Cuốn tiểu thuyết từng nằm trong danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh vĩ đại nhất giai đoạn 1923- 2005 của tờ Time này gần như một cuốn tự truyện tiêu biểu cho làn sóng tự do tiên phong thời kỳ hậu Thế chiến II. Được xếp vào các tác phẩm văn học cổ điển Mỹ cùng Huckleberry Finn của Mark Twain, tác phẩm đã khai thác chủ đề tự do cá nhân và những thử thách từ cái gọi là “Giấc mơ Mỹ”. Qua những chuyến đi và trải nghiệm của nhân vật chính và những mối quan hệ đan xen trong truyện, Trên đường là một bằng chứng của một giai đoạn trong lịch sử nước Mỹ và của một phong trào trí thức mà nếu không có nó có lẽ sẽ không ai lý giải.
Cuộc phiêu lưu xuyên Mỹ của Sal Paradise và Dean Moriarty trong truyện được dựa trên chuyến đi có thật của Jack Kerouac và Neal Cassady. Về thực chất, đó chính là hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và sự trải nghiệm đích thực. Được viết bằng sự pha trộn giữa cái nhìn buồn bã ngây thơ với sự phóng túng cuồng nhiệt, giữa tình yêu sâu sắc của Kerouac với nước Mỹ, lòng trắc ẩn của ông với con người và cảm thức về ngôn ngữ, coi nó như nhạc jazz, Trên đường là một điển hình cho cách nhìn Mỹ về tự do và hy vọng, đặc biệt trong bối cảnh “Giấc mơ Mỹ” bắt đầu tan vỡ. Với Trên đường, Jack Kerouac đã bắt đầu phát triển một cách viết mà ông gọi là “Văn xuôi bột phát” (Spontaneuos Prose) với đặc điểm gồm rất nhiều các câu dài, kết cấu hình thức phóng khoáng, được viết ra ngay khi ý tưởng ập đến trong đầu, mang tính cá nhân rất cao. Ngay từ khi ra đời, cuốn sách đã gây ra không ít tranh cãi, nhưng bất chấp những tranh cãi đó, Trên đường vẫn được đa số công nhận là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất thế kỷ hai mươi của nền văn học Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
Nhận định
“Nếu như Mặt trời vẫn mọc của Hemingway trong thế kỷ hai mươi được coi như cuốn Kinh thánh của Thế hệ bỏ đi thì Trên đường của Jack Kerouac cũng đóng một vai trò như vậy với Thế hệ Beat. (…) Thế hệ beat sinh ra đã vỡ mộng. Họ coi những nguy cơ xảy ra chiến tranh, sự trì trệ của hệ thống chính trị, thái độ thù địch của cộng đồng là hiển nhiên. Sự giàu có không làm họ ấn tượng. Họ không biết mình đang tìm kiếm nơi nào để nương tựa, nhưng họ vẫn không ngừng tìm kiếm.” – Gilbert Millstein, New York Times Book Review
“(…) Văn phong xuất sắc. (…) Phong cách độc đáo, mãnh liệt mà giản đơn, sắc sảo đến dị thường. – The Atlantic Monthly.
“Trên đường là một tiểu thuyết sẽ khiến độc giả của nó muốn ngay lập tức lên đường, chộp lấy tháng ngày hiện tại và sống, sống, sống đến tận cùng!” – Anna Hassaghi, Đại học Hiram
Nếu bạn ở trên đường, đi qua bụi mù và đơn độc, thì Jack Kerouac sẽ ở bên bạn. Không buồn đâu, không cô độc, chỉ có những con đường ngoài kia, trẻ mãi, vui mãi và yêu đương khôn xiết.
Lần đầu tiên tôi đọc “Trên đường” là lúc tôi ngồi một mình trong Angkor Wat. Tới bây giờ với tôi, cảm giác ấy vẫn là một sự rung rinh dịu dàng. Tôi nghĩ mình đã yêu, yêu đền đài trước mặt và yêu bàn chân mà Sal Paradise đã đi.
Cuốn sách này đơn giản lắm, nó là hằng hà sa số những cuộc đi tới đi lui của anh nhà văn trẻ Sal Paradise – sau khi “khám phá” ra trên đời này có một gã tên là Dean Moriarty. Sal viết: “Dean Moriarty đến là bắt đầu một chương mới trong đời tôi, có thể đặt tên cho nó là “đời tôi trên những con đường”, hay “Về chuyện ngao du trên đường thì Dean là típ người hoàn hảo, bởi vì hắn được đẻ ra ngay trên đường, trong một cái ôtô xập xệ, khi bố mẹ hắn đi ngang qua Salt Lake City để về Los Angeles năm 1926.”
Rồi từ ấy trở đi, cuộc đời họ trở thành các vì sao, lao nhanh vào vũ trụ của các con đường, không quỹ đạo, không ngần ngại, không cả những toan lo vớ vẩn mà bất cứ ai trên đời này. Những trang viết là dòng chảy khấp khởi của các ý nghĩa, sự hưng phấn không chịu nổi của tình yêu, vẻ đẹp các quãng đường, những cơn mê cuồng dại trong vẻ đẹp của một cánh đồng, của mùa đông, của một quãng đường dài khủng khiếp đầy gió bụi.
Phong cách viết của Jack Kerouac là điển hình cho thế hệ Beat. Với đầy đủ những đặc trưng của dòng chảy này: Coi những tự sự trần trụi, tươi mới là hạt mầm của sáng tạo. Ở bất cứ đâu trong “Trên Đường”, bạn đều có thể bắt gặp những câu viết nhanh, hưng phấn tột cùng trong ý nghĩ, xúc cảm tươi rói, không bó buộc chút gì trong các quy tắc ngôn ngữ thông thường:
“Trong một thoáng, tôi đã đạt tới cực điểm cảm xúc mà bấy lâu nay tôi hằng ao ước, hoàn toàn bước qua ranh giới của thời gian vật chất sang vùng bóng tối phi thời gian, kinh ngạc trước sự lạnh lẽo của cõi hữu hạn, cảm giác như cái chết đang đuổi theo sát gót buộc mình tiến về phía trước, theo sát nó lại là một bóng ma khác, và chính tôi đang vội vàng chạy về nơi các thiên thần vỗ cánh bay vào khoảng không thiêng liêng vô cùng tận, nơi ánh sáng giác ngộ phi thường không sao lý giải nổi trong Bản thể Nhận thức chói loà, biết bao cõi bình an mở ra trong ánh sáng diệu kỳ từ thiên đường rọi xuống. Tôi có thể nghe thấy tiếng gầm gào náo động không sao miêu tả nổi không những trong tai tôi mà còn ở khắp nơi và cứ mặc kệ những âm thanh đó. Tôi nhận ra là mình đã chết đi và sống lại đến ngàn lần nhưng không sao nhớ nổi chính xác bởi lẽ bước nối tiếp từ sự sống sang cái chết thật quá dễ dàng, chỉ là một phép thần của hư vô, chỉ như thiếp đi rồi lại đứng dậy đi lại hàng triệu lần, hoàn toàn bình thường và chẳng ai hay biết. Tôi nhận ra rằng nhờ tính ổn định của Nhận thức thực chất mà sự sống và cái chết mới diễn ra như làn sóng, như cơn gió lay động mặt nước hồ trong vắt, yên ả, phẳng lặng như gương. Tôi cảm thá6y hạnh phúc ngọt ngào, ngây ngất như vừa tiêm vào động mạch chủ một mũi heroin; như một chầu rượu cuối chiều và bỗng thấy mình run rẩy. Chân tôi như có kiến đốt. Tôi nghĩ bụng có lẽ mình chết đến nơi rồi. Nhưng tôi không chết và lại cuốc bộ bốn dặm đường, nhặt được mười đầu mẩu thuốc lá mang về phòng của Marylou, nhét số thuốc còn lại trong đó vào tẩu rồi châm lửa hút…”
Cũng ở đoạn văn trên, người đọc có thể thấy thêm một đặc trưng nữa của trào lưu Beat: “Ý thức của nghệ sĩ được mở rộng ra vô hạn trong những hỗn loạn của giác quan” – và cách hầu hết những nhà văn như JackKerouac sử dụng để tạo ra cảm xúc bất thần là nương nhờ vào cơn say ma tuý.
“Trên đường” chứa hàng trăm đoạn văn mà khi đọc bạn cảm thấy mình ở trong đó, phân vân vì từng đồng bạc lẻ trước khi lên đường, hú hét điên dại trong cơn hứng chí giữa con đường ngập tuyết, điên lên vì yêu đương, ghen tuông, rủa xả rồi lại lao vào nhau giữa những cuộc làm tình không bờ bến. Đọc quyển này, cứ như ta uống hoài, uống hoài, uống cho đã cái hơi men tuổi trẻ mà Jack Kerouac đã vắt vào, ném lên trời, hệt như các vì sao tả tơi trong đêm tối hoang dại. Các chàng trai cô gái trong sách cứ dâng lên trong ngày tháng không bờ bến của họ, làm tất cả những gì mình muốn, bất chấp thế giới đổi thay, và thỉnh thoảng có người gục ngã không chút ngần ngại. Dean yêu Marylou, rồi Dean đi lấy Camille, còn Marylou đi lấy một gã thuỷ thủ, rồi họ lại lao vào nhau trên đường. Sal yêu Terry trên nông trại, rồi rời bỏ nàng vì con đường vẫy gọi. Họ đến, rời đi, bỏ lại những mái nhà để kiếm tìm khoái cảm vô tận của tuổi trẻ…
Tôi không phải người nghe nhạc Jazz nên không rành lắm. Nhưng cũng trong quyển này, có một “nhân vật” quan trọng là: nhạc Jazz, hiện hữu đầy rẫy trong các quán bar, trong căn phòng tối cả đám phê thuốc, trong cuộc nhảy múa điên cuồng với tay chơi kèn thần sầu. Có những đoạn viết kiểu như vầy:
“Tay saxo đội mũ đang trong trạng thái ứng tác kỳ thú, lặp lại điệp khúc trầm bổng từ “II –ya!” dến âm điệu phá cách hơn “II-đe-li-ya!”, cứ thế hoà điệu cùng tiếng trống dồn dập của một tay trống da đen có cái cổ to như cổ bò, gã này bất cần mlọi thứ, chỉ quan tâm đến mỗi cái dàn trống của gã, đập, gõ , đập. Âm nhạc cuồng nhiệt, tay saxo đã tạo nên điều đó và mọi người đều biết chính gã đã tạo nên điều đó. Dean ôm lấy đầu, chen chúc trong đám đông như đang phát điên. Tất cả mọi người đang cổ vũ tay saxo cữ giữ mãi đoạn đó, họ la hét với những đôi mắt như điên dại, gã lại đứng thẳng lên sau cú gập người lấy hơi rồi lại chùng người xuống, tiếp tục khúc nhạc trong tiếng hò hét thán phục. Một phụ nữ da đen gầy nhẳng cao lêny khênh đang lắc lưu chạm đống xương của cô ta vào cây kèn của gã, gã chẳng quan tâm, cứ thế thúc cây kèn vào cô ta, “Ii! Ii! Ii!”
….
“Hắn xoa ngực xoa bụng, mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt. Gã đánh trống đẩy tiếng trống xuống thật thấp rồi dồn dập tăng nhịp và cường độ lên bằng đôi dùi hay chết người của gã. Một gã to béo nhảy lên bục biểu diễn, làm cái bục lún xuống và kêu cót két. “Yo!” Tay piano lướt trên phím đàn bằng cả mười ngón tay xoè rộng, tạo ra những hợp âm nhanh trong lúc gã saxo vĩ đại đó lấy hơi cho một cao trào mới – những hợp âm kiểu kinh kịch Trung Quốc khiến từng đường dây thớ gỗ của cây piano rung chuyển. Rồi từ trên bục, tay saxo nhảy xuống, đứng giữa đám đông, vung kèn ra cho bốn hướng thổi, mũ sụp xuống mắt; ai đó đội lại mũ cho gã, Gã ngả người ra sau, lại nghỉ lấy hơi, giậm chân xuống sàn và tung ra những nốt trầm khàn, rồi lại lấy hơi, nâng kèn lên thổi những giai điệu thanh thoát, mênh mông, xé tan bầu không khí. Dean đang đứng ngay trước mặt gã, mặt nghiên xuống gần sát bàn kèn, tay vỗ nhịp, mồ hôi rỏ tong tong lên phím kèn, gã nhìn thấy, thế là gã thổi vào tiếng kèn một tràng cười dài như điên dại, và mọi người cũng cười theo, lắc lư người liên tục. Cuối cùng tay saxo quyết định lên đến đỉnh điểm, gã quỳ mọp xuống, ngận dài mãi một nốt đô chói tai trong khi mọi thứ như vỡ toác hết và khán giả gào thét mỗi lúc một to thêm.”
Trong cách viết này, câu từ lặp đi lặp lại để thể hiện cái chết bên trong của một thứ khác, vượt qua giới hạn của giác quan, chiêm ngưỡng khoái lạc, về sự sung mãn lạ thường của cuộc sống. Và ở giữa các đoạn văn, người đọc có thể thấy được những âu lo, nỗi buồn thầm kín, những đổ vỡ của con người của “Thế hệ đã mất” sau chiến tranh thời Kerouac: đôi lúc chán ghét cuộc sống đến thù hằn, rồi lại đau đớn yêu thương nó vì sự rực rỡ quá đỗi của các cung bậc bay bổng ngoài kia.
Linh hồn của Dean Moriarty có lẽ là linh hồn của một con đường. Gã đi như mây gió, gã kéo theo Sal, kéo theo cô tình nhân Marylou xinh xẻo ngu ngốc, rồi gã sẵn sàng vứt bỏ họ bên đường, vứt bỏ mái nhà, vứt bỏ Sal, vứt bỏ tất cả, để chạy theo con đường. Dean không có lỗi. Chỉ là Dean không dừng lại được. Có lẽ, nếu l1uc Dean ngừng lại, gã sẽ chết vì u buồn và đơn điệu, sẽ chết giống như một người đang cần khí thở liền bị ai đó bóp cổ vậy.
Trong một chặng đường ở Mexico, Dean đã bỏ lại Sal khi đang bị kiết lị. Hắn nói: “Sal tội nghiệp, Sal tội nghiệp, ông bị ốm rồi. Stan sẽ chăm sóc ông. Cố nghe tôi nói đây, dù ông đang bệnh: tôi vừa nhận được ở đây giấy tờ ly hôn với Camille, tối nay tôi về New York với Inex, nếu cái xe còn đủ sức.”
“Lại từ đầu à?” tôi kêu lên,
… Sal đã nghĩ về điều đó như một sự phản bội, nhưng cũng ngay lúc đó Sal hiểu ra rằng Dean phải chạy đua với cuộc đời ngột ngạt này, vứt bỏ mọi thứ để lại được ở trên đường, lái xe và đi khắp thế gian của hắn.
Hắn là tuổi trẻ, là sự huy hoàng duy nhất còn lại trong bóng tối già nua bủa vây và nỗi buồn rũ rượi….
Jack Kerouac
“Trên đường” là một tuổi trẻ ngây ngất cho những ai đang đeo balô và đi xa, đang du hý đâu đó, đang đơn độc tận hưởng cõi đời này, hãy nhai bánh mì nhạt, uống cà phê và đọc một đoạn.
Đó là một niềm vui lộng lẫy bé xíu xiu thôi…. và mình không thể nào cưỡng lại.
Khải Đơn Review
Để kiếm tìm trải nghiệm cho những áng văn chương của mình, Sal lên kế hoạch đi về Bờ Tây bằng cách xin đi quá giang mọi phương tiện xe cộ trên đường. Sal được tụ hội với Dean cùng những chiến hữu, cũng là những nhà văn, nhà thơ trẻ nổi loạn, Carlo Marx, Chad King, Tom Snark, Tim Gray…tại thành phố Denver cổ kính và đã có những “cuộc vui quên tháng ngày”, tưởng chết đi được trong những quán bar đặc mùi khói thuốc và ồn ĩ tiếng nhạc jazz phóng khoáng, hay những buổi đàm đạo sôi nổi xuyên đêm tới sáng mà bản thân người tham gia không hiểu mình đang nói gì…
Cứ thế, cả tiểu thuyết là những lần gặp rồi chia tay, chia tay rồi gặp lại của Sal và Dean trong vài năm sau đó. Hai con người ấy đã cùng nhau lang thang, rong ruổi trên những con đường khắp chiều dài nước Mỹ, từ Đông sang Tây, và ngược lại, không biết bao nhiêu lần. Một tình bạn bền chặt kì lạ dần được xây đắp nên giữa hai gã đàn ông này, nối kết với nhau bằng những sợi dây ý thức rối rắm mà người ngoài không thể hiểu nổi. Họ cùng nhau tận hưởng cảm giác lang bạt, gặp gỡ và kết bạn mới, chìm đắm trong những cuộc tình mới, say khướt với những bữa rượu túy lúy bất kể giờ giấc, tiếp thu những kinh nghiệm sống phi vật chất với thái độ bất cần đời. Dean có thể phóng xe bạt mạng vượt mấy nghìn dặm chỉ để gặp Sal, cũng như Sal sẵn sàng từ bỏ mọi thứ, xách vali và nhảy lên xe để đi cùng Dean đến bất cứ phương trời bất định nào.
Nhân vật Sal cứ liên tục hỏi những cô gái anh ta gặp “Em chờ đợi gì ở cuộc đời này?” nhưng chính bản thân anh cũng chẳng rõ “Đi đâu? Làm gì? Nhằm mục đích gì?..” và những “cái bọn khùng này lại cứ muốn lao về phía trước”, suy ngẫm và tìm kiếm ĐIỀU ĐÓ, thứ gì đó thần thánh mà họ không cắt nghĩa rõ được. Họ đơn thuần là những nhà văn trẻ đầy nhiệt huyết, muốn tự giải phóng mọi ràng buộc, thoát khỏi sự gò bó bởi lý trí, logic, đạo đức, tôn giáo… để tìm về với bản ngã sơ khai. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó khi Sal, Dean và người vợ đầu tiên của hắn, Marylou, “trút bỏ hết gánh nặng quần áo”, khỏa thân lái xe dưới cái nắng gió của miền Tây nước Mỹ, tận hưởng khoảng trời tự do đã cho họ trải qua những trạng thái vui sướng, tuyệt vọng, trống rỗng và bi đát – nỗi buồn đặc thù trên đất Mỹ mênh mông.
“Trên đường” được dựa trên câu chuyện có thật của Jack Kerouac cùng người bạn Neal Cassady, hai trong số những nhân vật quan trọng của thế hệ Beat (Beat Generation) của nước Mỹ những năm 50, là cánh chim đầu đàn khởi xướng ra phong trào Hippy và tạo cảm hứng cho những người theo chủ nghĩa Bohemian. Tiểu thuyết này được viết ra trong vòng chưa đến ba tuần lễ trong năm 1951, theo lối viết sáng tác bột phát trên một cuộn giấy teletype, thể hiện một phong cách tươi mới với câu văn dài lan man dựa trên kết cấu rời rạc của nhạc jazz mà theo J.Kerouac đã nhấn mạnh “Không có ‘sự chọn lọc’ trong diễn đạt mà cứ đi theo sự liên tưởng của tâm trí, chìm vào những biển suy tư vô bờ bến với chủ đề triền miên.”.
Tác phẩm đề cao sự tự do trong tâm hồn, hoài bão sống trần trụi, niềm đam mê với những chuyến đi phiêu bạt và coi “con đường đó chính là cuộc đời họ”. Khẩu hiệu nổi tiếng “Make love, not war” cũng được ra đời trong thời kỳ này. Và từ một nhóm nhỏ những người bạn say mê văn chương, thế hệ Beat đã bất tử trở thành một huyền thoại văn hóa của nước Mỹ. Hình ảnh nhân vật trong tiểu thuyết mang ba lô và vẫy tay xin quá giang dọc đường đã tạo cảm hứng cho rất nhiều thanh niên thời kỳ đó cũng như bây giờ bắt chước theo.
Hãy lên xe cùng Sal và Dean, biết đâu bạn sẽ tìm thấy mình ở đâu đó trên con đường dài ấy!
Thi Nga Review
Mời các bạn đón đọc Trên Đường của tác giả Jack Kerouac.
Chia sẻ ý kiến của bạn