Ra đời trong bối cảnh tại Mỹ đang diễn ra những cuộc bạo động phản đối nạn phân biệt chủng tộc, Chó Trắng còn đi xa hơn thế. Một cách không khoan nhượng, với sự sáng suốt và tinh tế, tác giả của Lời hứa lúc bình minh đã xử lý một chủ đề đạo đức với sự thấu cảm văn chương tuyệt vời.

Tác phẩm dựa trên câu chuyện có thật về quãng thời gian chú chó Batka xuất hiện trong cuộc đời Romain Gary, để rồi sau đó ông đau đớn nhận ra: chú chó thông minh, hiền dịu, “rất tôn trọng bọn mèo, và là một con vật lương thiện có giáo dục” của mình lại là một trong những chú chó được huấn luyện đặc biệt để tấn công người da đen.

Chó trắng mở đầu với hình ảnh một chú chó xám, giống béc giê Đức, tạo cảm giác mạnh mẽ và thông minh, khoảng bảy năm tuổi đi theo Sandy – chú chó dòng Đan Mạch – của Romain Gary về nhà. Và như thế, chú chó Batka vô tình bước vào cuộc đời của nhà văn, mau chóng chiếm được tình yêu của ông. Gắn bó với chú chó là vậy, Romain Gary đau đớn khi phát hiện ra rằng Batka là một con Chó Trắng – một trong những chú chó được huấn luyện đặc biệt để tấn công người da đen. Không muốn giải quyết đời chú bằng một mũi tiêm thuốc độc, Romain Gary quyết tâm “chữa” cho Chó Trắng. Nhưng rồi Batka sẽ ra sao khi rơi vào tay một người huấn luyện da đen?




Với Chó Trắng, Romain Gary gửi đến người đọc câu chuyện về người da đen Mỹ, về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Một cách không khoan nhượng, với sự sáng suốt và tinh tế, tác giả của Lời hứa lúc bình minh đã xử lý một chủ đề đạo đức với sự thấu cảm văn chương tuyệt vời. Với Romain Gary, viết không giúp tìm ra câu trả lời, nhưng viết giúp giải tỏa nỗi đau trước sự ngu ngốc của con người. 

***

Romain Gary, Sinh ngày 8-5-1914 tại Vilnius, Litva, Romain Gary lớn lên dưới sự nuôi dạy của mẹ. Ông chuyển đến sống tại Nice, Pháp, năm 14 tuổi. Sau khi theo học ngành Luật, ông đăng ký gia nhập Không quân Pháp. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, ông là sĩ quan chỉ huy và từng được thưởng Bắc đẩu bội tinh.

Với tiểu thuyết đầu tay Giáo dục châu Âu, ông được Giải thưởng phê bình năm 1945, trùng với thời điểm ông bắt đầu sự nghiệp tại Bộ Ngoại giao Pháp. Được cử đến Sofia (Bulgaria), Bern (Thuỵ Sỹ), New York (Mỹ), La Paz (Colombia) để làm việc, song Romain Gary vẫn không ngừng viết. Tiểu thuyết Les racines du ciel (Cội rễ bầu trời) đoạt giải Goncourt năm 1956, là một bức tranh toàn cảnh về đời sống một nước thuộc địa của Pháp ở vùng châu Phi xích đạo. 




Năm 1961, ông rời bỏ ngành Ngoại giao. Sau tập truyện ngắn Gloire à nos illustres pionniers (Vinh quang cho những người tiên phong vĩ đại) (1962) và tiểu thuyết châm biếm Lady L. (1963), ông chuyển sang viết những câu chuyện phiêu lưu như: La comédie américaine (Vở hài kịch nước Mỹ) và Adieu Gary Cooper (Vĩnh biệt Gary Cooper) (1969),La danse de Gengis Cohn (Điệu nhảy của Gengis Cohn) (1967), La tête coupable (Cái đầu tội lỗi) (1968), Charge d’âme (Nhiệm vụ tinh thần) (1977). 

Gary bắt đầu để lộ nỗi sợ tuổi già và sự hết thời của mình trong cuốn Au-delà de cette limite votre ticket n’est plus valable (Phía bên kia giới hạn tấm vé của anh không còn giá trị nữa) (1975) và Clair de femme (Sự thật về phụ nữ) (1977).

Sau cái chết bi kịch của nữ diễn viên Jean Seberg, người là vợ ông từ năm 1962 đến 1970, ông viết cuốn tiểu thuyết cuối cùng mang tên Les cerfs volants (Những cánh diều) không lâu trước khi ông tự vẫn vào năm 1980 ở Paris.




Ông để lại chúc thư nêu rõ ông từng ẩn mình dưới cái tên Émile Ajar để viết các tiểu thuyết như Gros Câlin (Âu yếm) (1974), La vie devant soi (Cuộc sống trước mặt) – giải Goncourt năm 1975, Pseudo (Bút danh) (1976),L’angoisse de roi Salomon (Nỗi sợ của vua Salomon) (1979), đánh dấu sự cách tân trong bút pháp của ông. 

Là một nhân cách đa diện: nhà văn, nhà ngoại giao, nhà làm phim, phi công thời chiến, Romain Gary thú nhận mình thích diễn những vai nhập nhằng khó hiểu; thích làm người điểu khiển rối, nắm trong tay những sợi dây điều khiển nhưng vẫn giữ một khoảng cách đủ xa để đánh giá được hiệu ứng mà ông tạo ra. Ông đã đẩy trò tung hứng ảo thuật lên tới mức tự tạo ra một phiên bản khác của chính mình – Émile Ajar, và trở thành nhà văn duy nhất hai lần nhận giải Goncourt, dưới hai cái tên khác nhau.

