Những năm qua, văn học Nga luôn có một vị trí xứng đáng trong lòng bạn đọc Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc nuôi dưỡng nhân sinh quan và thế giới quan của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam qua các thời kỳ. Nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ Nga và Liên Xô đã được dịch sang tiếng Việt và trở nên quen thuộc với bạn đọc Việt Nam như Pushkin, Tolstoy, Dostoyevsky, Gogol, Lermontov, Tsekhov, Pasternak, Solzenisyn, Bulgakov, Bunhin, Solokhov, Gorky, Aitmatov, Dumbadze, Kazakov, Bykov, Evtushenko, Astaphiev…

Tuy nhiên, kể từ khi Liên bang Xô viết không còn nữa, văn học Nga cũng như một số các loại hình nghệ thuật khác đã bị tác động trong một thời gian, việc sáng tác của các văn nghệ sĩ Nga cũng gặp không ít trở ngại và việc giới thiệu văn học Nga ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Về tình trạng này, Vasil Bykov (1924-2003), một trong số những nhà văn Belarus nổi tiếng nhất, Giải thưởng Quốc gia Liên Xô, Giải thưởng Lenin, Anh hùng Lao động XHCN đã phải cay đắng thốt lên: “Các nhà văn vô cùng bối rối: viết về cái gì? Trước kia, suốt nhiều năm họ cứ rên rỉ, nào là bộ phận kiểm duyệt không cho phép, nào là bị o ép. Còn bây giờ, khi không còn kiểm duyệt, không còn bị o ép, hóa ra sự việc lại càng tồi tệ hơn. Chẳng khác gì những con thú, lâu ngày được nuôi trong chuồng, bây giờ thả ra, không biết tự kiếm sống”. Còn các giải thưởng của Nhà nước Nga về văn học nghệ thuật, một nguồn động viên không kém phần quan trọng để tạo cảm hứng cho các văn nghệ sĩ cũng bị hủy bỏ. Tuy nhiên, bất chấp những xáo trộn khi bước vào một thể chế chính trị mới, các nhà văn Nga vẫn tiếp tục lao động sáng tạo nên nhiều tác phẩm, kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn cao đẹp đã được kết tinh, vun đắp từ lâu, chỉ khác là giờ đây chúng được cảm thụ và thể hiện dưới một góc nhìn mới, chân thực và khách quan hơn về cuộc sống đương đại. Năm 1993, trước yêu cầu của xã hội, Tổng thống Nga lúc bấy giờ là Boris Elsin đã cho thành lập lại Giải thưởng Quốc gia Liên bang Nga về văn học nghệ thuật. Và trong số các tên tuổi quen thuộc của văn đàn Nga đã nổi tiếng từ thời Xô viết vẫn được tiếp tục ghi nhận và trao Giải thưởng Quốc gia như Solzenisyn, Evtushenko, Astaphiev, Akhmadulina, Ekimov, Granin… người ta thấy xuất hiện một cái tên hoàn toàn mới – Kanta Ibragimov.

Kanta Khamzatovich Ibragimov sinh ngày 9 tháng 7 năm 1960 tại thành phố Grozny, thủ đô nước Cộng hòa tự trị Chechnya-Ingushetia thuộc Liên bang Nga, trong một gia đình trí thức có cha là tiến sĩ hóa học. Sau khi tốt nghiệp Khoa Kinh tế Đại học Tổng hợp Quốc gia Chechnya-Ingushetia năm 1982, Ibragimov về làm việc ở nông trang rồi gia nhập quân đội, hết hạn nghĩa vụ ông lại quay về nông trang làm việc. Sau khi bảo vệ luận án phó tiến sĩ năm 1990, Ibragimov làm việc ở Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Chechnya-Ingushetia, rồi Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học ứng dụng thành phố Grozny. Năm 1995, ông lên Moskva làm luận án tiến sĩ và bảo vệ thành công trước thời hạn. Từ 1996 đến nay Ibragimov công tác tại Khoa Kinh tế Đại học Tổng hợp Quốc gia Chechnya, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Liên bang Nga từ 1999 đến năm 2000, hiện là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thành phố Grozny, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học nước Cộng hòa Chechnya.

Có một điều khá lý thú là cho đến trước năm 38 tuổi, Ibragimov chưa một lần xuất hiện trên văn đàn mà chỉ làm công việc chuyên môn thuần túy và chỉ công bố các bài báo, công trình khoa học, sách chuyên khảo và sách giáo khoa về kinh tế (hơn 20 công trình và đầu sách). Tác phẩm văn học đầu tay của ông chính là cuốn tiểu thuyết đồ sộ 700 trang Cuộc chiến đi qua. Sau khi ra đời vào năm 1999, ngay lập tức tác phẩm đã gây tiếng vang lớn, còn tác giả trở nên nổi tiếng và được đọc nhiều nhất không chỉ ở Chechnya mà cả Liên bang Nga. Bốn năm sau, Cuộc chiến đi qua đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin trao tặng Giải thưởng Quốc gia Liên bang Nga về văn học nghệ thuật năm 2003. Vậy, Cuộc chiến đi qua là một tác phẩm như thế nào mà được cả bạn đọc và nhà nước Liên bang Nga đánh giá cao như vậy?

Chechnya là một vùng đất nằm ở Bắc Kavkaz, ngay từ cuối thế kỷ XV đã phải đương đầu với các thế lực cai trị từ bên ngoài, buộc người Chechnya phải cải theo đạo Hồi. Đến cuối thế kỷ XVIII, Đế chế Nga hoàng đã chính thức đặt Bắc Kavkaz dưới sự bảo hộ và kiểm soát của mình. Thời kỳ Xô viết, vùng đất Chechnya được gộp chung với Ingushetia thành nước cộng hòa tự trị Chechnya-Ingushetia vào cuối thập niên 1930, nhưng mối quan hệ giữa Nhà nước Trung ương Liên Xô với những người Chechnya theo đạo Hồi cũng chẳng mấy khi thuận chèo mát mái. Khi Liên bang Xô viết tan rã vào năm 1990, nước Cộng hòa tự trị Chechnya-Ingushetia lại tách ra thành Cộng hòa Chechnya và Cộng hòa Ingushetia với các phong trào ly khai bùng phát thành các cuộc chiến tranh khốc liệt.

Lịch sử vùng đất Bắc Kavkaz, kể từ khi chính quyền Xô viết được thành lập tại đây vào năm 1924 và tan vỡ hoàn toàn vào năm 1995 đã được tác giả Ibragimov tái hiện thông qua hình tượng nhân vật chính lấy từ nguyên mẫu cuộc đời đầy thăng trầm và sóng gió của chính ông nội tác giả. Các cuộc chiến tranh đẫm máu trên mảnh đất này đã dẫn đến những cuộc ly tán, đói nghèo, mất mát, rồi sau đó, khi chính quyền Xô viết không còn nữa thì quá trình “tư nhân hóa” đã diễn ra một cách khốc liệt, làm cho người dân vô cùng hụt hẫng vì chưa kịp thích ứng… Nhưng, dù có những biến động dữ dội đến đâu thì điều quan trọng còn lại trên mảnh đất này vẫn là niềm tin vào sức mạnh bất diệt của dân tộc, vào một cuộc sống tốt đẹp hơn đang mở ra cho tất cả mọi thành phần cư dân đang sinh sống tại đây. Tác phẩm Cuộc chiến đi qua có sức bao quát rộng lớn, và thông qua đó, người đọc có thể cảm nhận một cách đầy đủ và chân xác về bản anh hùng ca cùng những tấn bi kịch tại Chechnya và các vùng đất khác nhau trên lãnh thổ rộng lớn của Liên bang Xô viết trước đây. Bản thân tác giả Ibragimov đã trực tiếp trải qua các cuộc chiến tranh đó, và khi được hỏi về những năm tháng này, ông đã thành thật chia sẻ: “Làm người Chechnya trong khoảng mười – mười lăm năm gần đây chẳng dễ dàng chút nào”. Nhưng ông vẫn quyết định quay về với quá khứ trong tác phẩm văn học đầu tay của mình “để không được quên những năm tháng đau thương ấy và thật may là đã trở thành dĩ vãng và để không bao giờ lặp lại những sai lầm khủng khiếp đó nữa”.

Theo nhận xét của các nhà phê bình văn học Nga, sự thành công của Cuộc chiến đi qua là nhờ vốn hiểu biết sâu sắc và khách quan của tác giả về lịch sử miền đất quê hương ông, hòa quyện một cách hữu cơ với những sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Chính vì vậy mà tác phẩm đã đạt đến một sự “hấp dẫn” đối với đông đảo bạn đọc khó tính mà không cần phải nhờ đến một thủ pháp giả tạo nào. Có thể, lời bộc bạch của chính tác giả trong bài trả lời phỏng vấn trên Cánh đồng Nga sẽ làm sáng tỏ thêm nhận xét này: “Tôi bắt đầu cầm bút viết văn lúc 37 tuổi, và viết tiểu thuyết ngay. Chỉ có điều xin đừng nghĩ, tôi chỉ đơn giản ngồi vào bàn là viết xong một cách dễ dàng. Để làm được điều đó, tôi đã phải lặn lội khắp nơi để lấy tư liệu và học hỏi cho đến tận bây giờ. Tôi không học chuyên ngành ngữ văn và dĩ nhiên là còn nhiều lỗ hổng kiến thức, nhưng mặt khác, tôi nghĩ mình cũng có thế mạnh riêng là tôi không bị ràng buộc bởi bất cứ khuôn khổ, công thức hay phương pháp sáng tác nào cả, và điều đó không chỉ tồn tại trong văn học mà còn ở tất cả mọi lĩnh vực”.

Tiếp theo tác phẩm đầu tay, Ibragimov liên tiếp cho ra mắt nhiều tác phẩm khác và cũng được bạn đọc đánh giá cao, như Kavkaz già nua (2001), Thầy giáo lịch sử (2003), Thế giới trẻ em(2005), Truyện cổ phương Đông (2007), Ngôi nhà hỗn tạp (2009), Avrora (2012)… Kanta Ibragimov được kết nạp vào Hội Nhà văn Cộng hòa Chechnya và Hội Nhà văn Liên bang Nga, rồi được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Cộng hòa Chechnya và Chủ tịch Chi hội nhà văn Nga tại Chechnya. Hiện tại, Ibragimov vẫn tiếp tục làm công tác khoa học và vẫn sáng tác văn học. Và như lời ông nói: “Công việc nghiên cứu khoa học và giảng dạy là để nuôi sống tôi và gia đình cùng với năm đứa con, còn văn chương là để nuôi dưỡng tâm hồn. Những lo toan thường nhật chiếm rất nhiều thời gian của tôi. Nhưng ai mà không có những lo toan thường nhật ấy, nhất là trong thời kỳ suy thoái kinh tế như hiện nay?”.

Tại Việt Nam, nhà văn Ibragimov hầu như chưa được biết tới và chưa có tác phẩm nào của ông được dịch sang tiếng Việt. Hy vọng, Cuộc chiến đi qua sẽ mang lại cho bạn đọc một làn gió mới lạ từ một vùng đất xa xôi nhưng cũng rất thân quen với nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam.

Mời các bạn đón đọc Cuộc Chiến Đi Qua của tác giả Kanta Ibragimov.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *