Cái Đầu Tội Lỗi được tác giả viết bằng tiếng Pháp và tiếng Anh (Pháp: La Tête Coupable; Anh: The Guilty Head) năm 1969. R.Gary và vợ là diễn viên điện ảnh Jean Séberg tự sát tại Paris năm 1980.
Bản tiếng Việt dịch từ bản tiếng Anh, New American Library, 1970

***

Romain Gary, Sinh ngày 8-5-1914 tại Vilnius, Litva, Romain Gary lớn lên dưới sự nuôi dạy của mẹ. Ông chuyển đến sống tại Nice, Pháp, năm 14 tuổi. Sau khi theo học ngành Luật, ông đăng ký gia nhập Không quân Pháp. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, ông là sĩ quan chỉ huy và từng được thưởng Bắc đẩu bội tinh.

Với tiểu thuyết đầu tay Giáo dục châu Âu, ông được Giải thưởng phê bình năm 1945, trùng với thời điểm ông bắt đầu sự nghiệp tại Bộ Ngoại giao Pháp. Được cử đến Sofia (Bulgaria), Bern (Thuỵ Sỹ), New York (Mỹ), La Paz (Colombia) để làm việc, song Romain Gary vẫn không ngừng viết. Tiểu thuyết Les racines du ciel (Cội rễ bầu trời) đoạt giải Goncourt năm 1956, là một bức tranh toàn cảnh về đời sống một nước thuộc địa của Pháp ở vùng châu Phi xích đạo. 




Năm 1961, ông rời bỏ ngành Ngoại giao. Sau tập truyện ngắn Gloire à nos illustres pionniers (Vinh quang cho những người tiên phong vĩ đại) (1962) và tiểu thuyết châm biếm Lady L. (1963), ông chuyển sang viết những câu chuyện phiêu lưu như: La comédie américaine (Vở hài kịch nước Mỹ) và Adieu Gary Cooper (Vĩnh biệt Gary Cooper) (1969),La danse de Gengis Cohn (Điệu nhảy của Gengis Cohn) (1967), La tête coupable (Cái đầu tội lỗi) (1968), Charge d’âme (Nhiệm vụ tinh thần) (1977). 

Gary bắt đầu để lộ nỗi sợ tuổi già và sự hết thời của mình trong cuốn Au-delà de cette limite votre ticket n’est plus valable (Phía bên kia giới hạn tấm vé của anh không còn giá trị nữa) (1975) và Clair de femme (Sự thật về phụ nữ) (1977).

Sau cái chết bi kịch của nữ diễn viên Jean Seberg, người là vợ ông từ năm 1962 đến 1970, ông viết cuốn tiểu thuyết cuối cùng mang tên Les cerfs volants (Những cánh diều) không lâu trước khi ông tự vẫn vào năm 1980 ở Paris.




Ông để lại chúc thư nêu rõ ông từng ẩn mình dưới cái tên Émile Ajar để viết các tiểu thuyết như Gros Câlin (Âu yếm) (1974), La vie devant soi (Cuộc sống trước mặt) – giải Goncourt năm 1975, Pseudo (Bút danh) (1976),L’angoisse de roi Salomon (Nỗi sợ của vua Salomon) (1979), đánh dấu sự cách tân trong bút pháp của ông. 

Là một nhân cách đa diện: nhà văn, nhà ngoại giao, nhà làm phim, phi công thời chiến, Romain Gary thú nhận mình thích diễn những vai nhập nhằng khó hiểu; thích làm người điểu khiển rối, nắm trong tay những sợi dây điều khiển nhưng vẫn giữ một khoảng cách đủ xa để đánh giá được hiệu ứng mà ông tạo ra. Ông đã đẩy trò tung hứng ảo thuật lên tới mức tự tạo ra một phiên bản khác của chính mình – Émile Ajar, và trở thành nhà văn duy nhất hai lần nhận giải Goncourt, dưới hai cái tên khác nhau.

***

Lão Chong Mập ngắm nhìn cái gã ngoài lề xã hội đó mà lòng buồn não nuột. Đó là tình cảm huynh đệ bất đắc dĩ mà ai cũng phải cảm thấy khi chứng kiến hành vi sa đọa của người khác khiến lòng tự trọng của chính mình bị xúc phạm: gã người Mỹ nọ đầu cúi thấp, cóm róm theo đúng cái tư thế điển hình để bày tỏ lòng hổ thẹn và tủi nhục. Thì Cohn chính là người yêu thích tinh thần cổ điển kia mà. Tuy chẳng có thể rặn ra một giọt nước mắt nào nhưng y vẫn cố xử sự sao cho rõ ra là đang mang một tâm lý tội lỗi. Tóm tắt, tư thế y biểu đạt nói lên rằng y đã mất quyền mang cái danh từ kiêu hãnh mà tự điển Larousse đã định nghĩa: Con người, động vật đứng thẳng.




Lão người Hoa bắt y quả tang. Cohn đã nạy cửa sổ leo vào phòng bếp và người chủ danh giá của “quán ăn Paul Gauguin – Thức ăn chính hiệu ở Tahiti” – tức Chong – tất trụt xuống mắt cá, nút quần chưa kịp gài, đã bắt gặp cái gã người Mỹ tồi tệ này đang ngồi chồm hổm trên sàn nhà, thè lưỡi liếm đĩa sữa y vừa trộm trong tủ chén bát của nhà hàng.

Dẫu chưa hề đọc Sự Suy Tàn Của Tây Phương của Spengler, lão người Hoa cũng thấy đau buồn sâu sắc trước cảnh tượng một công dân Hoa Kỳ trong hoàn cảnh tủi hổ như vậy.

“Ông Cohn ạ, đáng lẽ ông phải xấu hổ. Hoa Kỳ là một quốc gia vĩ đại. Một người Hoa Kỳ mà có hành vi tồi tệ đến thế ở vùng Thái Bình Dương này trong khi quốc gia anh ta đang chiến đấu oai hùng đến vậy để ngăn chặn hiểm họa Đỏ…”




– Vàng chứ, Cohn lẩm bẩm.

– Ảo, người Trung Hoa cãi lại.

Chong Mập là một người Pháp gốc Hoa, một kẻ theo chủ nghĩa De Gaulle nhiệt thành, một người Hoa nói tiếng Pháp theo âm sắc xứ Corse mà nhiều thế hệ lính sen đầm và lính đoan đã gieo xuống miền đất Tahiti này.




“Ông Cohn này, tất cả chúng tôi đều hổ thẹn về ông. Tương lai của thế giới tự do tùy thuộc vào thể giá của Hoa Kỳ. Ông phải biết điều đó chứ.”

Đầu cúi gầm, ngón chân vẽ những vòng tròn vơ vẩn trên sàn nhà, Cohn biểu đạt một niềm tủi nhục hoàn hảo cho đất nước Cờ Hoa. Thì bạn phải tỏ ra kính trọng cái vũ trụ đạo đức của kẻ khác, nhất là khi bạn mới trộm tiền trong tủ két của người ta chứ. Số tiền chôm trong tủ của lão Chong, Cohn nhét vào túi sau quần jean. Y cẩn thận đứng quay đít vào tường. Hồi nãy, y vừa kịp giấu tiền xong thì nghe tiếng Chong Mập đi xuống cầu thang, y chỉ kịp thì giờ chạy sang nhà bếp, ngồi xổm xuống sàn và chụp lấy chai sữa dành cho mèo.

Mời các bạn đón đọc Cái Đầu Tội Lỗi của tác giả Romain Gary.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.