo, chứ trái phá mẹ gì. Cứ ngủ đẫy mắt đi có hơn không.”
Vừa nói Kosole vừa vỗ vỗ đất thành hình cái gối và thận trọng nằm duỗi dài sao cho đôi ủng không thể tuột xuống nước. “Khỉ thật, trong khi ở nhà mình có hẳn một cô vợ và một cái giường đôi,” anh làu bàu, mắt đã díp lại.
 
“Sẽ có một gã nào đó nằm ghé tí,’ Jupp nói chõ ra trong xó của mình.
Kosole hé một mắt, ném cho Jupp cái nhìn sắc lạnh. Có vẻ như anh định chồm dậy. Nhưng anh chỉ gầm gừ: “Tao chẳng khuyên cô ta làm vậy, cái đồ cú vọ nhà mày!”
Liền sau đó anh đã cất tiếng ngáy.
Jupp ra hiệu cho tôi qua chỗ anh ta. Tôi bò qua đôi ủng của Adolf Bethke và ngồi xuống bên Jupp. Cẩn thận ngó chừng anh chàng đang ngáy ngon lành, Jupp nói vẻ cay độc: “Cái ngữ ấy chả có tí học thức nào, nói để cậu biết.”
Trước chiến tranh Jupp từng làm thư ký cho một luật sư ở Köln. Mặc dù đi lính đã ba năm, anh ta vẫn giữ một tâm hồn nhạy cảm; và vẫn rất xem trọng việc tỏ ra là người có học thức ngoài chiến trường. Điều ấy thực sự có nghĩa gì, cố nhiên chính Jupp cũng chả rõ, nhưng trong tất cả những thứ trước kia anh ta đà từng nghe thì riêng cái từ “học thức” lại bắt rễ trong đầu anh ta, và anh ta bám chặt lấy nó như chết đuối vớ được cọc. Thật ra ai ở đây cũng có thứ gì đó đại loại như vậy: người này là vợ, người kia là cửa hiệu, kẻ nọ lại là đôi ủng, với Valentin Laher là rượu, còn với Tjaden đó là ước muốn được một lần nữa chén đẫy bụng món đậu nấu mỡ muối.
Ngược lại, Kosole bao giờ cũng dị ứng với từ “học thức”, với anh cái từ đó luôn liên quan đến lũ mặc áo cổ cồn, mà thế là quá đủ. Nên lúc này dù đang ngủ anh vẫn cáu tiết. Vừa ngáy anh vừa văng ra cộc lốc: “Rõ cái đống phân sặc mùi thư lại!”
Jupp lắc đầu vẻ nhẫn nhịn và cao thượng. Chúng tôi im lặng ngồi sát bên nhau hồi lâu để sưởi ấm. Đêm lạnh và ẩm ướt, mây mù bao phủ, đôi lúc có mưa. Khi mưa, chúng tôi lôi những tấm vải bạt đang lót dưới người lên che đầu.
Chân trời lóa sáng ánh lửa đạn. cảm giác dường như ở đó không lạnh như nơi đây, trông vui mắt dễ chịu thế cơ mà. Những trái phá bay vút lên trên những loạt pháo sáng, tựa những bông hoa sặc sỡ lấp lánh ánh bạc.
Mặt trăng khổng lồ, đỏ ối lững lờ trôi trong sương mù bên trên những đống đổ nát của một nông trại.
“Cậu có nghĩ là bọn mình sẽ về nhà không?” Jupp thì thầm.
Tôi nhún vai. “Thì nghe nói thế…”
Jupp thở dài. “Một căn phòng ấm áp, có ghế sofa, buổi tối đi chơi…
Cậu còn hình dung nổi hay không?”
“Lần về phép gần đây nhất, em đã thử lại những bộ thường phục của mình,” tôi trầm ngâm nói, “nhưng đều chật quá rồi. Có lẽ sẽ phải sắm quần áo mới.”
Những từ: thường phục, sofa, buổi tối… vang lên nơi đây nghe sao lạ
lẫm thế chứ. Những ý nghĩ kỳ quái nảy ra trong đầu… Giống như thứ cà phê đen đôi khi nặng vị thiếc và gỉ sắt đến nỗi vừa uống vào sẽ lập tức ọe ra nóng rẫy.
Jupp mơ màng ngoáy mũi. “Ui chao, những quầy hàng… những quán cà phê… và đàn bà…”

Mời các bạn đón đọc Đường Về của tác giả Erich Maria Remarque.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *