Bà Rosa, một bà già Do Thái từng bị bắt đến Auschwitz và từng tự vệ (thuật ngữ chú bé Momo mười tuổi – nhân vật tôi – sử dụng chỉ gái điếm) ở phố Blondel, Paris, đã mở một “quán trọ không gia đình dành cho những đứa trẻ sinh ngoài giá thú”, hay nói cách khác là một quán trọ bất hợp pháp nơi các bà các cô làm nghề tự vệ bỏ rơi con cái mình. Cậu bé người Ả rập Momo kể lại cuộc sống của mình ở nhà bà Rosa và tình yêu của cậu dành cho người mẹ duy nhất còn ở lại với mình ấy, một bà già cổ lỗ, to béo, xấu xí và đáng kính mà cậu yêu bằng cả trái tim. Và cậu sẽ ở bên bà cho đến những ngày cuối đời bà.
Mọi thứ đã định sẵn để tạo nên một tình yêu không-thể-có: giữa chú bé Momo và Madame Rosa có hơn nửa thế kỷ tuổi tác và gần một tạ cân nặng, Momo thì nhìn về phía trước cuộc đời còn Madame Rosa chỉ ngoái về quá khứ; thêm vào đó, Momo là người Ả-rập còn Madame Rosa là người Do Thái.
Thế nhưng bạn sẽ nhận ra đây là một câu chuyện tình đẹp như mọi điều không thể khác, một trong những gì kỳ diệu mà chỉ văn chương mới biết cách tạo ra. Nói đúng hơn, chỉ văn chương của một số rất ít nhà văn mới có thể tạo ra. Émile Ajar, tức Romain Gary, ở giai đoạn sáng tạo thứ hai của cuộc đời mình, đã viết nên một kiệt tác nữa không hề thua kém Lời hứa lúc bình minh (1960). Mười năm sau câu chuyện tình yêu giữa hai mẹ con nhà Romain, là câu chuyện về cậu bé Momo với một lời hứa khác khi đứng trước mặt cuộc đời.
Cuộc sống ở trước mặt nhận giải Goncourt năm 1975, đồng thời làm dấy lên một vụ bê bối chưa từng có trong lịch sử giải thưởng danh giá nhất nước Pháp. Bộ phim cùng tên (1977) của đạo diễn Moshé Mizrahi đã đoạt giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất năm 1978, và nữ diễn viên nổi tiếng Simone Signoret trong vai Madame Rosa đã nhận giải César cho diễn xuất năm 1978.
***
Cuộc sống, nó không phải là thứ dành cho tất cả mọi người. Momo đã rút ra kết luận như thế. Nhưng cuộc sống vẫn dành cho cậu, vẫn dí trước mặt cậu cái bản mặt thê thảm của nó, mà dù muốn, dù không cậu cũng phải đối diện, phải nếm trải bằng tất cả các giác quan. Vì Momo vẫn phải sống.
Những khi tôi cảm thấy đời mình ngập tràn bế tắc, tôi hay nghĩ về Momo, cậu bé Ả Rập lớn lên trong vòng tay một người đàn bà Do Thái đã giải nghệ làm gái đứng đường, về những gì mà cuộc sống dành cho cậu, để thấy rằng, mình thật là may mắn vì không có những gì mà Momo và Madame Rosa của cậu có, những thứ đủ sức biến cuộc đời họ thành vũng lầy nhớp nháp mắc míu và đớn đau, như nỗi ám ảnh không bao giờ rũ bỏ nổi.
Trong vũng lầy của cuộc sống, một tình yêu bám rễ như một lý do níu kéo sự tha thiết với cuộc đời. Tình yêu kỳ lạ không thể gọi tên, không giống như tình ruột rà máu mủ, không thuần túy là mối tình giữa đàn ông và đàn bà, dù ở đây ta cũng có một người đàn ông – Momo, mười tuổi (thật ra là đã mười bốn) và một người đàn bà – Madame Rosa, gần bảy mươi. Thứ tình yêu rung động như cổ tích, có thể biến một bà già bủng beo nặng gần một tạ trở thành người phụ nữ đẹp dịu dàng trong trái tim Momo. Người đàn bà Do Thái mang nhiều vết thương và sự ám ảnh, nhiều phong ba vùi dập của cuộc đời.
Madame Rosa đã cưu mang một đứa bé mồ côi như Momo, vì miếng cơm manh áo, nhưng rồi đã giữ cậu lại bên mình như một đốm lửa nhỏ sưởi ấm trái tim đơn độc giữa biển đời thê lương của mình. Người đàn bà đã ôm ấp cậu, vỗ về an ủi và chùi đít cho Momo trong những ngày tháng bơ vơ từ thuở còn thơ cho đến ngày cậu lớn. Tình yêu giữa họ lớn hơn cả tình mẫu tử thông thường, nó đến từ hai trái tim thèm khát tình yêu tới thắt lòng thắt ruột và đơn côi tới rạn nứt cả trái tim. Cuộc sống không cho Momo tình thương và lòng tin, chỉ cho cậu duy nhất một người đàn bà nặng gần một tạ để neo cậu lại với cuộc sống, người đàn bà mà nguy cơ rời bỏ cậu ra đi càng ngày càng gần kề.
– – “Ông Hamil ơi, người ta có thể sống mà không có tình yêu được không?”
– – “Có.”
Momo bật khóc. Cậu biết rằng mình sẽ vẫn phải sống ngay cả khi tình yêu duy nhất của đời mình ra đi. Dù Momo có đổ hàng tấn nước hoa lên người Madame Rosa, nhưng cuối cùng bà vẫn bỏ cậu mà đi bằng cái mùi của tử thi đã hoại. Và bởi thế, cuộc sống này có vị gì đâu. Nó vẫn thản nhiên đi qua bằng gương mặt đanh đanh vô cảm của nó, cùng những đớn đau đã chai sạn trong tâm hồn già cỗi của một đứa bé lên mười – à không, mười bốn chứ. Cuộc sống, dù nó có cứa biết bao nhiêu vết lên Momo, nó vẫn luôn ở trước mặt cậu, nó chẳng thể ở đâu đó khác, nó còn biết ở đâu nữa bây giờ?
Romain Gary luôn khiến tôi cười, mặc dù biết là bi kịch lắm rồi đấy. Ông khiến tôi lạc quan với chút dí dỏm của mình, dù cười đấy mà ruột thắt biết bao nhiêu bận. Nhưng cái cách ông kiên trì cười vào nỗi thống khổ nó khẳng định rằng rồi ông sẽ thắng, kiểu gì rồi ông cũng sẽ thắng. Không biết đây có phải là một liệu pháp tinh thần không, nhưng biết đâu khi ta cười, thì thế gian sẽ cười đáp lại. Biết đâu cuộc sống đen thủi đen thui của Momo sẽ sang sủa lên, dẫu là tôi cũng chẳng biết đào bới niềm hy vọng ấy ở đâu cho đến dòng chữ cuối. Nhưng ôi dào, rồi thì đời sẽ qua. Thật ra thì những gì mà Momo và Madame Rosa của cậu có, nó chẳng thể nào tệ hơn được nữa.
Bạn có khóc khi đọc cuốn này không? Tôi không khóc. Nhưng đau đớn. Không phải ai cũng khiến người ta đau đớn thế khi mặt mũi tỉnh queo. Bởi thế tôi tin là Gary là một trong những cây bút thiên tài. Tiếc là ông chẳng còn trên đời nữa.
Kafka Bookstore
***
Kết thúc cuốn tiểu thuyết Cuộc sống ở trước mặt, mặc dù cậu bé Momo đã đổ bao nhiêu nước hoa lên xác Madame Rosa, thì người chết vẫn không thể tỏa hương được mà buộc lòng phải tỏa ra mùi xác chết. Nếu không thế thì người ta chắc vẫn chưa phát hiện ra Madame và Momo vẫn có thể còn được ở bên cạnh bà. Nằm bên cạnh Madame nồng nặc mùi tử khí trộn lẫn với mùi bao nhiêu chai nước hoa mà Momo đã dốc lên đấy, Momo hãy còn nhận xét rằng cuộc sống có mùi vị gì đâu. Cái nhận xét ấy ngậm ngùi như chính tên tác phẩm: Cuộc sống ở trước mặt. Cuộc sống có ở trước mặt không khi ở những trang cuối cùng của tiểu thuyết, hai nhân vật chính, người thì chết rã, người thì, cái cậu bé mười tuổi à không mười bốn tuổi đấy, biết sẽ lang thang ở cái xó xỉnh nào của Paris, rồi có đến lúc cậu phải “tự thân vận động” như mẹ cậu đã từng không? (“Tự thân vận động” là một trong những “thuật ngữ” của Momo, trong truyện này có nghĩa là… Nếu biết mẹ cậu là gái đĩ, có lẽ không cần giải thích gì hơn.)
Với cái kết đó, cuộc sống chắc chắn không ở trước mặt, còn ở đâu thì tôi không biết. Có khi nó chẳng ở đâu cả. Lại dẫn lời Momo: “Cuộc sống, nó không phải là thứ dành cho tất cả mọi người”. Và nữa, làm gì có sự công bằng trên thế giới này, khi mà “có những người có tất cả mọi thứ, từ xấu xí, già nua, đến nghèo khó, bệnh tật [như Madame Rosa] trong khi có những người chẳng có gì.”
Những ngày tôi đọc Cuộc sống ở trước mặt là những ngày bận rộn. Thời gian trước đây, một tuần tôi đọc trung bình ba bốn cuốn sách các loại, còn thời gian này tôi thường đọc nhiều quyển cùng một lúc và hầu như cuốn nào cũng chừng vài chục trang là bỏ dở. Thế mà, mỗi ngày vài chục trang, tôi không bỏ Cuộc sống ở trước mặt để nhảy sang những cuốn khác. Cuốn tiểu thuyết này không có một cốt chuyện hấp dẫn hay những tình tiết giật gân, nó chỉ có một thứ mà rất nhiều cuốn khác, đặc biệt là những cuốn best-seller không có: văn chương đích thực.
Đọc Cuộc sống ở trước mặt, bên cạnh tận hưởng hạnh phúc của việc thưởng thức một thứ văn chương hảo hạng, ta còn có thể hạnh phúc khi nhận ra rằng mình không phải có những thứ mà Madame Rosa của Momo có.
***
CUỘC SỐNG Ở TRƯỚC MẶT
Có lẽ trên đời này không có mối tình nào đẹp hơn mối tình của Momo 14 tuổi và Madame Rosa nặng một tạ đang gần đất xa trời. Ta có thể gọi nó là một mối tình bất chấp hiểu lầm bởi thật ra, đó là một tình yêu đã vượt qua khỏi mọi định nghĩa về giới tính nay tuổi tác. Nó là tình yêu của một người dành cho một người, hai con người đã tìm thấy niềm an ủi nơi nhau, để bên nhau chống lại mọi sự tàn nhẫn của cuộc đời.
Cuộc sống ở trước mặt như một lời khẳng định với Momo rằng, cậu không còn một lựa chọn nào khác là bước tới. Mặc cho sau lưng là tuổi thơ đầy tủi hổ của một đứa con gái điếm bị bỏ rơi, mặc cho cuối cùng, cả người phụ nữ cậu yêu thương nhất trên đời cũng không thể đi cùng cậu nữa. Ta vẫn phải đối diện với cuộc đời tả tơi của mình một cách bình tĩnh kệ cha cõi lòng nát như tương. Romain Gary đã vậy còn biết cách chặn tất cả nước mắt nước mũi người đọc bằng cách kể chuyện dí dỏm tưng tửng của mình, chặn nó để nó tích tụ lại thành một khối nước mắt khổng lồ sẽ rơi một lần vào cái ngày Momo đổ tất cả nước hoa lên thi thể Madame Rosa nhưng bà vẫn mãi mãi bỏ cậu đi. Chỉ còn Momo cùng cuộc sống ở trước mặt đanh thép bảo rằng cậu phải sống.
Momo liệu có sống? Tôi không biết nữa. Nhưng Romain Gary đã không chọn sự sống vào những ngày không còn mẹ trên đời, như ta đọc trong Lời hứa lúc bình minh và cả tiểu sử của ông nữa. Mỗi người đều cần một lẽ sống để có thể sống. Cuộc sống ở trước mặt thật đấy, nhưng ta vẫn còn một lựa chọn nữa ngoài bước tiếp, là dừng lại mãi mãi.
Mời các bạn đón đọc Cuộc Sống Ở Trước Mặt của tác giả Romain Gary.
Leave a Reply