***
Đó là con chó xám với một mụn hạt cơm bên phía phải mõm trông như cái nốt ruồi và một túm lông hung quanh mũi, khiến nó trông giống lão nghiện thuốc lá thâm căn cố đế trên tấm biển của hiệu Con chó hút thuốc, một quán rượu có bán thuốc lá ở Nice, không xa trường trung học thời nhỏ của tôi.
Nó dõi theo tôi, đầu hơi ngả về một bên, ánh nhìn căng thẳng và chăm chú, lối nhìn của bọn chó hoang bị thu nhốt lại một chỗ trông chừng ta đi qua với một hy vọng đầy lo sợ và không thể chịu nổi. Nó có bộ ức của gã đô vật, và nhiều lần về sau khi con Sandy già của tôi trêu chọc nó, tôi thấy nó đẩy lùi kẻ quấy rầy chỉ bằng sức mạnh của lồng ngực, như một chiếc xe ủi.
Đấy là một con chó béc giê Đức.
Nó bước vào cuộc sống của tôi ngày 17 tháng Hai năm 1968 ở Beverly Hills, nơi tôi vừa đến đoàn tụ với vợ là Jean Seberg, trong lần quay một bộ phim. Hôm đó, một trận mưa rào quá cỡ như phần lớn những hiện tượng thiên nhiên ở Mỹ mỗi khi chúng ra tay ập xuống Los Angeles, trong vài phút biến nơi đây thành đô thị ao hồ nơi những chiếc Cadillac bị giáng truất bò đi thật thảm hại, bì bõm trong nước; thành phố mang cái dáng vẻ chẳng hợp lề thói tí nào của những thứ nhằm dùng vào việc khác hẳn, mà các nhà siêu thực từ lâu đã khiến chúng ta quen thuộc rồi. Tôi lo lắng cho con chó Sandy của mình, ngày hôm trước nó đã làm một cuộc chạy rông của anh chàng độc thân ở phía Sunset Strip và bây giờ vẫn chưa về. Sandy cho đến năm bốn tuổi vẫn còn là trai tân, nhờ ảnh hưởng của môi trường vốn chú trọng đạo đức của gia đình chúng tôi, nhưng một ả chó ở Doheny Drive đã khiến nó cuống cuồng lên. Bốn năm giáo dục tư sản và những tôn chỉ mẫu mực bị vứt vèo qua cửa sổ. Con chó này vốn bản chất thật thà, dễ tin, không được trang bị tốt để đương đầu với môi trường điện ảnh Hollywood.
Chúng tôi đã mang từ Paris đến toàn bộ cái vườn thú thường ngày của chúng tôi. Có con mèo Miến Điện, Bruno, và cô bạn gái Thái Lan của nó, tên là Maï; thực ra Maï là một con mèo đực, nhưng chẳng hiểu vì sao chúng tôi luôn coi nó là một cô nàng, hẳn là vì nó có hàng kho mơn trớn dịu dàng mà nó ban phát cho chúng tôi xả láng. Còn có một mụ mèo già chuyên ở máng xối, Bippo, yếm thế và hoang dã, sẵn sàng cào cho anh một phát khi anh định vuốt ve mụ ta; một con chim tu-căng, Billy-Billy, mà chúng tôi nuôi từ hồi ở Colombia, và tôi vừa mới đem cho vườn thú riêng của Jack Carruthers ở San Fernando Valley, một con trăn tuyệt đẹp dài đến bảy mét, có biệt danh là Pete Kẻ Siết cổ, mà tôi đã bắt gặp trên đường trong rừng ở Colombia, cùng thời với con chim tu-căng. Tôi đành chia tay Pete vì các bạn tôi từ chối chăm nó khi, phải cái thói lang bạt của kẻ mà cái thân xác trong đó anh ta bị nhốt gây ra những cơn khủng hoảng của bệnh sợ chỗ kín, tôi đột ngột bỏ chạy từ lục địa này sang lục địa khác, đi tìm một ai hay một cái gì đó khác, cũng chẳng biết là cái gì. Thôi thì tốt hơn là tôi nên nói ngay là tôi chẳng tìm ra được cái gì khác trong các cuộc chạy đuổi của mình cả, ngoài thứ xì gà khá kỳ lạ ở Madras, một trong những bất ngờ lớn và đẹp của đời tôi.
Thỉnh thoảng, tôi đến thăm con trăn của tôi. Tôi vào trong khu đất rào đặc biệt mà Jack Carruthers dành cho nó vì quý trọng các nhà văn. Tôi ngồi xếp bằng, trước mặt nó, và chúng tôi nhìn nhau rất lâu, ngạc nhiên, sửng sốt vô hạn, mỗi bên đều bất lực không cắt nghĩa được chút nào về những gì đã xảy đến cho mình và làm cho bên kia được chia sẻ đôi chút hiểu biết rút ra từ kinh nghiệm của mình. Mang kiếp trăn hay kiếp người là một nỗi bất hạnh khiến ta ngơ ngác đến mức nỗi hốt hoảng được chia sẻ này trở thành mối tình bằng hữu thật sự.
Đôi lúc Pete lấy tư thế hình tam giác – bọn trăn không quấn lại thành cục tròn, chúng dựng thân lên thành hình thước thợ; lúc đó tôi có cảm giác bằng cách ấy nó làm một dấu hiệu gì đấy mà tôi cần diễn giải. Từ đó, tôi biết được tư thế hình thước thợ đối với con trăn là tư thế tự vệ, trước một mối hiểm nguy, và như thế tôi biết rằng Pete Kẻ Siết cổ và tôi quả có một điều chung: cẩn trọng cao độ trong các quan hệ với con người.
Tầm trưa, trong khi nước ồ ạt tuôn trên các đại lộ, tôi nghe thấy một tiếng sủa giọng trung đẹp mà tôi đã quá biết và đi ra mở cửa. Sandy là con chó vàng cao lớn, chắc hẳn là hậu duệ rất gián tiếp một dòng chó Đan Mạch xa xôi nào đó, nhưng do mưa và bùn, bộ lông nó đã bắt màu sô cô la nghiền. Nó đứng ở cửa, đuôi cụp, mõm sát đất, dùng tài năng dối trá tuyệt hảo để ra bộ chịu tội, xấu hổ và có dáng đứa con hư trở về nhà. Không biết bao nhiêu lần tôi bảo nó là không được lê lết ngoài đường ban đêm; sau khi đã đưa ngón tay dọa nó và mắng đi mắng lại nó mấy lần là bad dog tôi đã sẵn sàng tận hưởng trọn vẹn cái vai trò lãnh chúa cùng ông chủ được sùng bái và kính sợ, kẻ nắm uy quyền tuyệt đối của mình, thì con chó của tôi kín đáo quay đầu lại để chỉ cho tôi biết rằng không chỉ có mỗi hai chúng tôi. Quả là nó đã dẫn về một cậu bạn tình cờ gặp ngoài đường. Đó là một con béc giê Đức lông xám, chừng sáu hay bảy năm tuổi, con vật đẹp đẽ tạo cảm giác mạnh mẽ và thông minh. Tôi để ý nó không có vòng cổ, điều hiếm thấy ở một con chó nòi.
Tôi cho anh chàng đểu của mình vào nhà, nhưng con béc giê Đức không bỏ đi, và mưa to đến nỗi bộ lông ướt dính chặt vào da khiến nó trông giống con hải cẩu. Nó vẫy đuôi, dựng hai tai lên, mắt long lanh linh lợi, với vẻ chờ đợi căng thẳng của lũ chó đang đón một cử chỉ quen thuộc hay một mệnh lệnh. Rõ ràng là nó chờ một lời mời, đòi cái quyền được cho trú ẩn vẫn khắc ghi bao đời nay trong quan hệ giữa con người với bạn hữu đang hoạn nạn. Tôi mời nó vào.
Khá dễ biết tính cách một con chó, trừ với giống doberman*, ở giống này tôi luôn gặp những phản ứng bất ngờ. Con chó xám khiến tôi chú ý ngay vì tâm trạng vui vẻ của nó. Vả lại, ai đã từng sống chung với loài chó đều biết rằng khi một con tỏ ra mến một con khác, thì gần như ta luôn có thể tin đánh giá của nó. Con Sandy của tôi tính rất ôn hòa, và cảm tình tự phát của nó dành cho anh chàng khổng lồ được cứu khỏi cơn mưa rào này là sự tiến cử tốt nhất đối với tôi. Tôi điện thoại cho Hội bảo vệ động vật báo là tôi đã đón nhận một con béc giê Đức lang thang, báo số điện thoại của tôi, phòng trường họp chủ nó xuất hiện, và tôi nhẹ lòng khi nhận thấy vị khách của mình rất tôn trọng bọn mèo, và là một con vật lương thiện có giáo dục.
Những ngày tiếp sau đó, tôi có nhiều người đến thăm, và con béc giê mà tôi đặt tên là Batka – trong tiếng Nga có nghĩa là Bố cưng, hay là Lão to sụ – được các bạn tôi rất thích, sau khi đã qua phút e sợ đầu tiên. Ngoài cái ức đ vật và cái mõm to đen sì, quả là Batka còn có bộ răng nanh giống như sừng của loài bò tót nhỏ mà ở Mexico người ta gọi là Machos. Tuy nhiên nó rất hiền dịu; nó hít hít các vị khách để nhận dạng rồi sau đó, ngay từ cái vuốt ve đầu tiên, bắt tay, bằng cách đưa chân ra cho khách như muốn bảo họ: “Tôi biết là tôi có vẻ hung tợn, nhưng tôi rất tử tế.” Ít ra thì đó cũng là cách tôi diễn giải những cố gắng của nó để làm yên lòng các vị khách của tôi, nhưng dĩ nhiên một người viết tiểu thuyết dễ bị nhầm về bản chất con người và sự vật hơn người khác, vì anh ta tưởng tượng ra họ. Tôi luôn tưởng tượng về những người tôi gặp trong đời hay sống gần tôi. Đối với một kẻ tưởng tượng chuyên nghiệp, điều ấy dễ hơn và đỡ mệt. Anh chẳng cần phải tốn thì giờ tìm hiểu những người thân của mình, chăm chú đến họ, thật sự chú tâm đến họ. Anh bịa ra họ. về sau, khi gặp điều bất ngờ, anh giận họ kinh khủng: họ đã lừa dối anh. Tóm lại, họ không xứng đáng với tài năng của anh.
Chẳng ai đòi lại con chó, và tôi thấy nó đã trở nên một thành viên quen thuộc của gia đình tôi.
Ngôi nhà của tôi ở Arden vốn sẵn có bể bơi, và công ty bảo dưỡng mỗi tháng hai lần cử người đến kiểm tra bộ phận lọc nước. Một buổi chiều, tôi đang ngồi viết, bỗng ở phía bể bơi có tiếng gầm dài rồi tiếp sau là những tiếng sủa giật từng hồi, nhanh và giận dữ mà bọn chó sủa để báo hiệu có kẻ lạ lẻn vào và chúng sắp tấn công ngay lập tức trong vài giây tới. Thường thì đó chỉ là lối nói trong ngôn ngữ loài chó cái câu tương đương với câu nói trong ngôn ngữ của chúng ta: “Hãy giữ tôi lại không thì tôi gây tai họa đến nơi đây này”, nhưng ở những con chó giữ nhà được huấn luyện tốt thì đó chẳng phải là chuyện làm ra vẻ bề ngoài. Tôi chưa từng biết thứ gì gây căng thẳng thần kinh hơn là những cơn kịch phát bất ngờ và hung dữ ấy mà mục đích là chôn đứng chân anh tại chỗ, trong khi chờ dịp tốt hơn. Tôi chạy ra sân. Bên kia hàng rào sắt là anh chàng làm công người da đen đến kiểm tra bộ phận lọc nước bể bơi, còn Batka thì lao ra phía cổng chính, bọt sùi đầy mõm, trong cơn thù hận tột đỉnh kinh hoàng đến nỗi con Sandy trung hậu của tôi vừa bò vừa rên hư hử lẩn vào một bụi cây và biến thành tấm thảm chân giường.
Anh da đen đứng sững, tê liệt vì sợ. Chẳng phải chuyện đùa. Con béc giê hiền từ của tôi, luôn nhã nhặn với khách khứa của chúng tôi, đã biến thành cơn thịnh nộ súc sinh, tìm lại được trong đáy họng nó những tiếng hú của loài ác thú đang đói trông thấy thịt mà không với tới được.
Có một điều gì đó thật hết sức đáng nản lòng và gây bối rối trong cái cách thay đổi đột ngột của một con vật hiền lành anh tưởng đã hiểu rõ thành con thú tàn bạo và chừng như hoàn toàn khác. Đây là sự biến đổi thật sự về bản chất, gần như là về tầm vóc, một trong những khoảnh khắc nặng nề khi những sắp xếp nhỏ nhặt vốn đã làm anh yên lòng và những phạm trù quen thuộc vỡ vụn tan tành. Kinh nghiệm khiến người ta phải nản lòng dành cho những kẻ chuộng các niềm tin chắc chắn. Bỗng nhiên tôi đối mặt với hình ảnh một thú tính khởi nguyên, nấp kín trong lòng tự nhiên, mà người ta thích quên đi sự có mặt ngầm của nó giữa hai lần bộc lộ chết người. Cái mà ngày trước người ta gọi là chủ nghĩa nhân ái luôn bị mắc kẹt trong cái song đồ đó, giữa tình thương lũ chó và sự kinh tởm tính chất chó má.
Tôi cố kéo con Batka lại và bắt nó vào nhà, nhưng quả là nó có ý thức nghĩa vụ, cái con khốn kiếp ấy. Nó không cắn tôi, nhưng hai bàn tay tôi đầy những nước bọt, và nó giật ra khỏi tôi, lao về phía cổng, nhe nanh ra.
Anh da đen đứng bên kia cổng, dụng cụ cầm ở tay. Đó là một chàng trai trẻ. Tôi nhớ rất rõ nét mặt anh ta, bởi đây là lần đầu tiên tôi thấy một người da đen đứng trước sự căm thù thú tính. Anh ta có cái vẻ buồn thường thấy trên một số khuôn mặt người khi họ sợ. Trong chiến tranh, tôi thường thấy vẻ mặt ấy ở các bạn trong phi đội của tôi. Tôi nhớ hôm trước ngày phải thực hiện một nhiệm vụ bay là sát mặt đất đặc biệt nguy hiểm, đại tá Fourquet đã bảo tôi: “Trông cậu buồn thế, Gary.” Lúc đó tôi sợ.
Tôi bảo anh thanh niên đi đi, bỏ chuyện súc bể bơi tuần này.
Ngày hôm sau lại tái diễn cảnh tượng ấy với người làm công của công ty Liên hiệp Miền Tây mang đến cho tôi một bức điện tín.
Buổi chiều, mấy người bạn đến thăm chúng tôi và, mặc dầu tôi lo lắng, Batka đã đón tiếp họ hết sức thân tình. Họ là người da trắng.
Bấy giờ tôi mới nhớ ra là người làm công của Liên hiệp Miền Tây cũng là người da đen.
 

Mời các bạn đón đọc Chó Trắng của tác giả Romain Gary.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.