Trần trụi giữa bầy sói là một trong những tác phẩm nổi tiếng sau đại chiến thứ hai, được dịch ra hai mươi thứ tiếng và trở thành một sự kiện văn học.

Trần trụi giữa bầy sói xoay quanh một câu chuyện rất bình thường. Một chú bé Do Thái Ba Lan được cứu thoát khỏi tay phát-xít Đức, khi chúng đang điên cuồng tàn sát những người dân Do Thái Ba Lan ở Vacsava. Chú bé được bỏ vào một chiếc va ly cho một tù nhân xách đi và được đưa đến Bukhânvan. Sự có mặt của đứa bé gây ra biết bao nguy hiểm cho năm vạn tù nhân sống trong trại, vì bọn phát-xít sau khi đánh hơi thấy đứa bé đã sục sạo đi tìm những dấu vết của tổ chức Đảng đang lãnh đạo các tù nhân trong trại. Câu chuyện tuy bình thường như vậy nhưng nó xúc động người đọc mãnh liệt vì tác giả bố trí nó chặt như một vở bi kịch và nêu lên được cái đẹp, cái cao thượng vô song của con người.

Đây không chỉ là một cuốn sách hay, mà còn có một giá trị to lớn. Như nhiều nhà phê bình nhận định, nó đề cập đến chính vấn đề phong cách của tiểu thuyết hiện đại, và là một trong những hướng giải quyết táo bạo nhưng thành công.

***

THƯ CỦA TÁC GIẢ GỬI ĐỘC GIẢ VIỆT NAM

Cuốn sách của tôi kể lại cuộc đấu tranh của các tù nhân, trong trại tập trung Bukhânvan để cứu một đứa trẻ Ba Lan; đứa trẻ đó được đưa nào trong trại, bất chấp muôn ngàn nguy hiểm. Nhưng mục đích của cuốn sách còn nhằm xa hơn nữa: nó muốn nói lên cái đẹp về tinh thần của con người bênh vực cho con người và làm nổi bật sự vĩ đại của con người. Nó muốn ca ngợi tình đồng chí giữa những con người của bao nhiêu dân tộc châu Âu đằng sau những hàng rào dây thép gai mắc điện cao thế – tình đồng chí có một không hai trong lịch sử. Cuốn sách cũng muốn kể lại sự chiến thắng của con người đối với bản tính thú vật của bọn phát xít. Hạt mầm của lòng bác ái mà hàng triệu con người khi chết xuống đã vùi theo họ trong mảnh đất đẫm máu ở Bukhânvan, ngày nay lại bùng nổ lên trong cuộc chiến đấu của các dân tộc chống kẻ thù, những kẻ mang thảm họa tới cho nhân loại.

Tôi chỉ là mật con người bình thường nên mục đích cuốn sách của tôi cũng bình thường: đó là Hòa bình và Hạnh phúc cho hết thảy mọi người.

Đem dịch nó ra tiếng nước ngoài, cũng không cần phải có nghệ thuật lắm mới làm nổi, vì mọi người tất sẽ hiểu được nó.

Berlin tháng 6 năm 1962
BRUNO APITZ
***

TRẦN TRỤI GIỮA BẦY SÓI là một trong những tác phẩm nổi tiếng sau đại chiến thứ hai. Xuất bản lần đầu tiên năm 1958 với 60 vạn cuốn ở Cộng hòa dân chủ Đức, cùng năm ấy tác phẩm này được Chính phủ Cộng hòa dân chủ Đức tặng giải thưởng Văn học Quốc gia, được tái bản liên tiếp ngay cả ở Tây Đức, được dịch ra hai mươi thứ tiếng rà trở thành một sự kiện văn học được nhiều người bàn đến ở châu Âu.

Tác giả cuốn sách, Brunô Apitz (1900 – 1979), xuất thân từ một gia đình công nhân ở Laixich, một trung tâm công nghiệp lớn ở Đức. Con người ấy suốt đời là một chiến sĩ chống bọn gây chiến. Trong đại chiến thế giới lần thứ nhất, ông bị giam hai năm vì tuyên truyền hòa bình. Năm 1934 ông lại bị bọn Hítle bỏ tù vì hoạt động chống phát-xít. Ba năm sau ông là một trong những tù nhân đầu tiên bị bọn phát-xít đưa đến Bukhânvan[1] để xây dựng trại tập trung khổng lồ nhốt hàng vạn người. Ông đã ở đấy mãi cho đến khi Hồng quân đánh bại phát-xít Đức, và là một trong những tù nhân cuối cùng của địa ngục Bukhânvan.

Phải có nước Cộng hòa dân chủ Đức, người công nhân đã hy sinh tất cả tuổi trẻ của mình trong các nhà tù ấy, mới thành một nhà văn. Ông viết báo, được cử làm chủ nhiệm một nhà hát của nước Cộng hòa dân chủ Đức. Năm 1950 ông làm biên tập cho hãng phim Đêfa và đã chuyển thể quyển tiểu thuyết này thành kịch bản để xây dựng thành phim.

Từ mười mấy năm nay đã có rất nhiều tác phẩm viết về các trại tập trung của phát-xít Đức, nhưng không tác phẩm nào để lại cho độc giả ấn tượng mãnh liệt như Trần trụi giữa bầy sói. Điều đó có nhiều nguyên nhân.

Một nguyên nhân chủ yếu là vì tác giả của quyển tiểu thuyết này là một chiến sĩ. Là một chiến sĩ nên đối với ông, Bukhânvan không phải chỉ có lò đốt xác, có boong-ke, trại giam, có tháp canh, hàng rào dây điện cao thế, có lũ phát-xít hoành hành bắn giết tra tấn và hàng vạn tù nhân đói khổ, đau ốm, chết chóc và nếu còn sống sót thì kiếp sống cũng chẳng hơn gì thú vật. Điều đó là hiển nhiên. Nhưng còn có điều quan trọng hơn, và là trung tâm sự chú ý của Brunô Apitz. Đó là sự vĩ đại của con người, tình đồng chí “có một không hai trong lịch sử” của hàng chục dân tộc. Con người ở đây “trần trụi” thực đấy, nhưng họ gắn bó với nhau, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Đảng có mặt mọi nơi. Hơfen, một nhân vật trong chuyện, nói: “Nếu chúng mình sống sót ra khỏi nơi đây, tôi sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng về việc ấy, anh có thể tin như vậy”. Thì Krêmơ nghiêm nghị nhìn vào mặt Hơfen: “Đảng ở ngay đây”.

Đảng ở ngay đây, ở ngay Bukhânvan, đó mới là chủ đề của cuốn truyện, ở đây không phải chỉ có đàn sói mà còn có con người, tuy bên ngoài ai cũng như ai đều mặc áo tù kẻ sọc, nhưng bên trong, đó là những con người lớn, đoàn kết, kỷ luật, sáng suốt, kiên nhẫn, mạnh hơn cái chết.

Nội dung Trần trụi giữa bầy sói xoay quanh một câu chuyện rất bình thường. Một chú bé Do Thái Ba Lan được cứu thoát khỏi tay phát-xít Đức, khi chúng đang điên cuồng tàn sát những người dân Do Thái Ba Lan ở Vacsava. Chú bé được bỏ vào một chiếc va-li cho một tù nhân xách đi và được đưa đến Bukhânvan. Sự có mặt của đứa bé gây ra biết bao nguy hiểm cho năm vạn tù nhân sống trong trại, vì bọn phát-xit sau khi đánh hơi thấy đứa bé đã sục sạo đi tìm những dấu vết của tổ chức Đảng đang lãnh đạo các tù nhân trong trại. Câu chuyện tuy bình thường như vậy nhưng nó xúc động người đọc mãnh liệt vì tác giả bố trí nó chặt như một vở bi kịch và nêu lên được cái đẹp, cái cao thượng vô song của con người.

Thời gian trong Trần trụi giữa bầy sói là thời gian của một vở kịch. Tác giả miêu tả Bukhânvan trong những ngày cuối cùng của nó. Sự việc xảy ra trên dưới một tháng. Ở trang đầu là tháng ba năm 1945, quân Mỹ vượt qua sông Rainơ, biên giới Đức, ở quãng Rêmagân là Hồng quân ào ạt tiến vào đất Đức. Và cứ thể: Haau, Opênhaimơ, Katxen, Aidơnăc… rồi ngày 8 tháng 4 tới Ecfuôc, và cuối cùng quân đồng minh ở cách trại giam 12 cây số và cuộc khởi nghĩa bùng nổ ở Bukhânvan. vấn đề đối với trại Bukhânvan là làm sao theo dõi được tin tức bên ngoài và tìm cách giành giật từng giờ từng phút, vì tương lai thuộc về họ cho nên họ càng trì hoãn được phút nào là họ tiến gần đến thắng lợi phút ấy. Không khí do đó càng ngày càng nồng nặc mùi thuốc súng. Trong những giờ phút ấy, tất nhiên con người càng dễ lộ bản chất của mình. Bọn phát-xit càng điên cuồng, lồng lộn, tàn ác, tìm cái khoái trá trong việc tra tấn, kìm kẹp, bắn giết, nhưng lại càng hốt hoảng, nhớn nhác, tìm cách tháo thân. Đối lập với chúng, Đảng Cộng sản càng nêu cao tinh thần kỷ luật, kiên quyết, sáng suốt lợi dụng thời cơ, ráo riết chuẩn bị.

Chính trong khoảng thời gian ấy, cơn lốc của cuộc sống lôi cuốn mọi sự việc diễn biến rất nhanh, khiến từng giờ từng phút phải đối phó, đặt kế hoạch, tranh cãi, quyết định. Người ta không còn thì giờ nghĩ đến quá khứ, không còn thì giờ để hồi tưởng, mơ màng. Toàn bộ tác phẩm chỉ có hai cảnh nhắc đến quá khứ, nhưng trong một trăm trang đầu đã có tới sáu mươi cảnh khác nhau, trong đó người ta phải vật lộn với những vấn đề trước mắt. Biến cố xảy ra dồn dập với tốc độ của tia chớp. Jankôpxki đưa đứa bé vào trại, Hơfen phát hiện, Pipich đem giấu, Rôsơ bắt gặp, Bôkhâu ra lệnh: nó phải ra khỏi trại, Hơfen băn khoăn… Thế rồi người giữ đứa bé lại, người tìm ra nó, người đem giấu nó… Biến cố này chưa hết, biến cố khác đã xảy tới, trong khi bên ngoài là máy bay oanh tạc ầm ầm, và xa hơn nữa, những đoàn quân đang rầm rộ tiến. Cuộc sống ở đây căng thẳng đến nỗi các đồng chí trong ủy ban quốc tế các trại tập trung (ILK) không nhớ đứa bé làm cả trại khốn đốn kia là con trai hay con gái nữa cũng như chúng ta dễ dàng quên rằng mụ Horten có cái bộ ngực núng nính là người đàn bà duy nhất trong truyện.

Đọc Trần trụi giữa bầy sói, không ai có thể quên những con người bảo vệ danh dự cho dân tộc Đức, Hơfen, Suyp, Pipich, Krêmơ anh chàng Ba Lan Krôpinxki, và những người lãnh đạo ủy ban quốc tế các trại tập trung; Bôkhâu, Bôgoxki, Riômăng, Van Đalen, Kôđixec. Họ khác nhau về tính tình, có người nôn nóng, có người trầm lặng, có người bao giờ cũng bình tĩnh, có người vui vẻ, có người lạnh lùng. Nhưng tất cả đều mang trong người tình nhân đạo cao quý. Cái gì đã khiến Hơfen giữ đứa bé lại, cái gì bắt Krêmơ làm ngơ không kiểm soát công việc của Hơfen, cái gì làm Hơfen đau khổ hơn là bị tra tấn khủng khiếp, cái gì làm Pipich sung sướng khi sắp chết vì đã kịp thời giấu súng. Họ không phải không có khuyết điểm hưng họ vẫn là những hình ảnh đẹp vô cùng. Đó là bài ca về cái đẹp của con người. Càng về sau, tính chất anh hùng ca càng nổi bật. Nếu ở nửa đầu tác phẩm, chủ yếu là miêu tả tâm trạng của cá nhân, thì nữa sau dành cho việc miêu tả hành động của quần chúng. Quần chúng trì hoãn việc dời trại, quần chúng che giấu 46 “nạn nhân” của thần chết, quần chúng bảo vệ đứa bé khiến cho Kluttich tuy đứng trước mặt nó mà không dám làm gì, đành phải rút lui và cuối cùng quần chúng khởi nghĩa.

Có thể nói ít người có được ngòi bút khách quan hơn Brunô Apitz trong việc miêu tả nhân vật và sự kiện. Khi nói đến bè lũ phát-xít, tác giả không có một nét nào là biếm họa. Ông cẩn thận cân nhắc trong việc miêu tả, chú ý đến dáng điệu, cử chỉ, thái độ của từng đứa, cũng với tất cả sự quan tâm như đối với những đồng chí của mình. Người ta thấy cái lưỡi thè lè của Xvailinh; cái vẻ lịch sự dịu dàng che giấu một sự đểu giả tàn ác của Rainơbôt, ngay trong lúc tra tấn tù nhân y vẫn còn giữ cái vẻ lịch sự mềm mại của những động tác thể thao; cái tên man rợ Mandrin chuyên việc tra tấn người, càng nốc rượu vào thì lại càng tàn ác và tìm thấy trong việc tra tấn một thú vui khủng khiếp. Tên Svan có cái cằm phình ra, hay đi quanh cái bàn giấy to tướng, mở miệng là nói giọng ngoại giao; tên Kluttich thô bạo mở miệng là đòi bắn giết v.v… Ngay trong ngôn ngữ tác giả cũng để cho chúng biểu hiện được rõ cá tính của chúng. Người ta thấy đằng sau thái độ khách quan ấy là cái nhìn rất sáu sắc của một người đã sống một phần lớn đời mình trong việc theo dõi những kẻ thù của nước Đức và của thế giới. Ngay đối với các bạn, tác giả cũng vẫn giữ cái nhìn nghiêm khắc khách quan ấy. Brunô Apitz không gượng nhẹ họ, nếu trong óc họ nẩy ra những ý nghĩ khủng khiểp… Để cho Bôkhâu nghĩ đến cái chết của Hơfen và Hơfen nghĩ đến việc mình khó lòng chịu đựng được cảnh tra tấn nữa, để cho những con người nhân đạo nhất trên đời phải thốt lên: “Tại sao đứa bé kia không chết quách đi cho rồi”, tác giả làm người ta liên tưởng đến bút pháp của Secxpia, vị thầy của nghệ thuật. Người ta khó lòng khắt khe đối với những con cưng của mình hơn Apitz, nhưng kết quả sẽ không phải là làm giảm giá trị nhân vật. Trái lại, từ đó sẽ toát lên cái người ta thường gọi là lôgic khách quan của cuộc sống, tất yếu khách quan của hoàn cảnh và càng làm nổi bật cái tất yếu khách quan ấy thì cái thực, cái giả mới xuất hiện rõ, cũng như vàng, thau, chỉ có thể phân biệt bằng lửa chứ không thể đoán bằng mắt. Cuộc sống những ngày cuối cùng ở Bukhânvan tự bản thân nó là lửa. Cho nên đã xuất hiện thứ vàng cao nhất. Đã xuất hiện: chàng thợ xếp chữ Pipích, có đôi chân khuỳnh khuỳnh, nhỏ bé nhưng đến lúc hiểu sự thật thì anh dũng tuyệt vời; Krêmơ với đôi vai rộng đủ sức che chở cho toàn trại, với đầu óc sáng suốt, thần kinh tốt đến nỗi không còn có sự đe dọa, lừa bịp, không một biến cố nào vật ngã nổi; Bôgoxki với nụ cười vui vẻ, cười trong những lúc khó khăn nhất, Bôkhâu, con người của nguyên tắc, của tổ chức, nhưng nặng nề khối óc mà nhẹ về trái tim; Pribula sôi nổi, nôn nóng, luôn luôn đòi bạo động; Hơfen, con người xứng dáng với lời khen đẹp nhất của Bôgoxki: “Nghi ngờ Hơfen hóa ra nghi ngờ mình sao?”, “Chúng ta phải khỏe như Hơfen” v.v… Đặc biệt, trong tác phẩm đã xuất hiện cả một khối quần chúng vĩ đại, với trực giác được rèn luyện lâu dài trong những năm tù tội, với lòng tin sắt đá vào tổ chức, vào Đảng, ngay khi đứng trước cái chết cũng vẫn là một đội quân vô cùng anh dũng. Chính nhờ bút pháp khách quan ấy đã giúp cho tác giả tận dụng được vốn sống dồi dào của mình và vẽ lên được, tuy chỉ một mảnh của Bukhânvan thôi, nhưng một mảnh nóng hổi sức sống như trái tim của con người.

Đối với văn hoc hiện tại, Trần trụi giữa bầy sói không chỉ là một cuốn sách hay, mà còn có một giá trị to lớn. Như nhiều nhà phê bình nhận định, nó đề cập đến chính vấn đề phong cách của tiểu thuyết hiện tại, và là một trong những hướng giải quyết táo bạo nhưng thành công.
Trong nhóm chúng tôi, một người đã được nhìn thấy tận mắt Bukhânvan năm 1956. Trại tập trung Bukhânvan hiện nay đã được cải tạo thành một khu lưu niệm trưng bày những vết tích cũ. Từ những lò đốt xác cho đến những mớ tóc, những mảnh quần áo của tù nhân còn được giữ lại, từ những hàng rào thép gai đến những căn hầm đào dưới đất để trốn tránh, tất cả đều gợi lên cảnh của địa ngục trần gian, mà lịch sử loài người cho đến đại chiến thứ hai chưa từng được chứng kiến. Nếu như mỗi hòn đất, mỗi ngọn cỏ nơi đây có thể nói lên được, chúng sẽ kể lại không biết bao nhiêu thảm cảnh khó tưởng tượng; nhưng cuốn sách này của tác giả, theo chúng tôi nghĩ, đã có thể xứng đáng thay mặt cho những vật lưu niệm kia mà tố cáo trước loài người tiến bộ những hành vô cùng dã man của bọn phát-xít, nhắc nhở cho những người còn sống thêm cảnh giác trước những âm mưu thâm độc của bọn khát máu, đồng thời cũng là một bản anh hùng ca nói lên tinh thần bất khuất của tất cả các tù nhân, không kể là thuộc dân tộc nào, đấu tranh giành lấy quyền sống của con người, và sau cùng nói lên vai trò không thể thiếu của Đảng, của giai cấp công nhân, giai cấp tổ chức và lãnh đạo mọi cuộc đấu tranh để giành lấy quyền sống thiêng liêng ấy.

Những người dịch

Mời các bạn đón đọc Trần Trụi Giữa Bầy Sói của tác giả Bruno Apitz.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *